Giấy phép phổ biến, số phận của một “hợp đồng vàng” bán bản quyền phân phối cho đối tác nước ngoài, cùng với cơ hội xuất hiện tại liên hoan film Cannes cũng đang chờ cục định đoạt.
Từ “Bi, đừng sợ”đến “Bụi đời chợ lớn”
Với một nền điện ảnh non trẻ như Việt Nam, việc có phim đạt những giải thưởng quốc tế danh giá như “Bi, đừng sợ” hoặc lọt vào “mắt xanh” của đối tác quốc tế như “Bụi đời chợ lớn” là rất đáng khích lệ. Nhưng những phim này đều bị các nhà quản lý “gây khó dễ” trong khâu cấp phép.
Khác với những ngành nghề khác, điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung không thể “cân đo” bằng những công thức định lượng. Chính vì vậy mà khâu thẩm định đòi hỏi các nhà quản lý phải có đủ tâm và tầm để đưa nền điện ảnh đi lên, những “hạt giống” mới gieo trồng khi được chăm bón cẩn thận mới có thể đâm hoa kết trái.
“Bi, đừng sợ” dù bị cắt xén nhiều cảnh nóng khi công chiếu ở Việt Nam nhưng vẫn xuất hiện “đàng hoàng” ở Cannes và ẵm về 2 giải thưởng. Đến lượt “Bụi đời chợ lớn”, dù được các đối tác nước ngoài dòm ngó,công sức của bao nhiêu người trong đoàn làm phim bị “đổ sông, đổ bể” vì…cảnh bạo lực.
Phải chăng, các nhà điện ảnh thế giới không biết hướng đến “chân,thiện,mỹ” khi trao giải thưởng và nhận đỡ đầu cho những bộ phim như vậy. Hay khâu thẩm định phim đang có vấn đề?
Một cảnh trong phim “Bi đừng sợ”
Nhìn sang các nền điện ảnh lớn.
Nhìn sang Ấn Độ, nơi được xem là kinh đô điện ảnh thứ 2 thế giới sau Hollywood, giấy phép phổ biến phim được phân loại tùy theo độ tuổi. Rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng áp dụng giấy phép phát hành phim theo kiểu “age rating” này như Mỹ, Anh, Thái Lan,Hàn Quốc…
Phim ảnh có tác động rất lớn đến nhận thức con người và ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của mỗi cá nhân. Chính vì vậy mà những phim có “cảnh nóng” hay “bạo lực” bị cấm đối với trẻ em. Nhưng theo bậc tăng dần của thang tuổi, con người càng có sự độc lập tương đối về nhận thức để nhìn nhận về nó một cách tỉnh táo.
Đối với một người trưởng thành, không thể cho rằng anh ta sẽ thực hiện hành vi bạo lực chỉ vì anh ta thích xem phim hành động. Cũng như, không thể đánh giá nhân cách một con người khi người đó xem phim có “cảnh nóng”.
Phân loại giấy phép phát hành phim theo độ tuổi cũng là cách phân luồng cho các nhà làm phim. Họ được quyền lựa chọn cho phim của mình theo dòng nào, kể cả những đề tài “nhạy cảm” chứ không phải làm trong tư thế sẵn sang bị cắt xén như các nhà làm phim Việt Nam.
Không thể nói cách làm này đã giải quyết được tất cả các vấn đề trong quản lý điện ảnh. Nhưng qua đó cho thấy, các nhà quản lý điện ảnh thật sự hiểu rõ sứ mệnh thẩm định của họ là đưa nền điện ảnh đi lên chứ không giới hạn những sáng tạo của nó. Trong khi những chuẩn mực vẫn không bị phá vỡ.
Cần một cơ chế phù hợp hơn.
Theo quy định của luật điện ảnh, giấy phép phổ biến phim do Bộ văn hóa-thông tin cấp phép trên cơ sở ý kiến của hội đồng thẩm định phim. Một khi quyền “sinh sát” được giao cho một nhóm người mà không có những tiêu chí cụ thể thì rất dễ phát sinh tiêu cực. Nhất là khi việc thẩm định phim có đặc thù là phụ thuộc vào cảm tính.
Johny Trí Nguyễn trong “Bụi đời chợ lớn”
Có vẻ như, các nhà thẩm định không phân biệt được khoảng cách giữa nghệ thuật và đời sống khi cứ lặp lại kiểu lý luận “không phản ánh đúng thực trạng xã hội Việt Nam”.Với kiểu lý luận đó thì không có thể loại phim hành động hay viễn tưởng nào có thể được sản xuất.
Rất dễ để quy các phim phạm vào những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh theo nghị định 54/2010/NĐ-CP đặc biệt là đối với những phim có cảnh bạo lực. Trên thực tế, kiểm thẩm định phim như vậy đã làm cho không ít phim phải tốn chi phí dàn dựng lại ngoài dự kiến.
Nền điện ảnh Việt Nam đang có những nhân tố mới trong quá trình hội nhập với điện ảnh thế giới. Các nhà sản xuất không thể “đơn thương độc mã” ra biển lớn khi gặp những khó khăn không đáng có trong khâu kiểm duyệt.
Với một nền kinh tế thiên về xuất khẩu nguyên liệu thô, việc có những sản phẩm văn hóa được ghi nhận, có thể xuất khẩu là một bước chuyển rất lớn. Hơn nữa, quảng bá điện ảnh không chỉ là vấn đề doanh thu của phim, mà còn thể hiện sức ảnh hưởng của nền văn hóa đó.
Các nhà quản lý cần có cơ chế kiểm duyệt phù hợp và thông thoáng hơn cho các nhà sản xuất điện ảnh. Không thể bám mãi vào những định kiến mà không đón nhận những luồng gió mới phù hợp với xu hướng hội nhập điện ảnh thế giới.
Linh Nguyên