Nhiều văn bản ban hành trái với nghị quyết Chính phủ

12/08/2015 08:31 AM

Nghị quyết 19 ra đời với kỳ vọng sẽ giảm thời gian, thủ tục hành chính giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nhưng thực tế lại không như vậy.

Đó là thực tế được các đại biểu đưa ra tại cuộc tọa đàm Nâng cao năng lực cạnh tranh - nhìn từ lĩnh vực hải quan do báo điện tử chinhphu.vn tổ chức ngày 11-8.

Nghị quyết 19 của Chính phủ xác định rõ mục tiêu trong hai năm tới là tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Cùng với đó là cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng chuyển sang hậu kiểm. Đồng thời đưa các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 6 vào năm 2015 và ASEAN 4 vào năm 2016.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng Nghị quyết 19 đặt ra mục tiêu đầy tham vọng, thách thức. Chẳng hạn từ mục tiêu thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới ngang bằng các nước ASEAN 6 chuyển sang nhóm các nước ASEAN 4. Nhưng điều lo ngại nhất hiện nay là sự vào cuộc thiếu quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương. Đến nay nhiều địa phương vẫn chưa nắm được tinh thần Nghị quyết 19, chưa thực sự vào cuộc để cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo ông Cung, hải quan đã chủ động tích cực rà soát hơn 300 văn bản nhưng cho đến nay mới chỉ rà soát ở mức khởi động. Nhìn chung cải cách về văn bản hành chính vẫn chưa đạt. “Tôi quan sát thấy chậm so với yêu cầu của nghị quyết và sự chỉ đạo của Thủ tướng” - ông Cung đánh giá.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam, đánh giá thời gian qua, một số bộ, ngành còn ban hành các văn bản đi ngược lại tinh thần Nghị quyết 19 như Thông tư kiểm tra an toàn thực phẩm do Bộ Y tế ban hành đã yêu cầu các DN buộc phải thực hiện thủ tục kiểm tra, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của bộ mới được nhập khẩu hàng hóa.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, với quy định này vô hình lại gây phiền hà cho DN trong giải quyết thủ tục hành chính. DN lại phải chạy về Bộ xin cấp giấy rồi mang trình cơ quan hải quan thì mất nhiều thời gian. “Thông thường cơ quan nào kiểm tra thì cơ quan ấy cấp, có những việc không nhất thiết phải cơ quan hành chính cấp. Nghị quyết 19 ra đời khá nhiều DN tỏ ra háo hức bởi việc giảm thời gian lưu bãi, thủ tục hành chính sẽ giúp các đơn vị tiết kiệm chi phí rất nhiều. Thế nhưng thực tế lại không như vậy” - ông Thân băn khoăn.

Ông Cung cho rằng thông tư của Bộ Y tế không cá biệt nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của DN. Quy định của Bộ Y tế sẽ khiến cho DN tốn nhiều chi phí về kho bãi, giảm lợi nhuận vì mất thời gian làm thủ tục.

Vì vậy, TS Nguyễn Đình Cung đặt vấn đề tại sao các nước khác làm được mình không làm được? Những mô hình về cải cách hành chính trên thế giới đã khá thành công; thậm chí không cần phải sáng tạo gì thêm. Việt Nam chỉ cần học tập và bê nguyên mô hình áp dụng. Hiện nay, nghị định đã ban hành nên các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm túc và có đánh giá hằng tháng. Nếu không thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra cần có sự thay thế, thậm chí cả lãnh đạo.

“Nhiều quy định quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh. Vấn đề là các bộ trưởng, chủ tịch UBND địa phương vào cuộc một cách cụ thể, triển khai thực sự, ai không làm được thì thay. Sửa một thông tư cũng chỉ mất một tháng, thậm chí một tuần cũng làm được” - ông Cung nêu quan điểm.

TRÀ PHƯƠNG

Theo Pháp luật TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,279

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]