Cho sinh viên vay vốn: Rất khó thu nợ

07/01/2008 11:35 AM

- Nhu cầu được vay vốn đang gia tăng bởi mỗi năm có hơn một triệu sinh viên mới được tuyển vào các trường ĐH, CĐ, chưa kể số học sinh ở các trường trung cấp chuyên nghiệp. Vấn đề đáng lo lúc này là số tiền đã phát ra rất khó thu hồi.

- Nhu cầu được vay vốn đang gia tăng bởi mỗi năm có hơn một triệu sinh viên mới được tuyển vào các trường ĐH, CĐ, chưa kể số học sinh ở các trường trung cấp chuyên nghiệp. Vấn đề đáng lo lúc này là số tiền đã phát ra rất khó thu hồi.

Tin vui đến với hơn nửa triệu học sinh, sinh viên khi họ đã nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước với số vốn vay lên đến hơn 2.200 tỷ đồng chỉ trong vòng hơn 2 tháng kể từ đầu năm học này. Nhu cầu được vay vẫn đang gia tăng bởi mỗi năm có hơn một triệu sinh viên mới được tuyển vào các trường ĐH, CĐ, chưa kể số học sinh ở các trường Trung cấp chuyên nghiệp. Vấn đề đáng lo lúc này là liệu số tiền đã phát ra có thể thu hồi lại kịp thời hay không để tiếp tục đem đến cơ hội cho những sinh viên nghèo sau này.

Người được vay có tính đến phương án trả nợ?

Lãi suất cho học sinh, sinh viên vay theo quy định mới chỉ có 0,5%, giảm so với mức cho vay trước đây (0,65%/tháng). Mức lãi suất này tương đương 50% lãi suất cho vay thương mại. Cộng với thủ tục cho vay không quá khắt khe, không cần thế chấp nhà cửa... khiến cho việc vay vốn trở nên hấp dẫn với các gia đình, đặc biệt là những người có mức thu nhập trung bình thấp ở các vùng nông thôn. Bạn Trần Thị Nhài, sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, dù đã là sinh viên năm thứ 4 nhưng bạn vẫn đăng ký được vay vốn.

Tuy nhiên, bạn Nhài cũng cho biết, thực tế cũng có những gia đình do thấy khoản vay hấp dẫn nên cứ làm thủ tục vay mà không phải để chi cho học tập của con cái: “Họ cứ vay để đấy hay làm việc khác. Điều này cho thấy việc cho học sinh, sinh viên vay vốn cũng chưa hẳn đã đến được đúng những đối tượng cần vay”. Còn Nguyễn Thành Công, sinh viên năm thứ nhất, ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho biết việc vay để giải quyết khó khăn trước mắt còn việc trả nợ thì có thể nhờ bố mẹ...

Quả thực, để đòi hỏi sinh viên trả lại số vốn được vay cộng với lãi suất trong 4 năm sau khi ra trường một năm là không dễ. “Nhờ bố mẹ vay để trả nợ 32 triệu đồng cộng lãi suất liệu có khó khăn không” - “Có lẽ em sẽ không vay toàn bộ cả 4 năm học vì một khoản tiền lớn như vậy, bố mẹ em khó mà lo được” - Nguyễn Thành Công trả lời. Chương trình cho sinh viên vay vốn được triển khai từ năm 2003.

Đến tháng 7-2007 đã có 144.335 người vay vốn. Tuy nhiên mới có 47.191 người trả được nợ. Số sinh viên đang dư nợ là trên 97.000 người với tổng số dư nợ là 297 tỷ đồng. Điều này cho thấy, thực tế vay thì dễ những để trả nợ lại là chuyện rất nan giải.

Vay vốn đi học - Trả nợ ai lo? (ảnh có tính minh họa)


Lấy bằng tốt nghiệp để đảm bảo?

Bộ GD-ĐT vừa được Chính phủ yêu cầu nghiên cứu phương án ghi rõ diện học sinh, sinh viên được vay vốn học tập trên các văn bản cần thiết, có thể là bằng tốt nghiệp, sổ lao động hay văn bản nào khác... để sau khi ra trường các đơn vị tiếp nhận học sinh, sinh viên về làm việc có cơ sở đôn đốc hoàn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tuy nhiên, ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên cho biết vẫn chưa có ý kiến chính thức từ các trường cũng như các cơ quan chức năng về biện pháp này mà phải cần có ý kiến tổng hợp từ địa phương, nhà trường và các ngành liến quan.

Cũng theo ông Phùng Khắc Bình, hiện nay việc cho sinh viên vay vốn với trên 2.200 tỷ đồng chỉ trong vòng 3 tháng là một con số rất đáng quan tâm. Để kiểm soát xem sinh viên vay vốn có đúng đối tượng không, sử dụng vốn vay như thế nào đặc biệt là việc tìm hiểu khả năng thanh toán sau khi hết thời hạn cho vay là việc mà các cơ quan quản lý tiến hành làm ngay trong tháng 1-2007. Hiện tại, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã gửi công văn xuống 33 Sở GD-ĐT yêu cầu các Sở tham gia vào việc rà soát tình hình cho học sinh, sinh viên vay vốn với tối thiểu 2 trường thuộc địa bàn mình để báo cáo Bộ trước ngày 12-1.

Ngoài ra, từ 7-1, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động thương binh xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tới các tỉnh thành cả nước để thu thập thông tin. “Chúng tôi sẽ làm việc không chỉ với trường có học sinh vay vốn mà xuống tận địa phương, nơi các học sinh, sinh viên vay vốn cư trú để tìm hiểu xem thực tế thu nhập của gia đình cũng như lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục vay vốn, vấn đề thanh toán của gia đình, của địa phương...” - ông Phùng Khắc Bình khẳng định.

Ngày 12-1, một cuộc họp giữa Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Ngân hàng CSXH cũng như đại diện các trường sẽ bàn riêng về trách nhiệm của sinh viên trong việc trả vốn đã vay trong thời gian học tập.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Nguyễn Thiện Nhân, thực tế, chương trình cho học sinh, sinh viên vay vốn nhiều nước đã làm nhưng cũng gặp khó khăn vì không thu được nợ. Trong khi đó, tiền cho vay không phải là tiền của ngân hàng nào mà là tiền từ ngân sách Nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm sử dụng đồng tiền của người dân hiệu quả và có trách nhiệm thu hồi lại.

Để làm được việc này cần phải phát huy cuộc vận động sáng kiến giúp Nhà nước thu nợ. Sinh viên vay tiền đi học thì phải khẳng định trách nhiệm với Nhà nước. Trả lại tiền để cho người sau còn được đi học bởi đó là tiền xoay vòng.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 565

Ông Ngô Hướng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngân hàng TP. HCM:

Bất cứ SV nào ra trường đi làm  sẽ hoàn trả

Nhà trường là nơi giáo dục sinh viên không chỉ về chuyên môn mà còn về cả nhân cách cho các em. Vì vậy việc lo các em không chịu trả nợ là vô lý. Mỗi năm trường tôi có vài chục sinh viên vay tín dụng, và các em đều trả. Năm nay số lượng sinh viên vay tiền để học tập có tăng lên những tôi tin rằng khi các em ra trường có điều kiện sẽ trả hết nợ.

Nếu có những sinh viên ra trường gặp khó khăn, không hoàn trả ngay được thì có thể coi như là rủi ro của hoạt động ngân hàng vì kể cả cho các đối tượng khác vay tiền ngân hàng cũng có thể gặp rủi ro.

Bằng tốt nghiệp của sinh viên có thể coi như vật bảo đảm, nhà trường có thể giữ lại và cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp hay photo bằng, công chứng cho các em. Đó cũng chỉ là trong trường hợp ngân hàng yêu cầu giữ bằng. Còn nếu tin tưởng các em thì cũng không cần thiết phải làm như thế.

Ông Phùng Xuân Nhạ, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia HN:

Giữ bằng tốt nghiệp cho đến khi  trả hết nợ?

T  heo tôi có thể áp dụng phương pháp chưa trả xong nợ thì nhà trường sẽ giữ bằng tốt nghiệp. Nếu sinh viên cần ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp thì có thể ký hợp đồng 3 bên giữa doanh nghiệp - nhà trường - người lao động trên cơ sở tự nguyện để đảm bảo rằng sinh viên này đã tốt nghiệp.

Còn đối với đào tạo theo địa chỉ trường sẽ thay mặt sinh viên ký hợp đồng với bên sử dụng lao động. Trường hợp đi làm chỗ khác sẽ cấp giấy chứng nhận để đi làm. Khi nào trả nợ xong, người lao động mang giấy báo của ngân hàng đến nộp cho nhà trường và nhận bằng về.

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn