Chậm tiến độ một năm, dự án FDI có thể bị thu hồi

12/02/2014 09:16 AM

Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa công bố dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi theo hướng tạo môi trường thuận lợi, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư và hạn chế hiện tượng chuyển giá, bỏ hoang dự án...

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, sau 8 năm triển khai, Luật Đầu tư đang bộc lộ một số hạn chế khiến quá trình thu hút đầu tư dàn trải, thiếu tính thống nhất, minh bạch và chưa hướng vào thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao hơn cũng như tạo mặt bằng pháp lý bình đẳng cho các nhà đầu tư. Do vậy, để nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng quá trình tái cấu trúc và hội nhập sâu, cơ quan điều hành nhận thấy đề xuất sửa luật.


Luật Đầu tư sẽ được sửa đổi nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút vốn đầu tư của Việt Nam. Ảnh: HH

Để đảm bảo tính ổn định, công bằng dự thảo quy định không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong trường hợp pháp luật thay đổi, các ưu đãi với nhà đầu tư sẽ được duy trì. Theo đánh giá Ngân hàng thế giới (WB), cơ chế bảo vệ nhà đầu tư là một trong những vấn đề Việt Nam cần cải thiện nhằm tạo dựng môi trường đầu tư an toàn, tin cậy và có sức hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực.

Các quy định về lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư được sửa đổi theo hướng ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới; các dự án đầu tư vào nông, lâm, ngư nghiệp; sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, có giá trị gia tăng cao... Nút thắt trong thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng cũng được tháo gỡ nhằm khắc phục tình trạng nhà đầu tư phải chuẩn bị trung bình 18 loại giấy tờ để triển khai dự án như hiện nay.

Giấy chứng nhận đầu tư sẽ được thay bằng giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm phản ánh đúng bản chất của loại giấy này là ghi nhận việc nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án, không phải là nhà nước xác nhận việc nhà đầu tư đã thực hiện dự án. Đồng thời, cơ chế một cửa cũng được thiết lập để giải quyết tập trung các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng thông qua Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi cũng đề ra những quy định nghiêm ngặt hơn để hạn chế mặt trái của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đó, chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị nhập khẩu sẽ được giám định để thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu hoặc làm căn cứ xác định giá tính thuế, góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá của một số doanh nghiệp.

Sau 12 tháng kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký, nếu nhà đầu tư không triển khai theo đúng tiến độ, cơ quan quản lý sẽ tiến hành thu hồi giấy phép đầu tư. Cơ chế phạt này cũng áp dụng với trường hợp không liên lạc được với chủ đầu tư hoặc không tìm được địa điểm mới sau khi bị tước quyền sử dụng đất.

Trường hợp không đủ điều kiện triển khai, nhà đầu tư được quyền xin tạm ngừng, giãn tiến độ dự án, song không quá 36 tháng (3 năm) và phải thông báo cho cơ quan quản lý. Trong trường hợp tạm ngừng vì lý do khách quan, dự án sẽ được xem xét miễn, giảm tiền thuê đất

Theo Luật Đầu tư hiện nay, việc thu hồi dự án khi mất liên lạc với chủ đầu tư và giới hạn thời gian tạm ngừng, giãn tiến độ chưa được quy định, khiến nhiều dự án bị bỏ hoang do không còn năng lực triển khai, trong khi điều kiện pháp lý chưa cho phép cơ quan chức năng giải quyết triệt để, giao cho nhà đầu tư khác. Quy định này cũng tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, các chủ nợ, thanh lý tài sản của doanh nghiệp có chủ đầu tư bỏ trốn.  

Dự án Luật đang được lấy ý kiến của các cơ quan chức năng và các bên liên quan, nếu được thông qua, dự kiến các quy định mới có hiệu lực từ 1/7/2015. Tuy nhiên, các dự án, doanh nghiệp hoạt động trước thời điểm Luật sửa đổi có hiệu lực sẽ tiếp tục thực hiện theo Luật Đầu tư 2005 và Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp. Khi có nhu cầu, nhà đầu tư có thể chuyển sang Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Hiện Việt Nam phải đối mặt sự cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt từ các nước trên thế giới và trong khu vực, trong khi năng lực cạnh tranh quốc gia còn nhiều hạn chế. Theo bảng xếp hạng của WB về môi trường kinh doanh toàn cầu tháng 10/2013, Việt Nam đứng thứ 99 trên 189 nền kinh tế, trong khi Campuchia tăng 23 bậc, Indonesia, Philippines tăng 19 bậc.

WB nhận định, thứ hạng của Việt Nam không thay đổi dù từ năm 2005 đến nay đã thực hiện 21 cải cách, nhiều nhất trong khu vực Đông Á- Thái Bình Dương. Trong cuộc khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp cũng thống nhất kiến nghị sửa đổi Luật Đầu tư để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch hơn nữa cho hoạt động đầu tư.

Phương Linh

Theo VnExpress

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,304

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn