Người dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước giải trình

12/08/2013 09:32 AM

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 90/2013/NĐ-CP quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Với Nghị định này, người dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước giải trình về những nội dung liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Nội dung yêu cầu giải trình phải có căn cứ

Theo quy định tại Nghị định 90, giải trình là việc cơ quan nhà nước cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó. Người yêu cầu giải trình là cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải trình về những nội dung liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Người giải trình phải là người đứng đầu cơ quan nhà nước hoặc người được người đứng đầu cơ quan nhà nước ủy quyền thực hiện việc giải trình.

Người yêu cầu giải trình có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện yêu cầu giải trình; được rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu giải trình; được nhận văn bản giải trình của cơ quan có trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, người yêu cầu giải trình cũng có nghĩa vụ thực hiện các trình tự, thủ tục về yêu cầu giải trình theo quy định của Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Nội dung yêu cầu giải trình phải liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải trình và thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của cơ quan được yêu cầu. Người yêu cầu giải trình phải trình bày rõ ràng, trung thực, có căn cứ về nội dung yêu cầu giải trình, đồng thời, phải cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung yêu cầu giải trình.

Đảm bảo quyền lợi cả 2 bên

Cũng theo quy định tại Nghị định 90, việc thực hiện trách nhiệm giải trình phải bảo đảm công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời và đúng thẩm quyền; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Yêu cầu giải trình phải được thực hiện bằng văn bản hoặc trực tiếp tại cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải trình. Yêu cầu giải trình được tiếp nhận và vào sổ.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu, người giải trình phải thông báo cho người yêu cầu về việc tiếp nhận hoặc từ chối và nêu rõ lý do. Trường hợp yêu cầu giải trình không thuộc trách nhiệm thì hướng dẫn người yêu cầu gửi đến đúng cơ quan có trách nhiệm giải trình. Trường hợp nội dung yêu cầu đã được giải trình nhưng có người khác yêu cầu giải trình thì cung cấp bản sao văn bản đã giải trình cho người đó.

Nghị định cũng nêu rõ, đối với những yêu cầu giải trình trực tiếp có nội dung đơn giản, người giải trình có thể thực hiện giải trình trực tiếp và người yêu cầu giải trình ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào biên bản thực hiện việc giải trình. Đối với những yêu cầu giải trình khác, người giải trình phải nghiên cứu nội dung yêu cầu giải trình; thu thập, xác minh thông tin có liên quan; làm việc trực tiếp với người yêu cầu giải trình để làm rõ những nội dung có liên quan khi thấy cần thiết. Sau đó, ban hành văn bản giải trình và gửi văn bản giải trình đến người yêu cầu giải trình. Trong trường hợp cần thiết thì công bố công khai văn bản giải trình theo quy định của pháp luật.

Thời hạn thực hiện việc giải trình không quá 15 ngày kể từ ngày ra thông báo tiếp nhận yêu cầu giải trình. Trường hợp có nội dung phức tạp thì có thể gia hạn thời gian giải trình. Thời gian gia hạn thực hiện việc giải trình không quá 15 ngày, kể từ ngày gia hạn và phải thông báo bằng văn bản đến người yêu cầu giải trình. 

Nghị định 90 sẽ hiệu lực thi hành từ ngày 30/9/2013.

Quang Minh

Theo Pháp luật VN

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,855

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn