Nên chăng “trẻ hóa” độ tuổi kết hôn?

15/08/2012 11:19 AM

Xã hội phát triển dẫn đến tình trạng trẻ em dậy thì và phát triển ngày càng sớm, trong đó một bộ phận giới trẻ có xu hướng quan hệ yêu đương và bước vào cuộc sống gia đình sớm hơn. Từ thực tế đó, nhiều chuyên gia cho rằng Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2000 cần phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định, trong đó có quy định về tuổi kết hôn để phù hợp hơn với sự phát triển xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc cải cách và hội nhập quốc tế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bất cập từ thực tiễn

So với thời điểm hơn 10 năm trước, khi Luật HN&GĐ năm 2000 được ban hành, hiện nay trẻ em dậy thì và phát triển sớm hơn, trong đó một bộ phận giới trẻ có xu hướng quan hệ yêu đương và bước vào cuộc sống gia đình khá sớm. Không còn là hy hữu những câu chuyện các bé gái dưới 16 tuổi nhưng về tâm sinh lý đã phát triển khá đầy đủ, dạn dĩ và chủ động bước vào chuyện yêu đương.

Trong đó có một số trường hợp, do đã trót “ăn cơm trước kẻng” nên đôi trẻ được hai bên gia đình cho tổ chức hôn lễ, nhưng việc đăng ký kết hôn thì phải chờ đến khi cô gái 18 tuổi theo quy định của pháp luật. Trường hợp “cô dâu” dưới 16 tuổi đã phát sinh một vấn đề: Có nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chồng về hành vi “Giao cấu với trẻ em” mà nạn nhân là chính vợ mình?.

Theo quan điểm của ông Vũ Việt Hùng (Phó Vụ trưởng Vụ 1A, VKSNDTC) thì trong những trường hợp trên nên áp dụng pháp luật mềm dẻo, không quá cứng nhắc. Đối với những trường hợp hai bên thuận tình, tự nguyện và có tình cảm yêu đương thực sự với nhau thì nên thay hình phạt tù giam bằng các biện pháp khác như án treo, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ...

Thậm chí, đối với một số trường hợp mà đôi trai gái tự nguyện yêu đương, sống chung, sinh con đẻ cái từ khi cô gái dưới 16 tuổi, nay vợ chồng họ vẫn chung sống ổn định hạnh phúc thì thiết nghĩ hành vi “Giao cấu với người dưới 16 tuổi” đã không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, ở một góc độ nào đó, có thể hiểu rằng pháp luật “chấp nhận” cho những cuộc “hôn nhân sớm” - khi mà thời điểm bắt đầu cuộc sống hôn nhân người nữ chưa đủ tuổi luật pháp quy định.

Kiến nghị “trẻ hóa” độ tuổi kết hôn?

Trước thực tế trên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, việc Luật HN&GĐ quy định người nữ phải từ 18 tuổi, nam từ 20 tuổi mới được phép đăng ký kết hôn đã có những biểu hiện lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Bất cập rõ nhất của quy định về độ tuổi này trong thực tiễn là sự thiệt thòi, “bất bình đẳng” đối với nữ giới; chưa kể quy định nữ phải 18 tuổi mới “được phép” kết hôn là “lạc hậu” không theo kịp sự phát triển của xã hội.

Thực tế hiện nay, ở nhiều vùng miền địa phương, nhiều trường hợp người nữ chưa đủ 18 tuổi (tuổi pháp luật quy định được phép kết hôn) nhưng họ vẫn lấy chồng, sinh con đẻ cái và thực hiện đầy đủ các thiên chức của người vợ, người mẹ. Vậy quy định họ buộc phải chờ đủ 18 tuổi mới được đăng ký kết hôn chẳng phải là gây thiệt thòi, làm phương hại đến quyền lợi của họ?

Bên cạnh đó, quy định nữ bước sang tuổi 18 kết hôn được coi là hợp pháp nhưng Luật lại không quy định cụ thể họ có quyền tham gia tất cả các giao dịch liên quan đến tài sản trong hôn nhân vì nhiều giao dịch như giao dịch về bất động sản, tín dụng... theo pháp luật hiện hành đòi hỏi chủ thể của giao dịch phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên.

Mặt khác, cũng theo Luật HN &GĐ hiện hành, nữ bước sang tuổi 18 đã được đăng ký kết hôn. Có điều, nếu muốn ly hôn thì họ phải từ đủ 18 tuổi vì pháp luật về tố tụng dân sự quy định, cá nhân phải đủ 18 tuổi mới có thể tự mình là chủ thể của các quan hệ tố tụng. Vì vậy, dự kiến Luật HN&GĐ sẽ sửa đổi theo hướng quy định nam nữ đủ 18 tuổi sẽ được phép đăng ký kết hôn.

Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Hường (giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội) thì không nên tranh cãi về độ tuổi kết hôn ở khía cạnh “tròn hay đủ”, mà phải dựa trên cơ sở tâm sinh lý của người kết hôn, phong tục tập quán... khi “rất nhiều trường hợp không đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn chung sống, vẫn sinh con đẻ cái”.

Hơn nữa, xét ở góc độ khoa học tâm sinh lý, thì tuổi trưởng thành ở nữ giới thường sớm hơn nam. Vậy nên bà Hường kiến nghị, tới đây nên sửa đổi Luật HN&GĐ theo hướng hạ tuổi kết hôn đối với nữ là 16 hoặc 17.

Đồng quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Bích Lan (Văn phòng Luật sư số 5, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cũng cho rằng việc hạ độ tuổi kết hôn là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển tự nhiên của xã hội. Theo bà Lan, nếu như cách đây 10 năm khi Luật HN&GĐ năm 2000 được ban hành, tuổi dậy thì trung bình của trẻ em Việt Nam là 13-14 tuổi thì hiện nay tuổi dậy thì trung bình đã khác: 9-12 tuổi. Chính vì vậy, cần thiết phải hạ độ tuổi kết hôn xuống để cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện đại; tuy nhiên hạ đến tuổi nào thì cần phải bàn bạc, cân nhắc.

Nhưng theo bà Bùi Thị Dung Huyền (Viện Khoa học xét xử, TAND tối cao) thì qua theo dõi tổng hợp ý kiến từ các toà án địa phương thuộc tất cả các vùng miền trong cả nước cho thấy: Đa số các tòa án địa phương cho rằng quy định độ tuổi kết hôn như hiện nay là phù hợp.

Theo bà Huyền, khó có thể dựa vào đặc điểm tâm sinh lý của người kết hôn để cho phép kết hôn mà pháp luật phải có quy định chung, đó là nữ phải đủ 18 tuổi và nam đủ 20 tuổi trở lên mới được kết hôn. Hơn nữa, khung pháp luật đã quy định công dân phải đủ 18 tuổi mới có năng lực hành vi đầy đủ thì việc hạ độ tuổi kết hôn là khó có tính khả thi.

Công Thành

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,841

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn