Trường hợp nào thu hồi tài sản công tại cơ quan nhà nước?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
03/05/2024 14:00 PM

Xin cho tôi hỏi trường hợp nào thu hồi tài sản công tại cơ quan nhà nước? - Bình An (Bắc Ninh)

Trường hợp nào thu hồi tài sản công tại cơ quan nhà nước? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Trường hợp nào thu hồi tài sản công tại cơ quan nhà nước?

Theo khoản 1 Điều 41 Luật Quản lý tài sản công 2017 quy định tài sản công bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

- Trụ sở làm việc không sử dụng liên tục quá 12 tháng;

- Được Nhà nước giao trụ sở mới hoặc đầu tư xây dựng trụ sở khác để thay thế;

- Tài sản được sử dụng không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; sử dụng sai mục đích, cho mượn;

- Chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, sử dụng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định;

- Tài sản đã được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc sử dụng, khai thác không hiệu quả hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đổi tổ chức bộ máy, thay đổi chức năng, nhiệm vụ;

- Phải thay thế do yêu cầu đổi mới kỹ thuật, công nghệ theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền;

- Cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tự nguyện trả lại tài sản cho Nhà nước;

- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Cơ quan nhà nước có tài sản bị thu hồi có trách nhiệm bàn giao tài sản cho cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công theo đúng quyết định thu hồi. Nghiêm cấm việc tháo dỡ, thay đổi các bộ phận của tài sản đã có quyết định thu hồi.

2. Ai có thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản công?

Thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản công trong các trường hợp nêu tại mục 1 được quy định như sau:

(1) Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thu hồi:

- Trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước thuộc trung ương quản lý;

- Tài sản không phải là trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước thuộc trung ương quản lý phải thu hồi nhưng bộ, cơ quan trung ương không thu hồi;

- Trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc địa phương quản lý phải thu hồi nhưng địa phương không thu hồi.

(2) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thu hồi đối với tài sản công không phải là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.

(3) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản công của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

(4) Trường hợp phát hiện tài sản công do cơ quan nhà nước thuộc trung ương quản lý trên địa bàn địa phương bị sử dụng sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức, chế độ do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, cho thuê hoặc thực hiện các hoạt động khác không đúng quy định mà phải thu hồi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định thu hồi theo thẩm quyền quy định tại khoản (1), (2).

(Điều 17 Nghị định 151/2017/NĐ-CP)

3. Tài sản công bị thu hồi được xử lý theo các hình thức nào?

Tài sản công bị thu hồi được xử lý theo các hình thức sau đây:

- Giao cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng theo quy định tại Điều 29 Luật Quản lý tài sản công 2017;

- Điều chuyển theo quy định tại Điều 42 Luật Quản lý tài sản công 2017;

- Bán, thanh lý theo quy định tại Điều 43 và Điều 45 Luật Quản lý tài sản công 2017;

- Tiêu hủy theo quy định tại Điều 46 Luật Quản lý tài sản công 2017;

- Hình thức xử lý khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

(Khoản 4 Điều 41 Luật Quản lý tài sản công 2017)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 325

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn