Ưu đãi đầu tư có thể thay đổi trong quá trình thực hiện dự án đầu tư không?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
12/04/2024 15:30 PM

Cho tôi hỏi, trong thời gian thực hiện dự án đầu tư thì ưu đãi đầu tư có thể thay đổi được không? – Quang Minh (Lào Cai)

Ưu đãi đầu tư có thể thay đổi trong quá trình thực hiện dự án đầu tư không?

Ưu đãi đầu tư có thể thay đổi trong quá trình thực hiện dự án đầu tư không? (Hình từ internet)

Ưu đãi đầu tư có thể thay đổi trong quá trình thực hiện dự án đầu tư không?

Để khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện các dự án đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam, Chính phủ sẽ đưa ra những chính sách ưu đãi đầu tư với những hình thức và điều kiện được áp dụng cụ thể.

Một dự án đầu tư thông thường sẽ kéo dài 2, 3 năm có khi lên tới 10 năm đối với những dự án đầu tư với quy mô lớn. Với khoảng thời gian dài như vậy, sẽ có trường hợp trong thời gian đang thực hiện dự án, chính sách pháp luật về ưu đãi đầu tư bị thay đổi. Pháp luật quy định như thế nào về trường hợp này?

Đối với những trường hợp này, Điều 13 Luật Đầu tư 2020 quy định như sau:

(1) Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư mới, ưu đãi đầu tư cao hơn thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư, trừ ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án đầu tư thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 5 Điều 20 của Luật Đầu tư 2020.

(2) Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư.

Tuy nhiên, trường hợp ưu đãi mới thấp hơn ưu đãi hiện hưởng vì lí do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường thì nhà đầu không được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư. Thay vào đó, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày văn bản pháp luật mới có hiệu lực thi hành, nhà đầu tư có thể gửi yêu cầu để được áp dụng các biện pháp bảo đảm đầu tư sau:

- Khấu trừ thiệt hại thực tế của nhà đầu tư vào thu nhập chịu thuế;.

- Điều chỉnh mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư;

- Hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục thiệt hại.

*Về bảo đảm ưu đãi đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật được hướng dẫn tại Điều 4 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Như vậy, có thể thấy, khi có thay đổi pháp luật làm thay đổi ưu đãi đầu tư, thì ưu đãi đầu tư có thể thay đổi và áp dụng mức ưu đãi đầu tư đó đối với khoảng thời  gian còn lại của dự án. Chính phủ sẽ ưu tiên cho nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi đầu tư tốt nhất.

Những ưu đãi đầu tư theo pháp luật hiện hành

Theo khoản 1 Điều 15 Luật Đầu tư 2020, những hình thức ưu đãi đầu tư hiện nay:

- Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;

- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

- Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;

- Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Đối tượng có thể được hưởng những ưu đãi đầu tư trên gồm:

- Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Đầu tư 2020;

- Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Đầu tư 2020;

- Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động;

- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;

- Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

- Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển;

- Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

(Khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư 2020 được hướng dẫn chi tiết tại Điều 19 Nghị định 31/2021/NĐ-CP).

Trương Quang Vĩnh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 328

Bài viết về

lĩnh vực Đầu tư

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn