Trường hợp nào công chứng viên không được nhận và công chứng bản dịch?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
23/11/2023 16:45 PM

Xin cho tôi hỏi trường hợp nào công chứng viên không được nhận và công chứng bản dịch? - Đại Nam (Bắc Ninh)

Trường hợp nào công chứng viên không được nhận và công chứng bản dịch? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quy định về công chứng bản dịch như thế nào?

Căn cứ Điều 61 Luật Công chứng 2014 quy định về việc công chứng bản dịch như sau:

- Việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. 

Cộng tác viên phải là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó. Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện.

- Công chứng viên tiếp nhận bản chính giấy tờ, văn bản cần dịch, kiểm tra và giao cho người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình thực hiện. Người phiên dịch phải ký vào từng trang của bản dịch trước khi công chứng viên ghi lời chứng và ký vào từng trang của bản dịch.

Từng trang của bản dịch phải được đóng dấu chữ “Bản dịch” vào chỗ trống phía trên bên phải; bản dịch phải được đính kèm với bản sao của bản chính và được đóng dấu giáp lai.

- Lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; họ tên người phiên dịch; chứng nhận chữ ký trong bản dịch đúng là chữ ký của người phiên dịch; chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

2. Trường hợp nào công chứng viên không được nhận và công chứng bản dịch?

Theo khoản 4 Điều 61 Luật Công chứng 2014 nêu rõ công chứng viên không được nhận và công chứng bản dịch trong các trường hợp sau đây:

- Công chứng viên biết hoặc phải biết bản chính được cấp sai thẩm quyền hoặc không hợp lệ; bản chính giả;

- Giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch đã bị tẩy xoá, sửa chữa, thêm, bớt hoặc bị hư hỏng, cũ nát không thể xác định rõ nội dung;

- Giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch thuộc bí mật nhà nước; giấy tờ, văn bản bị cấm phổ biến theo quy định của pháp luật.

3. Công chứng viên có được đưa vào lời chứng những nội dung nhằm giảm bớt trách nhiệm của mình không?

Theo Điều 24 Thông tư 01/2021/TT-BTP quy định lời chứng của công chứng viên như sau:

- Lời chứng của công chứng viên là bộ phận cấu thành của văn bản công chứng.

- Mẫu lời chứng ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BTP bao gồm:

+ Lời chứng của công chứng viên áp dụng chung đối với hợp đồng (giao dịch); lời chứng đối với hợp đồng ủy quyền trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng để ký hợp đồng; lời chứng đối với di chúc và các văn bản có liên quan đến di chúc; lời chứng đối với văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản; lời chứng đối với văn bản từ chối nhận di sản;

+ Lời chứng đối với bản dịch.

- Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 46, khoản 3 Điều 61 Luật Công chứng 2014, các mẫu lời chứng và ghi chú cách ghi lời chứng ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BTP, công chứng viên soạn thảo lời chứng phù hợp với từng hợp đồng, giao dịch cụ thể.

Công chứng viên không được đưa vào lời chứng những nội dung nhằm trốn tránh, giảm bớt trách nhiệm của mình hoặc nội dung vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Như vậy, theo quy định nêu trên, công chứng viên không được đưa vào lời chứng những nội dung nhằm trốn tránh, giảm bớt trách nhiệm của mình hoặc nội dung vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội.

4. Cộng tác viên phiên dịch của tổ chức hành nghề công chứng có quyền và nghĩa vụ gì?

Quyền và nghĩa vụ của cộng tác viên phiên dịch của tổ chức hành nghề công chứng được quy định tại khoản 3 Điều 22 Thông tư 01/2021/TT-BTP như sau:

- Nhận thù lao phiên dịch theo thỏa thuận với tổ chức hành nghề công chứng;

- Chịu trách nhiệm về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện;

- Hoàn trả số tiền mà tổ chức hành nghề công chứng đã bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra theo quy định tại Điều 38 Luật Công chứng 2014;

- Chấp hành các quy định của pháp luật về dịch thuật, nội quy làm việc của tổ chức hành nghề công chứng;

- Các quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận với tổ chức hành nghề công chứng hoặc theo quy định của pháp luật.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 831

Bài viết về

lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn