Danh sách thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV gồm những ai?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
07/11/2023 10:45 AM

Tôi muốn biết Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV gồm những ai? Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào? – Trúc Linh (Cần Thơ)

Danh sách thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV gồm những ai?

Danh sách thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV gồm những ai? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Danh sách thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV gồm những ai?

Ủy ban Pháp luật là một trong 9 ủy ban của Quốc hội, là cơ quan của Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Danh sách thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV gồm có:

(1) Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – EP.

(2) Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Pakistan, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Bí thư Chi bộ Pháp luật.

(3) Bà Trần Hồng Nguyên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Italia.

(4) Bà Nguyễn Thị Mai Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Ba Lan.

(5) Ông Ngô Trung Thành - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Bungary; Ủy viên Ban Thường trực Trung ương Hội Luật gia Việt Nam; Chi hội trưởng Hội luật gia Văn phòng Quốc hội

(6) Bà Nguyễn Phương Thuỷ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Lào; Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội; Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Luật gia Văn phòng Quốc hội.

(7) Ông Đồng Ngọc Ba - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

(8) Ông Đỗ Đức Hiển - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Thụy Sĩ.

(9) Ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Séc.

(10) Bà Trần Thị Kim Nhung - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Nam Phi.

(11) Ông Tô Văn Tám - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Kazakhstan.

(12) Ông Lê Thanh Hoàn - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Brasil.

(13) Ông Bùi Mạnh Khoa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Thụy Điển.

Ủy ban Pháp luật có những nhiệm vụ và quyền hạn gì?

Cụ thể tại Điều 70 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban Pháp luật như sau:

- Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh về dân sự, hành chính, về tổ chức bộ máy nhà nước, trừ tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp; thẩm tra các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao; thẩm tra đề nghị của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị của đại biểu Quốc hội về luật, pháp lệnh; giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

- Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm kỹ thuật lập pháp đối với các dự án luật, dự án pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua; thẩm tra kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đề nghị của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận hoặc của đại biểu Quốc hội về văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp.

- Chủ trì thẩm tra đề án về thành lập, bãi bỏ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác do Quốc hội thành lập; thẩm tra đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính; chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

- Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dân sự, hành chính, về tổ chức bộ máy nhà nước, trừ tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

- Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

- Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách; kiến nghị các biện pháp cần thiết nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,258

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn