Danh mục thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý (đề xuất)

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
17/05/2024 11:30 AM

Xin hỏi những danh mục thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý trong đề xuất mới nhất gồm những danh mục gì? – Kim Thoa (Bến Tre)

Đề xuất danh mục thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý

Đề xuất danh mục thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý (Hình từ internet)

Đề xuất danh mục thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư ban hành danh mục thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý.

Theo dự thảo, đối tượng áp dụng là cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động quản lý giá cước dịch vụ viễn thông; các doanh nghiệp viễn thông.

Danh mục thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý bao gồm:

- Dịch vụ viễn thông cố định mặt đất:

+ Dịch vụ truy nhập Internet.

- Dịch vụ viễn thông di động mặt đất:

+ Dịch vụ điện thoại.

+ Dịch vụ truy nhập Internet.

Như vậy theo dự thảo trên thì sắp tới đây các danh mục thị trường dịch vụ viễn thông đã được nêu trên có thể sẽ được Nhà nước quản lý.

Hiện nay, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông là cơ quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, có trách nhiệm tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước và tổ chức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về viễn thông trên phạm vi cả nước theo Điều 2 Nghị định 25/2011/NĐ-CP.

Hoạt động viễn thông bao gồm những hoạt động gì theo Luật Viễn thông 2023?

Hoạt động viễn thông bao gồm đầu tư, kinh doanh dịch vụ viễn thông cơ bản, dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, kinh doanh hàng hóa viễn thông; hoạt động viễn thông công ích; cấp, gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép viễn thông; kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông; quản lý tài nguyên viễn thông; quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng và giá dịch vụ viễn thông; xây dựng công trình viễn thông.

(Theo khoản 2, Điều 3 Luật Viễn thông 2023)

Quy định về bảo đảm bí mật thông tin trong hoạt động viễn thông

- Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

- Tổ chức, cá nhân khi gửi, truyền hoặc lưu giữ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước trên mạng viễn thông có trách nhiệm mã hóa thông tin theo quy định của pháp luật về cơ yếu.

- Thông tin riêng của mọi tổ chức, cá nhân chuyển qua mạng viễn thông công cộng được bảo đảm bí mật. Việc kiểm soát thông tin trên mạng viễn thông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm thông tin thuê bao viễn thông (tên, địa chỉ, số thuê bao viễn thông và thông tin riêng khác mà người sử dụng cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp) và thông tin về việc sử dụng dịch vụ viễn thông (số thuê bao viễn thông gửi, số thuê bao viễn thông nhận, vị trí thiết bị đầu cuối gửi, vị trí thiết bị đầu cuối nhận, thời điểm gửi, nhận, thời lượng liên lạc, địa chỉ Internet), trừ các trường hợp sau đây:

+ Người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân;

+ Các doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản về việc trao đổi, cung cấp thông tin thuê bao viễn thông, thông tin về việc sử dụng dịch vụ viễn thông của người sử dụng dịch vụ để phục vụ cho việc tính giá, lập hóa đơn;

+ Doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin thuê bao viễn thông có hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;

+ Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

(Điều 6 Luật Viễn thông 2023)

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động viễn thông

- Lợi dụng hoạt động viễn thông nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác.

- Cản trở trái pháp luật việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, gây rối, phá hoại việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, việc cung cấp và sử dụng hợp pháp các dịch vụ viễn thông.

- Thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông khi chưa được phép thực hiện theo quy định của Luật Viễn thông 2023.

- Sử dụng thiết bị, phần mềm gửi, truyền, nhận thông tin qua mạng viễn thông để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Xem thêm chi tiết Luật Viễn thông 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 429

Bài viết về

lĩnh vực Công nghệ thông tin

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn