Nội dung Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn NĐT thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (thay thế Nghị định 25/2020/NĐ-CP)

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
18/04/2024 15:16 PM

Có phải sắp tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn NĐT thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (thay thế Nghị định 25/2020/NĐ-CP)?

Sẽ có Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn NĐT thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất

Nội dung cơ bản của Nghị định thay thế Nghị định 26/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn NĐT thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (Hình từ internet)

Nội dung cơ bản Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn NĐT thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Dự thảo Nghị định

Theo đó những nội dung chủ yếu của Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (thay thế Nghị định 25/2020/NĐ-CP) gồm:

(1) Về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị định

Dự thảo Nghị định này quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Đấu thầu 2023 (gồm: khoản 3 Điều 46, khoản 5 Điều 62, khoản 2 Điều 73, khoản 4 Điều 88, khoản 2 Điều 96).

Đối với một số điều, khoản được Luật giao Chính phủ quy định chi tiết nhưng áp dụng chung cho cả lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư, Nghị định này không quy định lại mà dẫn chiếu thực hiện theo quy định tương ứng tại Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 về lựa chọn nhà thầu.

Đối với một số điều, khoản được Luật giao Chính phủ quy định chi tiết nhưng áp dụng chung cho cả lựa chọn nhà đầu tư đầu tư kinh doanh, Nghị định này không quy định lại mà dẫn chiếu thực hiệ heo quy định tương ứng tại Nghị định 23/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 về lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.

(2) Dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định

Khoản 4 Điều 1 của Nghị định 23/2024/NĐ-CP quy định 08 nhóm dự án thuộc trường hợp lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật Đất đai 2024 thì 06 nhóm dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 23/2024/NĐ-CP đã được xác định là dự án đầu tư có sử dụng đất. Do vậy, để phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2024, phạm vi điều chỉnh của Nghị định này được xác định gồm:

- Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị;

- Dự án khu dân cư nông thôn;

- Dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực và thuộc trường hợp thu hồi đất tại Điều 79 của Luật Đất đai 2024 (gồm các dự án: đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt; công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay, công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ gồm các khu chức năng hỗn hợp phục vụ mục đích công cộng và mục đích kinh doanh thương mại; đầu tư xây dựng công trình nguồn cấp nước, dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước; dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện, gồm: dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; dự án đầu tư trường đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó; đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân).

(3) Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư

Các Chương II và III Nghị định quy định chi tiết quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo Điều 46 của Luật Đấu thầu 2023; cụ thể:

(3.1) Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ (các điều 6, 7, 8, 9, 10 và 11 Chương II)

Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ được xây dựng trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện các quy định hiện hành đã được áp dụng ổn định tại Nghị định 25/2020/NĐ-CPNghị định 23/2024/NĐ-CP (các mục 2, 3, 4, 5 và 6 Chương II). Riêng Bảng theo dõi tiến độ các hoạt động trong lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo quy định tương ứng tại Nghị định 23/2024/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Nghị định làm rõ sự khác biệt trong quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu giữa các phương thức lựa chọn nhà đầu tư, cụ thể:

- Đối với phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được mở và đánh giá đồng thời với đề xuất về kỹ thuật và tài chính;

- Đối với phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính được nộp trong hai túi hồ sơ riêng biệt (hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về tài chính), chỉ mở hồ sơ đề xuất về tài chính của nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.

Đối với quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi theo phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, quy định không có nội dung khác biệt so với Nghị định 23/2024/NĐ-CP nên Nghị định quy định thực hiện theo theo quy định tương ứng tại Nghị định 23/2024/NĐ-CP.

(3.2) Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án cần xác định số lượng nhà đầu tư quan tâm (Chương III)

Nghị định quy định thủ tục lập, phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, tổ chức đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án, làm cơ sở xác định trình tự, thủ tục tiếp theo, gồm:

- Đấu thầu rộng rãi theo quy định các các Điều 6, 7, 8, 9, 10 và 11 Chương II của Nghị định hoặc Chương III của Nghị định 23/2024/NĐ-CP trong trường hợp có từ 2 nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm;

- Chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư trong trường hợp có 1 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm.

(4) Phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu

(4.1) Về phương pháp đánh giá (Điều 20)

Nghị định quy định chi tiết Điều 62 Luật Đấu thầu 2023 về phương pháp đánh giá lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước.

Theo đó, phương pháp này được sử dụng để đánh giá, xếp hạng hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư theo thang điểm tổng hợp 100 hoặc 1.000 trên cơ sở 03 tiêu chuẩn, gồm: tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư; tiêu chuẩn về phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư; tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương.

Đồng thời, Dự thảo Nghị định quy định điểm tối thiểu và tối đa đối với các tiêu chuẩn, tiêu chí mà nhà đầu tư phải đáp ứng để được đánh giá, xếp hạng. Nhà đầu tư đáp ứng điểm tối thiểu của từng tiêu chuẩn, tiêu chí và có điểm tổng hợp cao nhất được xếp hạng thứ nhất.

(4.2) Về tiêu chuẩn đánh giá (các Điều từ 21 đến 24)

Trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện quy định tại các Điều 48, 49 và 50 Nghị định 23/2024/NĐ-CP, đồng thời bổ sung tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả sử dụng đất, Dự thảo Nghị định quy định 04 tiêu chuẩn đánh giá được tính theo trọng số, mỗi tiêu chuẩn gồm các tiêu chuẩn chi tiết, mỗi tiêu chuẩn chi tiết gồm các tiêu chí khác nhau.

Dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn đánh giá thống nhất áp dụng chung cho các ngành, lĩnh vực, đồng thời quy định một số tiêu chuẩn đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực cụ thể bảo đảm sự phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của dự án đầu tư kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực.

Các tiêu chuẩn chi tiết và tiêu chí cụ thể đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi, thống nhất với một số Bộ quản lý ngành (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trưởng, Bộ Tài chính), cơ bản bảo đảm bao quát các dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định.

(5) Triển khai thực hiện dự án đầu tư kinh doanh (Chương V)

Để phù hợp với quy định tại khoản 6 và điểm d khoản 7 Điều 126 của Luật Đất đai 2024, Điều 26 Nghị định quy định nhà đầu tư trúng thầu có quyền thành lập doanh nghiệp để thực hện dự án đầu tư kinh doanh. Doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập có quyền và nghĩa vụ sau:

- Doanh nghiệp phải do nhà đầu tư trúng thầu nắm giữ 100% vốn điều lệ;

- Kế thừa quyền và nghĩa vụ thực hiện dự án đầu tư mà nhà đầu tư trúng thầu đã cam kết tại hồ sơ dự thầu và hợp đồng; Phải đáp ứng các điều kiện thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đất đai và pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực;

- Không được chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh khi chưa đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 76 của Luật Đấu thầu 2023 và các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.

Việc quy định các nội dung nêu trên là cần thiết, góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc đã phát sinh trong thời gian qua do sự thiếu rõ ràng và đầy đủ trong các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai và đấu thầu.

(6) Về xử lý tình huống (Điều 29)

Quy định về việc xử lý tình huống trong lựa chọn nhà đầu tư được kế thừa từ quy định đã thực hiện ổn định tại Điều 57 Nghị định 23/2024/NĐ-CPNghị định 25/2020/NĐ-CP, đồng thời bổ sung, chỉnh lý một số tình huống nhằm tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan có thẩm quyền, bên mời thầu áp dụng trong từng trường hợp.

Xem thêm tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Dự thảo Nghị định

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,043

Bài viết về

lĩnh vực Đấu thầu

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn