Quy định về phòng, chống phổ biến vũ khí hoá học

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
03/04/2024 14:45 PM

Cho tôi hỏi hiện nay việc phòng chống phổ biến vũ khí hóa học được quy định bao gồm những nội dung gì? – Thanh Thủy (Hòa Bình)

Quy định về phòng, chống phổ biến vũ khí hoá học (Hình từ internet)

Quy định về phòng, chống phổ biến vũ khí hoá học

Ngày 27/3/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 33/2024/NĐ-CP quy định việc thực hiện Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học, trong đó có đề cập nội dung về phòng, chống phổ biến vũ khí hoá học.

Theo đó, các nội dung về phòng, chống phổ biến vũ khí hóa học được áp dụng theo quy định tại Nghị định 81/2019/NĐ-CP về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và văn bản pháp luật khác có liên quan.

Đơn cử, tại Nghị định 81/2019/NĐ-CP có định nghĩa:

Vũ khí hủy diệt hàng loạt hay còn gọi là vũ khí hủy diệt lớn là các loại vũ khí được chế tạo, sản xuất có khả năng sát thương cao trên diện rộng, có khả năng hủy diệt, gây tổn thất lớn về sinh lực, phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất, môi trường sinh thái và gây hoảng loạn về tâm lý, tinh thần con người, bao gồm: vũ khí hạt nhân, vũ khí phóng xạ, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học và các vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Vũ khí hóa học là vũ khí dựa trên đặc tính gây độc cao và tác động nhanh của các loại hóa chất. Vũ khí hóa học bao gồm hóa chất độc và các phương tiện sử dụng như đạn dược, phương tiện đưa hóa chất độc đến mục tiêu. Vũ khí hóa học có phạm vi tác động lớn cả về tính chất, mức độ sát thương lẫn không gian, thời gian tác động; hiệu quả sát thương cao, khó phát hiện kịp thời, gây khó khăn, phức tạp cho việc phòng, chống và khắc phục hậu quả; gây thiệt hại lớn cho môi trường sinh thái và hậu quả xấu đến tính mạng và sức khỏe con người.

Từ đó, đưa ra nguyên tắc phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (trong đó có vũ khí hóa học) như sau:

(1) Tuân thủ Hiến pháp 2013, pháp luật; bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý hành vi phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; kết hợp phòng, chống phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

(2) Việc phối hợp xử lý, giải quyết về công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt phải thận trọng, tích cực, chủ động, kịp thời; đảm bảo sự thống nhất quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng theo sự chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất của Chính phủ; bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng thực thi pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức theo thẩm quyền đúng quy định của pháp luật có liên quan.

(3) Tài sản, quyền và lợi ích của bên thứ ba hợp pháp được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật; thiệt hại về tài sản và lợi ích của cá nhân, tổ chức do hành vi trái pháp luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền gây ra trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt phải được bồi thường theo quy định của pháp luật; các hành vi vi phạm về phòng chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và tài sản liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt được xử lý theo quy định của pháp luật.

Nghị định 33/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 19/5/2024.

Dư Thị Quỳnh Như

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 623

Bài viết về

lĩnh vực Hóa chất

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn