Quy trình phẫu thuật treo mi vào cơ trán bằng vật liệu nhân tạo theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
16/03/2024 16:00 PM

Cho tôi hỏi Bộ Y tế hướng dẫn như thế nào về quy trình phẫu thuật treo mi vào cơ trán bằng vật liệu nhân tạo? – Tùng Anh (Hà Nội)

Quy trình phẫu thuật treo mi vào cơ trán bằng vật liệu nhân tạo theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Quy trình phẫu thuật treo mi vào cơ trán bằng vật liệu nhân tạo theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 15/3/2024 Bộ Y tế ban hành tài liệu chuyên môn “hướng dẫn một số quy trình kỹ thuật điều trị bệnh sụp mi” kèm Quyết định 627/QĐ-BYT

Chỉ định người phẫu thuật treo mi vào cơ trán bằng vật liệu nhân tạo

Theo Hướng dẫn một số quy trình kỹ thuật điều trị bệnh sụp mi kèm Quyết định 627/QĐ-BYT năm 2024 quy định như sau:

- Phẫu thuật treo mi vào cơ trán là phẫu thuật thực hiện trên mắt có chức năng cơ nâng mi kém nhằm phục hồi sự cân đối của mi mắt ở vị trí bình thường.

- Chỉ định người phẫu thuật

Người bệnh bị sụp mi độ III, IV có chức năng cơ nâng mi kém. Phẫu thuật có thể chỉ định ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên nên phẫu thuật sớm hơn nếu sụp mi từ độ III mà gây nhược thị, lác.

- Chống chỉ định

+ Bệnh lý cấp tính của mi, hốc mắt và nhãn cầu.

+ Những trường hợp có dấu hiệu Bell (-).

+ Toàn thân: tình trạng toàn thân chưa cho phép phẫu thuật.

+ Chống chỉ định tương đối trong trường hợp người bệnh đang sử dụng thuốc chống đông máu.

Chuẩn bị phẫu thuật treo mi vào cơ trán bằng vật liệu nhân tạo

Việc chuẩn bị phẫu thuật treo mi vào cơ trán bằng vật liệu nhân tạo theo Hướng dẫn một số quy trình kỹ thuật điều trị bệnh sụp mi kèm Quyết định 627/QĐ-BYT năm 2024 như sau:

- Người thực hiện: Bác sỹ có chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa mắt hoặc bác sỹ có chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

- Phương tiện phẫu thuật treo mi vào cơ trán bằng vật liệu nhân tạo

+ Bộ phẫu thuật mi.

+ Kính lúp hay sinh hiển vi phẫu thuật.

+ Chỉ khâu Vicryl 7.0, Nylon 6.0 hoặc các loại chỉ tương đương.

+ Máy đốt điện cầm máu.

+ Dung dịch Betadin 5%.

+ Dung dịch kháng sinh và mỡ kháng sinh.

+ Vật liệu nhân tạo (dây Silicon, chỉ Gortex, PolyTetraFluoroEthylene (ePTFE) hoặc các vật liệu nhân tạo được nghiên cứu và cấp phép sử dụng trên người).

- Chuẩn bị cho người bệnh trước khi phẫu thuật

+ Giải thích cho người bệnh và người nhà về cách thức phẫu thuật, kết quả và biến chứng có thể xảy ra.

+ Người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh ký cam kết phẫu thuật.

Quy trình tiến hành phẫu thuật treo mi vào cơ trán bằng vật liệu nhân tạo

Các bước tiến hành phẫu thuật treo mi vào cơ trán bằng vật liệu nhân tạo theo Hướng dẫn một số quy trình kỹ thuật điều trị bệnh sụp mi kèm Quyết định 627/QĐ-BYT năm 2024 như sau:

- Vô cảm: Gây tê vùng phẫu thuật bằng Lidocaine hoặc Lidocain + Adrenalin (1/10000); gây mê đối với trẻ em hoặc những trường hợp không hợp tác, có thể gây tê bổ sung.

- Có thể sử dụng phương pháp rạch da mi hoặc luồn kim để treo mi vào cơ trán

- Đánh dấu đường phẫu thuật: Đánh dấu 5 vị trí phẫu thuật để luồn dây Silicon tạo thành hình thang : 3 điểm trên cung mày, 2 điểm trên bờ mi trên tương ứng nếp mi bên lành hoặc nếp mi dự định tạo.

- Sát trùng vùng phẫu thuật, thường sát trùng 2 mắt để tiện so sánh.

- Rạch da theo đường đánh dấu tương ứng nếp mi, hoặc rạch 2 lỗ nhỏ trên đường đánh dấu để chuẩn bị luồn kim.

- Với phương pháp rạch da: mở vách hốc mắt để bộc lộ sụn mi trên.

- Khâu vật liệu treo cơ trán vào bề mặt sụn trên bằng 3 mũi chỉ 6.0 Nylon hay các loại chỉ tương đương; hoặc sử dụng kim để luồn vật liệu treo vào trong diện sụn.

- Luồn vật liệu treo vào vị trí 3 đường rạch ở trán và căn chỉnh độ cong bờ mi và độ hở mi khi nhắm mắt.

- Cố định vật liệu treo cơ trán bằng các mũi chỉ buộc và vùi vào dưới da.

- Khâu da mi bằng chỉ Nylon 6.0, Vicryl 6.0 hoặc các loại chỉ tương đương

- Tra thuốc mỡ kháng sinh, băng mắt, kết thúc phẫu thuật.

Theo dõi điều trị hậu phẫu và xử lý biến chứng khi phẫu thuật treo mi vào cơ trán bằng vật liệu nhân tạo

- Điều trị sau phẫu thuật treo mi vào cơ trán bằng vật liệu nhân tạo

+ Thuốc kháng sinh và chống viêm tại chỗ và toàn thân nếu có chỉ định.

+ Thuốc giảm phù nề nếu cần.

+ Thuốc dinh dưỡng giác mạc.

+ Cắt chỉ: thường sau 7 ngày khi mép phẫu thuật đã liền tốt.

- Theo dõi điều trị hậu phẫu

+ Trong phẫu thuật: mạch, nhiệt độ, huyết áp.

+ Sau phẫu thuật: theo dõi tình trạng mép phẫu thuật, các biến chứng có thể xuất hiện sớm hoặc muộn sau phẫu thuật.

- Biến chứng trong phẫu thuật treo mi vào cơ trán bằng vật liệu nhân tạo

+ Chảy máu: cầm máu bằng dao điện.

+ Tổn thương nhãn cầu: xác định nguyên nhân và xử trí.

- Biến chứng sau phẫu thuật treo mi vào cơ trán bằng vật liệu nhân tạo

+ Chảy máu: cầm máu.

+ Sụp mi trở lại: xác định nguyên nhân (như tuột chỉ) để điều trị.

+ Chỉnh quá mức: day, xoa mi trên thực hiện sớm sau phẫu thuật 2,3 ngày. Nếu không có kết quả thì điều chỉnh lại bằng phẫu thuật.

+ Quặm, lật mi: phẫu thuật lại chỉnh chỗ khâu vật liệu treo mi để điều trị.

+ U hạt: cắt u hạt điều trị thuốc tại chỗ và toàn thân.

+ Sa kết mạc: khâu phục hồi kết mạc vào cùng đồ.

+ Nhiễm trùng: điều trị kháng sinh tại chỗ và toàn thân.

+ Thải loại vật liệu treo: lấy vật liệu treo.

+ Hở mi: gây tổn thương bề mặt nhãn cầu với các mức độ khác nhau như viêm giác mạc hoặc loét giác mạc. Điều trị nội khoa như tra nước mắt nhân tạo, kháng sinh dạng mỡ. Xử trí hạ mi khi có biến chứng đe doạ thị lực.

(Hướng dẫn một số quy trình kỹ thuật điều trị bệnh sụp mi kèm Quyết định 627/QĐ-BYT năm 2024)

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 434

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn