Hướng dẫn lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
07/02/2023 19:15 PM

Hướng dẫn lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý là nội dung tại Quy định 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023.

Hướng dẫn lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý

Hướng dẫn lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý (Hình từ Internet)

Ngày 02/02/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

1. Hướng dẫn lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý 

Theo đó, quy trình lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý tại Điều 9 Quy định 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 như sau:

* Đối với các chức danh cấp uỷ và chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị:

- Bước 1: Chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm

Căn cứ kế hoạch của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu tổ chức, cán bộ chuẩn bị các nội dung sau:

+ Yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm báo cáo theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Quy định này.

+ Tập hợp báo cáo, hồ sơ của người được lấy phiếu tín nhiệm theo quy định và báo cáo giải trình, cung cấp thông tin về nội dung liên quan (nếu có), gửi cho người ghi phiếu trước 15 ngày; các nội dung, vấn đề cần làm rõ theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền hoặc người ghi phiếu tín nhiệm thì gửi cho người được lấy phiếu tín nhiệm trước 10 ngày lấy phiếu tín nhiệm.

+ Chuẩn bị phiếu tín nhiệm ghi danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức tín nhiệm và có đóng dấu treo của cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo quy định.

+ Đề xuất ban kiểm phiếu.

- Bước 2: Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm

+ Cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì hội nghị quán triệt về mục đích, yêu cầu việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ theo quy định.

+ Bầu ban kiểm phiếu; ban kiểm phiếu tiến hành phát phiếu, hướng dẫn cách ghi phiếu.

+ Cán bộ trong thành phần ghi phiếu và bỏ phiếu vào thùng phiếu theo quy định.

- Bước 3: Báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm

+ Ban kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu và thông báo kết quả kiểm phiếu với hội nghị.

+ Biên bản kiểm phiếu được lập thành 3 bản (2 bản gửi cấp trên trực tiếp; 1 bản lưu tại địa phương, cơ quan, đơn vị) và quản lý theo chế độ mật.

+ Cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tổ chức lấy phiếu tín nhiệm báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo quy định tại Điều 10 Quy định 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023.

* Đối với các chức danh cán bộ do Quốc hội và hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn:

Căn cứ vào quy trình quy định tại khoản 1 Điều 9 Quy định 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023, Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo cụ thể hoá, tổ chức thực hiện.

(Trước đây tại Quy định 262-QĐ/TW ngày 08/10/2014 quy định về quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị như sau:

* Đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư:

- Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị phiếu tín nhiệm. Phiếu tín nhiệm có danh sách Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; tiêu chí lấy tín nhiệm và có đóng dấu treo của Ban Chấp hành Trung ương; đề xuất thành phần nhân sự Ban Kiểm phiếu.

- Bộ Chính trị chủ trì việc lấy phiếu tín nhiệm; Ban Kiểm phiếu phát phiếu; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương ghi phiếu, bỏ phiếu.

- Ban Kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu và báo cáo kết quả với Ban Chấp hành Trung ương.

* Đối với ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp:

Tiến hành tương tự như lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.

* Đối với các chức danh cán bộ khác:

- Cơ quan tổ chức, cán bộ chuẩn bị phiếu tín nhiệm và đề xuất Ban Kiểm phiếu.

- Phiếu tín nhiệm có danh sách cán bộ (thuộc đối tượng lấy tín nhiệm), tiêu chí lấy tín nhiệm và có dấu treo của tổ chức, cơ quan, đơn vị.

- Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng của tổ chức, cơ quan, đơn vị chủ trì hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.

- Ban Kiểm phiếu phát phiếu, dành thời gian cần thiết để hội nghị ghi phiếu, bỏ phiếu; lập biên bản kiểm phiếu, báo cáo kết quả với hội nghị; niêm phong phiếu và bàn giao cho cơ quan tổ chức cán bộ quản lý, lưu giữ.

- Biên bản kiểm phiếu được lập thành 3 bản; 2 bản gửi cấp trên trực tiếp; 1 bản lưu tại địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị theo chế độ mật.

- Việc lấy phiếu tín nhiệm có thể kết hợp tổ chức với hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị; trường hợp thật đặc biệt có thể gửi phiếu đến cá nhân và quy định thời gian nhận phiếu.

- Dự hội nghị lấy phiếu tín nhiệm có cán bộ của các ban xây dựng Đảng (tổ chức, kiểm tra, văn phòng cấp ủy) và cơ quan tổ chức cán bộ của cơ quan nhà nước cấp trên.)

2. Thời điểm lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý

Thời điểm lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý theo Điều 4 Quy định 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 như sau:

- Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc phê chuẩn thực hiện theo quy định của Quốc hội.

- Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu thực hiện theo chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

- Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cấp ủy địa phương tiến hành sau khi lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do hội đồng nhân dân các cấp bầu.

- Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý khác tiến hành sau sơ kết 6 tháng đầu năm của năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp.

Xem thêm Quy định 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023, thay thế Quy định 262-QĐ/TW ngày 08/10/2014.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 16,331

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn