BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3004/CT-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 08 năm 2013
|
CHỈ THỊ
VỀ
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA GIÁO DỤC MẦM NON, GIÁO DỤC PHỔ THÔNG, GIÁO DỤC THƯỜNG
XUYÊN VÀ GIÁO DỤC CHUYÊN NGHIỆP NĂM HỌC 2013 - 2014
Căn cứ các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, các
văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về giáo dục và đào tạo;
Căn cứ tình hình thực tiễn của ngành Giáo dục;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thị toàn
ngành tập trung thực hiện bốn nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm học 2013-2014 sau
đây:
1. Về công tác quản lý giáo dục
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục
theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Kết luận số 51-KL/TW ngày
29/10/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày
22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và
đào tạo gắn với việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục ở
các địa phương. Tập trung thực hiện Chương trình hành động của ngành Giáo dục
triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020.
Hoàn thiện cơ chế phối hợp quản lý giáo dục giữa
các Bộ, ban, ngành và địa phương. Đổi mới công tác quản lý nhà nước về giáo dục
và quản lý các cơ sở giáo dục; Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định số
115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà
nước về giáo dục.
Tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo
chất lượng; Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở giáo dục
đào tạo, xử lý nghiêm các vi phạm gắn với việc xem xét trách nhiệm quản lý và
danh hiệu thi đua của tập thể, cá nhân thủ trưởng cơ sở giáo dục để xảy ra các
tiêu cực và thông báo công khai trước công luận.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư cơ
sở vật chất, mua sắm thiết bị và tổ chức các hoạt động giáo dục. Đẩy mạnh ứng dụng
công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tổ chức hội nghị, hội thảo của các
cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật trong các nhà trường.
2. Về tổ chức hoạt động giáo dục
2.1. Nhiệm vụ chung của các cấp học
Tiếp tục triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo
đức Hồ Chí Minh gắn với việc thiết thực kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư
cuối cùng cho ngành Giáo dục (15/10/1968-15/10/2013). Đưa nội dung các cuộc vận
động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Hai
không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”
thành hoạt động thường xuyên của ngành.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10- CT/TW ngày
05/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố
kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, nâng cao chất lượng giáo
dục phổ cập. Thực hiện tốt phân luồng sau trung học cơ sở và liên thông giữa
các chương trình giáo dục, cấp học và trình độ đào tạo; đa dạng hóa phương thức
học tập đáp ứng nhu cầu nâng cao hiểu biết và tạo cơ hội học tập suốt đời cho
người dân.
Đặc biệt chú trọng vấn đề chất lượng giáo dục ở các
cấp học và đối với giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn. Tăng cường công
tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất, chăm sóc sức
khoẻ và giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh.
Tiếp tục triển khai tự đánh giá và đánh giá ngoài
các cơ sở giáo dục, công nhận các cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng
giáo viên, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, xây dựng các
chương trình dạy học dựa theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam
để thực hiện có hiệu quả Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc
dân giai đoạn 2008-2020.
Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách
ưu đãi đối với học sinh diện chính sách xã hội, học sinh ở miền núi, vùng kinh
tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về các
hoạt động giáo dục. Đổi mới công tác thi đua khen thưởng gắn với hiệu quả tổ chức
các hoạt động giáo dục.
2.2. Giáo dục mầm non
Củng cố, mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non
phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường
học 2 buổi/ngày. Tăng cường đầu tư xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia;
Tăng cường hiệu quả quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
Tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục
trẻ nhà trẻ và mẫu giáo, chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu
số, hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các vùng khó khăn.
Ưu tiên các nguồn lực thực hiện phổ cập giáo dục mầm
non cho trẻ 5 tuổi đảm bảo chất lượng.
2.3. Giáo dục phổ thông
Đẩy nhanh việc chuẩn bị các điều kiện cụ thể để triển
khai đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, phương thức thi,
kiểm tra, đánh giá nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng và
hiệu quả hoạt động giáo dục phổ thông.
Tiếp tục triển khai mô hình trường học mới Việt Nam
(VNEN), nhân rộng mô hình này theo các mức độ khác nhau phù hợp với điều kiện của
địa phương. Thực hiện Đề án "Triển khai phương pháp Bàn tay nặn bột ở trường
phổ thông giai đoạn 2011-2015". Áp dụng dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài
liệu Công nghệ giáo dục. Đẩy mạnh tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học
theo điều kiện của địa phương.
Tiếp tục chỉ đạo điều chỉnh nội dung dạy học theo
hướng tinh giản; Xây dựng và triển khai dạy học các chủ đề tích hợp liên môn;
Tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng tốt kiến thức đã học vào
giải quyết các vấn đề thực tiễn; Phát động sâu rộng cuộc thi khoa học kỹ thuật
dành cho học sinh trung học; Tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp trong các
trường trung học.
Tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho học
sinh; Phòng chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong trường học.
2.4. Giáo dục thường xuyên
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý
nghĩa, lợi ích của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; Triển khai thực
hiện có hiệu quả Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020, Đề án Xóa
mù chữ đến năm 2020.
Củng cố mô hình hoạt động trung tâm giáo dục thường
xuyên cấp huyện theo hướng mỗi huyện có một trung tâm thực hiện nhiều nhiệm vụ:
giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp, dạy nghề; Mở rộng việc dạy văn hóa kết hợp
với dạy nghề; củng cố hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu
học tập suốt đời của người dân trong cộng đồng; Kết hợp trung tâm học tập cộng
đồng với trung tâm văn hóa - thể thao xã nhằm giúp trung tâm hoạt động có hiệu
quả và phát triển bền vững.
Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị
dạy học cho các cơ sở giáo dục thường xuyên, ưu tiên những địa bàn thuộc vùng
khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường nền nếp, kỷ cương, hiệu quả hoạt động của
trung tâm ngoại ngữ, tin học.
2.5. Giáo dục chuyên nghiệp
Mở rộng quy mô, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo,
các hình thức đào tạo và các loại hình trường trung cấp chuyên nghiệp gắn với bảo
đảm chất lượng đào tạo, phù hợp với khả năng cung ứng nhân lực của cơ sở đào tạo
và quy hoạch phát triển nhân lực của Bộ, ngành và địa phương. Đổi mới chương
trình đào tạo, phương pháp đào tạo và đánh giá kết quả học tập của người học. Đẩy
mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, hợp tác với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế
trong giáo dục nghề nghiệp.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các
hoạt động thành lập và cho phép trường trung cấp chuyên nghiệp hoạt động giáo dục,
thực hiện quy chế đào tạo, mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo và xác định chỉ
tiêu tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp.
3. Về phát triển đội ngũ nhà
giáo và cán bộ quản lý giáo dục
Thực hiện quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo và
cán bộ quản lý giáo dục. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc
xây dựng và thực hiện quy hoạch nhân lực ngành Giáo dục của các địa phương.
Triển khai thực hiện Chương trình phát triển ngành
sư phạm và các trường sư phạm đến năm 2020. Tiếp tục thực hiện Đề án “Đào tạo
giáo viên giáo dục quốc phòng-an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung
cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề giai đoạn 2010-2016”.
Nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng nâng cao trình
độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên
ngành giáo dục đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay và phù hợp với
tình hình thực tế tại địa phương. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác đánh
giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo Chuẩn cán bộ quản lý, giáo
viên đã ban hành.
Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách
đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đặc biệt là đối với nhà giáo, cán bộ quản
lý giáo dục công tác ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc
biệt khó khăn và hỗ trợ bảo hiểm xã hội cho giáo viên mầm non.
4. Về tăng nguồn lực đầu tư và
đổi mới cơ chế tài chính giáo dục
Tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tài chính giáo dục,
sử dụng và quản lý có hiệu quả các nguồn đầu tư cho giáo dục kết hợp với đẩy mạnh
công tác xã hội hóa giáo dục.
Chỉ đạo thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng cơ bản;
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường mầm non, trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia;
Tiếp tục thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên
giai đoạn 2010-2020. Tăng cường công tác thiết bị trường học, thư viện trường học.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án, Chương
trình và Dự án về giáo dục đào tạo.
Để tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm
nêu trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu:
Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, căn cứ tình
hình thực tiễn địa phương, tích cực tham mưu với Tỉnh ủy/Thành uỷ, Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố có Nghị quyết về phát triển giáo dục
và đào tạo, Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2013-2014 ở địa phương; Chủ động
phát huy sự cộng tác, phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương để
ngành Giáo dục có điều kiện thuận lợi thực hiện tốt nhiệm vụ năm học. Chỉ đạo,
kiểm tra, đôn đốc các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục của tỉnh,
thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2013-2014.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo
tổ chức hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các cấp quản lý giáo dục địa phương thực
hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm năm học; Kịp thời báo cáo, phản ánh tình hình, đề
xuất các giải pháp chỉ đạo, kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá
trình thực hiện.
Chỉ thị này được phổ biến tới cán bộ, công chức, viên
chức ở các cấp quản lý giáo dục, nhà giáo ở các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục
phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp để quán triệt và thực
hiện./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ; Để báo cáo
- Văn phòng Quốc hội; Để báo cáo
- Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội; Để báo cáo
- Ban Tuyên giáo TW; Để báo cáo
- Các Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố;
Để phối hợp
- Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Để phối hợp
- Hội Khuyến học Việt Nam; Để phối hợp
- Hội Cựu Giáo chức Việt Nam; Để phối hợp
- Các Sở Giáo dục và Đào tạo; Để thực hiện
- Các đơn vị trong cơ quan Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ; Để thực hiện
- Website Chính phủ, Website Bộ;
- Lưu: VT, TH, PC.
|
BỘ TRƯỞNG
Phạm Vũ Luận
|