DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quy định về “Điều khoản Hardship” – Không phải doanh nghiệp nào cũng biết

Avatar

 

Trong quá trình kí kết các hợp đồng, đặc biệt là các hợp đồng thương mại quốc tế, việc xảy ra các rủi ro (rủi ro từ thiên nhiên, con người, xã hội …) là yếu tố khó có thể tranh khỏi. Các yếu tố này làm cho hoàn cảnh thực hiện hợp đồng bị thay đổi một cách căn bản, các doanh nghiệp trở nên cực kì khó khăn (có thể lâm vào tình trạng phá sản) nếu tiếp tục việc thực hiện hợp đồng. Trong những trường hợp như thế, việc các bên trong hợp đồng viện dẫn “Điều khoản Hardship” để giải quyết khó khăn là điều rất cần thiết.

Điều khoản hardship được hiểu là điều khoản về những trường hợp mà khi xảy ra hay làm thay đổi một cách căn bản về tính cân bằng của hợp đồng (thường liên quan đến lợi ích) đã được các bên thỏa thuận trước đó trong hợp đồng. Ví dụ: đồng tiền được thỏa thuận dùng thanh toán bị mất giá, giá cả hàng hóa mua bán tăng hoặc giảm một cách đáng kể,..Khi những trường hợp này xảy ra bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu đàm phán lại hợp đồng hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền chấp dứt hợp đồng nếu bên còn lại không chấp nhận đàm phán lại.

Đối với pháp luật Việt Nam, Điều khoản Hardship còn được gọi là “Điều khoản điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi”. Tại Điều 420 BLDS 2015 vừa mới quy định riêng về điều khoản này. Cho nên, việc áp dụng điều khoản này đối với các doanh nghiệp Việt Nam còn “khá mới mẻ”, trong khi trong thực tiễn thương mại thế giới không còn là vấn đề “xa lạ”. Đây là một yếu thế của các doanh nghiệp Việt Nam trong xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay.

Điều kiện áp dụng điều khoản Hardship

Theo định nghĩa tại Điều 6.2.2 của Bộ nguyên tắc về hợp đồng MBHHQT của UNIDRPOIT 2004 (PICC) thì:

Hoàn cảnh hardship được xác lập khi xảy ra các sự kiện làm thay đổi cơ bản sự cân bằng giữa các nghĩa vụ hợp đồng, hoặc chi phí thực hiện nghĩa vụ tăng lên, hoặc do giá trị của nghĩa vụ đối trừ giảm xuống, và: a) các sự kiện này xảy ra hoặc được bên bị thiệt hại biết đến sau khi giao kết hợp đồng; b) bên bị bất lợi đã không tính đến một cách hợp lý các sự kiện đó khi giao kết hợp đồng; c) các sự kiện đó nằm ngoài sự kiểm soát của bên bị bất lợi;và d) rủi ro về các sự kiện này không được bên bị bất lợi gánh chịu.”

Còn theo quy định tại khoản 1 Điều 420 BLDS Việt Nam 2015 thì:

Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh; c) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác; d) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên; đ) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.”

Nhìn chung các quy định về hoàn cảnh thay đổi và điều kiện để áp dụng hoàn cảnh thay đổi trong PICC  hay BLDS Việt Nam 2015 đều có nét tương đồng, nội dung gần như tương tự nhau. Theo như các quy định này, một hoàn cảnh được gọi là khó khăn, nếu nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cân bằng của hợp đồng, hoặc làm cho phí thực hiện tăng quá cao, hoặc giá trị nhận được do thực hiện nghĩa vụ giảm quá thấp (sự tăng lên hoặc giảm xuống 50% hoặc hơn tổng giá trị của hợp đồng sẽ được xem là thay đổi cơ bản). Và thỏa mãn 4 điều kiện cho việc áp dụng điều khoản Hardship như:

- Thứ nhất, các trường hợp để viện dẫn hoàn cảnh khó khăn phải xảy ra hoặc được biết sau khi giao kết hợp đồng

Các sự kiện gây ra khó khăn đã xảy ra, hoặc chỉ được bên bị khó khăn biết đến sau khi đã giao kết hợp đồng, nếu các bên đã biết trước các sự kiện đó vào thời điểm giao kết hợp đồng thì không bên nào được quyền viện dẫn điều khoản hardship vào hợp đồng.

- Thứ hai, bên bị bất lợi đã không thể tính một cách hợp lý đến các sự kiện đó  khi giao kết hợp đồng

Nói cách khác, sự kiện xảy ra phải mang tính khách quan, chứ không phải diễn ra không phải do ý muốn chủ quan của con người. Nếu hoàn cảnh khó khăn xảy ra sau khi kí kết hợp đồng, mà bên bị bất lợi biết hoặc phải biết trước những sự kiện bất lợi này (những sự kiện có thể được dự đoán trước do các biểu hiện trên thực tế: chiến tranh sắp nổ ra, khủng hoảng chính trị đang tăng cao..) vào thời điểm giao kết hợp đồng thì bên bị bất lợi khó khăn vẫn không thể viện dẫn điều khoản Hardship này để được quyền xin điều chỉnh hợp đồng.

Ví dụ: A đồng ý cung cấp cho B dầu thô từ nước X với giá cố định trong vòng 5 năm, mặc dù đang có các biến động về chính sách chính trị tại khu vực. Hai năm sau khi giao kết hợp đồng, một cuộc chiến tranh nổ ra giữa các nước láng giềng. Cuộc chiến tranh đưa đến cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới và giá dầu tăng vọt. A không có quyền viện dẫn hoàn cảnh bất lợi, bởi vì A phải biết hay buộc phải biết trước việc gia tăng giá dầu thô.

Đôi khi sự thay đổi hoàn cảnh diễn ra dần dần này có thể cấu thành một trường hợp về hoàn cảnh khó khăn. Nếu sự thay đổi này bắt đầu trước khi hợp đồng giao kết, hoàn cảnh khó khăn sẽ không phát sinh trừ khi tốc độ của sự thay đổi tăng vọt trong suốt thời hạn của hợp đồng sau khi giao kết.

- Thứ ba, các sự kiện phát sinh ngoài tầm kiểm soát của bên bị khó khăn

Theo mục (c) của Điều 6.2.2 Bộ nguyên tắc về HĐTMQT của UNIDROIT 2004 hoàn cảnh khó khăn chỉ có thể phát sinh nếu các sự kiện gây ra hoàn cảnh khó khăn nằm ngoài tầm kiểm soát của các bên. Điều này có nghĩa là các bên không thể dự báo trước được khó khăn xảy ra, sự kiện khách quan lúc này vượt ngoài khả năng lường trước hay tính đến một cách hợp lí của các bên trong hợp đồng.

Ví dụ: Công ty A giao kết hợp đồng mua bán xe hơi với Công ty B tại nước B. Hợp đồng quy định thời hạn 1 năm, với giá nhất định được kí kết trong hợp đồng. Nửa năm sau khi giao kết hợp đồng, Chính phủ nước B đưa ra chính sách quản lí khí thải xe theo tiêu chuẩn mới nhằm bảo vệ môi trường, chính sách đã buộc Công ty B phải điều chỉnh lại mức giá tăng gấp 2 lần so với mức giá đã được thỏa ban đầu. Trường hợp này, Công ty B có thể viện dẫn điều khoản về hoàn cảnh khó khăn cho để cùng Công ty A thỏa thuận điều chỉnh lại mức giá cho hợp lý trong hợp đồng. Đây được xem là một trường hợp về hoàn cảnh khó khăn, bởi vì các bên không thể đoán trước được sự thay đổi chính sách về quản lí khí thải của Chính phủ nước B trong thời gian sau khi kí hợp đồng.

- Thứ tư, các rủi ro về các sự kiện hoàn cảnh thay đổi này không nằm trong phạm vi mà bên khó khăn phải gánh chịu

“Không nằm trong phạm vi mà bên khó khăn phải gánh chịu” tức là nó nằm ngoài sự kiểm soát và sự lường trước của các bên như đã được nêu trên. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào sự kiện hoàn cảnh thay đổi không nằm trong phạm vi mà các bên khó khăn phải gánh chịu cũng được viện dẫn điều khoản hardship để điều chỉnh hợp đồng. Theo mục (d) của Điều 6.2.2 Bộ nguyên tắc về HĐTMQT của UNIDROIT 2004 nếu bên bị khó khăn đã chấp nhận một cách rõ ràng rủi ro về sự thay đổi hoàn cảnh thì sẽ không có “khó khăn trở ngại”, bên này sẽ không được viện dẫn điều khoản hardship. Những điều này có thể được suy ra từ tính chất của hợp đồng mà các bên giao kết, một bên tham gia vào một thương vụ có tính đầu cơ xem như chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định.

Ví dụ: A _ Một công ty bảo hiểm chuyên bảo hiểm các rủi ro về tàu bè, yêu cầu một chí phí bảo hiểm phụ trợ đối với những khách hàng có những hợp đồng liên quan đến các rủi ro về chiến tranh và các bạo động trong nước, để đáp ứng các rủi ro lớn hơn đáng kể xảy ra sau khi các cuộc chiến tranh và bạo động trong nước nổ ra đồng thời ba nước trong cùng một khu vực. A không có quyền đòi sửa đổi hợp đồng và viện dẫn khó khăn khi chiến tranh xảy ra, do khoản tiền yêu cầu nộp thêm trong phí bảo hiểm về chiến tranh và bạo động trong nước đã ngầm chỉ rõ ràng công ty bảo hiểm chấp nhận rủi ro này dù cho cả ba nước bị ảnh hưởng chiến tranh cùng lúc.

- Quy định về hạn chế áp dụng

Theo quy định tại Điều 6.2.1 của PICC về “Tuân thủ hợp đồng” thì: “Các bên phải hoàn thành nghĩa vụ của mình ngay cả khi việc thực hiện hợp đồng trở nên tốn kém hơn, trừ các quy định liên quan dưới đây về hardship”.

Điều này cho thấy, việc áp dụng hardship để cho phép điều chỉnh lại hợp đồng là một ngoại lệ của nguyên tắc “pacta sunt servanda” (nguyên tắc tận tâm, thiện chí và thực hiện cam kết quốc tế)  và phải được áp dụng rất hạn chế. Một khi hợp đồng đã được thiết lập một cách hợp pháp thì có hiệu lực như pháp luật đối với các bên từ thời điểm giao kết mà các bên không được tự ý sửa đổi hoặc hủy bỏ.

Việc đưa ra quy định như vậy là nhằm hướng các bên theo một quy trình thống nhất, buộc các bên phải tuẩn thủ theo các quy định chung về tính ràng buộc của hợp đồng. Tất cả các bên khi tham gia ký kết HĐTMQT đều phải tuyệt đổi tuân theo các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế. Không một bên nào trong hợp đồng có quyền hủy bỏ nguyên tắc cơ bản trên cũng như bất kì hành vi đơn phương nào không tuân thủ triệt để nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế đều bị coi là sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế, chỉ trừ ngoại lệ các quy định về điều khoản Hardship, điều khoản điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi gây ra sự khó khăn đặc biệt cho một bên.

Theo đó, mỗi bên trong hợp đồng phải hoàn thành các nghĩa vụ của mình và các chi phí liên quan cho việc thực hiện hợp đồng đó. Nói cách khác, thậm chí một bên phải chịu thua lỗ nặng nề thay vì lợi nhuận như mong đợi, hay khi việc thực hiện trở nên vô nghĩa đối với bên đó, các điều kiện của hợp đồng vẫn phải được tôn trọng.

(Còn tiếp)

  •  18067
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…