DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

"Cải tạo giáo dục"

CẢI TẠO GIÁO DỤC

Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh – đã phát biểu: “Có những đợt đặc xá là do nhà tù quá tải chứ không phải do giáo dục tốt nên tái phạm nhiều

Phát ngôn này của ông Minh bị ném đá tơi bời.

Đứng trên cương vị là một lãnh đạo lực lượng công an thành phố lớn nhất nước mà lại phát biểu như vậy, không bị ném lựu đạn là may, đừng nói là chỉ bị ném đá.

Nhưng từ hiểu biết của những người trong cuộc, phát ngôn trên chưa hẳn đã sai hoàn toàn.

Tôi nhớ từ hồi còn bé, mỗi lần anh hàng xóm được ra tù, kể cả trước hay đúng thời hạn, là một lần toàn bộ khu tập thể được dịp trải nghiệm những cảm giác căng thẳng tột cùng do phải cảnh giác cao độ. Nhưng cảnh giác đến mấy đi nữa thì nay xe đạp, mai cốp xe máy, hoặc thậm chí cả vòi nước bằng đồng hay đôi dép tổ ong nhựa, cũng đều lần lượt có bến đỗ mới.

Những sự việc tương tự chỉ chấm dứt khi anh hàng xóm tiếp tục đi tù, khiến dân tình trong khu đều ước anh này ở tù liên miên, tất nhiên là ước thầm.

Nghe thì hơi dã man tàn nhẫn, nhưng quả thực sự bình an trong khu tập thể là ngôn từ xa xỉ không bao giờ được phép sử dụng nếu như anh kia chưa cắt khẩu ở nhà và nhập khẩu vào tù. Hai phạm trù này đối lập nhau chan chát, kiểu như Chu Du từng nói: “Trời đã sinh ra Du (sự bình an) sao còn sinh ra Lượng (anh hàng xóm)”

Đến khi tôi lớn, tôi nhận ra một hiện tượng, cứ mỗi khi có đợt đặc xá thì y như rằng tệ nạn xã hội và tình trạng phạm tội gia tăng đột biến.

Đó là một thực tế mà cho đến thời điểm hiện tại ai cũng có thể nhìn thấy.

Trong các bản án của tòa đều có câu: “… mới có tác dụng cải tạo giáo dục” khi đưa ra một án phạt. Thế nhưng có mấy người sống trong môi trường tù tội trở thành công dân ưu tú sau khi ra tù???

Nếu ai đã đọc “Bão lòng” (dù là còn nhiều mắm muối mì chính) thì sẽ hiểu tại sao người phạm tội khó có thể trở thành người lương thiện dù đã được trải quá trình “cải tạo giáo dục” trong tù.

Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Và đương nhiên trong tù thì “mực” rõ ràng lấn át “đèn”. Vậy thì lấy đâu ra mà cải tạo với chả giáo dục.

Nhưng tống vào tù là phương pháp giải quyết nhanh gọn nhất, và ít phải chịu trách nhiệm về mặt pháp luật nhất.

Một kẻ trộm cắp chiếc máy cắt trị giá 2.300.000đ -> vào tù.

Một người lừa đảo số tiền hơn 3.000.000đ -> vào tù.

Thậm chí một đứa trẻ đạp bạn mấy cái để đòi lại tiền đã cho bạn vay -> vào tù.

Tất cả những trường hợp trên đều phạm tội lần đầu, đã khắc phục hậu quả, nhân thân lại chẳng có gì đáng phàn nàn.

Tất nhiên, người vi phạm pháp luật thì cần phải bị xử lý (chả nhẽ lại bắt tay vỗ vai xong cho về). Nhưng tống họ vào tù không phải là cách xử lý có tác dụng nhất, mà nhiều khi là ngược lại.

Họ, những can phạm hay phạm nhân, bị thay đổi hoàn toàn về suy nghĩ và nhận thức theo hướng tiêu cực. Những bon chen, thủ đoạn, mưu mô, toan tính, hằn học, thù hận, trù dập, hãm hại lẫn nhau giữa các tù nhân đã buộc họ dạn dày, lì lợm, mánh khóe để có thể tồn tại ở đây. Và khi ra tù thì họ đã bị lưu manh hóa từ lúc nào rồi.

Vậy thì mục đích “cải tạo giáo dục” mà pháp luật đề ra làm sao có thể đạt được.

Nhưng chắc rằng điều này chẳng đáng nhận được sự quan tâm của những người có trách nhiệm. Mà cần gì phải quan tâm đến những “thằng” tù, “con” tù.

Cứ phạm tội là cho đi “cải tạo giáo dục”, vừa không trái luật mà lại vừa hoàn thành nhiệm vụ.

Pháp luật của ta mang tính trừng trị nhiều hơn là giáo dục cảm hóa, giải quyết hậu quả nhiều hơn là ngăn chặn phòng ngừa.

Vậy thì nhà tù sẽ lại quá tải, sẽ lại phải đặc xá, người ra tù sẽ lại tái phạm. Và sẽ lại có người bị ném đá khi phát biểu những câu tương tự, dù đó là sự thật.

GHT (24 – 5 – 2013)

  •  3036
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…