DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Các cụ không đợi được đâu, thưa Bộ trưởng

Câu trả lời của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, phiên một cách dân giã, thì có nghĩa là “cơm không ăn thì gạo còn đó”. Nhưng sẽ có rất nhiều người không còn cơ hội được ăn “miếng cơm nhà nước”

 

“Cái gì chậm chính sách thì hồi tố lại đúng thời điểm luật được quyết định”. Đây là lời trấn an của “tư lệnh ngành tư pháp”, trước vô số những câu hỏi về hệ quả của tình trạng “nợ đọng” hướng dẫn thi hành. Cụ thể hơn Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định “Chính sách đối với người có công, với hộ nghèo hộ nghèo, hộ cận nghèo, dù ban hành chậm vẫn giữ hiệu lực”.

 

Phiên một cách dân giã thì có nghĩa là “cơm không ăn thì gạo còn đó”.
Nhưng sẽ có rất nhiều người không còn cơ hội được ăn “miếng cơm nhà nước” mà đáng lẽ họ được hưởng, nếu không vì tình trạng “Luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư” mà Bộ trưởng Vũ Đức Đam, tham gia “chia lửa” cũng khẳng định, về nguyên tắc “Pháp luật không thể có tình trạng chờ”.

 

Pháp lệnh người có công, chính thức hiệu lực từ tháng 9.2012, đến hôm qua, vẫn chưa đi vào cuộc sống. Trong khi, đối tượng, những lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa dường như đã quá già yếu, những người bị tù đầy, những người nhiễm chất độc 80% trở lên…. đã chờ một quãng thời gian tính bằng hàng thập kỷ.
 

Pháp lệnh người cao tuổi, có hiệu lực từ 2009, nhưng mười mấy tháng sau mới được hướng dẫn. Rất khó để trả lời những cụ già “hơn 80 tuổi”, không lương, không trợ cấp, sẽ sống bằng gì để chờ…trợ cấp.
 

Còn chị em mang thai. Không ai trả lời họ rằng khi quy định mới có hiệu lực thì họ được nghỉ 4 hay 6 tháng.
Hoàn toàn không chủ quan, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Trương Thị Mai đã nhắc đến sự “án binh bất động” khi không một chính sách cụ thể nào đúng ngày có hiệu lực lại có hiệu lực. Còn PCN Ủy ban KT Nguyễn Văn Phúc tính rằng phải mất bình quân 24 tháng để một văn bản luật có hiệu lực và từ 6 tháng đến 1 năm nữa để đi vào cuộc sống.

 

Văn bản luật “đưa vào cũng có lý do rất hay, rút ra cũng rất hay”, thay đi đổi lại, không kỳ nào là không sửa. Đến khi được ban hành thì dài cổ chờ nghị định. Nghị định thì khắc khoải chờ thông tư. Để rồi cuối cùng, nhân dân nhận được một thông tư kiểu “Cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng”, hoặc quá “phản cảm”, hoặc thiếu thực tế hoặc không thể thi hành.
 

Nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở tình trạng trì trệ. Hôm qua, trước ống kính truyền hình trực tiếp, cử tri, nhân dân, đặc biệt là các cụ, chờ mãi để cuối cùng nhận được câu trả lời từ “kiến trúc sư trưởng của hệ thống pháp luật”, rằng các văn bản loại đó “Liên quan nhiều đến xác định đối tượng, chế độ, chính sách, kể cả kinh phí, Vận dụng ngay được thì tốt nhưng chắc rất khó”.
 

Khó. Nhưng phải chờ đến bao giờ để một văn bản có hiệu lực, đi vào cuộc sống ngay trong ngày theo quy định có hiệu lực? Phải chờ đến bao giờ để chấm dứt tình trạng “Luật chờ nghị định. Nghị định chờ thông tư. Và người dân thì chờ cả luật, cả thông tư, cả nghị định”?
 

“Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói sẽ cố gắng. Tôi khẳng định không thể tính bằng một nhiệm kỳ được”- Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói rất thẳng thắn.
 

Hình như để có thể chờ khắc phục tình trạng trì trệ trong chờ đợi người dân phải có tính kiên nhẫn bẩm sinh. Còn các cụ, vẫn phải cố sống mà chờ thôi.

Đào Tuấn

  •  3779
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…