DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Từ vụ bé trai 17 tháng tuổi bị bạo hành, pháp luật quy định như nào về bạo hành trẻ em?

Mới đây, vụ việc bạo hành bé trai 17 tháng tuổi của 02 người trông trẻ khiến cho dư luận phẫn nộ và đặt ra câu hỏi “Sao có thể tàn nhẫn với một đứa bé chỉ mới 17 tháng tuổi như vậy?” Nhiều người đặt ra trách nhiệm của người trông trẻ trong trường hợp này, ngoài ra hành vi bạo hành trẻ nhỏ của 02 người này cần phải lên án và xử phạt nghiêm minh để răn đe toàn xã hội.

Chiều nay, ngày 04/3/2023, Thông tin Chính phủ đưa tin đã bắt khẩn cấp 02 nữ trông trẻ bạo hành khiến bé 17 tháng tuổi tử vong.

Theo đó, 02 đối tượng đã thừa nhận hành vi bạo hành với cháu bé khiến nạn nhân chấn thương sọ não, dẫn tới thiệt mạng. 

Cụ thể, chỉ vì bực tức cháu bé khóc không ngủ, chạy ra ngoài cửa mà các đối tượng đã cùng nhau trong nhiều ngày sử dụng vũ lực bằng chân, tay đạp vào bụng, ngực rồi đá, dẫm vào đầu cháu bé, ném xuống làm đầu bé trai đập xuống nền nhà. Hậu quả cháu bị chấn thương sọ não và tử vong trong đau đớn.

Những hành vi này cần được xử phạt nghiêm minh để không còn những trường hợp tương tự xảy ra đối với một đứa trẻ nào nữa.

Hành vi bạo hành trẻ em bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại khoản 3, Điều 6 Luật Trẻ em 2016 thì bạo lực đối với trẻ em là một trong số các hành vi bị cấm. Do đó, hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Tuỳ vào từng mức độ vi phạm mà hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt hành chính đối với hành vi bạo hành trẻ em

Theo Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

+ Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

+ Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

+ Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm nêu trên;

+ Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

Bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu TNHS

Hành vi bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như: tội hành hạ người khác, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người khác, tội vô ý làm chết người, tội giết người. Cụ thể:

* Đối với tội hành hạ người khác được quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

- Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;

+ Đối với 02 người trở lên.

*  Đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác được quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

* Đối với tội vô ý làm chết người được quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

- Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Phạm tội làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

* Đối với tội giết người được quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

Người nào giết người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Trong các tội danh nêu trên, khi có tình tiết phạm tội đối với người dưới 16 tuổi thì người thực hiện hành vi phạm tội có thể chịu hình phạt cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, tù chung thân hoặc tử hình. Có thể thấy, trẻ em là đối tượng được bảo vệ đặc biệt trong pháp luật nước ta.

Như vậy, người có hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất, mức độ của hành vi.

  •  168
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…