22/03/2024 09:11

Tỷ giá hối đoái là gì? Chế độ tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Nhà nước?

Tỷ giá hối đoái là gì? Chế độ tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Nhà nước?

Tôi hay được nghe về tỷ giá hối đoái. Vậy Tỷ giá hối đoái là gì và chế độ tỷ giá hối đoái của NHNN Việt Nam ra sao? (Anh Long-Bình Định)

Chào anh, Ban biên tập xin trả lời như sau:

1. Tỷ giá hối đoái là gì?

Hiện nay, chưa có quy định pháp luật nào giải thích về thuật ngữ "tỷ giá hối đoái". Tuy nhiên theo khoản 3 Điều 2 Thông tư 179/2012/TT-BTC (Hết hiệu lực từ 10/12/2012) giải thích về tỷ giá hối đoái như sau:

“Tỷ giá hối đoái” là tỷ lệ trao đổi giữa hai đơn vị tiền tệ (sau đây gọi tắt là tỷ giá).

Theo đó, có thể hiểu tỷ giá hối đoái là tỷ lệ trao đổi giữa hai đơn vị tiền tệ (sau đây gọi tắt là tỷ giá).

Bên cạnh đó, theo khoản 5 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là giá của một đơn vị tiền tệ nước ngoài tính bằng đơn vị tiền tệ của Việt Nam.

Tại Điều 1 Quyết định 1747/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN (thay thế Quyết định 1636/QĐ-NHNN) quy định về tỷ giá giao ngay giữa Đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép, như sau:

1. Đối với Đô la Mỹ: Không được vượt quá biên độ ± 5% (năm phần trăm) so với tỷ giá trung tâm do NHNN Việt Nam công bố áp dụng cho ngày giao dịch đó.

Đối với các ngoại tệ khác: Do tổ chức tín dụng được phép xác định

Theo Khoản 14 Điều 2 Nghị định 102/2022/NĐ-CP về nhiệm vụ và quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là quản lý nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối bao gồm: Công bố tỷ giá hối đoái; quyết định chế độ tỷ giá hối đoái, cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái.

Ngoài ra tại Điều 13 Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 cũng quy định: Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá hối đoái, quyết định chế độ tỷ giá, cơ chế điều hành tỷ giá.

Như vậy, tỷ giá hối đoái có thể hiểu là tỷ lệ trao đổi giữa hai đơn vị tiền tệ, được quy định về tỷ giá đối với Đô la Mỹ không được vượt qua quá 5% (năm phần trăm) so với tỷ giá trung tâm do NHNN Việt Nam công bố áp dụng cho ngày giao dịch đó, còn đối với các ngoại tệ khác thì các tổ chức tín dụng được phép xác định. Và tỷ giá hối đoái sẽ do NHNN công bố, ngoài ra NHNN còn quyết định chế độ tỷ giá hối đoái và cơ chế điều hành tỷ giá.

2. Chế độ tỷ giá hối đoái

Ngân hàng nhà nước quy định về chế độ tỷ giá hối đoái của Đồng Việt Nam tại Điều 15 Nghị định  70/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Tỷ giá hối đoái của Đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung - cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. NHNN thực hiện điều tiết tỷ giá hối đoái thông qua việc sử dụng các công cụ của CSTT và thực hiện phương án can thiệp trên thị trường ngoại tệ.

Chế độ tỷ giá hối đoái của Đồng Việt Nam là chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý do NHNN xác định trên cơ sở rổ tiền tệ của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư với Việt Nam phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ.

Như vậy, tỷ giá là một trong các công cụ góp phần thực hiện chín sách tiền tệ quốc gia và được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước. Chế độ tỷ giá hối đoái của Đồng Việt Nam là chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý do NHNN xác định trên cơ sở rổ tiền tệ của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư với Việt Nam phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ.

3. Các loại chế độ tỷ giá hối đoái

Chế độ tỷ giá hối đoái thường được phân chia thành 3 loại bao gồm tỷ giá hối đối thả nổi như chế độ tỷ giá hối đoái của Đồng Việt Nam, tỷ giá hối đoái cố định và tỷ giá hối đoái thả nổi có điều tiết.

- Tỷ giá hối đoái thả nổi: là loại tỷ giá được xác định dựa trên mối quan hệ cung – cầu trên thị trường ngoại hối.

- Tỷ giá hối đoái cố định: là tỷ giá hối đoái mà được giữ cố định trong một thời gian dài với biên độ dao động nhỏ ở mức cho phép,được ngân hàng nhà nước thiết lập và duy trì.

- Tỷ giá hối đoái thả nổi có điều tiết: là tỷ giá hối đoái được thả nổi nhưng vẫn chịu sự can thiệp của ngân hàng nhà nước để đảm bảo biến động theo hướng có lợi cho nền kinh tế.

4. Cách tính tỷ giá hối đoái hiện nay

Việc tính tỷ giá hối đoái phải dựa trên đồng tiền yết giá và đồng tiền định giá. Đồng tiền yết giá là đồng tiền có số đơn vị cố định là 1 đơn vị, còn đồng tiền định giá là đồng tiền có đơn vị thay đổi và phụ thuộc vào tình hình cung cầu trên thị trường.

Ví dụ: 1 USD = 25.450 VND có nghĩa 1 Đô la MỸ đổi được 25.450 đồng, trong đó USD là đồng tiền yết giá, VND là đồng tiền định giá.

Trên các thị trường hối đoái quốc tế, thường sử dụng tỷ giá USD hoặc GBP so với đồng nội tệ. Cách tính tỷ giá hối đoái hiện nay như sau:

Công thức tính tỷ giá giữa 2 đồng tiền định giá : Yết giá/Định giá = (Yết giá/USD) / (Định giá/USD)

Công thức tính tỷ giá giữa 2 đồng tiền yết giá : Yết giá/Định giá = (USD/Định giá) / (USD/Yết giá)

Công thức tính tỷ giá giữa 2 đồng tiền yết giá và định giá : Yết giá/Định giá = (Yết giá/USD) / (USD/Định giá)

Trân trọng!

Phạm Thị Thu Hà
12644

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]