05/12/2024 15:55

Trình tự, thủ tục giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Trình tự, thủ tục giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ? Trình tự, thủ tục giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quy định thế nào?

Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ?

Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 44/2024/NĐ-CP, thẩm quyền quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quy định như sau:

- Thủ tướng Chính phủ quyết định giao đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định giao đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc trung ương quản lý cho cơ quan quản lý tài sản ở trung ương, trừ tài sản quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 44/2024/NĐ-CP.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc địa phương quản lý cho cơ quan quản lý tài sản ở địa phương, trừ tài sản quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 44/2024/NĐ-CP.

Trình tự, thủ tục giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quy định thế nào?

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 44/2024/NĐ-CP, việc giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:

Bước 1. Bộ GTVT (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), UBND tỉnh (đối với tài sản thuộc địa phương quản lý) chỉ đạo cơ quan quản lý đường bộ cùng cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, thống kê toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý đang quản lý hoặc tạm quản lý (bao gồm cả trường hợp tài sản được đầu tư theo phương thức đối tác công tư do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước theo quy định mà không phải thực hiện thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản); trên cơ sở đó, thực hiện phân loại như sau:

- Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã có văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền giao cho cơ quan quản lý tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 44/2024/NĐ-CP quản lý.

- Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do cơ quan quản lý tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 44/2024/NĐ-CP quản lý nhưng chưa có văn bản giao tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền.

- Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tạm giao cho cơ quan quản lý tài sản quy định điểm a, điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 44/2024/NĐ-CP quản lý.

- Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã giao hoặc tạm giao cho đối tượng khác (không phải là cơ quan quản lý tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 44/2024/NĐ-CP) quản lý.

Bước 2. Căn cứ kết quả rà soát, thống kê, phân loại tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 44/2024/NĐ-CP, cơ quan quản lý đường bộ ở trung ương (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), cơ quan quản lý đường bộ cấp tỉnh (đối với tài sản thuộc địa phương quản lý) chủ trì, lập hồ sơ đề nghị giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (trừ tài sản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 44/2024/NĐ-CP) cho cơ quan quản lý tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 44/2024/NĐ-CP, báo cáo Bộ GTVT (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), UBND cấp tỉnh (đối với tài sản thuộc địa phương quản lý). 

Hồ sơ đề nghị gồm:

- Văn bản của cơ quan quản lý đường bộ ở trung ương/cơ quan quản lý đường bộ cấp tỉnh về việc giao tài sản: 01 bản chính.

- Biên bản họp liên ngành hoặc ý kiến bằng văn bản về việc giao tài sản của: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý hoặc tạm quản lý tài sản và cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đó; cơ quan, đơn vị có liên quan của Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), cơ quan, đơn vị có liên quan của địa phương (đối với tài sản thuộc địa phương quản lý); cơ quan dự kiến được giao quản lý tài sản (trong trường hợp dự kiến giao cho cơ quan quản lý đường bộ cấp huyện, cơ quan quản lý đường bộ cấp xã): 01 bản chính.

- Danh mục tài sản đề nghị giao (tên tài sản; địa chỉ; loại/cấp/hạng; năm đưa vào sử dụng; thông số cơ bản (số lượng/chiều dài/diện tích...); nguyên giá, giá trị còn lại (nếu có); tình trạng sử dụng của tài sản) do cơ quan quản lý đường bộ ở trung ương/cơ quan quản lý đường bộ cấp tỉnh lập: 01 bản chính.

- Hồ sơ pháp lý về tài sản (Quyết định giao/điều chuyển tài sản, Biên bản bàn giao, tiếp nhận tài sản hoặc các giấy tờ, tài liệu khác chứng minh quyền quản lý, sử dụng, tạm quản lý tài sản (nếu có)): 01 bản sao.

- Giấy tờ khác có liên quan (nếu có): 01 bản sao.

Bước 3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 44/2024/NĐ-CP, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 Nghị định 44/2024/NĐ-CP xem xét, quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với trường hợp thuộc thẩm quyền hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị giao tài sản chưa phù hợp.

Trường hợp việc giao tài sản thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ GTVT (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), UBND cấp tỉnh (đối với tài sản thuộc địa phương quản lý) lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan, lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao tài sản. 

Hồ sơ trình gồm:

- Tờ trình của Bộ GTVT, UBND cấp tỉnh về việc đề nghị giao tài sản cho cơ quan quản lý tài sản (trong đó xác định cụ thể: Cơ quan quản lý tài sản; hình thức giao tài sản; danh mục tài sản đề nghị giao: Tên tài sản; địa chỉ; loại/cấp/hạng; năm đưa vào sử dụng; thông số cơ bản (số lượng/chiều dài/diện tích...); nguyên giá, giá trị còn lại (nếu có); tình trạng sử dụng của tài sản; cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý hoặc tạm quản lý tài sản) kèm theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: 01 bản chính.

- Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan có liên quan: 01 bản chính;

- Ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan: 01 bản sao.

- Các hồ sơ quy định tại điểm b khoản 2 Điều này: 01 bản sao.

Quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm các nội dung chủ yếu sau:

- Tên cơ quan quản lý tài sản.

- Danh mục tài sản giao (tên tài sản; địa chỉ; loại/cấp/hạng; năm đưa vào sử dụng; thông số cơ bản (số lượng/chiều dài/diện tích...); nguyên giá, giá trị còn lại (nếu có); tình trạng sử dụng của tài sản); cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý hoặc tạm quản lý tài sản).

- Hình thức giao tài sản.

- Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Bước 4. Căn cứ Quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của cơ quan, người có thẩm quyền:

- Cơ quan quản lý tài sản thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định tại Nghị định 44/2024/NĐ-CP, pháp luật về giao thông đường bộ và pháp luật khác có liên quan đối với tài sản quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định 44/2024/NĐ-CP; không phải thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản như quy định tại điểm b khoản 5 Điều 7 Nghị định 44/2024/NĐ-CP.

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý hoặc tạm quản lý tài sản (Bên giao) thực hiện bàn giao tài sản cho cơ quan quản lý tài sản (Bên nhận) đối với tài sản quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định 44/2024/NĐ-CP. Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản được lập thành Biên bản theo Mẫu số 01 tại Phụ lục kèm theo Nghị định 44/2024/NĐ-CP. Sau khi tiếp nhận tài sản, cơ quan quản lý tài sản thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định tại Nghị định 44/2024/NĐ-CP, pháp luật về giao thông đường bộ và pháp luật khác có liên quan.

Về kinh phí tổ chức thực hiện việc rà soát, thống kê, phân loại và giao quản lý tài sản, được bố trí từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Trần Thị Ý Vy
71

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]