Sáng ngày 29/6/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bao gồm 11 chương, với 141 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Tại Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội do Ban Chấp hàng Trung ương ban hành đã đặt ra nhiệm vụ cải cách với nội dung "Sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt đồng thời với việc điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác", cụ thể:
- Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cách tính lương hưu, bảo đảm công bằng giữa nam và nữ, giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa người có mức lương cao với người có mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong các đối tượng hưởng chế độ hưu trí. Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.
Với việc Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thì từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2025), nội dung cải cách nêu trên sẽ được thực hiện. Cụ thể, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng, thay vì phải đóng BHXH đủ 20 năm như hiện nay theo quy định tại Điều 219 Bộ luật lao động 2019.
Do đó từ ngày 01/7/2025, người lao động sẽ được giảm số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, ít hơn 05 năm so với quy định hiện nay. Điều này sẽ giúp cho người lao động tham gia BHXH muộn hoặc tham gia không liên tục vẫn có cơ hội được hưởng lương hưu.
Lưu ý rằng quy định mới này không áp dụng đối với người hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.
Căn cứ tại Điều 2 Nghị định 75/2024/NĐ-CP quy định về thời điểm và mức điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH như sau:
- Từ ngày 01/7/2024, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024 đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP.
- Từ ngày 01/7/2024, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP, sau khi điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 75/2024/NĐ-CP, có mức hưởng thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm như sau:
+ Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng;
+ Tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng.
- Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định tại Điều 2 Nghị định 75/2024/NĐ-CP là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng ở những lần điều chỉnh tiếp theo.
Như vậy, lương hưu sau khi tăng 15% từ ngày 01/7/2024 đối với các nhóm đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP được tính như sau:
Mức lương hưu được hưởng trong tháng 7/2024 = Mức lương hưu hằng tháng của tháng 6/2024 x 1,15.
VD: Mức lương hưu của người lao động trong tháng 6/2024 là 7 triệu đồng thì từ ngày 01/7/2024, con số này sẽ tăng lên 8,05 triệu đồng.
Đối với nhóm đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP mà sau khi thực hiện điều chỉnh tăng 15% lương hưu vẫn có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng dưới 3.500.000 đồng/tháng thì tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm như sau:
- Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng;
- Tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng.
Trân trọng!