Chào anh, Ban biên tập xin trả lời như sau:
Căn cứ khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về tạm giữ tang vật, phương tiện theo thủ tục hành chính được áp dụng trong trường hợp:
- Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt.
- Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp theo dụng quy định.
- Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
- Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định.
Lưu ý: Khi tạm giữ xe, người tạm giữ bắt buộc phải lập biên bản. Trong biên bản tạm giữ xe phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của phương tiện bị tạm giữ, phải có chữ kỹ của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm…
Tại Khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020) quy định về tạm giữ phương tiện theo thủ tục hành chính như sau:
- Thời hạn tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ; trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.
- Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 66 của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020) nhưng không quá 01 tháng, kể từ ngày tạm giữ. Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 66 của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020) thì thời hạn tạm giữ có thể được tiếp tục kéo dài nhưng không quá 02 tháng, kể từ ngày tạm giữ.
- Thời hạn tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.
- Thời hạn tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020). Trường hợp tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020) thì thời hạn tạm giữ kết thúc khi quyết định xử phạt được thi hành xong.
Người có thẩm quyền tạm giữ phải ra quyết định tạm giữ, kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Như vậy, trường hợp xe vi phạm giao thông bị tạm giữ trong thời gian không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ; trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.
Căn cứ theo quy định tại khoản 4, Điều 126, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Điều 17 Nghị định 138/2021/NĐ-CP về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.
- Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 02 lần.
+ Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.
+ Hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
- Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện.
+ Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.
+ Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Theo Điều 106 Luật quản lý, sử dụng tài sản công 2017, thì phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Đồng thời, việc bán tài sản tịch thu sẽ được thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản. Quy trình trước khi bán đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư 57/2018/TT-BTC và quy trình đấu giá tài sản quy định tại Điều 55 đến Điều 63 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 có thời gian xử lý phương tiện bị tịch thu thì thời hạn có thể đấu giá, thanh lý phương tiện phải mất 18 tháng.
Điều 12. Tổ chức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản
3. Đối với tài sản xử lý theo hình thức bán đấu giá:
a) Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, việc tổ chức đấu giá được thực hiện như sau:
- Đơn vị chủ trì quản lý tài sản ký hợp đồng đấu giá với tổ chức đấu giá tài sản hoặc thành lập Hội đồng đấu giá tài sản (trong trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu tài sản) theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính và quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
- Giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được xác định theo quy định tại Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính là giá khởi điểm để tổ chức đấu giá.
Như vậy, sau khi phương tiện giao thông hết thời hạn tạm giữ và được thông báo mà chủ sở hữu hợp pháp của chiếc xe đó không đến nhận thì người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, sau khi tịch thu sẽ xử lý theo hình hình thức đấu giá.