Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo quy định tại tiểu mục 1.1 Phụ lục B QCVN 47:2022/BTNMT về chế độ quan trắc như sau:
Đối với nguyên tắc bố trí chế độ quan trắc
Tuỳ theo chế độ dòng chảy, chế độ thủy lực tại vị trí quan trắc và nhu cầu sử dụng số liệu mà bố trí chế độ quan trắc cho phù hợp đảm bảo phản ánh được diễn biến lưu lượng nước tại vị trí đo.
Có hai hình thức quan trắc lưu lượng nước là quan trắc thường xuyên và quan trắc kiểm tra.
- Quan trắc thường xuyên là đo nhiều năm liên tục. Chế độ quan trắc lưu lượng nước theo hình thức quan trắc thường xuyên đảm bảo nguyên tắc:
+ Việc bố trí chế độ quan trắc lưu lượng nước theo cấp mực nước, theo thời gian, theo đặc trưng con lũ hay theo quá trình diễn biến đặc biệt của thủy lực phải căn cứ vào mục đích, yêu cầu quan trắc và thời gian hoạt động của trạm;
+ Số lần đo lưu lượng trong năm đủ để khống chế được tính đại biểu, các điểm đặc trưng của diễn biến tương quan mực nước và lưu lượng nước Q = f(H) từ thấp tới cao;
+ Số lần đo lưu lượng trong năm đủ để xác định tương quan mực nước và lưu lượng nước Q = f(H) theo chế độ ảnh hưởng thủy lực kể cả các trường hợp đặc biệt như vỡ đê, tràn bãi,…;
- Quan trắc kiểm tra là mỗi năm hoặc một số năm đo một số lần đo lưu lượng theo một số cấp mực nước hoặc một số con lũ nhất định để kiểm tra sự thay đổi của quan hệ mực nước và lưu lượng nước Q = f(H).
Về chế độ quan trắc
Chế độ quan trắc lưu lượng nước đối với trạm mới hoạt động dưới 3 năm, trạm hoạt động trên 3 năm và trạm hoạt động trên 5 năm thực hiện theo quy định tại điều 7.2, trong TCVN 12636-8:2020 Quan trắc khí tượng thủy văn - Phần 8: Quan trắc lưu lượng nước sông vùng không ảnh hưởng thủy triều.
Theo quy định tại tiểu mục 1.2 Phụ lục B QCVN 47:2022/BTNMT về phương pháp đo thể tích như sau:
Nguyên tắc lựa chọn phương pháp quan trắc
- Việc lựa chọn phương pháp quan trắc lưu lượng nước phải căn cứ vào mục đích, yêu cầu đặt trạm và tình hình cụ thể tại từng thời điểm, từng vị trí quan trắc;
- Có thể sử dụng riêng biệt hoặc kết hợp nhiều phương pháp để quan trắc lưu lượng nước nhưng phải đảm bảo nguyên tắc chính xác, tiết kiệm.
Điều kiện áp dụng phương pháp đo thể tích
Phương pháp đo thể tích được áp dụng ở các sông, suối nhỏ, nơi không có nước tù, nơi có thể cải tạo được mặt cắt để thu được dòng nước vào máng, lưu lượng nước tối đa 20 l/s.
Phương pháp đo thể tích
(*) Trình tự đo
- Đo mực nước;
- Xác định thời gian đo;
- Đo thể tích nước;
- Tính toán lưu lượng nước;
- Bảo dưỡng phương tiện và thiết bị đo.
(*) Phương pháp đo
- Phải đo mực nước tại vị trí đo lúc bắt đầu và kết thúc đo lưu lượng nước;
- Xác định thời gian đo:
+ Ghi thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc đo chính xác đến giây;
+ Thời gian đo được tính bằng hiệu số giữa thời điểm kết thúc đo và thời điểm bắt đầu đo.
- Đo thể tích nước: Phải đảm bảo thu được toàn bộ lượng nước chảy qua mặt cắt từ thời điểm bắt đầu đến thời điểm kết thúc đo; dụng cụ chứa nước phải đảm bảo an toàn, thuận tiện để xác định thể tích nước, không chứa nước đầy quá để tránh bị tràn khi thao tác;
- Quan sát, ghi chép các hiện tượng thời tiết, tình hình dòng chảy, các hiện tượng ảnh hưởng đến dòng chảy như bờ sông, đáy sông, thực vật phát triển trong lòng sông, bờ sông.
(*) Tính lưu lượng nước
Lưu lượng nước đo bằng phương pháp thể tích được tính như sau:
Q = W/∆t
Trong đó:
- Q là lưu lượng nước (l/s);
- W là thể tích nước (l);
- ∆t là thời gian đo (s);
- ∆t = t2 - t1
- t2 là thời điểm kết thúc đo;
- t1 là thời điểm bắt đầu đo.
Trân trọng!