28/06/2024 18:08

Người lái tàu trên đường thuỷ có bắt buộc biết bơi không?

Người lái tàu trên đường thuỷ có bắt buộc biết bơi không?

Người lái phương tiện đường thủy nội địa có bắt buộc phải biết bơi không? Để phương tiện tàu, thuyền hoạt động trên đường thuỷ cần phải đáp ứng những điều kiện gì?

1. Người lái tàu trên đường thuỷ có bắt buộc biết bơi không?

Người lái tàu, thuyền trên đường thuỷ có thể được hiểu là người trực tiếp điều khiển phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa hoặc phương tiện có sức chở đến 12 người hoặc bè.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Giao thông đường thủy 2004, sửa đổi 2014 về điều kiện của người lái phương tiện như sau:

Người lái phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 sức ngựa đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người phải có các điều kiện sau đây:

(1) Đủ 18 tuổi trở lên;

(2) Có chứng nhận đủ sức khoẻ của cơ quan y tế và biết bơi;

(3) Có chứng chỉ lái phương tiện.

Đồng thời, người lái phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn hoặc có sức chở đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người phải đủ 15 tuổi trở lên, đủ sức khoẻ, biết bơi, phải học tập pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa và được cấp giấy chứng nhận. Trường hợp sử dụng phương tiện vào mục đích kinh doanh thì độ tuổi của người lái phương tiện phải tuân theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004.

Ngoài ra, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc đào tạo, cấp chứng chỉ lái phương tiện, giấy chứng nhận học tập pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa cho người lái phương tiện.

Như vậy, theo quy định về luật giao thông đường thủy hiện hành thì người tàu, thuyền trên đường thuỷ (các phương tiện đường thủy) nội địa phải bắt buộc biết bơi.

2. Điều kiện hoạt động của phương tiện tàu, thuyền trên đường thuỷ

Theo đó, điều kiện hoạt động của phương tiện được quy định cụ thể tại Điều 24 Luật Giao thông đường thủy 2004, sửa đổi 2014 cụ thể, như sau:

(1) Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa, phương tiện có sức chở trên 12 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm các điều kiện sau:

- Đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 26 của Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004;

- Có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; kẻ hoặc gắn số đăng ký, vạch dấu mớn nước an toàn, ghi số lượng người được phép chở trên phương tiện;

- Có đủ định biên thuyền viên và danh bạ thuyền viên theo quy định.

(2) Đối với phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 sức ngựa đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 24 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004.

(3) Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa và bảo đảm điều kiện an toàn như sau:

- Thân phương tiện phải chắc chắn, không bị rò nước vào bên trong; phương tiện phải thắp một đèn có ánh sáng trắng ở nơi dễ nhìn nếu hoạt động vào ban đêm; phương tiện chở người phải có đủ chỗ cho người ngồi cân bằng trên phương tiện và có đủ áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh cho số người được phép chở trên phương tiện;

- Máy lắp trên phương tiện phải chắc chắn, an toàn, dễ khởi động và hoạt động ổn định;

- Phương tiện phải được kẻ hoặc gắn số đăng ký, ghi số lượng người được phép chở trên phương tiện;

- Phương tiện phải được sơn vạch dấu mớn nước an toàn và khi chở người, chở hàng không được ngập qua vạch dấu mớn nước an toàn. Dấu mớn nước an toàn của phương tiện được sơn một vạch có màu khác với màu sơn mạn phương tiện; vạch sơn có chiều rộng 25 milimét, chiều dài 250 milimét nằm ngang trên hai bên mạn tại vị trí giữa của chiều dài lớn nhất của phương tiện; mép trên của vạch sơn cách mép mạn 100 milimét đối với phương tiện chở hàng, cách mép mạn 200 milimét đối với phương tiện chở người.

(4) Đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm điều kiện an toàn quy định tại điểm a khoản 3 Điều 24 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004.

Ngoài ra, phương tiện phải bảo đảm còn niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, các phương tiện tàu, thuyền hoạt động trên đường thuỷ cần phải đảm bảo một số điều kiện sau:

- Phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa: Phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, có giấy tờ hợp lệ, đủ định biên thuyền viên.

- Phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 sức ngựa đến 15 sức ngựa: Cần đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và có giấy tờ hợp lệ.

- Phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến 15 tấn: Yêu cầu đăng ký, đảm bảo an toàn kỹ thuật và ghi rõ thông số.

- Phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn: Chỉ cần đảm bảo an toàn cơ bản.

Nguyễn Ngọc Trầm
82

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn