Hiến máu tình nguyện được xem là nghĩa cử cao đẹp và nhân văn trong xã hội “một giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại”.
Theo đó, người đi hiến máu tình nguyện được hưởng những quyền lợi như sau:
- Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện nhằm tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến máu.
- Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện có giá trị miễn phí truyền máu khi bản thân người hiến máu tình nguyện có nhu cầu truyền máu tại các cơ sở y tế công lập trong toàn quốc.
- Giấy chứng nhận này được giao cho người hiến máu sau mỗi lần hiến máu tình nguyện.
- Người hiến máu cần xuất trình Giấy chứng nhận này để làm cơ sở cho các cơ sở y tế thực hiện việc truyền máu miễn phí.
- Cơ sở y tế có trách nhiệm ký, đóng dấu, xác nhận số lượng máu đã truyền miễn phí cho người hiến máu vào giấy chứng nhận.
(Quy định việc cấp, quản lý và sử dụng giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện Ban hành kèm theo Quyết định 1995/2004/QĐ-BYT)
Mức chi bình quân tối đa đối với ăn uống tại chỗ cho người hiến máu: 30.000 đồng/người/lần hiến máu. Các cơ sở cung cấp máu có trách nhiệm tổ chức chu đáo, công khai để người hiến máu được ăn uống tại chỗ trước và sau khi hiến máu.
(khoản 2 Điều 4 Thông tư 15/2023/TT-BYT)
- Người hiến máu toàn phần tình nguyện có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật hoặc bằng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có giá trị tối thiểu như sau:
+ Một đơn vị máu thể tích 250 ml: 100.000 đồng;
+ Một đơn vị máu thể tích 350 ml: 150.000 đồng;
+ Một đơn vị máu thể tích 450 ml: 180.000 đồng.
- Người hiến tình nguyện gạn tách các thành phần máu có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật hoặc bằng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có giá trị tối thiểu như sau:
+ Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ 250 đến 400 ml: 150.000 đồng;
+ Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ trên 400 đến 500 ml: 200.000 đồng;
+ Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ trên 500 đến 650 ml: 250.000 đồng.
- Chi hỗ trợ chi phí đi lại đối với người hiến máu tình nguyện: Mức chi bình quân tối đa là 50.000 đồng/người/lần hiến máu.
(khoản 4 Điều 4 Thông tư 15/2023/TT-BYT)
- Được cung cấp thông tin về các dấu hiệu, triệu chứng bệnh lý do nhiễm các vi rút viêm gan, HIV và một số bệnh lây truyền qua đường máu khác.
- Được giải thích về quy trình lấy máu, các tai biến không mong muốn có thể xảy ra, các xét nghiệm sẽ thực hiện trước và sau khi hiến máu.
- Được bảo đảm bí mật về kết quả khám lâm sàng, kết quả xét nghiệm; được tư vấn về các bất thường phát hiện khi khám sức khỏe, hiến máu; được hướng dẫn cách chăm sóc sức khoẻ; được tư vấn về kết quả xét nghiệm bất thường theo quy định tại Khoản 4 Điều 17 Thông tư 26/2013/TT-BYT.
- Được chăm sóc, điều trị khi có các tai biến không mong muốn xảy ra trong và sau hiến máu theo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư 26/2013/TT-BYT. Được hỗ trợ chi phí chăm sóc, điều trị khi có các tai biến không mong muốn xảy ra trong và sau hiến máu. Kinh phí để hỗ trợ chăm sóc điều trị người hiến máu theo quy định tại Khoản này được thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định tôn vinh, khen thưởng và bảo đảm các quyền lợi khác về tinh thần, vật chất của người hiến máu theo quy định của pháp luật.
(Theo Điều 12 Thông tư 26/2013/TT-BYT)
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 26/2013/TT-BYT thì khoảng thời gian tối thiểu giữa các lần hiến máu và các thành phần máu cụ thể như sau:
- Khoảng thời gian tối thiểu giữa hai lần liên tiếp hiến máu toàn phần hoặc khối hồng cầu bằng gạn tách là 12 tuần.
- Khoảng thời gian tối thiểu giữa hai lần liên tiếp hiến huyết tương hoặc hiến tiểu cầu bằng gạn tách là 02 tuần.
- Hiến bạch cầu hạt trung tính hoặc hiến tế bào gốc bằng gạn tách máu ngoại vi tối đa không quá ba lần trong 07 ngày.
- Trường hợp xen kẽ hiến máu toàn phần và hiến các thành phần máu khác nhau ở cùng một người hiến máu thì khoảng thời gian tối thiểu giữa các lần hiến được xem xét theo loại thành phần máu đã hiến trong lần gần nhất.
Như vậy, thời gian tối thiểu giữa các lần cụ thể như sau: Hiến máu toàn phần hoặc khối hồng cầu cần cách nhau ít nhất 12 tuần, trong khi hiến huyết tương hoặc tiểu cầu chỉ cần 2 tuần.
Đối với bạch cầu hạt trung tính hoặc tế bào gốc, có thể hiến tối đa 3 lần trong 7 ngày. Khi hiến xen kẽ các thành phần máu khác nhau, thời gian giữa các lần hiến sẽ dựa trên loại thành phần máu đã hiến gần nhất.