Ngày 13/10/1945, hơn 1 tháng sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các giới Công thương Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”.
Bác Hồ đã viết: “Cùng các ngài trong giới công thương, được tin giới công thương đã đoàn kết lại thành Công thương cứu quốc đoàn và gia nhập vào mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng.
Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc lợi dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng.
Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới công thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập công thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân."
Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo
Nhằm phát huy vai trò của doanh nhân đối với đất nước theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ngày 20/09/2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định lấy ngày 13/10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.
Cụ thể, theo Quyết định 990/QĐ-TTg quy định về Ngày Doanh nhân Việt Nam như sau:
Điều 1. Hàng năm lấy ngày 13 tháng 10 là "Ngày Doanh nhân Việt Nam".
Điều 2. Việc tổ chức ngày Doanh nhân Việt Nam hàng năm phải thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả, tránh hình thức, bảo đảm các yêu cầu sau đây :
- Giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, động viên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỷ luật, đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân.
- Biểu dương khen thưởng bằng các hình thức thích hợp đối với các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp.
Như vậy, ngày 13 tháng 10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đây là dịp để tôn vinh những thành tựu mà các doanh nhân đã đạt được, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống người dân; để chúng ta cùng nhau nhìn nhận lại những thành tựu đã đạt được, đồng thời động viên, khích lệ các doanh nhân tiếp tục đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Năm 2024, Ngày Doanh nhân Việt Nam, rơi vào Chủ nhật ngày 13/10.
Theo quy định tại Điều 10 Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1354/QĐ-BNV 2012 về thủ tục vào Hội, ra Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam như sau:
(1) Công dân Việt Nam có đủ điều kiện quy định tại Điều 7 Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1354/QĐ-BNV 2012, có nguyện vọng, có thể nộp đơn xin gia nhập Hội tại hội viên tổ chức hoặc tổ chức chi hội cơ sở trực thuộc nơi phù hợp với điều kiện và địa bàn hoạt động của mình. Các Hội Doanh nhân trẻ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ điều kiện quy định tại Điều 7 Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1354/QĐ-BNV 2012 nộp đơn xin gia nhập tại Ủy ban Trung ương Hội.
(2) Hội viên bị xóa tên trong các trường hợp sau:
- Hội viên khi không còn là lãnh đạo, đại diện của doanh nghiệp thì đương nhiên không còn là hội viên, trừ trường hợp Ủy ban Trung trong Hội có quyết định khác;
- Hội viên xin ra khỏi Hội;
- Hội viên bị kỷ luật khai trừ khỏi Hội;
- Hội Doanh nhân trẻ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là hội viên của Hội chấm dứt tồn tại, hoạt động theo quy định của pháp luật.
(3) Đoàn Chủ tịch quy định cụ thể trình tự, thủ tục vào Hội, ra Hội phù hợp quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.