20/05/2024 16:58

Ngày 8 tháng 6 là ngày gì? Quy định về phòng, chống ô nhiễm nước biển tại VN

Ngày 8 tháng 6 là ngày gì? Quy định về phòng, chống ô nhiễm nước biển tại VN

Cho tôi hỏi ngày 8 tháng 6 có phải là ngày Đại dương Thế giới không? Quy định về phòng, chống ô nhiễm nước biển tại VN như thế nào? (Hoàng Anh - Hà Nội)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Ngày 8 tháng 6 là ngày gì?

Tại Hội Nghị Trái Đất ở Rio de Janeiro tại Brazil, Canada đã đưa ra đề nghị chọn ngày 8/6 làm ngày Đại Dương Thế Giới. Tuy nhiên đến năm 2008 thì Liên Hiệp Quốc mới công nhận ngày này. Từ đó, ngày Đại Dương Thế Giới (World Oceans Day) được tổ chức vào ngày 8/6 hàng năm

Mục tiêu chung của việc tổ chức ngày Đại dương thế giới là nâng cao nhận thức cho công chúng và các nhà quản lý về vai trò cực kỳ quan trọng của biển và đại dương trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Đại dương là nơi chứa nhiều nguồn tài nguyên quan trọng như hải sản, thủy sinh,... Bên cạnh đó đại dương còn là các tuyến hàng hải quan trọng trong thương mại với nước ngoài. Nhưng hiện nay, các vấn đề ô nhiễm đại dương đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và tài nguyên đang bị thu hẹp đi. Do đó Ngày Đại Dương Thế Giới (8/6) có ý nghĩa nhắc nhở con người quan tâm nhiều hơn đến đại dương và tìm ra các giải pháp khắc phục những vấn đề này.

Ngày Đại dương Thế giới mang lại cơ hội cho mỗi người tham gia vào bảo vệ tương lai của môi trường, thông qua những hoạt động quảng bá, bảo vệ môi trường biển – nhặt rác tại các bãi biển, các chương trình giáo dục, cuộc thi nghệ thuật, liên hoan phim, các sự kiện bảo tồn các loài cá, phản đối các hành động đánh bắt và tiêu dùng làm ảnh hưởng tới sự phát triển của những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao. 

2. Chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2024 và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Công văn số 3214/BTNMT-BHĐVN-TTTT ngày 21 tháng 5 năm 2024 về việc tổ chức các hoạt động Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam và hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2024.

Tải Công văn số 3214/BTNMT-BHĐVN-TTTT:  https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/3214-btmt-tttt_Signed.pdf

Theo đó, chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2024 là: "Hiều biết sâu sắc hơn về đại dương" (Awaken new depths), kêu gọi các quốc gia và tổ chức cùng khám phá, đánh thức những hiểu biết về đại dương, cùng nổ lực thay đổi để bảo vệ đại dương, vì một đại dương xanh và bền vững.

Nhằm hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2024, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm nay lấy chủ đề là "Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển", gắn liền với Chiến lực phát triển bền vững kinh té biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 08 tháng 6.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm đối với tài nguyên nước tại Việt Nam

Ngày 27/11/2023, Quốc hội đã ban hành Luật Tài nguyên nước 2023, sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2024. Theo đó, Nhà nước Việt Nam đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với tài nguyện nước tại Điều 8 Luật Tài nguyên nước 2023, bao gồm:

- Đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại, xả khí thải độc hại vào nguồn nước.

- Xả nước thải vào nguồn nước dưới đất; xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải vào nguồn nước mặt, nước biển.

- Xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.

- Thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất trái phép.

- Lấn, lấp sông, suối, kênh, mương, rạch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ chứa, kênh, mương, rạch nhưng không có biện pháp khắc phục.

- Khai thác trái phép cát, sỏi, bùn, đất và các loại khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, trong hành lang bảo vệ nguồn nước; khoan, đào, xây dựng nhà cửa, công trình, vật kiến trúc và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt lở bờ sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ.

- Phá hoại các công trình bảo vệ, điều tiết, tích trữ nước, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra.

- Làm sai lệch thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước.

- Không tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

- Xây dựng đập, hồ chứa, công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước trái quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan.

4. Quy định về phòng, chống ô nhiễm nước biển

Theo quy định tại Điều 33 Luật Tài nguyên nước 2023 quy định về phòng, chống ô nhiễm nước biển như sau:

- Tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển phải có phương án, trang thiết bị, nhân lực bảo đảm phòng ngừa, hạn chế ô nhiễm nước biển.

Trường hợp gây ô nhiễm nước biển phải kịp thời xử lý, khắc phục và thông báo ngay khi phát hiện đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Nguồn thải từ các hoạt động ở vùng ven biển, hải đảo và các hoạt động trên biển phải được kiểm soát, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật trước khi thải vào biển.

Ô nhiễm nước biển là vấn đề nhức nhối hiện nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế - xã hội. Để bảo vệ biển đảo quê hương, mỗi cá nhân và cộng đồng cần chung tay góp sức thực hiện các biện pháp phòng, chống hiệu quả và không thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định pháp luật.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
406

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn