23/10/2024 19:24

Mức xử phạt hành vi cản trở, gây khó khăn cho việc sử dụng đất của người khác theo Nghị định 123

Mức xử phạt hành vi cản trở, gây khó khăn cho việc sử dụng đất của người khác theo Nghị định 123

Mức xử phạt hành vi cản trở, gây khó khăn cho việc sử dụng đất của người khác theo Nghị định 123 là bao nhiêu? Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai là gì? Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai thực hiện như thế nào?

1. Mức xử phạt hành vi cản trở, gây khó khăn cho việc sử dụng đất của người khác theo Nghị định 123

Căn cứ tại Điều 15 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi cản trở, gây khó khăn cho việc sử dụng đất của người khác như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đưa vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất thuộc quyền sử dụng của người khác hoặc thửa đất thuộc quyền sử dụng của mình mà cản trở, gây khó khăn cho việc sử dụng đất của người khác.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đào bới, xây tường, làm hàng rào trên đất thuộc quyền sử dụng của mình hoặc của người khác mà cản trở, gây khó khăn cho việc sử dụng đất của người khác.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Lưu ý: Mức xử phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Mức xử phạt đối với tổ chức bằng 02 lần cá nhân. (Khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP)

Như vậy, cá nhân nào có hành vi cản trở, gây khó khăn cho việc sử dụng đất của người khác  sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 10 triệu đồng, đối với tổ chức sẽ gấp đôi số tiền này. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm

2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai

Theo quy định tại Điều 11 Luật Đất đai 2024 quy định 11 hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai, gồm:

(1) Lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất.

(2) Vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước về đất đai.

(3) Vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

(4) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về quản lý đất đai.

(5) Không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin đất đai không chính xác, không đáp ứng yêu cầu về thời hạn theo quy định của pháp luật.

(6) Không ngăn chặn, không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

(7) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.

(8) Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

(9) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

(10) Cản trở, gây khó khăn đối với việc sử dụng đất, việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

(11) Phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai.

3. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai thực hiện như thế nào?

Căn cứ Điều 105 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Người đề nghị nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.

Bước 2: Thông báo cho các bên

Khi nhận được đơn yêu cầu hoà giải tranh chấp đất đai thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, UBND cấp xã phải thông báo bằng văn bản cho các bên tranh chấp đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất tranh chấp về việc thụ lý đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, trường hợp không thụ lý thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 3: Thực hiện thẩm tra, xác minh

UBND cấp xã thực hiện thẩm tra, xác minh nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất.

Bước 4: Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai

UBND cấp xã có trách nhiệm thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải. Thành phần Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã là Chủ tịch Hội đồng, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, công chức làm công tác địa chính, người sinh sống lâu năm biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất tranh chấp (nếu có). Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện tổ chức, cá nhân khác tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai.

Bước 5: Thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai

UBND cấp xã tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.

Nếu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét, giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.

Nếu hòa giải không thành thì UBND cấp xã hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
403

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]