22/05/2024 10:01

Mang bình xịt hơi cay để tự vệ có vi phạm pháp luật không?

Mang bình xịt hơi cay để tự vệ có vi phạm pháp luật không?

Tôi muốn mua bình xịt hơi cay để đem đi đường phòng thân như có được không? Mong Ban biên tập trả lời giúp tôi (Bạn An - Hà Nội)

Chào bạn, Ban biên tập xin trả lời như sau:

1. Bình xịt hơi cay có nằm trong nhóm vũ khí được Nhà nước quản lý?

Căn cứ theo khoản 11 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

...

11. Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp, bao gồm:

a) Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này;

b) Phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;

c) Lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ;

d) Dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh;

đ) Động vật nghiệp vụ là động vật được huấn luyện để sử dụng cho yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;

e) Công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự là phương tiện được chế tạo, sản xuất không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có tính năng, tác dụng tương tự như công cụ hỗ trợ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này.

...

Như vậy, bình xịt hơi cay là nằm trong nhóm công cụ hỗ trợ giúp người thi hành công vụ ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

2. Mang bình xịt hơi cay để tự vệ có vi phạm pháp luật không?

Hiện nay, tình hình hoạt động của các loại tội phạm hình sự nói chung, tội phạm cướp giật tài sản nói riêng trên nhiều địa bàn trong cả nước có diễn biến phức tạp. Do đó, khi đi trên đường, nhiều người muốn mua và mang theo bình xịt hơi cay để phòng vệ. 

Tuy nhiên, đây lại là một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 5  Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017. Theo đó, cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo. Các hành vi mua bán, trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cũng bị cấm theo khoản 10 Điều này. 

Đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ được quy định theo Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, được hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 3 Điều 3 Thông tư 17/2018/TT-BCA, bao gồm:

- Đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an;

- Trại giam, trại tạm giam;

- Học viện, trường Công an nhân dân; Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân làm công tác đào tạo, huấn luyện;

- Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh);

- Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

- Công an xã, phường, thị trấn.

Như vậy, chỉ những đối tượng theo quy định trên mới có thể trang bị công cụ hỗ trợ bên người. Cá nhân không thuộc các đối tượng trên mà sử dụng, mua bán, tàng trữ bình xịt hơi cay được xem là hành vi trái pháp luật. 

3. Mức xử phạt đối với hành vi tàng trữ bình xịt hơi cay trái phép

Như đã trình bày ở trên, cá nhân không thuộc đối tượng được phép trang bị công cụ hỗ trợ mà sử dụng, mua bán là hành vi vi phạm pháp luật. Mức xử phạt đối với hành vi này được quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:

Điều 11. Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

d) Tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ;

...

Như vậy, hành vi tàng trữ bình xịt hơi cay trái phép có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, những người đã bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi như trên mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 306 Bộ luật hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung 2017.

Trân trọng!

Lê Nguyễn Anh Vy
1738

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn