Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định 243/QĐ-KTNN ngày 21/02/2025 về hướng dẫn kiểm toán từ xa.
Theo đó, kiểm toán từ xa là phương thức mà kiểm toán viên nhà nước và thành viên không phải kiểm toán viên nhà nước tham gia hoạt động kiểm toán (gọi tắt là KTVNN) ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông tương tác với đơn vị được kiểm toán để thu thập bằng chứng kiểm toán điện tử, làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán mà không phụ thuộc vào vị trí làm việc của KTVNN.
Dựa vào trình độ công nghệ thông tin và khả năng ứng dụng các công cụ kiểm toán từ xa của KTVNN và đơn vị được kiểm toán, có thể chia thành kiểm toán từ xa một phần và kiểm toán từ xa toàn diện. Trong đó:
- Kiểm toán từ xa một phần: Được hiểu là việc sử dụng công nghệ hỗ trợ cho kiểm toán từ xa đối với một số nội dung công việc mà không phải tất cả công việc kiểm toán của cuộc kiểm toán; các nội dung khác không thực hiện được kiểm toán từ xa thì thực hiện kiểm toán trực tiếp tại đơn vị để đạt được mục tiêu của cuộc kiểm toán.
Kiểm toán từ xa một phần yêu cầu việc số hóa dữ liệu trước khi các tài liệu này được trao đổi giữa KTVNN và đơn vị được kiểm toán.
- Kiểm toán từ xa toàn diện: Tất cả các hoạt động kiểm toán của cuộc kiểm toán đều được thực hiện từ xa và liên quan đến việc sử dụng các dạng công nghệ khác nhau. Dữ liệu điện tử có thể được thu thập thông qua rất nhiều kênh.
(Căn cứ Điều 4, Điều 5 Hướng dẫn kiểm toán từ xa ban hành kèm theo Quyết định 243/QĐ-KTNN năm 2025)
Tại Điều 8 Hướng dẫn kiểm toán từ xa ban hành kèm theo Quyết định 243/QĐ-KTNN năm 2025, Tổng Kiểm toán nhà nước đã có hướng dẫn thực hiện kiểm toán từ xa như sau:
(1) Công bố quyết định kiểm toán
Hình thức công bố quyết định kiểm toán có thể được thực hiện bằng cách gửi thông báo hoặc tổ chức công bố tại cuộc họp trực tuyến trên hệ thống CNTT của KTNN.
(2) Tiến hành kiểm toán
Tùy thuộc điều kiện của từng cuộc kiểm toán và khả năng đáp ứng về CNTT, cuộc kiểm toán từ xa có thể được tiến hành tập trung tại một địa điểm làm việc hoặc phân tán.
- Thu thập bằng chứng kiểm toán
Các phương pháp, thủ tục kiểm toán nhằm thu thập bằng chứng kiểm toán thường được sử dụng gồm: Quan sát; kiểm tra, đối chiếu; xác nhận từ bên ngoài; tính toán lại; phỏng vấn; thủ tục phân tích; thực hiện lại...
- Đánh giá bằng chứng kiểm toán và hình thành ý kiến kiểm toán
Sau khi hoàn tất các thủ tục kiểm toán, KTVNN đánh giá xem việc thu thập được bằng chứng kiểm toán đã đầy đủ và thích hợp để đưa ra các phát hiện và kết quả kiểm toán. Trên cơ sở đó, KTVNN thực hiện đánh giá chuyên môn để đưa ra kết luận hoặc ý kiến kiểm toán về thông tin hoặc đối tượng được kiểm toán.
KTVNN có thể phải dựa vào giấy tờ kỹ thuật số, bảng tính và các dạng tài liệu điện tử khác để đánh giá nên khó xác thực và xác minh hơn so với tài liệu trên giấy. Nếu không có khả năng kiểm tra thực tế hồ sơ và tài sản, KTVNN có thể cần phát triển các thủ tục kiểm toán thay thế để bảo đảm tính hợp lệ của thông tin do đơn vị được kiểm toán cung cấp.
- Lập và ký biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán
+ Trong quá trình tổng hợp kết quả kiểm toán, trao đổi với đơn vị được kiểm toán (về các vấn đề liên quan đến cuộc kiểm toán, các phát hiện kiểm toán), tiếp nhận ý kiến giải trình của đơn vị được kiểm toán, KTVNN chỉ trao đổi, tiếp nhận thông tin, tài liệu điện tử với đơn vị được kiểm toán thông qua hệ thống CNTT của KTNN, hạn chế tối đa việc sử dụng các dịch vụ truyền dẫn trực tuyến công cộng của bên thứ ba cung cấp.
+ Khi gửi biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán cho người có trách nhiệm liên quan của đơn vị được kiểm toán ký, KTVNN có thể gửi dưới dạng tài liệu điện tử để ký số hoặc gửi bản giấy qua dịch vụ chuyển phát.
Với phương thức kiểm toán từ xa, KTVNN không chứng kiến trực tiếp việc ký biên bản nên trong mọi trường hợp, khi KTVNN tiếp nhận lại biên bản đã có đầy đủ chữ ký thì cần kiểm tra để bảo đảm chữ ký số (nếu có) của đúng người có trách nhiệm và nội dung biên bản không bị thay đổi, chỉnh sửa.
(3) Lập và thông qua dự thảo biên bản kiểm toán
Việc lập và thông qua dự thảo biên bản kiểm toán có thể gửi dưới dạng tài liệu điện tử để hoặc gửi bản giấy qua dịch vụ chuyển phát; có thể tổ chức họp trực tuyến hoặc lấy ý kiến bằng văn bản của đơn vị được kiểm toán gửi Tổ kiểm toán đối với dự thảo biên bản kiểm toán, làm cơ sở để hoàn thiện biên bản kiểm toán.
(4) Trong suốt quá trình thực hiện kiểm toán, trường hợp phát sinh các hành vi vi phạm phải xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước (bao gồm trường hợp đơn vị được kiểm toán không ký biên bản kiểm toán sau 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được biên bản kiểm toán có chữ ký của Tổ trưởng Tổ kiểm toán) thì thực hiện theo quy định tại Quy trình kiểm toán của KTNN.
Tuy nhiên, do đặc thù của kiểm toán từ xa, KTVNN khi xác định hành vi vi phạm cần xem xét các nguyên nhân khách quan như thất lạc tài liệu khi chuyển phát hoặc phát sinh sai lệch, chậm trễ trong cung cấp dữ liệu, trả lời, giải trình do truyền dẫn trên môi trường CNTT…
Xem chi tiết Hướng dẫn thực hiện kiểm toán từ xa tại Quyết định 243/QĐ-KTNN ngày 21/02/2025.