21/03/2024 08:05

Công chức bị đưa ra khỏi quy hoạch vì sinh con thứ 3 có được vào quy hoạch lại không?

Công chức bị đưa ra khỏi quy hoạch vì sinh con thứ 3 có được vào quy hoạch lại không?

Tôi là công chức nhà nước, tuy nhiên vào cuối năm 2021 tôi có sinh con thứ ba và năm 2022 thì bị đưa ra khỏi quy hoạch công chức. Tôi muốn hỏi thì trong vòng 3 năm tôi có được đưa vào quy hoạch lại hay không? (Hà Mi-Quảng Nam)

Có nhiều công chức vì lỡ kế hoạch hóa gia đình và bị đưa ra khỏi quy hoạch vì sinh con thứ 3, vậy thì trong 5 năm tới thì có được đưa vào quy hoạch được hay không đang được rất nhiều công chức thắc mắc. Vậy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Công chức là gì? Quy hoạch công chức là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (Được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) quy định về công chức theo đó:

Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong:

- Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;

- Cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng;

- Cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Căn cứ Khoản 3 Điều 2 quy định quy hoạch cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý của kiểm toán nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 2035/QĐ-KTNN năm 2018 thì:

Quy hoạch cán bộ, công chức lãnh đạo là công tác phát hiện sớm nguồn cán bộ, công chức trẻ có đức, có tài, có triển vọng về khả năng lãnh đạo quản lý, đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng

Như vậy, công chức là công dân được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh với vị trí việc làm ở các cơ quan trên và quy hoạch công chức là đưa công chức có khả năng trở thành quản lý vào quy hoạch để có kế hoạch đào tào, bồi dưỡng.

2. Công chức sinh con thứ 3 có bị kỷ luật hay không?

Căn cứ Điều 4 Nghị định 104/2003/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Dân số 2003 quy định:

Mục tiêu chính sách dân số là duy trì mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con để ổn định quy mô dân số, bảo đảm cơ cấu dân số và phân bố dân cư hợp lý, nâng cao chất lượng dân số.

Theo Khoản 9 Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với cán bộ, công chức, cụ thể:

Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức.

Từ những quy định trên, thì trường hợp cán bộ, công chức sinh con thứ 3 là đã vi phạm quy định của pháp luật về mục tiêu chính sách dân số. Và nếu công chức vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng thì sẽ bị hình thức kỷ luật khiển trách.

Ngoài ra, theo Công văn Công văn 6616/BNV-CCVC năm 2021 về hướng dẫn về xử lý kỷ luật và xếp loại chất lượng đối với cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật do vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình thì:

- Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ ba trở lên nếu thuộc một trong các trường hợp không vi phạm về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình theo quy định tại Nghị định 20/2010/NĐ-CP, Nghị định 18/2011/NĐ-CP và Hướng dẫn 04-HD/UBKTTW ngày 22/3/2018 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì không bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của Nghị định 112/2020/NĐ-CP.

- Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình thì việc xem xét xử lý kỷ luật được tiến hành sau khi sinh con thứ ba. Khi xem xét xử lý kỷ luật, đề nghị căn cứ vào mức độ của hành vi vi phạm theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định  112/2020/NĐ-CP để áp dụng hình thức kỷ luật cho phù hợp, bảo đảm tương xứng giữa kỷ luật về Đảng và kỷ luật hành chính.

- Theo quy định tại Nghị định 90/2020/NĐ-CP thì trường hợp cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ 3 mà bị xử lý kỷ luật Đảng hoặc kỷ luật hành chính thì sẽ bị xếp loại “Không hoàn thành nhiệm vụ” của năm đó.

3. Công chức bị đưa ra khỏi quy hoạch vì sinh con thứ 3 thì có được đưa vào quy hoạch lại không?

Theo Khoản 2 Điều 82 Luật cán bộ, công chức 2008 (được sửa đổi bởi Khoản 17 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019):

Cán bộ, công chức bị kỷ luật thì xử lý như sau:

a) Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực

c) Hết thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản này, cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.

Từ quy định trên, công chức bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách sẽ không thực hiện việc quy hoạch trong thời hạn 12 tháng. Có thể thấy, công chức có thể bị đưa ra khỏi quy hoạch vì sinh con thứ 3 và khi hết thời hạn 12 tháng mà công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật tiếp tục thì tiếp tục thực hiện quy hoạch theo quy định của pháp luật.

Vậy, trong trưởng hợp của chị là công chức sinh con thứ ba vào cuối năm 2021, năm 2022 bị đưa ra khỏi quy hoạch vì sinh con thứ ba thì trong vòng 3 năm vẫn có thể được đưa vào quy hoạch nếu không tiếp tục vi phạm bị kỷ luật.

Trân trọng!

Phạm Thị Thu Hà
2650

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]