19/05/2022 08:13

Cần quy định quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đương nhiên là án lệ

Cần quy định quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đương nhiên là án lệ

Tòa án nhân dân tối cao ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phát triển án lệ, tuy nhiên, cho đến nay, số lượng án lệ được ban hành còn hạn chế, chưa đáp ứng kỳ vọng của Tòa án nhân dân tối cao và đòi hỏi của đời sống pháp lý.

Cùng với việc tiếp nhận kinh nghiệm lập pháp của nhiều quốc gia trên thế giới trong quá trình hội nhập và vai trò của án lệ đối với hệ thống pháp luật quốc gia trong việc tham gia với các loại nguồn luật khác điều chỉnh các quan hệ xã hội mà Nhà nước cần điều chỉnh, sau quá trình chuẩn bị, án lệ chính thức trở thành một loại nguồn luật trong hệ thống pháp luật nước ta kể từ ngày 16/12/2015, ngày Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ (Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP) có hiệu lực pháp luật. Trong quá trình áp dụng, mặc dù Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ (Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP) thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP và Tòa án nhân dân tối cao ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phát triển án lệ, tuy nhiên, cho đến nay, số lượng án lệ được ban hành còn hạn chế, chưa đáp ứng kỳ vọng của Tòa án nhân dân tối cao và đòi hỏi của đời sống pháp lý.

1. Quy định của pháp luật hiện hành về quy trình lựa chọn, công bố án lệ và thực trạng áp dụng 

Theo pháp luật hiện hành, án lệ được hiểu là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử (Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP). Đồng thời, một bản án, quyết định để trở trành án lệ phải đáp ứng 03 tiêu chí được quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, bao gồm: (i) Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể; (ii) Có tính chuẩn mực; (iii) Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Hiện nay, việc lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ được quy định tập trung tại Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP. Theo đó, quy trình lựa chọn, công bố án lệ được tiến hành thông qua 04 bước sau đây: 

Bước 1. Đề xuất bản án, quyết định để phát triển thành án lệ. Các Tòa án và các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án chứa đựng các tiêu chí của án lệ đến Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ. 

Bước 2. Lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ. Tòa án nhân dân tối cao tiến hành đăng tải bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao để các Tòa án, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, cá nhân, cơ quan, tổ chức quan tâm tham gia ý kiến trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng tải. Trên cơ sở kết quả lấy ý kiến, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ. Sau đó, Hội đồng tư vấn án lệ thảo luận cho ý kiến đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ có thể thông qua phiên họp thảo luận trực tiếp hoặc bằng văn bản. Kết quả tư vấn được báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. 

Bước 3. Thông qua án lệ. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để thảo luận, biểu quyết thông qua án lệ. Phiên họp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng biểu quyết tán thành. 

Bước 4. Công bố án lệ. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành quyết định công bố án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua. Nội dung công bố bảo đảm các yêu cầu tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP. Sau đó, án lệ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao; được gửi cho các Tòa án, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao và đưa vào Tuyển tập án lệ để xuất bản. 

Bên cạnh đó, một trong những điểm mới quan trọng của Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP so với Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP là đối với bản án, quyết định được Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao đề xuất hoặc được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thì không thực hiện bước 2 bên trên, do đó, quy trình đề xuất phát triển thành án lệ đối với các bản án, quyết định loại này nhanh hơn, đơn giản hóa quy trình rà soát, phát hiện bản án, quyết định là nguồn án lệ, góp phần đẩy nhanh việc phát triển án lệ. 

Tuy nhiên, số lượng bản án, quyết định được đề xuất dự nguồn án lệ[1] và số lượng bản án, quyết định được phát triển thành án lệ khá khiêm tốn chưa đáp ứng sự kỳ vọng của Tòa án nhân dân tối cao và đáp ứng yêu cầu của đời sống pháp lý[2]. Theo thống kê, tính từ ngày 16/12/2015 đến ngày 16/8/2021, chỉ có 43 bản án, quyết định được lựa chọn, phát triển thành án lệ. Tính trong khoản thời gian từ ngày 15/7/2019 (ngày Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực) đến ngày 16/8/2021, chỉ có 17 bản án, quyết định được lựa chọn, phát triển thành án lệ. Thực tế này cho thấy, mặc dù đã quy định thủ tục rút gọn trong quy trình tuyển chọn, công bố án lệ nhưng số lượng bản án, quyết định được phát triển thành án lệ vẫn chưa nhiều. 

Về loại án lệ, trong 43 án lệ có 07 án lệ hình sự, 23 án lệ dân sự, 08 án lệ kinh doanh thương mại, 01 án lệ lao động, 02 án lệ tố tụng dân sự, 02 án lệ về tố tụng hành chính. Về Tòa án có phán quyết được phát triển thành án lệ, trong số 43 án lệ được công bố thì có 26 phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (các án lệ số 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 17, 20, 21, 24, 26, 27, 28, 29, 31, 32, 36, 38, 39 và 43); 07 phán quyết của các Tòa chuyên trách, Tòa phúc thẩm thuộc Tòa án nhân dân tối cao trước đây gồm 01 phán quyết của Tòa phúc thẩm tại Đà Nẵng, 05 phán quyết của Tòa dân sự, 01 phán quyết của Tòa hình sự (các án lệ số 3, 14, 15, 16, 19, 25, 41);  07 phán quyết của Tòa án nhân dân cấp cao gồm 05 phán quyết của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, 01 phán quyết của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và 01 phán quyết của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (các án lệ số 18, 30, 33, 34, 35, 37, 40); 02 phán quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh (đều của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các án lệ số 22, 23); 01 phán quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện (của Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, án lệ số 42). 

Như vậy, từ khi án lệ được quy định là nguồn luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao có nhiều hoạt động, trong đó có sửa đổi, bổ sung quy định về quy trình lựa chọn, công bố án lệ[3]; chỉ đạo toàn hệ thống Tòa án nhân dân tăng cường đề xuất bản án, quyết định làm nguồn án lệ[4]. Tuy nhiên, số lượng án lệ được công bố trong thời gian qua chưa đúng kỳ vọng của Tòa án nhân dân tối cao. Một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng án lệ được lựa chọn, công bố làm án lệ chưa nhiều là chưa có quy trình đặc thù đối với quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao so với các bản án, quyết định khác. Vì vậy, cần có sự phân tích, đánh giá để thấy được tính đặc thù của quyết định do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành trong quá trình giải quyết vụ án theo trình tự, thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, qua đó, cần có quy trình phát triển án lệ riêng so với các quy định phát triển án lệ (theo thủ tục thông thường và thủ tục rút gọn) đang áp dụng hiện nay. 

2. Sự cần thiết quy định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đương nhiên là án lệ và kiến nghị hoàn thiện 

Mặc dù, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP đã có sự sửa đổi, bổ sung quy trình tuyển chọn, công bố án lệ ngắn gọn hơn đối với một số bản án, quyết định[5], tuy nhiên, sự ngắn gọn này vẫn còn bao hàm nhiều loại phán quyết, trong đó có phán quyết do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành, mà chưa quy định thủ tục công nhận án lệ đặc thù, đơn giản hơn đối với phán quyết này so với các phán quyết khác. Với đặc thù của phán quyết do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành, cần có thủ tục tuyển chọn, công bố đơn giản hơn, kể cả so với các phán quyết rơi vào trường hợp tuyển chọn, công bố theo thủ tục rút gọn bởi các lý do chính sau đây: 

Thứ nhất, phán quyết do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành là phán quyết cuối cùng 

Theo quy định của các văn bản luật tố tụng hiện hành, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành là phán quyết theo trình tự, thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm cuối cùng. Một vụ án có thể được xem xét theo trình tự, thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bởi Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, tuy nhiên, để được xem xét theo trình tự, thủ tục này thì ngoài đáp ứng một trong các căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, vụ án còn phải ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, được dư luận quan tâm. Do đó, số lượng quyết định do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành là không nhiều. 

Bên cạnh đó, một trong những điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là quy định trình tự, thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đồng thời, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 tiếp tục quy định trình tự, thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), Luật Tố tụng hành chính năm 2010. Tuy nhiên, quy định này mang tính dự phòng để bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân là chính, sẽ rất khó có thể áp dụng trên thực tế. Bởi vì, để được áp dụng thủ tục đặc biệt này, đòi hỏi phải có căn cứ do luật định, có yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét của nhóm chủ thể có thẩm quyền rất hạn chế và theo trình tự, thủ tục cực kỳ nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, trên thực tế, trước thời điểm các văn bản luật tố tụng năm 2015 ban hành, trong quá trình thực hiện Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), Luật Tố tụng hành chính năm 2010, chưa có trường hợp cần phải xem xét lại phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đồng thời, từ khi các văn bản luật tố tụng năm 2015 có hiệu lực cho đến nay, chưa có trường hợp nào phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bị xem xét lại theo trình tự, thủ tục đặc biệt. 

Hơn nữa, theo pháp luật tố tụng, khi giải quyết theo trình tự, thủ tục giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có thể xem xét lại phán quyết của Tòa án nhân dân cấp dưới về nội dung, thông qua thẩm quyền sửa án[6], qua đó, dễ dàng bảo đảm các tiêu chí lựa chọn án lệ. Trong những trường hợp không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có thể chứa đựng nội dung về cách giải quyết của Tòa án nhân dân cấp dưới, qua đó có thể tạo án lệ qua trung gian. Thậm chí trong trường hợp, khi Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy phán quyết để giải quyết lại thì các nhận định trong đó cũng có giá trị định hướng, tao khuôn mẫu cho công tác giải quyết các vụ án tương tự. 

Thứ hai, thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là những chuyên gia, người ưu tú nhất trong lĩnh vực xét xử 

Khác với quy định tương ứng trước đây, khoản 1 Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định số lượng thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không dưới 13 người và không quá 17 người, gồm Chánh án, các Phó Chánh án Tòa nhân dân tối cao là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đây là những người đã công tác lâu năm trong hệ thống Tòa án nhân dân (đã là thẩm phán cao cấp từ đủ 05 năm trở lên); những người giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương, am hiểu sâu sắc về các lĩnh vực của đời sống xã hội hoặc những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức và có uy tín cao trong xã hội. Chính vì vậy, giá trị phán quyết do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành được xem là chuẩn mực pháp lý, đáp ứng hoàn toàn các điều kiện mà Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP nêu lên, thậm chí ở mức độ cao hơn rất nhiều. Điều này được thể hiện rõ qua số án lệ được phát triển từ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, trong số 43 án lệ được công bố cho đến thời điểm này, có đến 26 án lệ được phát triển từ phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, chiếm tỷ lệ 60,46% mặc dù số lượng phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành chiếm tỷ lệ nhỏ so với phán quyết do các Tòa án khác ban hành. 

Thứ ba, phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bảo đảm sự tuân thủ triệt để trong quá trình giải quyết các vụ việc tương tự 

Khác với phán quyết của Tòa án nhân dân cấp cao, phán quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện chỉ có giá trị chủ yếu trong phạm vi lãnh thổ hoặc đơn vị hành chính, phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bảo đảm sự tuân thủ triệt để trong quá trình giải quyết các vụ việc tương tự của Tòa án cấp dưới và ngay cả trong Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Bởi vì, đây là phán quyết được tiến hành theo trình tự, thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm cuối cùng và tầm ảnh hưởng của nó đến toàn thể hệ thống Tòa án nhân dân. Thực tiễn hiện nay, đối với các phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho dù chưa phải là án lệ nhưng vẫn đang là hình mẫu để Tòa án nhân dân cấp dưới nghiên cứu, áp dụng giải quyết các vụ việc tương tự. 

Thứ tư, quy định phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đương nhiên là án lệ sẽ cụ thể hóa quan điểm của Tòa án nhân dân tối cao theo Đề án “Phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao” 

Mặc dù Quyết định số 74/QĐ-TAND ngày 31/10/2012 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cáo phê duyệt Đề án “Phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao” (Quyết định số 74/QĐ-TAND) hướng đến việc phát triển án lệ đối với tất cả bản án, quyết định có hiệu lực do các Tòa án có thẩm quyền ban hành, tuy nhiên, phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao luôn được đề cao, chú trọng. Về mục tiêu tổng quát, Quyết định số 74/QĐ-TAND nhấn mạnh, việc phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao nhằm nâng cao chất lượng của bản án, quyết định của Ngành Tòa án nói chung, đặc biệt là Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (điểm a mục 1 phần I Điều 1). Về quan điểm chỉ đạo, Quyết định số 74/QĐ-TAND quy định, án lệ là Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Quyết định giám đốc thẩm của Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua, trở thành án lệ có giá trị tham khảo đối với Thẩm phán khi giải quyết các vụ việc cụ thể (mục 2 phần I Điều 1). Về định hướng phát triển án lệ, Quyết định số 74/QĐ-TAND chỉ ra, thông qua việc xét xử vụ án cụ thể, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lập luận về một vấn đề chưa được hướng dẫn và đưa ra cách giải quyết về vụ án và là nguồn cung cấp để pháp điển hóa thành văn bản hướng dẫn hoặc có thể là nguồn để đề nghị sửa đổi về một quy phạm pháp luật cụ thể có liên quan, có giá trị tham khảo đối với thẩm phán khi giải quyết các vụ việc cụ thể. Đồng thời, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thực hiện chức năng hướng dẫn áp dụng thống nhất thông qua cách giải thích, lập luận đường lối cách thức áp dụng pháp luật trong những vụ án cụ thể. Quyết định trở thành án lệ là quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và quyết định giám đốc thẩm của Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua (các điểm a, b, d mục 3 phần I Điều 1). 

Như vậy, trong định hướng phát triển án lệ ở Việt Nam, ngay từ thời điểm ban đầu, Tòa án nhân dân tối cao đã xác định phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là trung tâm, nền tảng để phát triển án lệ và có sự tập trung trong việc đề ra các giải pháp xuất phát từ giá trị của phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và do những chủ thể có kiến thức uyên tâm, tinh thông mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ban hành ra. Do đó, trình tự, thủ tục tuyển chọn, công bố án lệ là phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành phải có sự khác biệt so với phán quyết do thẩm phán của các Tòa án có thẩm quyền khác ban hành. 

Thứ năm, việc quy định phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đương nhiên là án lệ sẽ có nhiều ý nghĩa, như: (i) Giúp phân biệt giá trị giữa các án lệ, nhất là phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao với phán quyết của các Tòa án khác; (ii) Góp phần khắc phục việc các cơ quan tư pháp trung ương ban hành các công văn, giải đáp nghiệp vụ thông qua giá trị của án lệ (nguồn luật trong hệ thống pháp luật) với các công văn, giải đáp nghiệp vụ chỉ là văn bản áp dụng hạn chế trong hệ thống cơ quan hoặc các hệ thống cơ quan có liên quan; (iii) khắc phục sự thiếu kịp thời của việc ban hành nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và việc tuyển chọn, công bố án lệ theo theo trình tự, thủ tục thông thường, thủ tục rút gọn; (iv) Phát huy vai trò là một loại nguồn luật, lấp vào hạn chế của pháp luật thành văn (hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật). 

Thứ sáu, so sánh với hệ thống pháp luật của một số quốc gia khác, trong quá trình tuyển chọn phán quyết để phát triển án lệ, phán quyết của Tòa án có thẩm quyền cao nhất của quốc gia có vị trí đặc biệt so với các phán quyết do Tòa án khác ban hành 

Ở Pháp, quốc gia có hệ thống pháp luật được xem là hệ thống pháp luật gốc quan trọng nhất của dòng họ pháp luật châu Âu lục địa (dòng họ civil law), trong số 03 lĩnh vực án lệ gắn với thẩm quyền của 03 nhánh Tòa án gồm: Tòa án hiến pháp (bảo đảm cơ chế bảo hiến của văn bản luật), Tòa án tư pháp (giải quyết các vụ án dân sự, hình sự) và Tòa án hành chính (giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính và tranh chấp hợp đồng hành chính)[7], thì hầu hết các chế định quan trọng của pháp luật hành chính đều tồn tại dưới dạng án lệ do Tòa án hành chính tối cao (Tham chính viện) ban hành. Đối với án lệ tư pháp, án lệ do Tòa án tư pháp tối cao (Tòa phá án) được công nhận chính thức và có hiệu lực gần như luật. Các nhà nghiên cứu còn sử dụng cụm từ “án lệ lập pháp” để chỉ loại án lệ của Tòa phá án[8]

Tại Nhật Bản, hệ thống pháp luật chủ yếu dựa vào pháp luật thành văn nhưng các phán quyết của Tòa án, nhất là phán quyết của Tòa án tối cao được tôn trọng và tuân thủ như là một nguồn chính của luật. Những nguyên tắc mới thường phát sinh từ án lệ. Do đó, việc nghiên cứu các bản án của Tòa án là một phần quan trọng trong quá trình thảo luận các vấn đề pháp lý[9]

Đối với các nước thuộc dòng họ pháp luật Anh - Mỹ (dòng họ common law), thông thường, các phán quyết của Tòa án cấp cao nhất chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số các phán quyết của Tòa án nhưng những phán quyết này thường giải quyết các vấn đề nảy sinh về luật pháp và thường có giá trị như pháp luật[10]

Như vậy, hệ thống pháp luật ở các nước cho dù thuộc dòng họ pháp luật châu Âu lục địa (dòng họ civil law) hay thuộc dòng họ pháp luật Anh - Mỹ (dòng họ common law) thì phán quyết của Tòa án có thẩm quyền cao nhất của quốc gia (tổ chức Tòa án không phân chia thành lĩnh vực xét xử) hoặc Tòa án có thẩm quyền cao nhất trong một lĩnh vực (tổ chức Tòa án được phân chia thành các nhánh theo lĩnh vực xét xử) có vị trí quan trọng và khi phát triển án lệ, các phán quyết này được tôn trọng ở mức độ cao nhất, thậm chí còn được so sánh ngang hàng với pháp luật thành văn. 

Với các lý do trên, việc quy định phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đương nhiên là án lệ, không phải qua quy trình tuyển chọn, công bố (theo thủ tục thông thường, thủ tục rút gọn) như các phán quyết của Tòa án khác là cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, theo các văn bản luật tố tụng năm 2015, phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có 02 loại là phán quyết của toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và phán quyết của 05 thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao[11]. Cho nên, chỉ phán quyết của toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mới đương nhiên là án lệ; còn phán quyết của 05 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao[12] vẫn được tuyển chọn, công bố theo trình tự, thủ tục hiện nay. 

Do đó, tác giả kiến nghị bổ sung vào Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP quy định phán quyết của toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đương nhiên là án lệ và bổ sung quy trình công bố để không chỉ Tòa án nhân dân các cấp áp dụng giải quyết vụ việc tương tự mà còn giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác lựa chọn cách thức xử sự phù hợp, cụ thể:
“Trong hạn 10 ngày kể từ ngày toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tuyên quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành quyết định công bố án lệ đối với quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Đồng thời, định kỳ hàng quý, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao ban hành Tuyển tập án lệ là quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”. 

Như vậy, từ khi án lệ chính thức được thừa nhận là nguồn luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam cho đến nay, số lượng án lệ được phát triển chưa nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội nảy sinh, trong khi đó, các loại nguồn luật khác trong hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật thành văn còn những tồn tại nhất định. Việc bổ sung quy định phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đương nhiên là án lệ góp phần tăng số lượng án lệ, hoàn thiện nguồn luật án lệ, phát huy vai trò của án lệ trong việc bổ trợ cho pháp luật thành văn điều chỉnh các quan hệ xã hội.


[1] Tính đến ngày 12/4/2021, có 1.021 bản án, quyết định của các Tòa án viện dẫn, áp dụng án lệ (xem: Bảo thư, Hội thảo “Công tác phát triển án lệ”, tại địa chỉ: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/an-le/hoi-thao-%E2%80%9Ccong-tac-phat-trien-an-le%E2%80%9D, cập nhật ngày 27/4/2021).

[2] Vấn đề này được Tòa án nhân dân tối cao kết luận tại Công văn số 136/TANDTC-PC ngày 13/8/2021 về việc tăng cường hơn nữa công tác phát triển, áp dụng án lệ trong Tòa án nhân dân.

[3] Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP.

[4] Trong đó, có thể kể đến Chỉ thị số 04/2016/CT-CA ngày 30/5/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc tăng cường công tác phát triển và công bố án lệ; áp dụng án lệ trong xét xử; Công văn số 146/TANDTC-PC ngày 11/7/2017 của Tòa án nhân dân tối cao về việc viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử; Công văn số 136/TANDTC-PC ngày 13/8/2021 về việc tăng cường hơn nữa công tác phát triển, áp dụng án lệ trong Tòa án nhân dân.

[5] Đó là các bản án, quyết định được Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đề xuất; được Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao đề xuất hoặc được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

[6] Theo Điều 347 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Điều 393 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Điều 276 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

[7] Xem: Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình Luật so sánh, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2017, tr. 160 - 169.

[8] Xem: Trần Đức Sơn, Tìm hiểu hệ thống án lệ của Cộng hòa Pháp, trong Thông tin khoa học xét xử số 5/2003 của Viện khoa học xét xử Tòa án nhân dân tối cao.

[9] Xem: Ban biên tập, Án lệ của Nhật Bản (trích từ sách “Luật Nhật bản” của tác giả Hiroshi Oda, Nxb. ButterWorth, London-Dublin-Edinburg, 1992, tr. 53 - 57), trong Thông tin khoa học xét xử số 5/2003 của Viện khoa học xét xử Tòa án nhân dân tối cao.

[10] Xem: Trần Văn Thư, Tìm hiểu học thuyết án lệ, trong Thông tin khoa học xét xử số 5/2003 của Viện khoa học xét xử Tòa án nhân dân tối cao.

[11] Xem: Khoản 2 Điều 66 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; các khoản 4, 5 Điều 382 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; khoản 2 Điều 266 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

[12] Hiện nay, Tổ Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giải quyết án theo từng lĩnh vực được quy định tại Quyết định số 455/QĐ-CA ngày 25/12/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc phân công thành viên Tổ Thẩm phán giải quyết án tại Tòa án nhân dân tối cao.

ThS. THÁI CHÍ BÌNH (Tòa án nhân dân huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang)

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử

2119

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]