Bản án về tranh chấp tiền lương số 18/2018/LĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

BẢN ÁN 18/2018/LĐ-PT NGÀY 15/11/2018 VỀ TRANH CHẤP TIỀN LƯƠNG

Ngày 15 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 01/2018/TLPT-LĐ, ngày 08 tháng 01 năm 2018 về: “Tranh chấp tiền lương”.

Do Bản án lao động sơ thẩm số: 36/2017/LĐ-ST, ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố B bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 18/2018/QĐ-PT, ngày 31 tháng 8 năm 2018, Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số: 34/2018/QĐ-PT, ngày 09 tháng 10 năm 2018 và Thông báo thay đổi lịch xét xử số: 17/TB-TA, ngày 26 tháng 10 năm 2018, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Bá H, sinh năm 1961. Địa chỉ: phường T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.

- Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn D.

Địa chỉ: phường N, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Ngọc A – Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Ngô Thị L – Phó Giám đốc.

- Người kháng cáo: Bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn D. (Ông Nguyễn Bá H và bà Ngô Thị L có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo nội dung đơn khởi kiện ngày 26/12/2011 và lời khai trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, nguyên đơn ông Nguyễn Bá H trình bày:

Ông Nguyễn Bá H làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn D (sau đây gọi tắt là Công ty D) từ tháng 3/2006 theo hợp đồng xác định thời hạn 01 năm, công việc là Trưởng Phòng kỹ thuật, mức lương theo hợp đồng lao động. Từ tháng 8/2008, mức lương của ông H là 5.000.000 đồng/tháng. Đến tháng 01/2010, ông H được bổ nhiệm Phó Giám đốc, mức lương là 6.000.000 đồng/tháng.

Quá trình làm việc đến tháng 08/2008, Công ty D không trả lương đầy đủ nhưng ông H vẫn tiếp tục làm việc. Từ tháng 08/2008 đến tháng 9/2010, ông H đã ứng tiền lương của Công ty D 05 lần, tổng cộng là 7.000.000 đồng.

Ngày 17/8/2010, ông H làm đơn xin nghỉ việc và được Giám đốc Công ty D ông Trần Ngọc A đồng ý bằng miệng, không ra quyết định bằng văn bản. Ngày 17/9/2010, ông H chính thức nghỉ việc, Công ty D không thanh toán tiền lương và chế độ khác cho ông H. Nay ông H khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty D phải trả tiền lương và tiền lãi từ tháng 8/2008 đến tháng 6/2017 là 256.658.345 đồng (trong đó tiền lương là 128.652.400 đồng, tiền lãi 13%/tháng là 128.005.945 đồng); tiền trợ cấp thôi việc là 15.000.000 đồng; tiền phép 04 năm 06 tháng là 37.384.578 đồng; 03 ngày nghỉ + phí công đoàn là 1.608.432 đồng; tổng cộng là 307.434.491 đồng.

Quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, bà Ngô Thị L là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:

Ông Nguyễn Bá H làm việc tại bộ phận kỹ thuật của Công ty D từ năm 2006. Ngày 17/9/2010, ông H xin nghỉ việc và được Công ty D ra quyết định thôi việc. Khi nghỉ việc, Công ty D còn nợ tiền lương ông H là 18.000.000 đồng. Do đó, ông H yêu cầu Công ty D trả tiền lương và tiền lãi từ tháng 8/2008 đến tháng 6/2017 là 256.658.345 đồng (trong đó tiền lương là 128.652.400 đồng, tiền lãi 13%/tháng là 128.005.945 đồng); tiền trợ cấp thôi việc là 15.000.000 đồng; tiền phép 04 năm 06 tháng là 37.384.578 đồng; 03 ngày nghỉ + phí công đoàn là 1.608.432 đồng; tổng cộng là 307.434.491 đồng thì Công ty D không đồng ý.

Tại Bản án lao động sơ thẩm số: 39/2015/LĐ-ST, ngày 29 tháng 7 năm 2015, Tòa án nhân dân thành phố B tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông H đối với Công ty D về việc yêu cầu thanh toán tiền lương, tiền lãi do chậm trả lương và trả sổ bảo hiểm xã hội. Buộc Công ty D phải thanh toán cho ông H số tiền 175.480.000 đồng (trong đó tiền lương là 121.000.000 đồng, tiền lãi là 54.480.000 đồng).

Tại Bản án lao động phúc thẩm số: 01/2016/LĐ-PT, ngày 06 tháng 01 năm 2016, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai tuyên xử: Hủy phần yêu cầu thanh toán lương và tiền lãi do chậm trả lương, chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại nội dung này theo đúng quy định pháp luật.

Tại Bản án lao động sơ thẩm số: 36/2017/LĐ-ST, ngày 28 tháng 7 năm 2017, Tòa án nhân dân thành phố B căn cứ Điều 32, 35, 39, 220, 235, 226 và 244 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 55, 59, 74 Bộ luật lao động năm 2006; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009.

Tuyên xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông H về “tranh chấp tiền lương” đối với Công ty D. Buộc Công ty D phải thanh toán cho ông H số tiền 256.658.345 đồng.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về nghĩa vụ chậm thi hành án, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 12/8/2017, bị đơn Công ty D kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xác định số tiền ông H đã ứng lương là 83.000.000 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Ngô Thị L đại diện Công ty D giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai phát biểu:

Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: Việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng trong vụ án đúng với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung tranh chấp: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty D; sửa một phần bản án sơ thẩm; buộc Công ty D trả cho ông H số tiền 130.639.884 đồng (trong đó tiền lương là 92.652.400 đồng và tiền lãi là 37.987.484 đồng).

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Đối với việc ông H yêu cầu Công ty D trả tiền lương là 128.652.400 đồng:

Các đương sự đều thống nhất, ông H làm việc tại Công ty D từ tháng 3/2006 theo hợp đồng lao động xác định thời hạn 01 năm, công việc là Trưởng Phòng kỹ thuật, mức lương theo hợp đồng lao động. Từ tháng 8/2008, mức lương của ông H là 5.000.000 đồng/tháng. Đến tháng 01/2010, ông H được bổ nhiệm chức danh Phó Giám đốc, mức lương 6.000.000 đồng/tháng. Tổng số tiền lương của ông H từ tháng 8/2008 đến tháng 9/2010 là 134.652.400 đồng.

Các tài liệu, chứng cứ trong vụ án thể hiện có 02 bảng theo dõi tiền lương: bảng theo dõi lương và nợ tại cột tạm ứng (TU) thể hiện số tiền 61.000.000 đồng và bảng ứng lương tại cột tạm ứng (TU) thể hiện số tiền 83.000.000 đồng. Theo ông H, từ tháng 8/2008 đến tháng 9/2010, ông H tạm ứng tiền lương tổng cộng là 7.000.000 đồng theo bảng theo dõi lương và nợ tại cột tạm ứng (TU) thể hiện số tiền 61.000.000 đồng. Theo Công ty D, từ tháng 8/2008 đến tháng 9/2010, ông H tạm ứng tiền lương tổng cộng là 83.000.000 đồng theo bảng ứng lương tại cột tạm ứng (TU) thể hiện tổng số tiền là 83.000.000 đồng.

Ông H thừa nhận bảng theo dõi lương và nợ tại cột tạm ứng thể hiện tổng số tiền 61.000.000 đồng là do ông H lập để theo dõi lương và nợ đối với Công ty D. Trong đó, ông H ứng lương gồm dòng thứ 1 (tháng 8/2008) ứng 2.000.000 đồng, dòng thứ 4 (ông H không nhớ rõ thời gian thuộc một trong các tháng 9, 10, 11/2008) ứng 2.000.000 đồng, ngày 10/01/2009 ứng 1.000.000 đồng, ngày 25/6/2009 ứng 1.000.000 đồng và ngày 11/7/2009 ứng 1.000.000 đồng, tổng cộng là 7.000.000 đồng. Đối với các khoản tiền còn lại là tiền cá nhân ông H ứng ra để giao tiếp, lắp loa nghe nhạc theo yêu cầu của Công ty D và tiền ông A trả tiền vay cho ông H.

Xét quá trình giải quyết vụ án, lời khai của ông H trước sau không thống nhất. Tại bảng tính lương ông H cung cấp (BL 368) thể hiện số tiền lương ông H ứng tháng 8/2008 là 2.000.000 đồng, tháng 11/2008 là 2.000.000 đồng, tháng 01/2009 là 1.000.000 đồng, tháng 4/2009 là 1.000.000 đồng, tháng 7/2009 là 1.000.000 đồng. Tại bảng tổng hợp lương và lãi ông H cung cấp (BL 48) thể hiện tiền ứng lương tháng 6/2009 là 1.000.000 đồng. Tại biên bản lấy lời khai ngày 25/6/2018, ông H xác định ứng lương tháng 4/2009 là 1.000.000 đồng, tháng 6/2009 không có ứng lương. Như vậy, ông H không xác định được chính xác thời gian đã ứng lương của Công ty D.

Theo bảng theo dõi lương và nợ thể hiện số tiền tại các cột có ghi chú (Tiep VPDK, Loa Aluong, Loa Ampli, Tiep Cty Song da, 364 Dquan BQL Lthanh, Tra tien lai vay, Trả lãi vay Quảng Ngãi, Lai) là 19.000.000 đồng; số tiền còn lại không có ghi chú là 42.000.000 đồng (trong đó theo ông H xác định số tiền tạm ứng lương 7.000.000 đồng và 35.000.000 đồng là tiền lãi vay). Hội đồng xét xử xét, ông H xác định đối với khoản tiền ông A vay của ông H đã được Tòa án nhân dân thành phố B giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật và không liên quan gì đến việc tranh chấp tiền lương giữa ông H và Công ty D. Các tài liệu Tòa án thu thập ông H khởi kiện ông A tại Tòa án nhân dân thành phố B cũng không thể hiện số tiền 35.000.000 đồng trên là tiền lãi. Như vậy, ông H không có tài liệu, chứng cứ chứng minh số tiền 35.000.000 đồng trong tổng số tiền 42.000.000 đồng không có ghi chú nêu trên là tiền lãi vay giữa ông H và ông A. Do đó, có cơ sở xác định tổng số tiền ông H đã ứng lương của Công ty D là 42.000.000 đồng.

Ông H và Công ty D đều xác định tổng số tiền lương của ông H từ tháng 8/2008 đến tháng 9/2010 là 134.652.400 đồng. Vì vậy, sau khi trừ số tiền ông H tạm ứng lương 42.000.000 đồng, thì số tiền lương Công ty D còn nợ ông H là 92.652.400 đồng. Do đó, Hội đồng xét xử buộc Công ty D có trách nhiệm trả tiền lương cho ông H là 92.652.400 đồng.

[2] Về lãi suất:

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông H yêu cầu Công ty D trả tiền lãi từ tháng 8/2008 đến khi xét xử sơ thẩm là 128.005.945 đồng theo mức lãi suất 13%/năm. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, ông H và Công ty D thống nhất đề nghị Tòa án tính lãi suất 6%/năm (0.5%/tháng) nên Hội đồng xét xử ghi nhận.

Về thời gian tính lãi suất: Ông H xác định do Công ty D gặp khó khăn nênông đồng ý cho nợ lương. Như vậy, việc nợ tiền lương từ tháng 8/2008 đến tháng 9/2010 đã được các bên thống nhất thực hiện trong quá trình ông H làm việc. Mặt khác, ông H không xác định được chính xác thời gian đã ứng lương. Hơn nữa, theo bảng theo dõi lương và nợ, có tháng số tiền ông H ứng lương nhiều hơn số tiền lương thực lãnh (tháng 11/2009 thể hiện ứng lương 5.000.000 đồng nhưng tiền lương thực lãnh là 4.880.000 đồng, tháng 02/2010 thể hiện ứng lương là 6.000.000 đồng nhưng lương thực lãnh là 5.873.000 đồng). Do đó, chỉ có cơ sở chấp nhận lãi suất sau khi ông H nghỉ việc từ tháng 10/2010 đến ngày Tòa án xét xử sơ thẩm (ngày 28/7/2017) là 81 tháng 28 ngày (làm tròn thành 82 tháng). Như vậy, số tiền lãi Công ty D phải trả cho ông H là (92.652.400 đồng x 82 tháng x 0.5%/tháng) = 37.987.484 đồng.

[3] Đối với việc Công ty D đề nghị tính trừ số tiền ông H tạm ứng là 83.000.000 đồng theo bảng ứng lương tại cột tạm ứng (TU) thể hiện tổng số tiền là 83.000.000 đồng, Hội đồng xét xử xét thấy:

Theo Công ty D, bảng ứng lương trên do ông H lập và cung cấp cho công ty để kế toán đối chiếu với ông H. Số tiền ông H ứng lương theo kế toán công ty xác định là 101.000.000 đồng, nhưng khi ứng lương ông H không có ký tên nên Công ty D chấp nhận số tiền ông H tính là 83.000.000 đồng. Tuy nhiên, theo ông H, bảng ứng lương trên, Công ty D đã sửa lại nội dung dựa trên bảng theo dõi lương và nợ tại cột tạm ứng (TU) thể hiện tổng số tiền là 61.000.000 đồng. Xét lời trình bày của Công ty D là không có cơ sở, do:

Ông H xác định hàng tháng khi ứng lương, ông H đều ký bảng lương do Công ty D lập. Tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty D thừa nhận hàng tháng khi trả lương, người lao động có ký nhận vào bảng lương. Tuy nhiên, từ tháng 8/2008, ông H không ký vào bảng lương do chỗ thân quen và việc trả lương cho ông H có thể khi đi công tác ông H cần ứng lương thì Công ty D cho ứng. Do đó, Công ty D không có bảng lương có chữ ký của ông H cung cấp cho Tòa án.

Theo điểm b khoản 1 Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Đương sự là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho Tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án”. Như vậy, Công ty D không cung cấp được bản chính bảng lương có chữ ký của ông H về việc ông H đã nhận lương hàng tháng của công ty. Do đó, lời khai nại của Công ty D về việc từ tháng 8/2008, ông H không ký nhận bảng lương và đã ứng lương 83.000.000 đồng là không có cơ sở.

[4] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty D; sửa một phần bản án sơ thẩm; chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Bá H; buộc Công ty D có trách nhiệm trả cho ông H số tiền 130.639.884 đồng (trong đó tiền lương là 92.652.400 đồng và tiền lãi là 37.987.484 đồng).

[5] Về án phí: Do sửa án sơ thẩm nên Công ty D không phải chịu án phí lao động phúc thẩm, Công ty D phải chịu án phí lao động sơ thẩm là 130.639.884 đồng x 3% = 3.919.196 đồng.

[6] Về ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai: Quan điểm và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai là phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đúng pháp luật nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 2 Điều 308 và Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn D; sửa một phần Bản án lao động sơ thẩm số: 36/2017/LĐ-ST, ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố B.

- Áp dụng Điều 55 và Điều 59 Bộ luật lao động năm 1994, sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006, 2007; khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009.

Tuyên xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Bá H về “tranh chấp tiền lương” đối với bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn D.

Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn D có trách nhiệm trả cho ông Nguyễn Bá H số tiền 130.639.884 đồng (trong đó tiền lương là 92.652.400 đồng và tiền lãi là 37.987.484 đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Về án phí: Công ty trách nhiệm hữu hạn D phải nộp án phí lao động sơ thẩm là 3.919.196 đồng. Được tính trừ vào số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp (theo biên lai số: 003202, ngày 02/11/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B), Công ty trách nhiệm hữu hạn D phải nộp tiếp số tiền án phí là 3.619.196 đồng.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2006
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp tiền lương số 18/2018/LĐ-PT

Số hiệu:18/2018/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đồng Nai
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành:15/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về