TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN HỒNG BÀNG, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 03/2021/HNGĐ-ST NGÀY 23/03/2021 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN
Ngày 23 tháng 3 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 315/2020/TLST- HNGĐ ngày 17 tháng 11 năm 2020 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 05/2021/QĐXXST-HNGĐ ngày 08 tháng 01 năm 2021; Quyết định hoãn phiên tòa số: 04/2021/QĐST-HNGĐ ngày 25 tháng 01 năm 2021 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 05/2021/QĐST- HNGĐ ngày 23 tháng 02 năm 2021, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Chị LTL; địa chỉ: Tổ 1, khu 3, phường A, thành phố B, tỉnh Quảng Ninh; có mặt.
- Bị đơn: Anh HMB; địa chỉ: số nhà 14/40 đường C, phường C, quận D, thành phố Hải Phòng; có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện đề ngày 26-8-2020, lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn (chị LTL) trình bày:
Chị LTL và anh HMB đã từng là vợ chồng hợp pháp nhưng do quá trình chung sống phát sinh nhiều mâu thuẫn nên chị LTL và anh HMB đã giải quyết ly hôn. Tại Quyết định số 131/2018/QĐST-HNGĐ ngày 13-7-2018 của Tòa án nhân dân quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng đã công nhận việc thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận giữa chị LTL và anh HMB về việc để anh HMB trực tiếp nuôi dưỡng con chung là E, sinh ngày 04-11-2014.
Sau khi chị LTL và anh HMB ly hôn, cháu E sinh sống cùng bố và ông bà nội tại địa chỉ: số nhà 14/40 đường C, phường C, quận D. Năm 2017 anh HMB đã tự quyết định mang cháu E vào cùng sinh sống trong một ngôi chùa ở Huế. Khi biết việc này chị LTL vẫn tìm cách vào Huế để thăm gặp con nhưng đến cuối năm 2018 anh HMB lại đưa cháu E sang một ngôi chùa bên Thái Lan. Do vậy, chị LTL không thể thăm gặp cháu E được mà chỉ có thể nói chuyện, giao tiếp với con thông qua việc gọi điện thoại. Đầu năm 2020, do dịch bệnh Covis 19 nên anh HMB đã đưa cháu E quay trở về Hải Phòng sinh sống cho đến nay. Đến thời điểm bắt đầu năm học mới (tháng 8 năm 2020) và cháu E đã đến tuổi đi học phổ thông bậc tiểu học (cháu E sinh ngày 04-11-2014) nhưng anh HMB không cho cháu đi học nên dẫn đến việc hiện nay cháu không biết đọc, biết viết tiếng Việt và chỉ có thể giao tiếp hạn chế bằng tiếng Việt với mọi người thân xung quanh. Những việc làm này của anh HMB đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được thăm nom và chăm sóc con chung sau khi ly hôn của chị LTL và cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được học tập tại trường học phổ thông của cháu E.
Hiện chị LTL có công việc ổn định (Cán bộ kinh doanh kiêm phiên dịch viên) tại Công ty cổ phần F. Hợp đồng lao động được ký từ ngày 10-4-2020 có thời hạn đến ngày 09-4-2023, thu nhập trung bình khoảng 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng/tháng. Chị LTL đang sống cùng với bố mẹ đẻ tại tổ 1, khu 3, phường A, thành phố B, tỉnh Quảng Ninh. Với tình cảm thương yêu con, điều kiện về thu nhập, công việc và chỗ ở hiện tại của chị LTL đảm bảo việc nuôi dưỡng và chăm sóc cho cháu E, đảm bảo cho cháu học tập, phát triển về thể chất và tinh thần như những trẻ em khác có cùng lứa tuổi.
Vì vậy chị LTL khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con để chị được trực tiếp nuôi dưỡng cháu E và không yêu cầu anh HMB phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con hàng tháng.
Tại Biên bản làm việc ngày 26-11-2020, biên bản hòa giải ngày 10-12-2020 và tại phiên tòa, bị đơn (anh HMB) trình bày và xác nhận việc giải quyết ly hôn và việc được giao trực tiếp nuôi dưỡng con chung là E như chị LTL đã trình bày. Việc anh cho cháu E tiếp xúc và sinh sống tại các ngôi chùa ở Việt Nam vào năm 2017 với mục đích để cho cháu được tiếp cận với cải thiện, được học hỏi về phật pháp là do anh tự quyết định mà không trao đổi với chị LTL bởi vì chị LTL không hiểu cháu E đang cần điều gì. Đến năm 2018 anh chuyển cháu E sang chùa tại Thái Lan và cũng không có bàn bạc gì với chị LTL vì khi nào hai bố con ổn định cuộc sống tại Thái Lan thì anh sẽ thông báo cho chị LTL được biết. Đến đầu năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covis 19 nên anh đã phải đưa cháu E về Hải Phòng sinh sống từ đó cho đến nay. Việc chị LTL khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con để chị LTL được trực tiếp nuôi dưỡng cháu E thì anh HMB không đồng ý vì anh HMB cho rằng anh nuôi con vẫn đảm bảo đầy đủ về vật chất và tinh thần cho cháu E. Cụ thể, để duy trì cho việc học tập và sinh sống của hai bố con tại chùa thì anh đã giành dụm được một số tiền trong sổ tiết kiệm. Do dịch bệnh nên anh và cháu E không thể quay trở lại Thái Lan được, tất cả mọi giấy tờ và tài liệu của hai bố con đều để lại trong chùa nên anh không thể cung cấp, giao nộp cho Tòa án để làm chứng cứ giải quyết vụ án được.
Kiểm sát viên đại diện Viện Kiểm sát nhân dân quận Hồng Bàng phát biểu ý kiến:
Thẩm phán đã xác định đúng về thẩm quyền giải quyết vụ án; về quan hệ pháp luật tranh chấp; về tư cách tham gia tố tụng; về việc thu thập chứng cứ; về thời hạn gửi hồ sơ cho Viện Kiểm sát; việc cấp, tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự; việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký và đương sự tại phiên tòa đã được thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Về nội dung giải quyết vụ án: Áp dụng Điều 28; Điều 35; Điều 39; Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; điểm b khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án:
Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Giao cho nguyên đơn (chị LTL) trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc con là E, sinh ngày 04-11-2014. Do nguyên đơn không có yêu cầu bị đơn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con nên không đặt ra để xem xét giải quyết.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thẩm quyền giải quyết và quan hệ pháp luật có tranh chấp: Nguyên đơn (chị LTL) khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn đối với bị đơn (anh HMB) có địa chỉ cư trú tại phường C, quận D nên yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận Hồng Bàng theo quy định tại khoản 3 Điều 28, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Anh HMB và chị LTL đã từng có quan hệ vợ chồng hợp pháp và có một con chung là cháu E, sinh ngày 04-11-2014. Quá trình chung sống phát sinh nhiều mâu thuẫn nên chị LTL và anh HMB đã ly hôn. Tại Quyết định số 131/2018/QĐST-HNGĐ ngày 13-7-2018 của Tòa án nhân dân quận Hồng Bàng đã công nhận anh HMB và chị LTL thuận tình ly hôn và giao cho anh HMB trực tiếp nuôi dưỡng cháu E theo thỏa thuận của các bên. Nguyên đơn cho rằng bị đơn được giao trực tiếp nuôi con nhưng không đảm bảo các điều kiện cho con sinh sống và học tập, cản trở việc thăm nom và chăm sóc của nguyên đơn nên đã khởi kiện thay đổi người trực tiếp nuôi con.
[3] Tại phiên tòa, nguyên đơn trình bày về việc bị đơn không nuôi dưỡng và chăm sóc con đầy đủ. Cụ thể là việc bị đơn đã ngăn cản, gây khó khăn cho nguyên mỗi khi nguyên đơn từ Quảng Ninh về Hải Phòng để thăm gặp con. Và cụ thể nhất là việc bị đơn đã mang con đi nơi sinh sống tại các ngôi chùa trong nước và đến năm 2018 thì đã mang con sang Thái Lan tá túc tại các ngôi chùa bên đó mà không có bất cứ một sự bàn bạc và trao đổi gì với nguyên đơn và điều này đã được chính bị đơn xác nhận tại phiên tòa. Việc làm này của bị đơn đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền thăm nom và chăm sóc con chung của nguyên đơn. Mặt khác cháu E hiện đã hơn 6 tuổi nhưng không được bị đơn cho đến trường theo học giáo dục phổ thông như bao đứa trẻ bình thường khác, dẫn đến việc đến nay cháu vẫn chưa biết đọc và biết viết tiếng Việt phổ thông. Tại phiên tòa, bị đơn đã xác nhận mặc dù cháu E đã về Việt Nam từ đầu năm 2020 nhưng khi bắt đầu vào năm học mới 2020 - 2021 bị đơn vẫn không làm thủ tục xin cho cháu E đi học phổ thông theo quy định của Nhà nước. Điều này đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền được đến trường và học tập của cháu E. Việc bị đơn cho rằng đã cho cháu E theo học trường quốc tế bên Thái Lan chỉ là ngụy biện, đó thực chất chỉ việc anh HMB đưa cháu E đi sống nhờ, sống dựa vào các ngôi chùa bên đó, chứ không có một căn cứ gì để chứng minh về nơi ăn ở và học tập ổn định của cháu tại đất nước Thái Lan như bị đơn đã trình bày trong suốt quá trình giải quyết vụ án.
[4] Nguyên đơn (chị LTL) đã giao nộp, cung cấp cho Tòa án các tài liệu chứng cứ thể hiện việc nguyên đơn có công việc làm tại Công ty cổ phần F, công việc chính theo hợp đồng lao động là Cán bộ kinh doanh kiêm phiên dịch viên. Hợp đồng lao động được ký từ ngày 10-4-2020 có thời hạn đến ngày 09-4-2023; thu nhập ổn định với mức lương trung bình khoảng 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng/tháng. Chị LTL đang sống cùng nhà với bố mẹ đẻ tại tổ 1, khu 3, phường A, thành phố B, tỉnh Quảng Ninh. Với thu nhập, công việc và chỗ ở hiện tại của bản thân chị LTL thấy có đủ điều kiện đảm bảo việc nuôi dưỡng và chăm sóc cho cháu E, đảm bảo cho cháu học tập, phát triển cả về thể chất và tinh thần như những trẻ em khác có cùng lứa tuổi. Do vậy, nguyên đơn đề nghị Tòa án quyết định giao cho nguyên đơn được trực tiếp nuôi dưỡng cháu E và không yêu cầu bị đơn phải cấp dưỡng nuôi con.
[5] Bị đơn (anh HMB) trình bày về việc được giao trực tiếp nuôi con và vẫn chăm sóc con đầy đủ. Bị đơn cho rằng việc bị đơn quyết định đưa cháu E vào sinh sống tại các ngôi chùa nhàm để cháu có điều kiện tiếp xúc với cải thiện, được học về phật pháp. Khi sinh sống bên Thái Lan, cháu E được theo học trong trường quốc tế (bị đơn không nhớ tên cụ thể của trường). Để được cư trú và sinh sống tại chùa Thái Lan của hai bố con và cháu E được đi học tại trường quốc tế thì bị đơn có một số tiết kiệm tại Thái Lan. Nhưng do tình hình dịch bệnh Covis 19 nên bị đơn và cháu E không thể quay trở lại Thái Lan được nên không cung cấp được các tài liệu chứng cứ liên quan đến ngôi trường, các giấy tờ chứng minh việc cháu E theo học tại trường đó và sổ tiết kiệm như bị đơn đã trình bày. Bị đơn có giao nộp cho Tòa án bản sao sổ tiết kiệm có số dư tiền gửi là 140.000.000 đồng và giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ mang tên HMB để chứng minh về điều kiện đảm bảo cuộc sống của anh HMB và cháu E nhưng hiện tại bị đơn cũng không có việc làm và thu nhập nào khác. Anh HMB cho ràng việc đưa cháu E sang các chùa bên Thái Lan không làm ảnh hưởng đến việc thăm gặp con của nguyên đơn vì nguyên đơn vẫn có thể liên lạc với cháu E qua điện thoại di động được bình thường và cháu E vẫn có cuộc sống ổn định khi sinh sống trong các ngôi chùa mà không thiếu sự chăm sóc của người mẹ. Còn việc anh không cho con theo học văn hóa tại trường học phổ thông cơ sở là vì lý do việc anh và cháu E ở lại Hải Phòng chỉ là tạm thời, nếu tình hình dịch bệnh ổn định thì anh và cháu sẽ tiếp tục sang Thái Lan sinh sống. Mặt khác, giữa năm 2020 anh cũng đã liên hệ với trường tiểu học để xin học cho cháu E nhưng qua kiểm tra thì cháu không đáp ứng được đủ các yêu cầu để theo học lớp 1 nên anh đã phải thuê người dạy thêm cho cháu nhưng do cháu sống trong chùa đã lâu, ít giao tiếp bằng tiếng việt nên việc tiếp thu của cháu chậm. Bị đơn khẳng định việc nuôi con vẫn đảm bảo đầy đủ cả về vật chất và tinh thần để cháu E được phát triển bình thường nên bị đơn không đồng ý giao cháu E cho nguyên đơn nuôi dưỡng.
[6] Hội đồng xét xử xét thấy: Cháu E là con chung của anh HMB và chị LTL và đã được giao cho anh HMB trực tiếp nuôi dưỡng khi anh HMB và chị LTL ly hôn. Theo quy định tại khoản 1 Điều 81 và khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình thì sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên và không ai được cản trở. Việc anh HMB tự ý đưa cháu E sang sinh sống tại các ngôi chùa ở Thái Lan đã làm cản trở và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền thăm nom, chăm sóc và giáo dục con sau khi ly hôn của chị LTL.
[7] Mặt khác, xét việc cháu E đã đến tuổi đi học và đang sinh sống tại Việt Nam nhưng anh HMB đã không làm thủ tục xin học cho cháu E là đã vi phạm các quy định của Luật giáo dục và đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cháu E. Cụ thể khoản 1 Điều 14 Luật giáo dục quy định: “Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc. Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở”.
[8] Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử thấy việc bị đơn được giao trực tiếp nuôi con nhưng đã không có đủ điều kiện để đảm bảo việc nuôi con phát triển bình thường về thể chất và tinh thần. Nguyên đơn trình bày và chứng minh có đủ điều kiện để nuôi dưỡng và chăm sóc con chung được đảm bảo về tinh thần cũng như điều kiện ăn ở và sinh hoạt. Do vậy thấy có đủ cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Cụ thể cần giao cho nguyên đơn được trực tiếp nuôi dưỡng con chung là cháu E, sinh ngày 04-11-2014 là phù hợp với quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình.
[9] Về cấp dưỡng: Do nguyên đơn không có yêu cầu buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con nên Hội đồng xét xử không xem xét, giải quyết.
[10] Về án phí: Do yêu cầu khởi kiện được chấp nhận nên nguyên đơn không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Trả lại nguyên đơn khoản tiền tạm ứng án phí là 300.000 đồng đã nộp khi khởi kiện theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án ký hiệu AA/2016, số 0010084 ngày 17-11-2020 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Hồng Bàng. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình; Điều 28, Điều 35, Điều 39, Điều 147, Điều 271, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn đối với bị đơn.
Giao con chung là E, sinh ngày 04-11-2014 cho chị LTL trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc cho đến khi con trưởng thành, đủ 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác theo quy định của pháp luật.
Người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Người trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom của người không trực tiếp nuôi con.
Về án phí: Anh HMB phải nộp 300.000 (ba trăm nghìn) đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Trả lại chị LTL số tiền 300.000 (ba trăm nghìn) đồng tạm ứng án phí đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án ký hiệu AA/2016, số 0010084 ngày 17-11- 2020 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng.
Nguyên đơn và bị đơn có mặt tại phiên tòa đều được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm..
Bản án về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn số 03/2021/HNGĐ-ST
Số hiệu: | 03/2021/HNGĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quận Hồng Bàng - Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 23/03/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về