Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ số 72/2023/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 72/2023/KDTM-PT NGÀY 05/07/2023 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Ngày 05 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 10/2023/TLPT-KDTM ngày 13 tháng 02 năm 2023 về việc “Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ”.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 1053/2022/KDTM-ST ngày 12 tháng 7 năm 2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 2717/2023/QĐ-PT ngày 05 tháng 6 năm 2023, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty A Q; Địa chỉ: 121 Seaport Boulevard, Boston, MA 02210, Hoa Kỳ.

Người đại diện theo ủy quyền cho nguyên đơn: Văn phòng Luật sư A Hòa do bà Nguyễn Minh Hương, sinh năm 1960 là người đại diện theo pháp luật; Địa chỉ liên hệ:

181/3 Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản ủy quyền được hợp pháp hóa lãnh sự số 259/HPH/2020 ngày 29/01/2020; có mặt)

Những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn có: Luật sư Tôn Thất Hồ N và Luật sư Nguyễn Nhật Thùy V – thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

2. Bị đơn: Công ty Cổ phần Công nghiệp CS Miền Nam; Địa chỉ: 180 MK, phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Những người đại diện theo ủy quyền cho bị đơn: Ông Trương Quốc H, sinh năm 1965 (có mặt) và bà Nguyễn Thị Quỳnh Th, sinh năm 1995 (xin vắng mặt); Địa chỉ liên hệ: Văn phòng Luật sư I, P.507, Tòa nhà Nông sản, số 25 T, phường T, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội (theo Văn bản ủy quyền số 422/UQ/2020/Casumina ngày 09/8/2020).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Trần Anh E; Địa chỉ: 226/43/36 Nguyễn Văn Lượng, phường 17, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).

4. Người kháng cáo: Nguyên đơn Công ty A Q

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo Đơn khởi kiện ngày 26/5/2020 (bổ sung ngày 20/8/2020) và các tài liệu có trong hồ sơ, đại diện nguyên đơn A Q là bà Nguyễn Minh Hương trình bày:

Công ty A Q có địa chỉ tại 121 Seaport Boulevard, Boston, MA 02210, Hoa Kỳ, là chủ sở hữu quyền tác giả toàn quyền với tất cả các phần mềm và phiên bản phần mềm A Creo (tên cũ là: PRO/ENGINEER, Pro/E Wildfire) được tạo ra và phân phối bởi A Q., bao gồm cả phiên bản phần mềm Pro/ENGINEER Wildfire 5.0 theo Giấy Chứng nhận đăng ký Quyền tác giả số TX 7-590-984.

Ngày 26/6/2017, Đoàn Thanh tra liên ngành Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành kiểm tra 22 máy tính đang hoạt động tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D thuộc Công ty Cổ phần Công nghiệp CS Miền Nam (sau đây gọi là Casumina), thì phát hiện Casumina sao chép, sử dụng tác phẩm (phần mềm máy tính) của A Q. cụ thể 01 bản phần mềm A Pro Engineer (Wildfire 5.0) mà không được phép của nguyên đơn, chủ sở hữu quyền tác giả.

Đoàn Thanh tra liên ngành đã lập Biên bản vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan đối với hành vi vi phạm hành chính của Casumina (Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D), cụ thể là: sao chép tác phẩm (phần mềm máy tính) mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Tại biên bản này, Casumina thừa nhận có lỗi vi phạm như được ghi nhận tại biên bản.

Ngày 03/7/2017, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Kết luận Thanh tra số 63/KL-TTr kết luận Casumina (Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D) đã có hành vi sao chép tác phẩm (phần mềm máy tính) mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, bao gồm phần mềm nêu trên của A Q.

Nhiều lần phía nguyên đơn đã gửi văn thư đến Casumina thông báo đề xuất của A Q. về việc giải quyết trách nhiệm dân sự của Casumina do hành vi vi phạm bản quyền phần mềm máy tính và yêu cầu Casumina cho biết ý kiến về đề xuất của A Q., tuy nhiên phía bị đơn không có phản hồi.

Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét buộc bị đơn:

(i) Chấm dứt hành vi vi phạm quyền tác giả đối với phần mềm máy tính của A Q., loại bỏ phần mềm không có bản quyền ra khỏi máy tính;

(ii) Bồi thường thiệt hại cho A Q. số tiền 453.060 USD (Bốn trăm năm mươi ba nghìn không trăm sáu mươi Đô la Mỹ) tương đương với 10.544.971.500 đồng (Mười tỷ năm trăm bốn mươi bốn triệu chín trăm bảy mươi mốt nghìn năm trăm đồng) theo tỷ giá quy đổi ngoại tệ ngày 26/7/2019 là 1 USD = 23.275 đồng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam là số tiền thiệt hại tính trên giá trị của phần mềm bị vi phạm được tính theo giá bán niêm yết của công ty. Thanh toán một lần ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật;

(iii) Xin lỗi công khai 03 kỳ liên tiếp trên ít nhất ba tờ báo phổ biến của Việt Nam là Báo Tuổi Trẻ, Báo Thanh Niên bằng tiếng Việt và Báo Vietnam News bằng tiếng Anh về hành vi xâm phạm quyền tác giả của Casumina;

(iv) Buộc Casumina cam kết rằng tất cả các bản sao Phần mềm máy tính của A Q. do họ chiếm hữu, sử dụng trong tương lai sẽ phải là phần mềm đã được cấp bản quyền cho Casumina và các phần mềm đó sẽ chỉ được cài đặt và khai thác công năng sử dụng theo đúng với phạm vi bản quyền đã được cấp phép cho phần mềm máy tính đó;

(v) Buộc Casumina chịu toàn bộ án phí, lệ phí cũng như các chi phí khác để giải quyết vụ việc thông qua Tòa án.

Ngày 09/11/2020, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn có đơn sửa đổi các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đã nêu trong Đơn khởi kiện đề ngày 24/12/2019, cụ thể:

1. Rút 03 yêu cầu trong Đơn khởi kiện đề ngày 24/12/2019, cụ thể:

- Chấm dứt hành vi vi phạm quyền tác giả đối với phần mềm máy tính và loại bỏ phần mềm không có bản quyền ra khỏi máy tính;

- Buộc Công ty Casumina cam kết rằng các bản sao Phần mềm máy tính của A Q. do họ chiếm hữu, sử dụng trong tương lai sẽ phải là phần mềm đã được cấp bản quyền cho Casumina và các phần mềm đó sẽ chỉ được cài đặt và khai thác công năng sử dụng theo đúng với phạm vi bản quyền đã được cấp phép cho Phần mềm máy tính đó;

- Buộc Casumina chịu toàn bộ án phí, lệ phí cũng như các chi phí khác để giải quyết vụ việc thông qua Tòa án.

2. Sửa đổi yêu cầu bồi thường thiệt hại trong Đơn khởi kiện đề ngày 24/12/2019 như sau: Bồi thường cho A Q. số tiền 69.590 USD (Sáu mươi chín ngàn năm trăm chín mươi Đô la Mỹ) tương đương với 1.619.707.250 đồng (Một tỷ sáu trăm mười chín triệu bảy trăm lẻ bảy ngàn hai trăm năm mươi đồng) theo tỷ giá quy đổi ngoại tệ ngày 26/7/2019 là 1 USD = 23.275 đồng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam là số tiền thiệt hại tính trên giá trị của phần mềm bị vi phạm.

3. Buộc bị đơn xin lỗi công khai 03 kỳ liên tiếp trên ít nhất ba tờ báo phổ biến của Việt Nam là Báo Tuổi Trẻ, Báo Thanh Niên và Báo Vietnam News về hành vi xâm phạm quyền tác giả.

* Bị đơn Công ty Cổ phần Công nghiệp CS Miền Nam có ông Trương Quốc H là người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Theo quy chế cũng như điều kiện cơ sở vật chất của Casumina thì mỗi cá nhân phòng thiết kế được cung cấp một bộ máy tính bàn cố định để làm việc. Ngày 26/6/2017, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành thanh, kiểm tra 22 máy tính và các chương trình phần mềm máy tính đang hoạt động tại Công ty và có một phần mềm Wildfire 5.0 tại máy 01 của anh Trần Anh E quản lý. Máy tính này được Công ty bàn giao cho anh Trần Anh E quản lý và sử dụng từ năm 2011. Với lĩnh vực hoạt động của Công ty không có nhu cầu sử dụng đến phần mềm A pro engineer (Wildfire 5.0) và Công ty cũng không yêu cầu anh E cài phần mềm trên vào máy tính. Công ty không có bất kỳ một sản phẩm nào (bản vẽ) được làm từ phần mềm nói trên. Việc có phần mềm trên máy tính giao cho anh E quản lý là do cá nhân anh E tự cài vào và anh E có hay không sử dụng phần mềm này vào mục đích cá nhân thì Casumina không hề biết. Do vậy, khi tiến hành kiểm tra, Thanh tra Bộ đã không tiến hành xác minh vụ việc vi phạm hành chính và cho rằng Casumina vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là không có cơ sở.

Tại Đơn khởi kiện ngày 24/12/2019 của A Q. yêu cầu Casumina chấm dứt hành vi vi phạm quyền tác giả, bồi thường thiệt hại, xin lỗi công khai 03 lần liên tiếp trên ít nhất ba tờ báo và buộc Casumina cam kết về việc cấp bản quyền. Tuy nhiên, như đã phân tích trên, Casumina không hề sử dụng đến phần mềm trên. Do vậy, yêu cầu của A Q. là không phù hợp với quy định pháp luật.

Casumina yêu cầu Tòa án triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án gồm: Thanh tra Bộ - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, anh Trần Anh E, anh Nguyễn Ái Nhân (tại thời điểm Đoàn thanh tra vào kiểm tra máy tính và các phần mềm trong Trung tâm nghiên cứu và phát triển thuộc Công ty, anh Nhân đang là Phó phòng thiết kế phụ trách quản lý hành chính và chuyên môn của bộ phận thiết kế).

Ngày 28/8/2020, phía bị đơn có yêu cầu phản tố: Yêu cầu A Q. bồi thường thiệt hại cho Casumina số tiền 500.000.000 đồng, gồm thiệt hại đến hoạt động sản xuất kinh doanh do việc khởi kiện của A Q. là 200.000.000 đồng và phí dịch vụ luật sư bảo vệ là 300.000.000 đồng.

Ngày 22/4/2021, bị đơn có đơn xin rút yêu cầu phản tố.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày: Ông Trần Anh E mặc dù đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến tham gia tố tụng tại các buổi làm việc, phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ, các phiên hòa giải, phiên tòa nhưng ông Trần Anh E đều vắng mặt không rõ lý do, không có ý kiến gì liên quan đến việc giải quyết vụ án.

* Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 1053/2022/KDTM-ST ngày 12 tháng 7 năm 2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, quyết định:

Căn cứ vào khoản 2 Điều 30, khoản 1 Điều 37, khoản 3 Điều 38, khoản 1 Điều 39, các Điều 217, 218, 227, 228, 244, 266, 271, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; các Điều 204, 205 của Luật Sở hữu trí tuệ; các Điều 18 và 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của A Q. về việc yêu cầu Công ty Cổ phần Công nghiệp CS Miền Nam:

- Chấm dứt hành vi vi phạm quyền tác giả đối với phần mềm máy tính và loại bỏ phần mềm không có bản quyền ra khỏi máy tính;

- Cam kết rằng các bản sao Phần mềm máy tính của A Q. do họ chiếm hữu, sử dụng trong tương lai sẽ phải là phần mềm đã được cấp bản quyền cho Casumina và các phần mềm đó sẽ chỉ được cài đặt và khai thác công năng sử dụng theo đúng với phạm vi bản quyền đã được cấp phép cho Phần mềm máy tính đó;

- Chịu toàn bộ án phí, lệ phí cũng như các chi phí khác để giải quyết vụ việc thông qua Tòa án.

2. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của A Q. về việc yêu cầu Công ty Cổ phần Công nghiệp CS Miền Nam:

- Bồi thường cho A Q. số tiền 69.590 USD (Sáu mươi chín ngàn năm trăm chín mươi Đô la Mỹ) (tương đương 1.615.183.900 đồng, quy đổi theo tỷ giá 1 USD = 23.210 đồng tại thời điểm xét xử sơ thẩm ngày 12/7/2022 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam) là số tiền thiệt hại tính trên giá trị của phần mềm bị vi phạm.

- Xin lỗi công khai 03 kỳ liên tiếp trên ít nhất ba tờ báo phổ biến của Việt Nam là Báo Tuổi Trẻ, Báo Thanh Niên và Báo Vietnam News về hành vi xâm phạm quyền tác giả với nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh: “Công ty Cổ phần Công nghiệp CS Miền Nam (Casumina) công khai xin lỗi Công ty A Q. (Hoa Kỳ) về hành vi sao chép phần mềm máy tính A Pro Engineer (Wildfire 5.0) mà không được phép của A”.

3. Đình chỉ toàn bộ yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần Công nghiệp CS Miền Nam về việc yêu cầu A Q. bồi thường thiệt hại cho Công ty Cổ phần CS Miền Nam số tiền 500.000.000 đồng, gồm thiệt hại đến hoạt động sản xuất kinh doanh do việc khởi kiện của A Q. là 200.000.000 đồng và phí dịch vụ luật sư bảo vệ là 300.000.000 đồng.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn quyết định về án phí, việc thi hành án và quyền kháng cáo vụ án theo luật định.

Ngày 20/7/2022, nguyên đơn Công ty A Q có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

* Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Người kháng cáo và Luật sư của nguyên đơn cho rằng đã có Quyết định xử phạt hành chính đối với bị đơn về hành vi sao chép bản quyền phần mềm nên đề nghị Tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về bồi thường thiệt hại và công khai xin lỗi.

- Phía bị đơn cho rằng phía nguyên đơn không chứng minh được thiệt hại thực tế do bị đơn gây ra và phía bị đơn cũng không sử dụng phần mềm này vào mục đích thương mại để hưởng lợi, nên đề nghị bác kháng cáo, giữ y án sơ thẩm.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm: Thẩm phán, Hội đồng xét xử tiến hành đúng theo quy định của pháp luật tố tụng và các đương sự cũng chấp hành đúng với quyền và nghĩa vụ của mình. Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm, do nguyên đơn không chứng minh được có thiệt hại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về tố tụng: Những người tham gia tố tụng vắng mặt, đã được Tòa án triệu tập hợp lệ và có đơn xin xử vắng mặt nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt theo quy định tại Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[2]. Xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn thấy rằng:

[2.1]. Theo Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tại Hoa Kỳ có cơ sở xác định Công ty A Q. là tác giả của Chương trình phần mềm Pro/ENGINEER Wildfire 5.0 theo Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đăng ký số TX 7-590-984., ngày có hiệu lực của đăng ký 27/8/2012.

Theo Biên bản vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan số 148/BB- VPHC, Kết luận thanh tra số 63/KL-TTr ngày 03/7/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nội dung: “Công ty Cổ phần Công nghiệp CS Miền Nam (Trung tâm nghiên cứu và phát triển R & D) đã có hành vi vi phạm sao chép tác phẩm (phần mềm máy tính) mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, gồm chương trình A Pro Engineer (Wildfire 5.0), số lượng máy: 01”. Như vậy, có cơ sở xác định phía bị đơn có vi phạm sao chép phần mềm Pro.5.0 như yêu cầu của nguyên đơn.

[2.2]. Về yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm của bị đơn, thấy rằng:

Hồ sơ thể hiện:

- Phía bị đơn Công ty Cổ phần Công nghiệp CS Miền Nam cho rằng không có nhu cầu sử dụng đến phần mềm A Pro Engineer (Wildfire 5.0) và Công ty cũng không yêu cầu anh Trần Anh E (nhân viên) cài phần mềm trên vào máy tính; Việc có phần mềm trên máy tính giao cho anh E quản lý là do cá nhân anh E tự cài vào và anh E có hay không sử dụng phần mềm này vào mục đích cá nhân thì phía bị đơn Casumina không hề biết.

- Hơn nửa, phía bị đơn cũng không có bất kỳ một sản phẩm nào (bản vẽ) được làm từ phần mềm nói trên;

- Các căn cứ pháp lý về xác định thiệt hại và mức độ thiệt hại xâm phạm quyền tác giả được nguyên đơn nêu ra tại phiên tòa hôm nay, phía bị đơn không thừa nhận; Nguyên đơn không xuất trình được tài liệu chứng cứ hợp pháp nào chứng minh phía bị đơn sử dụng, khai thác phần mềm Wildfire 5.0 vào mục đích thương mại và có hưởng lợi.

[2.3]. Do đó, án sơ thẩm đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty A Q. là phù hợp với các chứng cứ có tại hồ sơ và đúng các quy định theo Điều 204, Điều 205 của Luật Sở hữu trí tuệ (đã sửa đổi, bổ sung năm 2019), mục B khoản I Điểm 1.4 của Thông tư liên tịch số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 03/4/2008 hướng dẫn khi người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường về tổn thất tài sản.

Đối với việc rút một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đã được án sơ thẩm ghi nhận và đình chỉ là đúng quy định pháp luật.

[3]. Từ những phân tích, nhận định trên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn. Quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị giữ y án sơ thẩm là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử phúc thẩm.

[4]. Do không chấp nhận kháng cáo nên người kháng cáo phải chịu 2.000.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn A Q. Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 1053/2022/KDTM-ST ngày 12 tháng 7 năm 2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuyên xử:

1. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của A Q. về việc yêu cầu Công ty Cổ phần Công nghiệp CS Miền Nam:

- Chấm dứt hành vi vi phạm quyền tác giả đối với phần mềm máy tính và loại bỏ phần mềm không có bản quyền ra khỏi máy tính;

- Cam kết rằng các bản sao Phần mềm máy tính của A Q. do họ chiếm hữu, sử dụng trong tương lai sẽ phải là phần mềm đã được cấp bản quyền cho Casumina và các phần mềm đó sẽ chỉ được cài đặt và khai thác công năng sử dụng theo đúng với phạm vi bản quyền đã được cấp phép cho Phần mềm máy tính đó;

- Chịu toàn bộ án phí, lệ phí cũng như các chi phí khác để giải quyết vụ việc thông qua Tòa án.

2. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của A Q. về việc yêu cầu Công ty Cổ phần Công nghiệp CS Miền Nam:

- Bồi thường cho A Q. số tiền 69.590 USD (Sáu mươi chín ngàn năm trăm chín mươi Đô la Mỹ) (tương đương 1.615.183.900 đồng, quy đổi theo tỷ giá 1 USD = 23.210 đồng tại thời điểm xét xử sơ thẩm ngày 12/7/2022 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam) là số tiền thiệt hại tính trên giá trị của phần mềm bị vi phạm.

- Xin lỗi công khai 03 kỳ liên tiếp trên ít nhất ba tờ báo phổ biến của Việt Nam là Báo Tuổi Trẻ, Báo Thanh Niên và Báo Vietnam News về hành vi xâm phạm quyền tác giả với nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh: “Công ty Cổ phần Công nghiệp CS Miền Nam (Casumina) công khai xin lỗi Công ty A Q. (Hoa Kỳ) về hành vi sao chép phần mềm máy tính A Pro Engineer (Wildfire 5.0) mà không được phép của A”.

3. Đình chỉ toàn bộ yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần Công nghiệp CS Miền Nam về việc yêu cầu A Q. bồi thường thiệt hại cho Công ty Cổ phần CS Miền Nam số tiền 500.000.000 đồng, gồm thiệt hại đến hoạt động sản xuất kinh doanh do việc khởi kiện của A Q. là 200.000.000 đồng và phí dịch vụ luật sư bảo vệ là 300.000.000 đồng.

4. Về án phí dân sự phúc thẩm: A Q. phải chịu 2.000.000 đồng, nhưng được đối trừ vào số tiền tạm ứng đã nộp theo biên lai thu số 0002743 ngày 27/07/2022 của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh, đương sự đã nộp đủ tiền.

5. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

388
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ số 72/2023/KDTM-PT

Số hiệu:72/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:05/07/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về