Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ số 19/2020/KDTM-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 19/2020/KDTM-ST NGÀY 17/09/2020 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Ngày 17 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 37/2019/TLST ngày 24 tháng 12 năm 2019 về việc: Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 439/2020/QĐST-KDTM ngày 11 tháng 8 năm 2020; Quyết định hoãn phiên tòa số 476/2020/QĐ-HPT ngày 24 tháng 8 năm 2020, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Trung tâm TQVN (TQVN ).

Địa chỉ: Số 66 Nguyễn Văn H, phường NĐ, quận CG, thành phố Hà Nội. Đại diện theo pháp luật: Ông Đinh Trung C - Tổng Giám đốc.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Vũ Đình H, ông Trần Nam T. Địa chỉ: Số 66 Nguyễn Văn Huyên, phường NĐ , quận CG , thành phố Hà Nội, theo văn bản ủy quyền ngày 03/7/2020. (Ông H, ông T có mặt tại phiên tòa).

* Bị đơn: Công ty TNHH NV .

Địa chỉ: Số 2, ngõ 153, xóm Đ, thôn TK , xã TT , huyện TT , thành phố Hà Nội.

Đại diện theo pháp luật: Bà Trương Thị S - Tổng Giám đốc.

Đại diện theo ủy quyền: Bà Đào Thị S, bà Nguyễn Thị M. Địa chỉ: Tầng 4, số 78 NK, phường YH, quận CG , thành phố Hà Nội theo văn bản ủy quyền ngày 13/01/2020. (Bà S vắng mặt, bà M có mặt tại phiên tòa).

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Tại đơn khởi kiện, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, đại diện nguyên đơn trình bày:

Trung tâm TQVN (sau đây gọi tắt là nguyên đơn) là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả được thành lập theo Quyết định số 19/2002/QĐ-NS ngày 19/4/2002 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Căn cứ Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ, trên cơ sở hợp đồng ủy quyền của các chủ sở hữu quyền tác giả, thỏa thuận hợp tác song phương với các tổ chức quản lý tập thể quyền nước ngoài, nguyên đơn thực hiện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các chủ sở hữu quyền tác giả thành viên bao gồm quyền khởi kiện khi quyền tác giả bị xâm phạm.

Ngày 06/7/2018, Công ty TNHH NV (sau đây gọi tắt là bị đơn) đã tổ chức chương trình Để nhớ một thời ta đã yêu 6 chủ đề “Một thuở yêu người” tại Nhà hát HB địa chỉ: Số 240 đường BTH , phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh theo Giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang số 410/GP-SVH&TT do Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội cấp ngày 02/7/2018.

Trong chương trình này, Công ty TNHH NV đã sử dụng 34 tác phẩm âm nhạc, trong đó có 31 tác phẩm âm nhạc của các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả đã ủy quyền cho nguyên đơn quản lý, khai thác và bảo về quyền tác giả để biểu diễn (đính kèm vi bằng và danh sách tác phẩm sử dụng tại chương trình) nhưng không thực hiện nghĩa vụ xin phép, trả tiền nhuận bút, thù lao cho các chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ và điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016. Đây là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại khoản 8 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.

Hành vi xâm phạm quyền tác giả của bị đơn đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu quyền tác giả, làm giảm sút thu nhập là khoản tiền nhuận bút mà đáng ra các chủ sở hữu quyền tác giả được nhận nếu cho phép sử dụng tác phẩm tại chương trình này với tổng giá trị là: 78.076.932đồng.

Nguyên đơn đề nghị Tòa án xem xét và giải quyết như sau:

1. Tuyên buộc Công ty TNHH NV đăng lời xin lỗi trên báo Trung ương trong 3 số liên tiếp và trên website công ty: http://ngocvietmedia.com/ với nội dung: “Công ty TNHH NV gửi lời xin lỗi đến các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả vì đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm để biểu diễn trong chương trình Để nhớ một thời ta đã yêu 6 chủ đề “Một thuở yêu người” tại Nhà hát HB ngày 06/7/2018 nhưng đã không xin phép, trả tiền nhuận bút, thù lao và các lợi ích vật chất khác cho các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật”.

2. Tuyên buộc Công ty TNHH NV bồi thường thiệt hại cho các chủ sở hữu quyền tác giả là thành viên của TQVN , bao gồm các khoản sau đây:

- Bồi thường mức giảm sút thu thập là khoản tiền nhuận bút mà đáng ra các chủ sở hữu quyền tác giả được nhận nếu cho phép sử dụng tác phẩm tại chương trình với tổng giá trị là: 78.076.932 đồng.

- Thanh toán chi phí lập vi bằng: 3.150.000 đồng.

- Thanh toán chi phí mua vé phục vụ việc lập vi bằng: 900.000 đồng.

- Thanh toán chi phí đi lại, nhân sự cho việc khởi kiện: 10.000.000 đồng.

Tổng cộng số tiền Công ty TNHH NV phải bồi thường là: 78.076.932 đồng + 3.150.000 đồng + 900.000 đồng + 10.000.000 đồng = 92.126.932 đồng. Yêu cầu trả một lần cho các chủ sở hữu quyền tác giả thông qua Trung tâm TQVN ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.

* Tại các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, đại diện bị đơn trình bày:

Bị đơn có tổ chức chương trình “Để nhớ một thời ta đã yêu” tại địa điểm và thời gian như trình bày của nguyên đơn.

Đơn khởi kiện ghi người khởi kiện là Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Theo bị đơn thì nếu có hành vi xâm phạm bản quyền thì nhạc sỹ mới là người bị xâm phạm chứ không phải là Trung tâm. Vậy người khởi kiện phải là các nhạc sỹ chứ không phải Trung tâm.

Nếu nguyên đơn đại diện theo ủy quyền của các nhạc sỹ để khởi kiện thì trong đơn khởi kiện phải ghi rõ nguyên đơn được đại diện theo ủy quyền của các nhạc sỹ nào, theo văn bản ủy quyền nào.

Mặt khác, trong hồ sơ vụ án có một số Hợp đồng ủy quyền quản lý và khai thác quyền tác giả âm nhạc của nhạc sỹ cho nguyên đơn không ủy quyền cho nguyên đơn được khởi kiện khi có hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Ngoài ra, Hợp đồng ủy quyền nguyên đơn ký với nhạc sỹ LP do Công ty cổ phần văn hóa tổng hợp BT - Trung tâm băng nhạc BT đại diện ký, Hợp đồng ủy quyền nguyên đơn ký với nhạc sỹ PD do Công ty TNHH MTV PNĐ đại diện ký nhưng các công ty này không có văn bản ủy quyền của nhạc sỹ LP , nhạc sỹ PD .

Vậy, bị đơn đề nghị Tòa án xem xét lại tư cách khởi kiện của nguyên đơn. Về nội dung: Chưa có chứng cứ chứng minh các nhạc sỹ là tác giả của các bài hát trong buổi biểu diễn theo qui định tại khoản 2 Điều 203 Luật sở hữu trí tuệ.

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Nghị định 22/2018/NĐ-CP thì nguyên đơn có quyền xây dựng biểu mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền loại vất chất nhưng không có quy định nào thể hiện tổ chức, cá nhân sử dụng bài bắt buộc phải trả tiền nhuận bút theo biểu mức do nguyên đơn xây dựng mà “Múc tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất được xác định trong hợp đồng bằng văn bản theo quy định của pháp luật”. Như vậy, tiền nhuận bút phải theo thỏa thuận của các bên bằng văn bản.

Chi phí lập vi bằng, chi phí mua vé lập vi bằng và chi phí đi lại nhân sự cho việc khởi kiện, nguyên đơn chưa đưa ra được căn cứ chứng minh. Đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa, nguyên đơn cung cấp vé máy bay và hóa đơn lưu trú khách sạn (bản phô tô) phục vụ cho việc đi lại khởi kiện và bản chính Hợp đồng ủy quyền của nhạc sỹ LP và nhạc sỹ PD . Hội đồng xét xử đã đối chiếu bản chính với bản phô tô trong hồ sơ vụ án.

Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, bị đơn vẫn giữ nguyên quan điểm trình bày của mình trong quá trình giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tại phiên tòa có quan điểm như sau:

Về tố tụng: Việc chấp hành pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa từ khi thụ lý cho đến khi đưa vụ án ra xét xử đã đảm bảo các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự đã được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Theo vi bằng 1468/2018/VB-TPLQ.TD do Văn phòng Thừa phát lại quận TĐ lập ngày 18/7/2018. Theo đó, chương trình đã sử dụng 34 tác phẩm âm nhạc để biểu diễn, trong đó có 31 tác phẩm âm nhạc của các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả đã ủy quyền cho nguyên đơn, nhưng bị đơn không thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả. Do vậy, căn cứ vào khoản 2 Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ, nguyên đơn buộc bị đơn phải buộc xin lỗi là có căn cứ.

Căn cứ Điều 204, Điều 205 - Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ Luật Sở hữu trí tuệ và Mức nhuận bút sử dụng tác phẩm âm nhạc của Trung tâm TQVN thông báo mức nhuận bút sử dụng tác phẩm âm nhạc áp dụng từ 01/10/2015 ban hành, bị đơn phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ những khoản sau:

1. Khoản tiền nhuận bút: Nguyên đơn yêu cầu buộc bị đơn phải trả số tiền là 78.076.932 đồng là có căn cứ nên chấp nhận.

2. Chi phí lập vi bằng: 4.050.000 đồng - đây là chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại.

3. Đối với chi phí đi lại, nhân sự cho việc khởi kiện, nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc bị đơn phải trả 10.000.000 đồng. Xét thấy, yêu cầu này không được quy định trong Điều 204, 205 Luật Sở hữu trí tuệ nên không được chấp nhận.

Từ phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Về án phí: Các bên phải chịu án phí theo qui định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, sau khi nghe các bên đương sự trình bày và tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng:

- Về thẩm quyền giải quyết: Bị đơn có trụ sở tại số 2, ngõ 153, xóm Đ, thôn TK , xã TT , huyện TT , thành phố Hà Nội. Căn cứ vào khoản 2 Điều 30; Điều 37; khoản 3 Điều 38 Bộ luật Tố tụng dân sự, vụ án thuộc thẩm quyền thụ lý giải quyết của Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

- Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Tranh chấp về quyền tác giả quyền liên quan đến quyền tác giả thuộc quyền sở hữu trí tuệ, phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

[2]. Về nội dung: Xét các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Hội đồng xét xử xét thấy:

[2.1]. Về tư cách khởi kiện của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam:

Trung tâm TQVN là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả được thành lập theo Quyết định số 19/2002/QĐ-NS ngày 19/4/2002 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Căn cứ Khoản 2 Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ:

“Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện các hoạt động sau đây theo ủy quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan:

a) Thực hiện việc quản lý quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán cấp phép, thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được ủy quyền;

b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên; tổ chức hòa giải khi có tranh chấp”.

Căn cứ Điểm a Điều 1 Mục II Phần A Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 03/4/2008 của Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch - Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Toà án nhân dân:

“Quyền khởi kiện vụ án dân sự về quyền tác giả, quyền liên quan a) Cá nhân, tổ chức quy định tại Điều 44 của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21-9-2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan có quyền khởi kiện vụ án dân sự về quyền tác giả, quyền liên quan tại Toà án nhân dân có thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.

Căn cứ Điểm i Khoản 1 Điều 44 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP: Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả có quyền khởi kiện tại Toà án có thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan.

Căn cứ Điều 24 Điều lệ (sửa đổi) của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã được Bộ Nội vụ phê duyệt theo Quyết định số 124/2005/QĐ-BNV ngày 21/11/2005:

“Điều 24. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam 1. Hội Nhạc sĩ Việt Nam là cơ quan chủ quản của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Trung tâm hoạt động theo quy định của pháp luật và Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm được Chủ tịch Hội phê duyệt.

2. Mục đích hoạt động: Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, khai thác, bảo hộ tác phẩm nhạc trên cơ sở hợp đồng ủy thác quyền tác giả; giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định và thực hiện chính sách về quyền tác giả”.

Căn cứ Khoản 8 Điều 6 Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) của Trung tâm TQVN đã được Hội Nhạc sĩ Việt Nam phê duyệt theo Quyết định số 23/QĐ-HNS ngày 20/8/2018:

“Trung tâm TQVN có quyền khởi kiện ra Tòa án hoặc Trọng tài để bảo vệ quyền hoặc lợi ích hợp pháp của thành viên khi có tranh chấp xảy ra”.

Căn cứ các Hợp đồng ủy quyền quản lý và khai thác quyền tác giả âm nhạc giữa tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả với Trung tâm TQVN có thể hiện nội dung ủy quyền cho Trung tâm TQVN được quyền áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền tác giả bao gồm quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền khi có hành vi xâm phạm quyền tác giả phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 49 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP.

Như vậy, khi bị đơn có hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc của tác giả thuộc thành viên Trung tâm TQVN tại chương trình Để nhớ một thời ta đã yêu 6 chủ đề “Một thuở yêu người”, Trung tâm TQVN có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên phù hợp với quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2.2]. Xét các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Hội đồng xét xử xét thấy: Ngày 06/7/2018, bị đơn đã tổ chức chương trình Để nhớ một thời ta đã yêu 6 chủ đề “Một thuở yêu người” tại Nhà hát HB địa chỉ: Số 240 đường BTH, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh theo Giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang số 410/GP-SVH&TT do Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội cấp ngày 02/7/2018.

Trong chương trình này, bị đơn đã sử dụng 34 tác phẩm âm nhạc để biểu diễn, trong đó có 31 tác phẩm âm nhạc của các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả đã ủy quyền cho nguyên đơn quản lý và bảo vệ quyền tác giả, thể hiện tại Vi bằng số 1468/2018/VB-TPLQ.TĐ do Văn phòng Thừa phát lại quận TĐ lập ngày 18/7/2018 nhưng bị đơn không thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả mặc dù nguyên đơn đã nhiều lần liên hệ, yêu cầu.

Căn cứ Khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ:

“Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”.

Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ được hướng dẫn cụ thể tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan:

“Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được. Biểu diễn tác phẩm trước công chúng bao gồm việc biểu diễn tác phẩm tại bất cứ nơi nào mà công chúng có thể tiếp cận được” Căn cứ Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang:

“Trách nhiệm của người tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu: Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan”.

Căn cứ Khoản 8 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ: Việc sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Như vậy, việc bị đơn đã sử dụng 31 tác phẩm âm nhạc của các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả đã ủy quyền cho nguyên đơn quản lý và bảo vệ quyền tác giả nhưng không thực hiện nghĩa vụ xin phép tác giả, cũng không thực hiện xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao thông qua nguyên đơn là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Hành vi xâm phạm quyền tác giả của bị đơn đã gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả thành viên của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, làm giảm sút thu nhập là khoản tiền nhuận bút mà đáng ra các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả được nhận nếu cho phép sử dụng tác phẩm tại chương trình này. Đồng thời, làm phát sinh các chi phí tất yếu để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại gồm chi phí để thuê Văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng làm chứng cứ xử lý vi phạm, chi phí mua vé chương trình để tiến hành lập vi bằng ...

- Theo vi bằng 1468/2018/VB-TPLQ.TD do Văn phòng Thừa phát lại quận TĐ lập ngày 18/7/2018. Theo đó, chương trình đã: Sử dụng 34 tác phẩm âm nhạc để biểu diễn, trong đó có 31 tác phẩm âm nhạc của các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả đã ủy quyền cho nguyên đơn, nhưng bị đơn không thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả. Do vậy, căn cứ vào khoản 8 Điều 28; điểm b khoản 1 Điều 198; khoản 2 Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ, nguyên đơn buộc bị đơn phải buộc xin lỗi công khai là có căn cứ.

- Căn cứ khoản 4 Điều 202; điểm a khoản 1 Điều 204; điểm b khoản 1 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ; Điều 16, 17, 20 Nghị định 105 ngày 22/9/2006 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ...được sửa đổi bổ sung theo Nghị định 119 ngày 30/12/2010 và Mức nhuận bút sử dụng tác phẩm âm nhạc của Trung tâm TQVN ban hành thông báo mức nhuận bút sử dụng tác phẩm âm nhạc áp dụng thống nhất trong toàn quốc từ năm 2007 cho đến nay đối với tất cả các tổ chức tương tự và đã được báo cáo Bộ Văn hóa - Thông tin tại Công văn số 4737/BVHTT-BQTG ngày 16/11/2006 . Thông báo này đã được đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của Trung tâm là TQVN .org và vẫn được Trung tâm áp dụng từ đó đến nay nên có căn cứ chấp nhận theo yêu cầu này của nguyên đơn. Vì vậy, bị đơn phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ những khoản sau:

+ Khoản tiền nhuận bút được tính cụ thể như sau:

Căn cứ mục 2.2.1 Biểu mức nhuận bút sử dụng tác phẩm âm nhạc của Trung tâm TQVN áp dụng đối với chương trình ca nhạc/live show không thường xuyên có bán vé tổ chức trong nhà hát theo công thức: 5% x (70% số lượng ghế x bình quân giá vé).

Căn cứ số lượng ghế tại Nhà hát HB là: 2.000 ghế thể hiện tại sơ đồ ghế Nhà hát HB được đăng công khai trên website của Nhà hát HB tại địa chỉ: https://nhahathoabinh.com.vn/. Căn cứ mức bình quân giá vé là: 1.300.000 đồng được tính dựa trên các mức giá vé tại Chương trình Để nhớ một thời ta đã yêu 6 ghi nhận tại website https://ticketgo.vn/ và https://ticketbox.vn/ là kênh phân phối vé cho chương trình này.

Trên cơ sở đó, cách tính lần lượt như sau:

* Tiền nhuận bút tính chung cho cả chương trình: 5% x (70% x 2000 ghế x 1.300.000 đồng) = 91.000.000 đồng.

* Tiền nhuận bút cho mỗi tác phẩm nhạc và lời tiếng Việt hoặc nhạc nước ngoài được tính trên cơ sở chia đều tiền nhuận bút chung cho số lượng tác phẩm đã sử dụng: 91.000.000 đồng : 34 tác phẩm = 2.692.308 đồng.

* Tiền nhuận bút cho mỗi tác phẩm nhạc nước ngoài và lời tiếng Việt được tính bằng 130% tiền nhuận bút cho mỗi tác phẩm (trong đó 100% tiền nhuận bút thuộc tác giả nhạc nước ngoài và 30% tiền nhuận bút thuộc về tác giả lời tiếng Việt): 130% x 2.692.308 đồng = 3.500.000 đồng.

* Tiền nhuận bút cho mỗi tác phẩm nhạc Việt, lời chưa xác định tác giả hoặc không thuộc thành viên được tính bằng 70% tiền nhuận bút cho mỗi tác phẩm: 70% x 2.692.308 đồng = 1.884.616 đồng.

* Tiền nhuận bút cho mỗi tác phẩm lời tiếng Việt, nhạc chưa xác định tác giả hoặc không thuộc thành viên được tính bằng 30% tiền nhuận bút cho mỗi tác phẩm: 30% x 2.692.308 đồng = 807.692 đồng.

Theo bảng kê của nguyên đơn thì có 27 tác phẩm nhạc và lời tiếng Việt, tiền nhuận bút cho mỗi tác phẩm là 2.692.308 đồng; 2 tác phẩm nhạc Việt, lời không thuộc thành viên tiền nhuận bút cho mỗi tác phẩm là 1.884.616 đồng; 2 tác phẩm nhạc nước ngoài (chưa xác định) tiền nhuận bút cho mỗi tác phẩm là 807.692 đồng.

Như vậy, tổng số tiền nhuận bút sử dụng quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc thuộc thành viên Trung tâm TQVN mà bị đơn phải thực hiện cho chương trình Để nhớ một thời ta đã yêu 6 chủ đề “Một thuở yêu người” tại Nhà hát HB ngày 06/7/2018 là: 78.076.932 đồng theo yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ chấp nhận.

+ Chi phí lập vi bằng: 3.150.000 đồng (có hóa đơn kèm theo); Chi phí mua vé phụ vụ việc lập vi bằng: 900.000 đồng, tổng số là 4.050.000 đồng - đây là chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại. Theo Điều 20 Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ: “Chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại: Chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại quy định tại điểm a khoản 1 Điều 204 của Luật Sở hữu trí tuệ gồm chi phí cho việc tạm giữ, bảo quản, lưu kho, lưu bãi đối với hàng hoá xâm phạm, chi phí thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời, chi phí hợp lý để thuê dịch vụ giám định, ngăn chặn, khắc phục hành vi xâm phạm và chi phí cho việc thông báo, cải chính trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến hành vi xâm phạm”. Do vậy, cần chấp nhận chi phí này.

+ Đối với chi phí đi lại, nhân sự cho việc khởi kiện, nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc bị đơn phải trả 10.000.000 đồng. Căn cứ Điều 20 Nghị định 105/NĐ- CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ và tiểu mục 2.4 mục 1 Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 03/4/2008; Điều 204 Luật Sở hữu trí tuệ qui định về “Nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” thì đây không phải là chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại và không có tài liệu, chứng cứ thể hiện nguyên đơn thuê luật sư nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[3]. Về án phí: Bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đối với những yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận; Nguyên đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đối với yêu cầu không được Tòa án chấp nhận.

Nhận định của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án và nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[4]. Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo theo qui định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 30, Điều 37, Điều 38, Điều 147; Điều 271, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 20, Khoản 8 Điều 28; Khoản 2 Điều 56; Khoản 2 Điều 202; Điều 204; Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ 2005; Khoản 1 Điều 43 Nghị định 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều về biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ 2005, 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan; Điều 20 Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ: Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội. Xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

2. Buộc Công ty TNHH NV đăng lời xin lỗi trên báo Trung ương trong 3 số liên tiếp và trên website công ty: http://ngocvietmedia.com/ với nội dung: “Công ty TNHH NV gửi lời xin lỗi đến các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả vì đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm để biểu diễn trong chương trình Để nhớ một thời ta đã yêu 6 chủ đề “Một thuở yêu người” tại Nhà hát HB ngày 06/7/2018 nhưng đã không xin phép, trả tiền nhuận bút, thù lao và các lợi ích vật chất khác cho các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật”.

3. Buộc Công ty TNHH NV bồi thường thiệt hại cho các chủ sở hữu quyền tác giả là thành viên của TQVN do Trung tâm TQVN đại diện tổng số tiền là: 82.126.932 đồng, trong đó bao gồm:

- Bồi thường mức giảm sút thu thập là khoản tiền nhuận bút mà đáng ra các chủ sở hữu quyền tác giả được nhận nếu cho phép sử dụng tác phẩm tại chương trình với tổng giá trị là: 78.076.932 đồng.

- Thanh toán chi phí lập vi bằng: 3.150.000 đồng.

- Thanh toán chi phí mua vé phục vụ việc lập vi bằng: 900.000 đồng.

4. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về chi phí đi lại, nhân sự cho việc khởi kiện là 10.000.000 đồng.

5. Về án phí: Bị đơn phải chịu 4.106.347 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm; Nguyên đơn phải chịu 3.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Xác nhận nguyên đơn đã nộp 4.700.000 đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2018/0013322 ngày 29/7/2019 tại Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội, hoàn trả nguyên đơn 1.700.000 đồng.

6. Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất theo qui định tại Điều 357 và Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo qui định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6; 7; 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Án xử công khai sơ thẩm có mặt nguyên đơn và bị đơn.

Các đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

610
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ số 19/2020/KDTM-ST

Số hiệu:19/2020/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 17/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về