TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 04/2020/LĐ-PT NGÀY 12/06/2020 VỀ TRANH CHẤP BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ, BẢO HIỂM VÀ TRỢ CẤP THÔI VIỆC KHI CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Ngày 12 tháng 6 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 06/2020/TLPT-LĐ ngày 20 tháng 2 năm 2020 về việc tranh chấp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Do Bản án lao động sơ thẩm số 04/2019/LĐ-ST ngày 07 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 14/2020/QĐ-PT ngày 13/5/2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 19/2020/QĐPT-LĐ ngày 29/5/2020 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Chị Nguyễn Thị N, sinh năm 1988; nơi cư trú: Thôn H, xã T, huyện K, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.
Người đại diện hợp pháp: Ông Phạm Văn H, sinh năm 1957; nơi cư trú: Tổ 18, cụm 3, phường N, quận K, thành phố Hải Phòng (theo Hợp đồng ủy quyền ngày 08 tháng 3 năm 2019); có mặt.
- Bị đơn: Công ty TNHH V (gọi tắt là Công ty V); địa chỉ trụ sở: Số 1166, đường N, phường Đ, quận H, thành phố Hải Phòng, vắng mặt.
Người đại diện hợp pháp: Ông Đoàn Anh T, sinh năm 1979; chức vụ: Phó giám đốc Nhà máy Giầy Liên Dinh - Công ty TNHH V (theo văn bản ủy quyền số 22/GUQ-ĐV ngày 14/5/2020); có mặt.
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng; địa chỉ: Số 2A T, quận H, thành phố Hải Phòng.
Người đại diện hợp pháp: Bà Đinh Thị Lan H, ông Phạm Văn M, bà Nguyễn Thị Quỳnh T (theo văn bản ủy quyền số 944/UQ-BHXH ngày 15/5/2020 của Giám đốc bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng); cả ba người cùng vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
- Người kháng cáo:
Bà Nguyễn Thị N là nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn chị Nguyễn Thị N trình bày:
Tháng 7 năm 2006 Chị Nguyễn Thị N được nhận vào làm việc tại nhà máy giầy Liên Dinh thuộc Công ty TNHH V (viết tắt là Công ty V) theo hợp đồng học nghề, đến tháng 8/2006 chị N và Công ty V ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đến khoảng tháng 10/2010 chị N được bổ nhiệm làm tổ trưởng bộ phận IE thuộc văn phòng nhà máy. Ngày 14/01/2018 chị N nghỉ việc và được Công ty V trả sổ bảo hiểm xã hội. Trong sổ bảo hiểm xã hội thể hiện chị N tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 8/2007 đến hết tháng 12/2017. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH năm 2017 là 4.012.500 đồng, ngoài ra chị N không được nhận tiền lương của tháng 1/2018 và không được nhận chế độ trợ cấp gì khác nên chị N khởi kiện yêu cầu:
1. Buộc Công ty TNHH V phải truy nộp số tiền trốn đóng và đóng thiếu tiền BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan Bảo hiểm xã hội từ tháng 8/2006 đến hết tháng 7/ 2007 là 12 tháng.
2. Truy nộp số tiền đóng thiếu BHXH so với quy định của pháp luật trong khoảng thời gian từ tháng 8/2007 đến tháng 12/2017.
3. Trả tiền lương của những ngày làm việc đến ngày 14/1/2018 là 4.495.829 đồng.
4. Trả tiền trợ cấp thôi việc cho chị N là 14.525.000 đồng và tiền lãi chậm trả tính đến hết tháng 9/2019 là 2.662.432 đồng.
5. Bồi thường thiệt hại do chị N không được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 20.058.000 đồng và tiền lãi là 3.704.400 đồng. 6. Yêu cầu cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng có trách nhiệm truy thu số tiền do Công ty TNHH V trốn đóng, đóng thiếu tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTN cho quỹ BHXH và cấp lại sổ BHXH cho chị N theo quy định của pháp luật.
Đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:
1. Đối với yêu cầu truy nộp BHXH cho chị N;
Chị N trình bày: Chị học nghề tại Công ty V từ tháng 7/2006 là không đúng, ngày 30/8/2006 chị N và Công ty V mới ký hợp đồng học nghề với thời gian 03 tháng. Đến ngày 30/11/2006 chị N và Công ty V ký hợp đồng lao động có thời hạn là 03 năm tính từ ngày 30/9/2006. Do sơ xuất, Công ty chưa lập danh sách tham gia BHXH cho chị N trong khoảng thời gian từ tháng 10/2006 đến tháng 7/2007 nên Công ty đồng ý đóng bổ sung BHXH, BHYT, BHTN cho chị N trong thời gian từ tháng 10/2006 đến hết tháng 7/2007 tổng cộng là 10 tháng. Công ty đồng ý nộp bổ sung BHXH cho chị N trong khoảng thời gian trên theo quy định của pháp luật.
2. Đối với yêu cầu truy nộp số tiền đóng thiếu BHXH so với quy định của pháp luật trong khoảng thời gian từ tháng 8/2007 đến tháng 12/2017;
Trong khoảng thời gian này Công ty đã thực hiện việc đóng BHXH cho chị N đầy đủ theo mức lương thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động và phụ lục hợp đồng lao động, chị N trình bày năm 2017 hàng tháng được hưởng lương 8.300.000 đồng là không có căn cứ theo phụ lục hợp đồng vì vậy Công ty không chấp nhận yêu cầu của chị N.
3. Chị N yêu cầu Công ty trả cho chị N tiền lương của tháng 1/2018;
Ngày 01/01/2018 chị N có đơn xin nghỉ việc và được Công ty đồng ý nên từ ngày 01/01/2018 chị N không đi làm nên Công ty không trả lương cho chị N là đúng theo quy định của pháp luật, tuy nhiên để hỗ trợ người lao động khi nghỉ việc, công ty đồng ý trả lương cho chị N đến hết ngày 14/01/2018 với mức lương theo thỏa thuận trong phụ lục hợp đồng lao động.
4. Đối với khoản tiền trợ cấp thôi việc;
Nếu theo quy định của pháp luật, chị N được trả tiền trợ cấp thôi việc thì Công ty đồng ý trả cho chị N nhưng tính trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật chứ không phải theo như cách tính của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn.
5. Đối với yêu cầu bồi thường tiền chênh lệch do chị N được hưởng trợ cấp thất nghiệp thấp hơn quy định và tiền lãi suất của những khoản tiền này;
Công ty đã thực hiện việc đóng BHXH, BHYT, BHTN… cho chị N đầy đủ trên cơ sở mức lương thỏa thuận theo hợp đồng lao động và phụ lục hợp đồng đã ký với chị N nên yêu cầu này của chị N là không có căn cứ nên công ty không chấp nhận.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng có ý kiến: Người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên (trước thời điểm 01/01/2018), có đi làm, có hưởng lương thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH, BHTN theo quy định. Căn cứ vào Hợp đồng lao động ký giữa giữa chị N và Công ty TNHH V thì trường hợp chị N thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHTN theo quy định. Mức đóng BHXH, BHTN được tính trên mức lương theo hợp đồng lao động, cụ thể là lương và các khoản phụ cấp lương. Nếu có căn cứ xác định người sử dụng lao động và người lao động thuộc trường hợp phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì đề nghị Tòa án căn cứ vào quy định của pháp luật yêu cầu người sử dụng lao động và người lao động đóng BHXH, BHTN theo đúng quy định.
I. Giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm:
Tại Bản án lao động sơ thẩm số 04/2019/LĐ-ST ngày 07/11/2019 của Tòa án nhân dân quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng đã căn cứ Điều 32, Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 227, Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các điều 91, 92, 94 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006; các điều 85, 86, 87, 89 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Điều 48, Điều 186 Bộ luật Lao động; Điều 357, 468 Bộ luật Dân sự; Nghị định 12/1995/NĐ-CP ngày 26-01-1995; Nghị định 05/2015/NĐ-CP; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn như sau:
Buộc Công ty TNHH V phải nộp bổ sung BHXH, BHYT của chị Nguyễn Thị N cho Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng từ thời gian tháng 10 năm 2006 đến hết tháng 7 năm 2007 và nộp bổ sung BHXH, BHYT của chị Nguyễn Thị N còn thiếu từ thời gian tháng 01 năm 2017 đến hết tháng 12 năm 2017 (đóng bổ sung đối với 5% tiền phụ cấp nặng nhọc độc hại) như sau:
Năm 2006 là 450.000 đồng x 15% x 3 tháng = 205.500 đồng Năm 2007 là 450.000 đồng x 17% x 7 tháng = 535.500 đồng. Năm 2017 là 200.625 đồng x 22% x 12 tháng = 529.650 đồng Tổng cộng là: 1.270.650 (một triệu hai trăm bảy mươi nghìn, sáu trăm năm mươi) đồng Buộc chị N phải nộp bổ sung như sau:
Năm 2006 là 450.000 đồng x 5% x 3 tháng = 67.500 đồng Năm 2007 là 450.000 đồng x 6% x 7 tháng = 189.000 đồng Năm 2017 là 200.625 đồng x10,5% x 12 tháng = 252.800 đồng Tổng cộng là 509.300 (năm trăm linh chín nghìn, ba trăm) đồng Công ty TNHH V và chị N còn phải chịu lãi suất do chậm đóng BHXH với lãi suất theo quy định của pháp luật BHXH tương ứng với thời gian chậm đóng. Khoản tiền này được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Buộc Công ty TNHH V phải trả tiền trợ cấp thôi việc cho chị Nguyễn Thị N là 7.372.968 đồng và 1.351.710 đồng tiền lãi chậm trả tính từ tháng 1-2018 đến ngày xét xử sơ thẩm.
Buộc Công ty TNHH V phải trả lương của tháng 01/2018 (11 ngày làm việc) là 1.944.519 đồng và 356.500 đồng tiền lãi chậm trả tính từ tháng 02/2018 đến ngày xét xử sơ thẩm.
Tổng cộng Công ty TNHH V phải trả cho chị Nguyễn Thị N số tiền là 11.025.697 đồng, làm tròn là 11.025.700 (mười một triệu, hai mươi lăm nghìn, bảy trăm) đồng.
Kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện khác của chị N.
Ngoài ra bản án còn tuyên nghĩa vụ chịu án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
II. Nội dung kháng cáo:
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 24/12/2019 Tòa án nhân dân quận Dương Kinh nhận được đơn kháng cáo của nguyên đơn với nội dung kháng cáo toàn bộ Bản án số 04/2019/LĐ-ST ngày 07/11/2019 của Tòa án nhân dân quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm với các lý do: Bản án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, có sai lầm trong việc đánh giá, sử dụng tài liệu chứng cứ và áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án không khách quan, không toàn diện, quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn cũng như lợi ích của Nhà nước không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật.
III. Tại Tòa án cấp phúc thẩm:
Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Bị đơn không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan giữ nguyên ý kiến tại Tòa án cấp sơ thẩm.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo:
- Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ của mình. - Quan điểm về việc giải quyết đối với Bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo: Đối với các vi phạm về thủ tục tố tụng Tòa án cấp phúc thẩm cơ bản đã khắc phục được. Các tài liệu chứng cứ làm cơ sở giải quyết vụ án mặc dù còn thiếu nhưng đã được bị đơn tự nguyện chấp nhận chi trả cho nguyên đơn.
Vì vậy, căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng Dân sự, chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, sửa một phần Bản án sơ thẩm số 04/2019/LĐ-ST ngày 07/11/2019 của Tòa án nhân dân quận Dương Kinh thành phố Hải Phòng, (có bài phát biểu kèm theo).
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa, yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn; việc giải quyết xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm, ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
- Về tố tụng:
[1] Nguyên đơn là chị Nguyễn Thị N có ký hợp đồng lao động với Công ty TNHH V và làm việc tại nhà máy Giầy Liên Dinh hoạt động trên địa bàn quận Dương Kinh, chị N khởi kiện yêu cầu trả các khoản tiền liên quan đến BHXH, BHTN, BHYT và trợ cấp thôi việc đối với Công ty TNHH V nên Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng Điều 32, Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự để thụ lý, giải quyết vụ án là đúng quy định.
[2] Về sự vắng mặt của đương sự: hồ sơ vụ án thể hiện, trong quá trình tố tụng Tòa án đã tiến hành tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng của Tòa án cho các đương sự. Tại phiên tòa, nguyên đơn vắng mặt, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn vắng mặt và có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt nên Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ khoản 1 Điều 238 Bộ luật Tố tụng dân sự để xét xử vắng mặt nguyên đơn và đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là đúng quy định.
Quá trình giải quyết vụ án, Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng đã có quan điểm về nghĩa vụ đóng bảo hiểm bắt buộc của người sử dụng lao động, người lao động gửi đến Tòa án và đề nghị xét xử vắng mặt như vậy là thực hiện đúng quy định tại Điều 73 và Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[3] Đơn kháng cáo của bị đơn có nội dung phù hợp quy định tại Điều 272 Bộ luật Tố tụng dân sự và thực hiện trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự nên được chấp nhận để đưa ra xét xử phúc thẩm.
[4] Đối với yêu cầu tạm ngừng phiên tòa để tiếp cận công khai chứng cứ của đại diện nguyên đơn. Xét thấy, yêu cầu này không thuộc trường hợp phải tạm ngừng phiên tòa theo các điều 259, 304 Bộ luật Tố tụng dân sự nên HĐXX không chấp nhận.
[5] Về việc đánh giá chứng cứ:
Trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, bị đơn đã giao nộp: Hợp đồng lao động số 0608315 ngày 30/11/2006 và các phụ lục hợp đồng từ năm 2008 đến năm 2017 (đều là bản phôtô), theo Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự thì các tài liệu trên không được coi là chứng cứ. Tuy nhiên tại giai đoạn phúc thẩm, bị đơn đã giao nộp bổ sung các tài liệu nêu trên là bản sao có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nội dung những tài liệu này không khác so với nội dung tài liệu phôtô mà bị đơn cung cấp tại Tòa án cấp sơ thẩm nên không làm thay đổi bản chất, nội dung vụ án. Như vậy tại giai đoạn phúc thẩm, các vi phạm của tòa án cấp sơ thẩm đã được khắc phục. Để đảm bảo quyền lợi của các đương sự, HĐXX xét thấy chưa đến mức vi phạm nghiêm trọng phải hủy án sơ thẩm nên không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc thu thập, xem xét, đánh giá tài liệu chứng cứ.
- Về nội dung:
[6] Đối với yêu cầu truy nộp BHXH cho chị N trong khoảng thời gian từ tháng 8/2006 đến hết tháng 7/2007 là 12 tháng:
Chị N có ký Hợp đồng học nghề số 0603815 ngày 30/8/2006 với Công ty TNHH V, thời gian học nghề là 03 tháng. Ngày 30/11/2006 chị N và công ty TNHH V ký Hợp đồng lao động số 0608315 có thời hạn 36 tháng kể từ ngày 30/9/2006 đến ngày 30/9/2009, mức lương 450.000 đồng và có đầy đủ các phụ lục hợp đồng theo từng thời kỳ, đến ngày 02/01/2017 có thỏa thuận mức lương là 4.012.500 đồng/tháng. Như vậy, Tòa án sơ thẩm xác định thời gian tính đóng bảo hiểm từ tháng 10/2006 là có căn cứ.
Trong Hợp đồng lao động số 0608315 ngày 30/11/2006 giữa chị N và Công ty TNHH V có thỏa thuận về việc đóng BHXH trên mức lương tối thiểu. Nhưng trong thời gian từ tháng 10/2006 đến tháng 7/2007 Công ty chưa đóng BHXH, BHYT, BHTN với thời gian là 10 tháng. Như vậy yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc truy đóng BHXH là có căn cứ.
Việc truy đóng Bảo hiểm bắt buộc là phù hợp tại điểm 1.1, khoản 1 Điều 38 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 về các trường hợp truy thu: "Trường hợp đơn vị trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (sau đây gọi là trốn đóng) do cơ quan BHXH kết luận thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN, cơ quan thanh tra nhà nước có thẩm quyền kết luận từ ngày 01/01/2016 thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, còn phải truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng ...". Tại phiên tòa sơ thẩm Công ty TNHH V đồng ý đóng bổ sung thời gian từ tháng 10/2006 đến tháng 7/2007 tổng cộng là 10 tháng cho chị N nên Tòa cấp sơ thẩm đã ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn là đã đảm bảo quyền lợi cho nguyên đơn. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm buộc nguyên đơn phải truy đóng số tiền bảo hiểm còn thiếu là chưa đảm bảo quyền lợi cho nguyên đơn. Bởi lẽ, trong hồ sơ không có bảng lương thời gian từ tháng 10/2006 đến tháng 7/2007, bị đơn cũng trình bày do thời gian đã lâu nên không thể cung cấp tài liệu này cho Tòa án nên không xác định được Công ty đã trích tiền BHXH, BHYT, BHTN của chị N chưa. Việc không cung cấp được tài liệu chứng minh là lỗi của người sử dụng lao động nên cần sửa Bản án sơ thẩm về nội dung này theo hướng buộc Công ty V phải truy đóng BHXH, BHYT, BHTN bao gồm cả phần của người lao động.
Theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 12/NĐ-CP ngày 26-01-1995 thì năm 2006 người sử dụng lao động phải đóng 15% và người lao động phải đóng 5% tiền lương hàng tháng. Theo quy định của các điều 91, 92 Luật BHXH năm 2006 thì năm 2007 người sử dụng lao động phải đóng 17% và người lao động phải đóng 6% tiền lương hàng tháng. Như vậy Công ty TNHH V phải đóng bổ sung BHXH cho chị N như sau:
Năm 2006 là 450.000 đồng x 15% x 3 tháng = 202.500 đồng Năm 2007 là 450.000 đồng x 17% x 7 tháng = 535.500 đồng Công ty TNHH V phải đóng cả phần BHXH cho chị N:
Năm 2006 là 450.000 đồng x 5% x 3 tháng = 67.500 đồng; Năm 2007 là 450.000 đồng x 6% x 7 tháng = 189.000 đồng.
Tổng cộng: 202.500 đồng + 535,500 đồng + 67.500 đồng + 189.000 đồng = 994.500 đồng.
[7] Chị N yêu cầu đóng bổ sung BHXH còn thiếu từ thời gian tháng 8/2007 đến tháng 12/2017;
Đối với mức lương đóng BHXH từ tháng 8/2007 đến tháng 12/2016: Xét thấy, giữa Công ty V và chị N đã ký kết Hợp đồng lao động 0608315 ngày 30/11/2006 theo đó mức lương thỏa thuận trong hợp đồng là 450.000 đồng/tháng. Sau đó, hai bên tiếp tục căn cứ vào hợp đồng lao động và ký các phụ lục hợp đồng vào các năm 2008, 2009, 2011, 2013, 2014, 2015, 2016 để điều chỉnh mức lương cho chị N theo đúng quy định. Theo khoản 2 Điều 45 Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định: “Người lao động đóng Bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động".
Như vậy, mức lương làm cơ sở đóng BHXH theo HĐLĐ, PLHĐLĐ cho chị N đến tháng 12/2016 như Bản án sơ thẩm xác định là đúng quy định. Đối với mức lương đóng BHXH năm 2017:
Khoản 2 Điều 89 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: “Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật lao động".
Theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều 17 Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về Bảo hiểm bắt buộc: "Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại khoản 2 Điều 89 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến 31 tháng 12 năm 2017, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động".
Năm 2017, chị N được hưởng phụ cấp 5% nặng nhọc độc hại, nhưng Công ty thừa nhận chưa đóng đủ cho người lao động và đồng ý đóng bổ sung bao gồm cả phần của người lao động, cụ thể:
Trong phụ lục hợp đồng lao động ngày 02/01/2017 có ghi tiền lương là 4.012.500 đồng, phụ cấp tiền nặng nhọc độc hại là 5%. Theo sổ BHXH của chị N thì Công ty TNHH V đã đóng thiếu tiền phụ cấp nặng nhọc độc hại là 5% từ tháng 1/2017 đến hết tháng 12/2017.
Vì vậy, Công ty TNHH V phải đóng bổ sung cho chị N số tiền: 200.625 đồng x 5% x 22% x 12 tháng = 529.650 đồng Công ty TNHH V phải đóng cả phần cho chị N:
200.625 đồng x 5% x 10,5% x 12 tháng = 252.787 đồng Tổng cộng: 529.650 đồng + 252.787 đồng = 782.437 đồng.
[8] Yêu cầu Công ty TNHH V trả tiền lương cho những ngày làm việc của tháng 1/2018 là 4.495.829 đồng;
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn đồng ý trả lương cho chị N trong thời gian làm việc từ 01/01/2018 đến 14/01/2018 là 11 ngày làm việc. Mức lương chi trả theo phụ lục hợp đồng ngày 02/01/2017 là 4.012.500 đồng. Chị N yêu cầu trả lương tháng 01/2018 với mức lương là 7.350.000 đồng nhưng không có tài liệu chứng cứ để chứng minh mức lương mà chị N thực lĩnh nên chấp nhận một phần yêu cầu của chị N về trả lương tháng 01/2018 là 11 ngày công làm việc. Cụ thể là: (4.012.500đ + 4.012.500đ x 5%)/24 ngày x 11 ngày = 1.931.015 đồng.
Do việc chậm trả tiền lương cho chị N nên bị đơn phải chịu lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự, thời gian tính lãi từ tháng 2/2018 đến ngày xét xử sơ thẩm là: 1.931.015 x 10%/năm x 01 năm 10 tháng = 354.019 đồng.
Tổng cộng: 1.931.015 đồng + 354.019 đồng = 2.285.034 đồng Như vậy, chỉ chấp nhận một phần kháng cáo này của chị N. [9] Đối với yêu cầu trả tiền trợ cấp thôi việc và tiền lãi của việc chậm trả:
Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động và Điều 14 Nghị định 05/NĐ- CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì:
"1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia Bảo hiểm thất nghiệp và thời gian đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc" 3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc".
Tổng thời gian làm việc của chị N tại Công ty V từ tháng 9-2006 đến hết tháng 12/2017 là 11 năm 4 tháng, thời gian chị N chưa được tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 3 năm 2 tháng được tính tròn thành 03 năm 06 tháng, mỗi năm chị N được hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng ½ tháng lương trung bình của 6 tháng trước khi chị N nghỉ việc. Từ tháng 01 đến hết tháng 12-2017 lương của chị N được hưởng là 4.012.500 đồng và 5% tiền phụ cấp, như vậy lương bình quân theo hợp đồng lao động từ tháng 1 đến tháng 12/2017 của chị N là: 4.012.500 + (4.012.500 x5%) = 4.125.125 đồng.
Tiền trợ cấp thôi việc của chị N là: 4.125.125 đồng x 1,75 tháng = 7.372.968 đồng.
Do việc chậm trả tiền trợ cấp thôi việc cho chị N nên Công ty TNHH V phải chịu lãi suất theo quy định tại các điều 357, 468 Bộ luật Dân sự tính từ tháng 1/2018 đến ngày xét xử sơ thẩm là: 7.372.968 đồng x 10%/năm x 1 năm 10 tháng = 1.351.710 đồng.
Tổng cộng: 7.372.968 đồng + 1.351.710 đồng = 8.724.678 đồng Tại phiên tòa sơ thẩm bị đơn đồng ý trả số tiền trợ cấp thôi việc và tiền lãi chậm trả cho chị N như trên, Tòa án cấp sơ thẩm ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn là phù hợp quy định của pháp luật nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo nội dung này.
[8]. Về án phí:
Án phí sơ thẩm: Sửa một phần bản án sơ thẩm về phần án phí.
Án phí phúc thẩm: Chị N không phải nộp án phí lao động phúc thẩm. Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ các Điều 147, 148; khoản 1 Điều 32; điểm c khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39, điểm b khoản 3 Điều 38; Điều 293; khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ các điều 48, 186 Bộ luật Lao động năm 2012;
Căn cứ các điều 91, 92, 94 Luật Bảo hiểm xã hội năm năm 2006; các điều 85, 86, 87, 89 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
Căn cứ Nghị định 12/1995/NĐ-CP; Khoản 2 Điều 45 Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006; khoản 1, 2 Điều 17 Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015; Nghị định 05/2015/NĐ-CP; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.
Tuyên xử:
Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, sửa một phần Bản án sơ thẩm như sau:
- Buộc Công ty TNHH V phải nộp bổ sung BHXH, BHYT của chị Nguyễn Thị N cho Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng từ tháng 10/2006 đến hết tháng 7/2007 và nộp bổ sung BHXH, BHYT của chị Nguyễn Thị N còn thiếu từ tháng 01/2017 đến hết tháng 12/2017 (đóng bổ sung đối với 5% tiền phụ cấp nặng nhọc độc hại) cụ thể như sau:
Công ty TNHH V phải đóng bổ sung BHXH cho chị N:
Năm 2006 là 450.000 đồng x 15% x 3 tháng = 202.500 đồng Năm 2007 là 450.000 đồng x 17% x 7 tháng = 535.500 đồng Năm 2017 là 200.625 đồng x 5% x 22% x 12 tháng = 529.650 đồng Công ty TNHH V phải đóng cả phần BHXH cho chị N: Năm 2006 là 450.000 đồng x 5% x 3 tháng = 67.500 đồng; Năm 2007 là 450.000 đồng x 6% x 7 tháng = 189.000 đồng.
Năm 2017 là 200.625 đồng x 5% x 10,5% x 12 tháng = 252.787 đồng Tổng cộng: 1.776.937 đồng.
Công ty TNHH V còn phải chịu lãi suất do chậm đóng BHXH cho cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng với mức lãi suất theo quy định của pháp luật BHXH tương ứng với thời gian chậm đóng.
- Buộc Công ty TNHH V phải trả tiền trợ cấp thôi việc cho chị Nguyễn Thị N là 7.372.968 đồng và 1.351.710 đồng tiền lãi chậm trả tính từ tháng 1-2018 đến ngày xét xử sơ thẩm. Tổng cộng: 8.724.678 đồng (tám triệu bẩy trăm hai mươi bốn nghìn sáu trăm bẩy mươi tám đồng). - Buộc Công ty TNHH V phải trả lương của tháng 01/2018 (11 ngày làm việc) cho chị Nguyễn Thị N là 1.931.015 đồng và 354.019 đồng tiền lãi chậm trả tính từ tháng 02/2018 đến ngày xét xử sơ thẩm. Tổng cộng: 2.285.034 đồng (hai triệu hai trăm tám mươi năm nghìn không trăm ba mươi tư đồng).
Kể từ ngày Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Về án phí:
- Án phí sơ thẩm: Nguyên đơn không phải chịu án phí lao động sơ thẩm, bị đơn phải chịu 330.291 đồng án phí lao động sơ thẩm.
- Án phí phúc thẩm: Nguyên đơn không phải chịu án phí lao động phúc thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ tuyên án.
Trường hợp Bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm và trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động số 04/2020/LĐ-PT
Số hiệu: | 04/2020/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 12/06/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về