TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
BẢN ÁN 22/2017/HC-ST NGÀY 21/9/2017 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH TRUY THU THUẾ
Trong các ngày 20 và 21 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử sơ thẩm công khai vụ án đã thụ lý số 16/2017/TLST-HC ngày 22 tháng 6 năm 2017 về việc khiếu kiện “Quyết định truy thu thuế” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số 17/2017/QĐXXST-HC ngày 19 tháng 8 năm 2017, giữa các đương sự:
-Người khởi kiện: Ông Nguyễn Việt C, sinh năm 1984; (có mặt) Địa chỉ: 02E khu phố E, phường P, thành phố B, tỉnh Bến Tre.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện:
1. Ông Nguyễn Thanh L, sinh năm 1962. Địa chỉ: 1004/3 khu phố A, phường B, quận C, Thành phố Hồ Chí Minh. (có mặt)
2. Luật sư Trần Thị A - Văn phòng luật sư Nguyễn Thanh L thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. (có mặt)
3. Luật sư Nguyễn Minh C - Văn phòng luật sư Đ thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. (có mặt)
-Người bị kiện:
1. Chi cục trưởng Chi cục T;
Địa chỉ: 51 đường E, phường D, thành phố B, tỉnh Bến Tre.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn B - Chi Cục trưởng Chi cục T.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Minh T - Phó Chi Cục trưởng Chi cục thuế T, theo văn bản ủy quyền ngày 18/7/2017. (có mặt)
2. Cục trưởng Cục T;
Địa chỉ: 615 đường H, phường K, thành phố B, tỉnh Bến Tre.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Văn M - Cục trưởng Cục T.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Võ Văn T - Phó Cục trưởng Cục T, theo văn bản ủy quyền ngày 07/8/2017. (có mặt)
Người bảo vệ quyền và lợi ích của người bị kiện: Luật sư Nguyễn A - Văn phòng luật sư Nguyễn A thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre. (có mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 15/6/2017, trong quá trình tố tụng, người khởi kiện ông Nguyễn Việt C trình bày:
Từ giữa năm 2008 đến năm 2013, ông có tham gia trao đổi tiền ảo qua mạng Internet. Đến tháng 9/2013, ông đã nhiều lần được Cơ quan A thuộc Công an tỉnh Bến Tre mời đến làm việc do ông đã tham gia các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Ngày 19/10/2015, Cơ quan A ban hành Công văn số 87/ANĐT đề nghị Cục T nghiên cứu xử lý vi phạm hành chính về việc truy thu thuế đối với hành vi mua bán tiền ảo trên mạng Internet của ông.
Ngày 13/5/2016, ông nhận được Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T. Tại phần biện pháp khắc phục hậu quả, tổng số thuế ông phải nộp là 2.649.377.069 đồng, cụ thể: thuế giá trị gia tăng: 981.527.006 đồng, thuế thu nhập cá nhân: 1.667.850.063 đồng. Như vậy, số thuế thu nhập mà ông phải nộp như vậy là quá cao, còn hơn tổng lợi nhuận trước thuế (1.358.393.508 đồng) mà ông đã thu được theo kết quả điều tra của cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, phần thuế giá trị gia tăng phải nộp cũng quá cao và chưa thật sự hợp lý.
Trong giai đoạn ông tham gia mua bán tiền ảo trên mạng Internet, hình thức kinh doanh này không vi phạm pháp luật, nhưng do đây là loại hình kinh doanh mới nên pháp luật về thuế vẫn còn chưa kịp điều chỉnh. Ông đã đi đăng ký kinh doanh ngành nghề này tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre nhưng các loại tiền ảo không được coi là hàng hóa để đăng ký kinh doanh ngành Thương mại điện tử theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ nên ông đã không thể đăng ký kinh doanh được, vì vậy ông không thể thực hiện được chế độ chứng từ, hóa đơn cũng như không thể kê khai nộp thuế với lý do chủ yếu: thời điểm đó, hình thức kinh doanh này chưa có tên và mã số ngành nghề trong hệ thống ngành nghề kinh doanh của Việt Nam. Thực trạng nói trên đã được xác nhận tại mục “Lý do không xử phạt hành chính” được nêu trong Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T.
Theo quy định tại Điều 2 Chương I của Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính có nội dung: đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn đó, Bộ Công thương và Chính phủ khẳng định tiền ảo không phải là hàng hóa. Ông đã gửi các tài liệu có liên quan của Bộ Công thương và Chính phủ quy định rõ tiền ảo không phải là hàng hóa cho người đại diện Chi cục T và Cục T để xem xét. Tuy nhiên, Chi cục T và Cục T đã không xém xét mà còn tính thuế đối với ông một cách bất hợp lý.
Xét thấy các quyết định hành chính nêu trên trực tiếp ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp nên nay ông đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre hủy Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T và Quyết định số 1002/QĐ-CT ngày 18/5/2017 của Cục trưởng Cục T.
Theo văn bản ý kiến số 4120/CCT-KTT2 ngày 12/7/2017, trong quá trình tố tụng, ông Lê Minh T là người đại diện theo ủy quyền của Chi cục trưởng Chi cục T trình bày:
Cơ sở pháp lý để ban hành Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T:
- Về đối tượng chịu thuế: hoạt động kinh doanh mua bán tiền kỹ thuật số của ông C là hoạt động mua bán hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân của pháp luật thuế hiện hành.
- Về doanh số tính thuế: Chi cục T căn cứ theo Công văn số 191/ANĐT ngày 25/8/2014 và Công văn số 87/ANĐT ngày 19/10/2015 của Cơ quan A thuộc Công an tỉnh Bến Tre về việc đề nghị truy thu thuế đối với hành vi mua bán tiền ảo của ông C chuyển cho cơ quan thuế. Trong đó, Cơ quan A đã kết luận: “Ông C đã có hành vi mua bán tiền ảo không đăng ký kinh doanh từ năm 2008 đến ngày 24/10/2012 và không nộp thuế của C với doanh số là 138.600.620.724 VND; C mua bán tiền ảo không đúng với ngành nghề đã đăng ký kinh doanh và không khai báo và nộp thuế từ ngày 03/9/2013 đến ngày 01/10/2013 với doanh số: 1.617.522.953 đồng; Lợi nhuận thu được từ việc mua bán tiền ảo của ông C từ năm 2008 đến tháng 10/2013 là: 1.358.393.508 đồng; Tổng doanh số không kê khai nộp thuế là: 140.218.143.677 đồng”
- Về phương pháp tính thuế: căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính và Nghị định số 123/2008/NĐ- CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ.
- Về xác định thuế giá trị gia tăng phải nộp: do ông C có hành vi mua bán tiền ảo không đăng ký kinh doanh từ năm 2008 đến ngày 24/10/2012; không nộp thuế, mua bán tiền ảo không đúng với ngành nghề đã đăng ký kinh doanh và không khai báo, không nộp thuế từ ngày 03/9/2013 đến ngày 01/10/2013 nên cơ quan thuế thực hiện việc xác định số thuế phải nộp theo phương pháp khoán thuế theo biểu tỷ lệ giá trị gia tăng và biểu thu nhập chịu thuế tính trên doanh thu đối với hoạt động kinh doanh ban hành kèm theo Quyết định số 49/QĐ-CT ngày 02/02/2009 của Cục T. Việc ông C yêu cầu cơ quan thuế xác định số thuế phải nộp trên lợi nhuận thu được từ việc mua bán tiền ảo, hiện tại pháp luật về thuế không có quy định đối với trường hợp này nên cơ quan thuế không có căn cứ để xem xét giải quyết và được áp dụng theo điểm a, b khoản 1 Điều 38 Luật Quản lý thuế năm 2006.
Theo đơn khởi kiện ngày 15/6/2017, ông C cho rằng ông có gửi cho cơ quan thuế các văn bản của Bộ Công thương và của Chính phủ nhưng cơ quan thuế không xem xét. Tuy nhiên, các văn bản gửi cho cơ quan thuế thì ông C chỉ cung cấp các bản sao chụp, các bài báo không mang tính pháp lý. Mặt khác, theo đơn khởi kiện có nội dung: “… phần thuế giá trị gia tăng phải nộp cũng quá cao và chưa thật sự hợp lý đối với loại hình kinh doanh …”. Như vậy, ông C cũng thừa nhận loại hình kinh doanh của ông phải chịu thuế theo quy định pháp luật nhưng do cơ quan thuế yêu cầu ông nộp thuế quá cao nên ông không đồng ý.
Từ những căn cứ trên, Chi cục trưởng Chi cục T đã xác định số thuế phải nộp theo phương pháp khoán trên cơ sở doanh thu do cơ quan Công an xác định qua kết quả điều tra là: 140.218.143.677 đồng, đồng thời ban hành Quyết định số 714/QĐ- CCT ngày 12/5/2016 về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hộ ông C với số thuế phải nộp là: thuế giá trị gia tăng: 981.527.006 đồng; thuế thu nhập cá nhân: 1.667.850.063 đồng, tổng số tiền là: 2.649.377.069 là đúng quy định pháp luật hiện hành về thuế. Đến nay, ông C vẫn chưa nộp số tiền thuế bị truy thu theo Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016.
Do Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 được ban hành đúng quy định pháp luật nên Chi cục trưởng Chi cục T không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của ông C.
Theo văn bản ý kiến số 1519/CT-KTNB ngày 30/6/2017, trong quá trình tố tụng, ông Võ Văn T là người đại diện theo ủy quyền của Cục trưởng Cục T trình bày:
Ngày 10/8/2016, ông C gửi đơn khiếu nại đến cơ quan thuế để được xem xét lại Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T. Cơ quan giải quyết khiếu nại lần đầu là Chi cục trưởng Chi cục T. Sau khi xem xét nội dung đơn khiếu nại của ông C, Chi cục trưởng Chi cục T nhận thấy không có cơ sở pháp lý để xem xét giải quyết theo yêu cầu của ông C nên đã ban hành Quyết định số 1205/QĐ-CCT ngày 07/9/2016 về việc giải quyết khiếu nại lầu đầu với nội dung không công nhận nội dung đơn khiếu nại của ông C. Không đồng ý với Quyết định số 1205/QĐ-CCT của Chi cục trưởng Chi cục T nên ngày 05/10/2016 ông C tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến Cục trưởng Cục T để được xem xét giải quyết. Đề có cơ sở xem xét nội dung đơn khiếu nại của ông C được khách quan, ngày 05/12/2016 Cục T phát hành Công văn số 2820/CT-KTNB gửi Tổng cục thuế để xin ý kiến hướng dẫn về cách xác định số thuế phải nộp.
Ngày 25/4/2017, Tổng cục thuế có Công văn số 1605/TCT-KTNB về việc hỗ trợ giải quyết khiếu nại. Tại công văn này, Tổng cục thuế đề nghị Cục T thực hiện xử lý giải quyết khiếu nại đúng theo quy định của Luật khiếu nại và hướng dẫn tại Công văn số 4356/BTC-TCT ngày 01/4/2016 của Bộ Tài chính.
Ngày 17/5/2017, Cục T tổ chức đối thoại và thông báo đến ông C biết nội dung Công văn số 1605/TCT-KTNB của Tổng cục thuế về việc hỗ trợ giải quyết khiếu nại.
Căn cứ Luật khiếu nại 2011, Luật Quản lý thuế, Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ, Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ, Công văn số 4356/BTC-TCT ngày 01/4/2016 của Bộ Tài chính, Công văn số 1605/TCT-KTNB của Tổng cục thuế, Cục trưởng Cục T đã ban hành Quyết định số 1002/QĐ-CT ngày 18/5/2017 về việc giải quyết khiếu nại của ông C (lần 2) là đúng quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại của công dân. Do đó, Cục trưởng Cục T không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của ông C.
Tại phiên tòa:
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện và người khởi kiện trình bày:
Theo biên bản làm việc ngày 26/4/2016, ông C có trình bày ông đã đến Chi cục T làm hồ sơ đăng ký thuế nhưng không được vì loại hình kinh doanh của ông C là loại hình mới phát sinh, khi công C trình bày như vậy thì phía Chi cục T cũng không có ý kiến gì. Ngoài ra, theo biên bản ngày 11/5/2016 của Đội thẩm định thuộc Chi cục T cũng đã nêu: lý do không xử phạt hành chính hình thức kinh doanh mua bán tiền kỹ thuật số của ông C là do đây là một loại hình mới phát sinh, đến nay chưa có văn bản pháp luật về thuế đối với loại kinh doanh này, mặt khác ông C đã tham vấn ý kiến của Cục T nhưng không có hướng dẫn, vì thế cơ quan thuế chưa lập được danh bạ đưa vào bộ quản lý thuế theo quy định pháp luật, vì vậy đây là lỗi của cơ quan thuế. Bên cạnh đó, theo Điều 23 Luật Quản lý thuế quy định hồ sơ đăng ký thuế đối với cá nhân kinh doanh gồm tờ khai đăng ký thuế và bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, ông C đã đến Phòng Tài chính Kế hoạch cũng như Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre để xin cấp giấy chứng nhận kinh doanh nhưng phía cơ quan thẩm quyền không cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho ông C, với lý do: thời điểm đó, hình thức kinh doanh này chưa có tên và mã số ngành nghề trong hệ thống ngành nghề kinh doanh của Việt Nam. Do ông C không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được thì đương nhiên không kê khai thuế được. Như vậy, việc ông C không thực được việc đăng ký kê khai thuế là do có sự khiếm khuyết về luật, chưa có đủ căn cứ pháp luật để ông C thực hiện việc đăng ký thuế. Do đó, có đủ căn cứ chứng minh ông C không có thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T cho rằng ông C thực hiện hành vi vi phạm hành chính là không nộp hồ sơ đăng ký thuế là không có căn cứ.
Người bị kiện thừa nhận Công văn số 4356/BTC-TCT ngày 01/4/2016 của Bộ Tài chính không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ là văn bản hướng dẫn nghiệp vụ nội bộ ngành. Tuy nhiên, Công văn số 4356/BTC-TCT ngày 01/4/2016 lại được ghi trong phần căn cứ pháp lý để ban hành Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 và Quyết định số 1002/QĐ-CT ngày 18/5/2017 là không đúng. Mặt khác, Công văn số 4356/BTC-TCT ngày 01/4/2016 cho rằng tiền ảo là hàng hóa là không có căn cứ, đây chỉ là thủ thuật đánh tráo khái niệm, là một sự gán ghép khái niệm, vì để khẳng định tiền ảo là hàng hóa thì phải có một văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này.
Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T là quyết định về việc biện pháp khắc phục hậu quả. Theo quy định của pháp luật, biện pháp khắc phục hậu quả luôn luôn đi kèm với một quyết định với xử phạt vi phạm hành chính, ngoại trừ 5 trường hợp được quy định tại Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính. Đối chiếu với quy định pháp luật thì trường hợp của ông C hoàn toàn không nằm trong 5 trường hợp này, như vậy, nếu như Chi cục T muốn ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì phải đi kèm với một quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chứ không thể không có quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà có quyết định áp dụng biện pháp khắc quả. Ngoài ra, theo Luật quản lý thuế thì không có quy định nào cho rằng truy thu thuế là biện pháp khắc phục hậu quả. Do đó, Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T về biện pháp khắc phục hậu quả là không có căn cứ. Bên cạnh đó, cơ quan thuế chỉ căn cứ vào số liệu do Cơ quan A cung cấp mà không tiến hành xác minh, áp dụng các biện pháp của ngành thuế để tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với ông C là không thuyết phục.
Người bị kiện trình bày phương pháp tính thuế giá trị gia tăng đối với loại hình kinh doanh của ông C là áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng. Theo khoản 2 điều 11 của Luật Thuế giá trị gia tăng quy định: “… Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng áp dụng đối với các trường hợp sau đây: a) Cơ sở kinh doanh và tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có thu nhập phát sinh tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ; b) Hoạt động mua bán vàng, bạc, đá quý.” Như vậy, Chi cục T áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng đối với loại hình kinh doanh của ông C là không phù hợp vì ông C có hộ khẩu thường trú tại 02E khu phố E, phường P, thành phố B.
Theo quy định pháp luật thì thuế giá trị gia tăng được thu trên hàng hóa. Theo hồ sơ thể hiện, ông C mua bán Bitcoin qua mạng Internet. Đến nay, chưa có cơ quan nào khẳng định Bicoin là tiền ảo, tiền điện tử hay là tiền kỹ thuật số. Như vậy muốn khẳng định Bitcoin là gì thì nhà nước phải công nhận, ở đây nhà nước chưa công nhận. Vì vậy, không cở sở để khẳng định Bitcoin là hàng hóa. Do đó, việc cơ quan thuế cho rằng Bitcoin là hàng hóa, việc mua bán Bitcoin là kinh doanh hàng hóa nên phải chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân là không có căn cứ. Người bị kiện cho rằng trong đơn kiện ông C có nêu “cơ quan thuế thu thuế quá cao” nghĩa là ông C chấp nhận việc đóng thuế nếu cơ quan thuế giảm tiền thuế, cách hiểu như vậy là không đúng vì đây là chỉ là một trong các căn cứ để ông C yêu cầu hủy quyết định hành chính.
Từ các phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 8, Điều 15 Hiến pháp 2013, Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính, điểm b khoản 1 Điều 21 Luật thuế thu nhập cá nhân, Điều 11 Luật Thuế giá trị gia tăng, điểm b khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng Hành chính, chấp nhận toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện, hủy Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T và Quyết định số 1002/QĐ-CT ngày 18/5/2017 của Cục trưởng Cục T.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện và người bị kiện trình bày:
Kinh doanh tiền ảo không chỉ xảy ra ở Bến Tre mà quy mô toàn quốc, tuy chưa có pháp luật điều chỉnh nhưng đây không phải là hành vi cấm. Phía ông C cũng thừa nhận nhà nước không ngăn cấm việc mua bán tiền ảo và tiền ảo được trị giá được bằng tiền Việt Nam. Thực tế, ông C thừa nhận tại 6 tài khoản của ông C mở tại tại ngân hàng có tiền Việt Nam từ việc mua bán tiền ảo. Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản” và Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Như vậy, tiền ảo là một quyền tài sản, tiền ảo trị giá được bằng tiền Việt Nam và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự nên được xem là hàng hóa. Vì ông C tiến hành mua bán tiền ảo, giao dịch này được xem là mua bán hàng hóa nên ông C phải chịu thuế theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 về việc phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử. Từ các cơ sở trên cho thấy Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T và Quyết định số 1002/QĐ-CT ngày 18/5/2017 của Cục trưởng Cục T được ban hành đúng quy định pháp luật. Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng Hành chính đề nghị Hội đồng xét xử bác toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện.
Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến: về tố tụng: trong quá trình thụ lý vụ án, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định pháp luật. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng tại phiên tòã cũng thực hiện đúng theo quy định pháp luật; Về nội dung: ông C có hành vi mua bán tiền kỹ thuật số, việc mua bán tiền kỹ thuật số là kinh doanh hàng hóa theo quy định của pháp luật nên Chi cục T ban hành quyết định truy thu thuế đối với ông C là có căn cứ. Tại phiên tòa, các chứng cứ ông C nêu ra là không có căn cứ. Do đó, căn cứ điểm a khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng Hành chính đề nghị Hội đồng xét xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông C.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được kiểm tra xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hành chính xét thấy:
[1] Về tố tụng:
Về đối tượng khởi kiện: Ngày 15/6/2017, ông C có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T và Quyết định số 1002/QĐ-CT ngày 18/5/2017 của Cục trưởng Cục T. Căn cứ khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng Hành chính, đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T và Quyết định số 1002/QĐ-CT ngày 18/5/2017 của Cục trưởng Cục T.
Về thời hiệu khởi kiện, thẩm quyền giải quyết: Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 116 Luật Tố tụng Hành chính quy định thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính là 1 năm kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định hành chính. Quyết định số 1002/QĐ-CT Cục trưởng Cục T được ban hành ngày 18/5/2017, đến ngày 15/6/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre nhận được đơn khởi kiện của ông C. Như vậy, thời hiệu khởi kiện của ông C đối với 2 quyết định hành chính nêu trên vẫn còn. Mặt khác, Quyết định số 1002/QĐ-CT ngày 18/5/2017 do Cục trưởng Cục T ban hành, căn cứ Điều 30 và khoản 3 Điều 32 Luật Tố tụng Hành chính, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre thụ lý giải quyết là đúng quy định pháp luật.
[2] Xét Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T và các quyết định giải quyết khiếu nại:
Về trình tự, thủ tục ban hành quyết định: ngày 12/10/2015, Cơ quan A ban hành Quyết định số 01 với nội dung: “Không khởi tố vụ án hình sự đối với tin báo có dấu hiệu của hành vi rửa tiền và kinh doanh trái phép thông qua việc mua bán tiền ảo trên mạng Internet của Nguyễn Việt C” (BL 242). Sau đó, Cơ quan A chuyển hồ sơ qua Cục T để xử lý hành chính và truy thu thuế đối với Nguyễn Việt C. Căn cứ Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính, Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 được ban hành đúng trình tự, thủ tục.
Về thẩm quyền ban hành quyết định: căn cứ điểm i khoản 1 Điều 28, điểm d khoản 3 Điều 44 Luật xử lý vi phạm hành chính, Chi cục trưởng Chi cục T có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi hành chính trái quy định pháp luật; ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 54 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định cấp trưởng có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, như vậy Chi cục trưởng Chi cục T ủy quyền cho Phó Chi cục T ban hành Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 là đúng thẩm quyền.
Về nội dung quyết định:
Xét thấy, căn cứ pháp lý để xác định ông C phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân khi mua bán tiền kỹ thuật số thì phải xem xét tiền kỹ thuật số có phải là đối tượng chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 như sau: “Đối tượng chịu thuế là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam …” cũng như theo quy định tại Điều 2 và Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 thì đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Như vậy, tiền kỹ thuật số (tiền ảo) có được pháp luật hiện hành coi là hàng hóa hay không để xác định ông C phải chịu thuế khi tham gia giao dịch mua bán trên mạng Internet. Cho đến thời điểm hiện nay, chưa có bất cứ một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định tiền kỹ thuật số (tiền ảo) là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam. Cụ thể: theo Điều 163 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá cá quyền tài sản” và theo Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 quy định:
“Hàng hóa bao gồm: tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; những vật gắn liền với đất đai”. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không chấp nhận tiền ảo là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp, đồng thời Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp như Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự.
Ngoài ra, theo Công văn số 881/TTra ngày 15/10/2013 của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông về việc cung cấp thông tin phục vụ công và Công văn số 125/BTR-TTRA.m ngày 09/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bến Tre (BL 227 và 230) đều xác định: pháp luật hiện hành không quy định ngành nghề kinh doanh nạp tiền ảo và cũng không có khái niệm tiền ảo, đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh về việc mua bán tiền ảo trên Internet. Công văn số 47/ĐKKD ngày 04/8/2017 của Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre từ chối việc xin đăng ký kinh doanh ngành nghề mua bán tiền điện tử của ông C, lý do: “Tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm và chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ”. Do pháp luật chưa có quy định về tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử, vì vậy ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý đề quản lý, xử lý đối với các loại tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo. Trong đó, tại khoản 4 mục II Điều 1 của Quyết định đã giao cho Bộ Tài chính xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thuế liên quan đến tiền ảo và tài sản ảo để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành. Vì vậy, Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T đã căn cứ vào Công văn số 4356/BTC-TCT ngày 01/4/2016 của Bộ Tài chính nêu: “... hoạt động mua bán tiền kỹ thuật số là hoạt động mua bán hàng hóa và được xếp vào loại hình hoạt động kinh doanh thương mại; tiền kỹ thuật số thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng và cá nhân kinh doanh tiền kỹ thuật số thuộc đối tương chịu thuế thu nhập cá nhân…” là vượt quá thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tức là Công văn số 4356/BTC- TCT ngày 01/4/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng pháp luật vượt quá các quy định của Bộ luật, Luật, Nghị định và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mặc nhiên công nhận tiền kỹ thuật số (tiền ảo) là hàng hóa nên được mua bán và xếp vào loại hình hoạt động kinh doanh thương mại và phải chịu thuế theo quy định là không đúng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông C, đồng thời ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện để chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán, tài trợ cho các giao dịch bất hợp pháp.
Bên cạnh đó tại Điều 1 của Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T có nêu lý do không xử phạt hành chính: “Hình thức kinh doanh mua bán tiền kỹ thuật số trên mạng Internet là một loại hình mới phát sinh, do các văn bản hướng dẫn áp dụng thu thuế loại hình còn chậm” cũng đã thừa nhận việc mua bán tiền kỹ thuật số chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành. Mặt khác, Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T đã căn cứ vào Công văn số 87/ANĐT ngày 19/10/2015 của Cơ quan A- Công an tỉnh Bến Tre để tính tổng doanh số mua bán tiền ảo không kê khai nộp thuế là 140.218.143.677 đồng để truy thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân là 2.649.377.069 đồng là không chính xác, bởi lẽ Công văn số 87/ANĐT ngày 19/10/2015 của Cơ quan A là văn bản chỉ mang tính chất tham khảo, là kết quả thu thập chứng cứ, tài liệu theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự nhằm xác định có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự hay không? Số tiền ông C tham gia mua bán tiền ảo nhằm để xác định định lượng số tiền phạm pháp hoặc thu lợi bất chính chứ không phải làm căn cứ để tính thuế giá trị gia tăng hay thuế thu nhập cá nhân theo quy định. Do đó, ông C khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T và các quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan là có cơ sở nên được chấp nhận.
[3] Ý kiến của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa cho rằng ông C có hành vi mua bán tiền kỹ thuật số, việc mua bán tiền kỹ thuật số là kinh doanh hàng hóa nên Chi cục trưởng Chi cục T ban hành Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 truy thu thuế đối với ông C là có căn cứ nên đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu khởi kiện của ông C. Như đã phân tích và chứng minh ở phần trên, khung pháp lý về tiền kỹ thuật số (tiền ảo) cũng như hành vi mua bán tiền ảo qua mạng Internet đang được hoàn thiện, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào xác định tiền kỹ thuật số, tiền ảo là hàng hóa và mua bán tiền kỹ thuật số (tiền ảo) là kinh doanh hàng hóa được pháp luật cho phép và phải chịu thuế. Vì vậy, ý kiến của Kiểm sát viên là không đúng quy định của pháp luật nên không được chấp nhận.
[4] Đối với Quyết định số 1205/QĐ-CT ngày 07/9/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T về việc giải quyết khiếu nại lần đầu của ông C, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử cũng như tại phiên tòa ông C khẳng định không yêu cầu Tòa án giải quyết đối với quyết định này vì nó chỉ nêu lại những nội dung của Công văn số 4356/BTC-TCT ngày 01/4/2016 của Bộ Tài chính nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[5] Do yêu cầu khởi kiện được chấp nhận nên ông C không phải chịu án phí hành chính sơ thẩm; Chi cục trưởng Chi cục T và Cục trưởng Cục T phải chịu án phí hành chính sơ thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 3, các điều 30, 32, 116, điểm khoản 2 Điều 193, Điều 348 Luật Tố tụng Hành chính; khoản 2 Điều 32 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Chấp yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Việt C, tuyên xử: hủy Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả và Quyết định số 1002/QĐ-CT ngày 18/5/2017 của Cục trưởng Cục T về việc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Việt C.
- Án phí hành chính sơ thẩm: Chi cục trưởng Chi cục T phải chịu số tiền 300.000 (ba trăm nghìn) đồng; Cục trưởng Cục T phải chịu số tiền 300.000 (ba trăm nghìn) đồng.
(Hoàn lại cho ông Nguyễn Việt C số tiền 300.000 (ba trăm nghìn) đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí số 0002657 ngày 22/6/2017 hiện Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bến Tre quản lý)
Người khởi kiện và người bị kiện được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Bản án về khiếu kiện quyết định truy thu thuế (tiền ảo không phải là đối tượng chịu thuế GTGT và thuế TNCN) số 22/2017/HC-ST
Số hiệu: | 22/2017/HC-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bến Tre |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 21/09/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về