Bản án về khiếu kiện hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai số 145/2022/HC-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 145/2022/HC-PT NGÀY 04/05/2022 VỀ KHIẾU KIỆN HÀNH VI HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

Ngày 04 tháng 5 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án dân sự thụ lý số 25/2022/TLPT-HC ngày 20 tháng 01 năm 2022 về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính”, do có kháng cáo của người khởi kiện đối với Bản án hành chính sơ thẩm số 13/2021/HC-ST ngày 12 tháng 10 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 3436/2022/QĐ-PT ngày 19 tháng 4 năm 2022 giữa các đương sự:

* Người khởi kiện: Ông Phạm Quốc Ch, sinh năm 1985; địa chỉ: Xóm T2 xã L, huyện T, tỉnh Hòa Bình (có mặt).

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Việt B, sinh năm 1973; địa chỉ: Khu phố N, thị trấn Tr, huyện T, tỉnh Hòa Bình (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện: Luật sư Phan Ngọc Q – Văn phòng luật sư X, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; địa chỉ: Số 65B phố Đ, quận Đ2, thành phố Hà Nội (có mặt).

* Người bị kiện:

- Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình: Ông Bùi Văn K (vắng mặt);

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Quách Tất L, Phó Chủ tịch (có đơn xin xét xử vắng mặt);

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Ông Nguyễn Văn S, Phó Giám đốc Sở tư pháp (có mặt); ông Nguyễn Phương Đ – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hòa Bình (có đơn xin xét xử vắng mặt).

- Chủ tịch UBND huyện T, tỉnh Hòa Bình: Ông Bùi Văn H (vắng mặt); Người đại diện theo ủy quyền: Ông Bùi Văn H2, Phó Chủ tịch (có mặt); Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Luật sư Trần Dũng T, Văn phòng Luật sư T, Đoàn Luật sư tỉnh Hòa Bình (có mặt).

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- UBND tỉnh Hòa Bình;

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Quách Tất L, Phó Chủ tịch (có đơn xin xét xử vắng mặt);

- UBND huyện T;

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Bùi Văn H2, Phó Chủ tịch (có mặt).

- Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư huyện T;

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Bùi Đình N, Phó Chủ tịch Hội đồng GPMB (có mặt);

- Công ty TNHH Z; địa chỉ: Thị trấn Tr, huyện T, tỉnh Hòa Bình;

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Mộng H, Giám đốc (có đơn xin xét xử vắng mặt).

- Bà Trần Thị H, sinh năm 1986; địa chỉ: Xóm T2 xã L, huyện T, tỉnh Hòa Bình (vắng mặt);

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Việt B, sinh năm 1973; địa chỉ: Khu phố N, thị trấn Tr, huyện T, tỉnh Hòa Bình (có mặt).

* Người kháng cáo: Ông Phạm Quốc Ch.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, nội dung bản tự khai và trình bày của người đại diện theo uỷ quyền của người khởi kiện thể hiện:

Ngày 23/12/2016, Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) huyện T đã ban hành Quyết định số 2731/QĐ-UBND về việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng dự án: Xây dựng Khu công nghiệp F và Quyết định số 2732/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với khu đất 77,4ha. Theo đó, hộ gia đình ông Phạm Quốc Ch được bồi thường và hỗ trợ tổng số tiền 1.633.664.205 đồng, bao gồm: bồi thường nhiều loại cây trồng trên đất (trong đó có cây na được bồi thường 5.000 đồng/1 cây), hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất là 10%, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm là 1 lần giá đất nông nghiệp.

Không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ của UBND huyện, ông Phạm Quốc Ch có đơn khiếu nại yêu cầu: Thứ nhất, đền bù thời gian còn lại về đất khi Nhà nước thu hồi đất khoán để sử dụng vào mục đích quốc phòng, dân sinh, xã hội, do Nông trường 2/9 vi phạm hợp đồng đã ký ngày 01/08/2008 gây thiệt hại; Thứ hai, áp giá bồi thường đối với cây na theo giá tại thời điểm năm 2014 là 43.000đ/cây; Thứ ba, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm với mức 2,5 lần giá đất nông nghiệp; Thứ tư, hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất bằng 100% giá đất cùng loại; Thứ năm, được bồi thường thiệt hại do việc ngừng sản xuất tại các lô đất từ năm 2011 vì bị Nhà nước thu hồi.

Ngày 01/10/2019, Chủ tịch UBND huyện T ban hành Quyết định số 1921/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Phạm Quốc Ch với nội dung không thừa nhận nội dung khiếu nại thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư và thừa nhận nội dung khiếu nại thứ 5. Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại này, ông Ch tiếp tục có đơn khiếu nại.

Ngày 31/3/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 677/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn khiếu nại lần 2 của ông Phạm Quốc Ch với nội dung không thừa nhận khiếu nại thứ hai, thứ ba, thứ tư, thừa nhận nội dung khiếu nại thứ 5, còn khiếu nại thứ nhất đề nghị ông Ch khởi kiện ra Tòa.

Ngày 02/10/2020, ông Phạm Quốc Ch có đơn khởi kiện yêu cầu hủy quyết định số 1921/QĐ-UBND ngày 01/10/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T và buộc UBND huyện T bồi thường đối với cây na là 43.000đ/1 cây; chi trả tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm là 2,5 lần giá đất nông nghiệp; chi trả tiền hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất bằng 100% giá đất nông nghiệp.

Ngày 04/5/2021 ông Phạm Quốc Ch có đơn bổ sung đơn khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 677/QĐ-UBND ngày 31/3/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình về việc giải quyết khiếu nại lần hai đối với ông Phạm Quốc Ch, Người bị kiện Chủ tịch UBND huyện T trình bày:

Ngày 01/10/2019, Chủ tịch UBND huyện T ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 1921/QĐ-UBND về việc giải quyết 05 nội dung khiếu nại như người khởi kiện đã nêu. Cụ thể:

Năm 2008, Nông trường Z nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Z (Công ty TNHH Z) ký Hợp đồng giao khoán sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp với các hộ dân là theo quy định tại Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ. Do đó, khi thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng dự án: Xây dựng Khu công nghiệp F (khu đất 77,4ha), UBND huyện T không phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do Công ty TNHH Z vi phạm hợp đồng do không có trong quy định về bồi thường, hỗ trợ về thời gian còn lại đối với đất khoán.

Việc tổ chức triển khai thực hiện Dự án Xây dựng Khu công nghiệp F (khu đất 77,4ha), UBND huyện T đã có thông báo thu hồi đất từ năm 2011; lập, thẩm định phương án bồi thường từ năm 2012, nhưng do nhà đầu tư không bố trí vốn, liên tục thay đổi nhân sự và không thường xuyên phối hợp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng nên việc lập, phê duyệt phương án bồi thường kéo dài đến năm 2016 mới được UBND tỉnh phê duyệt. Do đó, về cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là theo quy định của Chính phủ và của UBND tỉnh Hoà Bình tại thời điểm quý IV năm 2016.

Thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 64/BCĐ-GPMB ngày 06/9/2011 của Ban chỉ đạo công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án Khu công nghiệp F, huyện T; Công văn số 1088/SNN-BVTV ngày 15/9/2015 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và căn cứ biên bản kiểm kê diện tích đất và tài sản trên đất. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khu công nghiệp F đã lập phương án bồi thường theo đơn giá quy định tại Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 14/4/2016 của UBND tỉnh Hòa Bình, trong đó đối với cây na dai mới trồng dưới 1 năm tính theo đơn giá cây na dai trong vườn ươm là 5.000 đồng/cây. Do đó, không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu áp giá cây na là 43.000 đồng/cây.

Do một số nguyên nhân khách quan nên việc thực hiện kéo dài đến năm 2016. Trong đó, năm 2011 thực hiện theo Quyết định 19/QĐ-UBND của UBND tỉnh, đến năm 2014 thực hiện theo quyết định số 24 ngày 25/9/2014 của UBND tỉnh Hoà Bình, thì mức chi trả tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình bằng 2,5 lần giá đất nông nghiệp và mức chi trả tiền hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất bằng 100% giá đất nông nghiệp. Tuy nhiên, đến năm 2016 thực hiện Quyết định số 16, sửa đổi khoản 3 Điều 15, Khoản 1 Điều 16 Quyết định số 24 ngày 25/9/2014 của UBND tỉnh Hoà Bình ngày 12/5/2016 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (có hiệu lực thi hành ngày 22/5/2016) thì mức chi trả tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình bằng 1 lần giá đất nông nghiệp và mức chi trả tiền hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất bằng 10% giá đất nông nghiệp. Do đó, khi thực hiện đền bù, hỗ trợ tại thời điểm năm 2016 là không có căn cứ để chi trả tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bằng 2,5 lần giá đất nông nghiệp và hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất bằng 100% giá đất nông nghiệp như đã công bố năm 2014.

Người bị kiện Chủ tịch UBND tỉnh Hòa trình bày:

Sau khi nhận được đơn của ông Phạm Quốc Ch về việc khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch UBND huyện T. Ngày 13/11/2019, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2536/QĐ-UBND giao Sở Tài nguyên và Môi trường xác minh nội dung đơn khiếu nại của ông Ch. Ngày 22/11/2019, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 392/QĐ-STNMT về việc thẩm tra, xác minh nội dung khiếu nại và Quyết định số 73/QĐ-STNMT ngày 10/02/2020 về việc gia hạn thời hạn thẩm tra, xác minh nội dung khiếu nại. Sau khi tiến hành thẩm tra, xác minh nội dung đơn khiếu nại, Sở Tài nguyên và Môi trường có Báo cáo số 12/BC-STNMT ngày 16/01/2020 và Báo cáo số 33/BC-STNMT ngày 27/02/2020 về việc báo cáo kết quả giải quyết. Trên cơ sở báo cáo của sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 31/3/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 677/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn khiếu nại (lần 2) đối với ông Ch như sau:

- Đối với phần diện tích 77,40 ha đất đã được kiểm đếm năm 2011, nhưng chưa công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và chưa thực hiện phê duyệt phương án bồi thường. Nguyên nhân do Nhà đầu tư không bố trí kinh phí và liên tục thay đổi nhân sự, thậm chí còn có thông tin nhà đầu tư không tiếp tục thực hiện dự án do biến động của công ty mẹ ở nước ngoài. Căn cứ quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 34, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, UBND huyện T tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với diện tích 77,40 ha (lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng). Tuy nhiên, tại thời điểm năm 2016, hiện trạng mặt bằng khu đất của các hộ đã thay đổi không còn tài sản, cây cối hoa màu trên đất, nên về số liệu kiểm kê đất đai, tài sản trong phương án bồi thường giải phóng mặt bằng được thực hiện theo hồ sơ kiểm kê từ năm 2011 và chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng là theo quy định của Chính phủ và của UBND tỉnh tại thời điểm quý IV năm 2016.

- Việc áp đơn giá cây na khi phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khu đất 77,4 ha khác với khu đất 36,3 ha là do áp dụng theo pháp luật tại thời điểm. Cụ thể:

Đối với khu đất 36,30 ha: Thực hiện theo Luật Đất đai ngày 26/11/2003 và các Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình có Quyết định số 19/2011/QĐ-UBND ngày 19/9/2011 về việc ban hành “Bộ đơn giá bồi thường đối với tài sản khi Nhà nước thu hồi đất” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Năm 2012, khi phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khu đất 36,30ha, UBND tỉnh Hòa Bình căn cứ theo quy định tại Quyết định số 19/2011/QĐ-UBND ngày 19/9/2011, theo đó xác định đơn giá cây na mới trồng dưới 1 năm là 30.000 đồng/cây.

Đối với khu đất 77,4 ha: thực hiện bồi thường theo Luật Đất đai ngày 29/11/2013 và Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Quyết định số 25/2014/QĐ-UBND ngày 25/9/2014 về việc ban hành “Bộ đơn giá bồi thường đối với tài sản khi Nhà nước thu hồi đất” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 14/6/2016 về việc bổ sung vào mục IV nhóm cây ăn quả tại Phụ lục IV đơn giá bồi thường cây trồng, vật nuôi ban hành kèm theo Quyết định số 25/2014/QĐ-UBND ngày 25/9/2014. Theo đó, đơn giá bồi thường đối với tài sản là “Cây na mới trồng dưới 1 năm” được xác định là cây giống trong vườn ươm (5.000 đồng/cây).

- Đối với nội dung mức chi trả hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp từ 2,5 lần giá đất nông nghiệp giảm xuống còn 1 lần; Mức chi trả tiền hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất từ 100% giá đất nông nghiệp xuống còn 10% đều căn cứ Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Quyết định số 24/QĐ-UBND ngày 25/9/2014 của UBND tỉnh Hoà Bình ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hoà Bình; Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND ngày 11/5/2016, của UBND tỉnh Hoà Bình ban hành về việc sửa đổi Khoản 3 Điều 15 là những văn bản còn hiệu lực tại thời điểm áp dụng phù hợp với Luật đất đai 2013.

- Đối với nội dung yêu cầu bồi thường thiệt hại do Công ty TNHH MTV Nông trường Z vi phạm hợp đồng thì đề nghị ông Ch khởi kiện ra Tòa án.

Như vậy, Quyết định số 677 QĐ-UBND ngày 31/3/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình về việc giải quyết khiếu nại lần 2 của ông Phạm Quốc Ch là đúng trình tự, thủ tục, nội dung theo quy định pháp luật. Đề nghị Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Quốc Ch.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm UBND tỉnh Hòa Bình; UBND huyện Yên Thuỷ; Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện T trình bày: Nhất trí với ý kiến trình bày của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình và Chủ tịch UBND huyện T.

Công ty TNHH Z có ý kiến tại Công văn số 89/CV-Cty ngày 24/8/2021: Khu công nghiệp F tại huyện T được triển khai từ tháng 6/2011 trên diện tích đất do công ty quản lý, quá trình thực hiện việc thu hồi đất Công ty đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Công ty đã thực hiện bàn giao toàn bộ diện tích đất nằm trong dự án Khu công nghiệp F theo đúng tiến độ, đúng quy định.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị H đã uỷ quyền cho anh Nguyễn Việt B có ý kiến: Đồng ý với ý kiến của ông Phạm Quốc Ch.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 13/2021/HC-ST ngày 12 tháng 10 năm 2021, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đã quyết định:

Căn cứ Điều 30; Điều 32; khoản 3 Điều 116; khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 193; Điều 206 và Điều 348 Luật Tố tụng hành chính; khoản 3 Điều 66, Điều 83 Luật đất đai năm 2013; Điều 18, khoản 2 Điều 21, Điều 29, 30, 31, 38, 40 Luật khiếu nại năm 2011; điểm b khoản 1 điều 20 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của chính phủ ngày 15/5/2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội về án phí, lệ phí tòa án.

Tuyên xử: Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Quốc Ch về việc yêu cầu huỷ Quyết định giải quyết khiếu nại số 1921/QĐ-UBND ngày 01/10/2019 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện T và hủy Quyết định giải quyết khiếu nại số 677/QĐ-UBND ngày 31/3/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hoà Bình đối với nội dung: “Yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện áp giá cây na đã kiểm đếm năm 2011 là 43.000 đồng/cây, mức chi trả tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng 2,5 lần giá đất nông nghiệp, mức hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất bằng 100% giá đất nông nghiệp”.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 12/10/2021, người khởi kiện là ông Phạm Quốc Ch có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Phạm Quốc Ch không cung cấp thêm được các chứng cứ mới nhưng vẫn giữ nguyên nội dung khởi kiện, nội dung kháng cáo và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông gồm đề nghị áp giá cây na đã kiểm đếm năm 2011 là 43.000 đồng/cây, mức chi trả tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng 2,5 lần giá đất nông nghiệp, mức hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất bằng 100% giá đất nông nghiệp.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ kháng cáo của ông Phạm Quốc Ch.

Người bị kiện và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện giữ nguyên quan điểm như đã trình bày tại cấp sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm bác kháng cáo của người khởi kiện, giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa; trên cơ sở ý kiến trình bày của các bên đương sự; ý kiến của đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Ngày 12/10/2021, người khởi kiện là ông Phạm Quốc Ch có đơn kháng cáo Bản án hành chính sơ thẩm số 13/2021/HC-ST ngày 12 tháng 10 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình là trong thời hạn nên được xem xét theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người bị kiện, người đại diện cho người bị kiện và một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt nhưng đã có đơn xin xét xử vắng mặt nên áp dụng quy định tại Điều 225 Luật tố tụng hành chính để xét xử vụ án.

[2] Về đối tượng và thời hiệu khởi kiện: Ngày 01/10/2019, Chủ tịch UBND huyện T, tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 1921/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại (lần đầu); Ngày 31/3/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 677/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại (lần hai) là các quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai thuộc đối tượng khởi kiện theo quy định theo quy định tại khoản 1,2 Điều 3 Luật tố tụng hành chính. Ngày 02/10/2020, ông Phạm Quốc Ch có đơn khởi kiện là trong thời hiệu theo quy định tại khoản 3 Điều 116 Luật tố tụng hành chính.

Các Quyết định số 2731/QĐ-UBND về việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội và Quyết định số 2732/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, cùng ngày 23/12/2016 của UBND huyện T là các quyết định hành chính liên quan cần được xem xét theo quy định tại Điều 193 Luật tố tụng hành chính.

[3] Xét kháng cáo của ông Phạm Quốc Ch:

[3.1] Về thẩm quyền và trình tự thủ tục ban hành các quyết định hành chính:

[3.1.1] Đối với Quyết định giải quyết khiếu nại số 1921/QĐ-UBND ngày 01/10/2019 của Chủ tịch UBND huyện T, tỉnh Hoà Bình và Quyết định giải quyết khiếu nại số 677/QĐ-UBND ngày 31/3/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đối với ông Phạm Quốc Ch:

Sau khi nhận được đơn khiếu nại của ông Phạm Quốc Ch về việc không đồng ý với Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 23/12/2016 của UBND huyện T về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND huyện T, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã có quyết định giao cơ quan chuyên môn có nhiệm vụ, quyền hạn tiến hành xác minh, báo cáo kết quả; tổ chức đối thoại... theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành đầy đủ các thủ tục, Chủ tịch UBND huyện T đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 1921/QĐ-UBND ngày 01/10/2019 và Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai số 677/QĐ-UBND ngày 31/3/2020 là đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại theo Mục 2, 3 Luật Khiếu nại và các quy định có liên quan.

[3.1.2] Đối với Quyết định số 2731/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và Quyết định số 2732/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, cùng ngày 23/12/2016 của UBND huyện T:

Ngày 22/7/2011, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 1271/QĐ-UBND về việc quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu công nghiệp F, huyện T. Trên cơ sở đó, UBND huyện T đã có thông báo thu hồi đất và thành lập tổ công tác để kiểm kê diện tích đất và tài sản trên đất.

Ngày 13/9/2011, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện T đã tiến hành kiểm kê diện tích đất và tài sản trên đất do Nhà nước thu hồi để thực hiện dự án Khu Công nghiệp F đối với hộ ông Phạm Quốc Ch. Đồng thời lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để trình UBND tỉnh.

Ngày 07/8/2012, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định 1062/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và cho Công ty TNHH Khu công nghiệp F thuê đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp F.

Ngày 23/12/2016, UBND huyện T ban hành Quyết định số 2731/QĐ-UBND về việc thu hồi đất đề phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng: Dự án Xây dựng Khu công nghiệp F (khu đất 77,4ha) và Quyết định số 2732/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (đợt 4) Dự án Xây dựng Khu công nghiệp F (khu đất 77,4ha).

Ngày 10/02/2018, ông Ch đã nhận số tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB là 1.454.000.000 đồng (một tỷ bốn trăm năm mươi tư triệu đồng).

Như vậy, việc UBND huyện T căn cứ Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND ngày 12/5/2016 của UBND tỉnh Hòa Bình sửa đổi khoản 3 Điều 15, khoản 1 Điều 16 của Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND ngày 25/9/2014 và Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 14/4/2016 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc bổ sung vào mục IV nhóm cây ăn quả tại phục lục IV đơn giá bồi thường cây trồng, vật nuôi ban hành kèm theo Quyết định số 25/2014/QĐ-UBND ngày 25/9/2014 và các quyết định có liên quan để ban hành Quyết định số 2731/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và Quyết định số 2732/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, cùng ngày 23/12/2016 là đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

[3.2] Về nội dung:

[3.2.1] Đối với yêu cầu về giá bồi thường cây na: Theo hồ sơ nhận khoán số 106/NT ký ngày 01/8/2008 với Nông trường Z thì diện đất mà hộ ông Phạm Quốc Ch nhận khoán là để trồng cây chè, nhưng tại biên bản kiểm kê diện tích đất và tài sản trên đất do nhà nước thu hồi đất để thực hiện xây dựng khu Công nghiệp F huyện T ngày 13/9/2011 đối với hộ ông Ch thì trong tổng diện tích đất bị thu hồi 8.209,3m2, có 6.000m2 trồng chè cao sản; các loại cây khác như: nhãn, hồng xiêm, xoài, xoan, cây bóng mát, cây xanh các loại..., trong đó cây na dai mới trồng dưới 01 năm là 1446 cây + 2790 cây. Như vậy, việc trồng các loại cây khác ngoài cây chè trên đất nhận khoán của Nông trường Z là không đúng với thỏa thuận đã được ghi trong hợp đồng nhận khoán nêu trên.

Tuy nhiên, thực tế tài sản trên đất đã được Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện T kiểm kê ghi nhận tại biên bản ngày 13/9/2011. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định: Căn cứ công văn số 64/BCĐ – GPMB ngày 06/9/2011, mục 3 công văn số 02/HĐGPMBKCNLT – CK ngày 14/10/2011 của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư xây dựng khu công nghiệp F, công văn số 1088/SNN-BVTV ngày 15/9/2015 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình và công văn số 51/VRQ – CAQ ngày 22/6/2021 của Viện nghiên cứu rau quả và biên bản kiểm đếm ngày 13/9/2011 thì trường hợp cây na dai mới trồng được xác định là cây trong vườn ươm là có căn cứ.

Tại thời điểm ban hành các quyết định thu hồi đất và bồi thường hỗ trợ tái định cư năm 2016 thì số tài sản trên đất đã được kiểm kê từ năm 2011, trong đó cây na đã không còn trên thực địa và việc quy định về giá đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng đã có thay đổi, nên UBND huyện T căn cứ vào Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 14/4/2016 của UBND tỉnh Hòa Bình là văn bản có hiệu lực tại thời điểm thu hồi đất để hỗ trợ bồi thường 5000 đồng/ 01 cây na là có cơ sở. Chủ tịch UBND huyện T và Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình không chấp nhận nội dung khiếu nại của ông Ch là có căn cứ.

[3.2.2] Đối với yêu cầu về hỗ trợ ổn định đời sống và hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm:

Tại Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND ngày 12/5/2016 của UBND tỉnh Hòa Bình sửa đổi khoản 3 Điều 15, khoản 1 Điều 16 Quyết định số 24 ngày 25/9/2014 của UBND tỉnh Hoà Bình ngày 12/5/2016 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (có hiệu lực thi hành ngày 22/5/2016) thì mức chi trả tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình bằng 1 lần giá đất nông nghiệp và mức chi trả tiền hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất bằng 10% giá đất nông nghiệp. Do đó, tại thời điểm năm 2016, UBND huyện T không chấp nhận hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bằng 2,5 lần giá đất nông nghiệp và hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất bằng 100% giá đất nông nghiệp như đã công bố năm 2014 là có căn cứ, đúng quy định tại Điều 83 của Luật đất đai 2013, điểm b khoản 1 điều 20 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/5/2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

[3.3] Từ những nhận định trên, không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Quốc Ch như quan điểm của đại diện Viện kiểm sát đã nêu tại phiên tòa là phù hợp.

[4] Về án phí: Ông Phạm Quốc Ch phải chịu án phí hành chính phúc thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

[1] Không chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Quốc Ch, giữ nguyên quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm số 13/2021/HC-ST ngày 12 tháng 10 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Căn cứ Điều 30; khoản 3 Điều 116; khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính; Điều 62, 66, 74, 83 Luật đất đai năm 2013; Điều 18, 21, 29, 30, 31, 38, 40 Luật khiếu nại năm 2011; Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của chính phủ ngày 15/5/2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Quốc Ch về việc yêu cầu huỷ Quyết định giải quyết khiếu nại số 1921/QĐ-UBND ngày 01/10/2019 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện T; Quyết định giải quyết khiếu nại số 677/QĐ-UBND ngày 31/3/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hoà Bình và nội dung “Yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện áp giá cây na đã kiểm đếm năm 2011 là 43.000đ/cây, mức chi trả tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng 2,5 lần giá đất nông nghiệp, mức hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất bằng 100% giá đất nông nghiệp”.

[2] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[3] Về án phí: Ông Phạm Quốc Ch phải nộp 300.000 đồng án phí hành chính phúc thẩm, được đối trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Biên lai số 0000975 ngày 26/10/2021 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hòa Bình.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

260
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khiếu kiện hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai số 145/2022/HC-PT

Số hiệu:145/2022/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành:04/05/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về