Bản án 34/2019/DS-ST ngày 19/06/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 34/2019/DS-ST NGÀY 19/06/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 19 tháng 6 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 73/2018/TLST-DS ngày 24 tháng 5 năm 2018 về việc: “Tranh chấp thừa kế tài sản”.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số 32/2019/QĐXX-ST ngày 13 tháng 5 năm 2019; của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông N.N.P, sinh năm 1953 HKTT: Khối 12 thôn phố C, xã P.L, huyện S.S, TP Hà Nội. Có mặt.

- Bị đơn: Ông N.H.L, sinh năm 1947; trú tại: Thôn T, xã Đ.H, huyện S.S, TP Hà Nội. Có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. UBND huyện S.S, TP Hà Nội do bà N.L.A, chuyên viên phòng Tài nguyên & Môi trường huyện S.S nhận ủy quyền. Bà L.A có đơn xin xử vắng mặt.

2. Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội; do ông N.C.N, Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội Chi nhánh huyện S.S đại diện theo ủy quyền. Ông N có đơn xin xử vắng mặt.

3. Ông N.H.T, sinh năm 1930; trú tại: Thôn T, xã Đ.H, huyện S.S, TP Hà Nội. Ông T ủy quyền cho anh N.X.C, sinh năm 1961 (con trai ông T). Trú tại: tổ 22, cụm 5, H.Đ, quận T.X, Hà Nội. Có mặt anh C.

4. Bà N.T.L, sinh năm 1945, trú tại: tổ 3 phường T.N, thành phố P.Y, tỉnh V.P. Có mặt.

5. Bà N.T.M, sinh năm 1950 (vợ ông L), cùng địa chỉ với ông L. Có mặt.

6. Anh N.H.C, sinh năm 1986 ( con ông L) và vợ là chị N.T.H, sinh năm 1991; con là cháu N.G.H, sinh năm 2007. Chị H ủy quyền cho anh C; Người giám hộ cho cháu H theo quy định pháp luật là anh C và chị H. Cùng địa chỉ:Thôn T, xã Đ.H, huyện S.S, TP. Hà Nội Có mặt anh C.

7. Anh N.M.T, sinh năm 1982 ( con ông L) và vợ là chị N.T.M, sinh năm 1984 và các con là cháu N.T.M H, sinh năm 2009; N.H.K.N, sinh năm 2012. Chị M ủy quyền cho anh T. Người giám hộ cho cháu H và cháu N theo quy định pháp luật là anh T và chị N. Cùng địa chỉ: Thôn T, xã Đ.H, huyện S.S, TP Hà Nội. Có mặt anh T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn ông N.N.P trình bày:

Bố mẹ ông là cụ N.H.T(chết năm 1954) cụ N.T.B (chết 1996). Bố mẹ sinh được 3 người con: bà N.T.L, ông N.H.L và ông N.N.P. Ngoài ra các cụ có 1 con nuôi là ông Nguyễn Hữu T. Bố mẹ chết không để lại di chúc.

Tài sản của bố mẹ ông để lại và chưa chia thừa kế lần nào: hiện nay gia đình ông L đang quản lý sử dụng 1 nhà ngói cấp 4(5 gian) trên diện tích đất 747m2 ở Thon T xã Đ.H, huyện S.S, Hà Nội. Đất đã được UBND huyện S.S cấp GCNQSD đất mang tên hộ gia đình ông N.H.L.

Ngoài ra còn có 03 cái ao mà hiện nay ông T đang quản lý sử dụng không rõ đã được cấp GCNQSD đất chưa, 01 ao Hợp tác xã Thôn T quản lý và 01 ao nữa không rõ ai quản lý.

Nay ông yêu cầu chia thừa kế di sản là quyền sử dụng đất thổ cư và đất vườn là 747m2 + 01 nhà cấp 4 trên đất theo quy định pháp luật. Ông yêu cầu hủy các GCNQSD đất L quan đến thửa đất có tranh chấp. Kỷ phần thừa kế ông xin hưởng bằng hiện vật là đất để ông về quê ở lúc tuổi già.

Bị đơn ông N.H.L trình bày: Ông thống nhất với lời khai của ông P về quan hệ huyết thống và thời gian bố mẹ các ông chết. Các cụ chết không để lại di chúc bằng văn bản.

Ông công nhận bố mẹ có để lại tài sản là quyền sử dụng 702m2 đất thổ cư và 45m2 đất vườn tại Thôn T xã Đ.H, huyện S.S; trên đất thổ cư có ngôi nhà ngói 5 gian xây khoảng 200 năm nay. Khi cụ B còn sống đã cho ông nhà đất này rồi. Vì vậy, nhà đất đã được UBND huyện S.S cấp GCNQSD đất mang tên ông N.H.L- Chủ hộ. Hiện tại trên đất có vợ chồng ông cùng vợ chồng của 2 con trai ông ở. Ông cũng đã chia cho 02 con trai và tách GCNQSD đất rồi.

Ngoài ra các cụ còn có 03 ao: 01 ao cho ông P sử dụng, 1 ao ông L sử dụng + 1 ao ông T sử dụng và đều chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 1982, cụ B được Nhà nước cấp đất dãn dân ( khoảng 1 sào 5) ông P quản lý và đã bán cho ai ông không rõ.

Nay ông P yêu cầu chia thừa kế nhà cấp 4 và đất khoảng 700m2, ông không nhất trí vì khi cụ B còn sống đã giao cho ông sở hữu tài sản này làm nơi thờ cúng; và ông P cũng đã được chia rồi.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1/ Bà N.T.M và các con của ông L, bà M đều nhất trí như lời khai của ông L. Bà và các con bà đề nghị được thanh toán công sức chăm sóc các cụ khi già yếu và lo ma cho các cụ, công quản lý duy trì và tôn tạo di sản.

2/ Bà N.T.L có lời khai: bà nhất trí với lời khai của ông P và ông L về quan hệ huyết thống gia đình. Còn về di sản các cụ để lại, bà chỉ nhớ có đất thổ cư trên đó có nhà 5 gian và đất vườn mà hiện nay gia đình ông L đang quản lý sử dụng. Ngoài ra các cụ còn có mấy cái ao nhưng bà cũng không rõ. Nay ông P kiện chia thừa kế di sản của bố mẹ để lại mà gia đình ông L đang quản lý thì bà nhất trí và xin được hưởng kỷ phần thừa kế. Trước đo bà có đơn tự nguyện để kỷ phần thừa kế cho ông L hưởng để làm nơi thờ cúng tổ tiên và bố mẹ, nhưng nay bà thay đổi và không cho nữa. Bà xin hưởng bằng hiện vật là đất ở để sau này bà chết đi sẽ cho cháu bà.

3/ Ông N.H.T: có nguyện vọng bằng văn bản nhường kỷ phần thừa kế cho ông L.

4/ UBND huyện S.S do người nhận ủy quyền trình bày: Về thủ tục cấp GCNQSD đất cho ông N.H.L, trên cơ sở đơn đề nghị cấp GCNQSD đất của ông L, UBND xã Đ.H có tờ trình v/v đề nghị UBND huyện xét cấp GCNQSD đất cho các hộ gia đình. Phòng TN&MT huyện đã kiểm tra về thủ tục và các điều kiện cấp GCNQSD đất. UBND huyện xác định thủ tục cấp GCNQSD đất cho ông L là đúng.

5/ STN&MT Thành phố Hà Nội do người nhận ủy quyền là phó GĐ VP đăng ký đất đai chi nhánh S.S cho biết ý kiến: Các GCNQSD đất đã cấp liên quan đến thửa đất có tranh chấp đã được làm đúng thủ tục pháp luật. Vì vậy không có căn cứ để hủy các GCNQSD đất này.

Tại phiên tòa:

- Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện chỉ yêu cầu chia thừa kế 702m2 đất thổ cư + 45m2 đất vườn + nhà ngói 5 gian.

- Bị đơn giữ nguyên quan điểm đo là nhà đất của các cụ để lại không chia mà làm nơi thờ cúng tổ tiên. Trường hợp phải chia thừa kế bằng nhà đất thì ông đề nghị không ai được bán cho người khác.

- Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: anh T có ý kiến trong trường hợp phải chia thừa kế di sản của ông bà nội anh để lại, anh xin đứng ra thanh toán bằng tiền cho ông P và bà L để giữ lại toàn bộ di sản của ông bà làm nơi thờ cúng tổ tiên và các đời sau.

Các bên đương sự không thỏa thuận được về giải quyết vụ án.

- Đại diện VKS nhân dân TP Hà Nội phát biểu quan điểm:

+ Về thủ tục tố tụng: Các đương sự đã được thực hiện đúng và đủ về quyền và nghĩa vụ tố tụng.

Thẩm phán và HĐXX sơ thẩm đã thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

+ Về nội dung vụ án: Phân tích nội dung vụ án và đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, xác định nhà cũ, sân gạch, bể trên thửa đất số 124+160 tờ bản đồ số 9 diện tích 747m2 tại Thôn T, Đ.H, S.S, Hà Nội là di sản thừa kế của cụ N.H.T và cụ N.T.L. Hủy GCNQSDĐ số AC636305 ngày 8.2.2006 của UBND huyện S.S cho ông L, hủy GCNQSDĐ ngày 04/05/2017 của Sở TNMT thành phố Hà Nội cấp cho anh C và anh T trên cơ sở hợp đồng tặng cho của vợ chồng ông L.

Thời điểm mở thừa kế của cụ N.H.T là ngày 09/05/1995. Thời điểm mở thừa kế của cụ N.T.B là ngày 29/03/1996. Thời điểm khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của hai cụ vẫn còn.

Hai cụ chết không để lại di chúc. Di sản của hai cụ được chia thừa kế theo pháp luật.

Những người thừa kế theo pháp luật của cụ T và cụ B là ông N.H.T, bà N.T.L, ông N.H.L và ông Nguyễn Hữu P.

Do gia đình ông N.H.L có công quản lý, tôn tạo, duy trì khối tài sản của cụ T và cụ B, nên cần trích cho gia đình ông L một phần công sức trong khối di sản chung của hai cụ. Phần còn lại xác định là di sản của T và cụ B, chia đều cho 4 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, mỗi người được hưởng ¼.

Ghi nhận sự tự nguyện của ông T nhường phần di sản được hưởng thừa kế cho ông L. Ông L được hưởng 2/4 di sản thừa kế (bao gồm phần của ông được hưởng, phần của ông T tặng cho) và phần công sức quản lý khối di sản. Ông P, bà L mỗi người được hưởng ¼ di sản thừa kế của cụ T, cụ B.

+ Do diện tích đất đang tranh chấp lớn, ông P có yêu cầu chia di sản thừa kế bằng hiện vật để ông thờ cúng tổ tiên và ông L cũng chấp nhận, nên đề nghị chia thừa kế cho ông P bằng hiện vật, ông P được chia một phần nhà, đất của cụ T, cụ B để lại. Phần của bà L có yêu cầu nhận bằng hiện vật để cho cháu ngoại, đề nghị giải quyết cho phù hợp.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả hanh luận tại phiên tòa, yêu cầu của các bên đương sự, luận cứ của các luật sư; quan điểm giải quyết vụ án của đại diện VKSNDTPHN.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

I/ về thủ tục tố tụng: N.N.P có đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế và yêu cầu hủy GCNQSD đất do UBND huyện S.S cấp.

Theo khoản 5 Điều 26 BLTTDS xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp về thừa kế tài sản” thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân. Theo khoản 1 điều 34 BLTTDS xác định thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức; và theo khoản 4 Điều 34; Điểm a, khoản 1 Điều 37 BLTTDS thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

II/ Về nội dung vụ án:

[1]. Xác định quan hệ huyết thống: Ông P và ông L, bà L, ông T đều thống nhất: cụ N.H.T( chết năm 1954) cụ N.T.B( chết 1996). Bố mẹ sinh được 3 người con: bà N.T.L, ông N.H.L và ông N.N.P. Ngoài ra các cụ có 1 con nuôi là ông N.H.T. Các cụ chết không để lại di chúc bằng văn bản.

[2]. Xác định di sản thừa kế:

Ông P, ông L, bà L, ông T đều công nhận: Thửa đất số (124+ 160), tờ bản đồ số 09, diện tích ( 702m2 + 45m2= 747m2 đất) đã được cấp GCNQSD đất số AC 636305 ngày 8/2/2006 UBND huyện S.S ký cấp cho ông N.H.L và ngôi nhà 5 gian xây gạch trên đất ( 702m2) có nguồn gốc của cụ T và cụ B để lại.

Theo đơn xin cấp GCNQSD đất do ông N.H.L làm ngày 25/10/2005 gửi UBND huyện S.S cũng có khai nguồn gốc đất “Thừa kế”. Tuy nhiên, trong bộ thủ tục cấp GCNQSD đất không lưu giữ tài liệu thể hiện ý nguyện của cụ T và cụ B cho ông L thừa kế toàn bộ 02 thửa đất, cũng không có tài liệu thể hiện ý chí thống nhất của các đồng thừa kế ở hàng thừa kế thứ I của hai cụ để ông L được toàn quyền sử dụng 02 thửa đất.

Vì vậy, xác định ngôi nhà 5 gian và 02 thửa đất có tổng diện tích 747m2 đất là di sản thừa kế chưa chia của cụ T và cụ B.

Ông P (nguyên đơn) có khai 02 cụ còn để lại 03 cái ao, nhưng ông không cung cấp tài liệu chứng minh. Ông L cũng công nhận có 03 ao nhưng ông L không có yêu cầu gì; bà L và ông T cũng không có yêu cầu gì về 3 ao này và cũng không cung cấp tài liệu chứng minh; ngoài ra ông L còn khai các cụ có cho ông P 01 thửa đất nhưng ông P đã bán đi và ông L cũng không cung cấp tài liệu, không yêu cầu tòa án xem xét. Vì vậy, Tòa án ghi nhận sự tự nguyện của các đương sự không xem xét 03 ao và 1 thửa đất cho rằng ông P đã bán cho người khác.

[3]. Về thời hiệu mở thừa kế: Cụ N.H.T( chết năm 1954) cụ N.T.B( chết 1996). Theo Điều 623 BLDS năm 2015; Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/1/2018 của Tòa án nhân dân Tối Cao v/v Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ. Thì thời hiệu khởi kiện thừa kế của 02 cụ được T từ 10/9/1990, T đến ngày nguyên đơn khởi kiện vẫn còn trong thời hạn khởi kiện thừa kế 30 năm theo quy định pháp luật.

[4]. Xác định hàng thừa kế: Hàng thừa kế thứ nhất của cụ T và cụ B là con của 2 cụ: ông L, bà L và ông P, ngoài ra còn ông T là con nuôi đều thuộc hàng thừa kế thứ I.

[5]. Kết quả xem xét thẩm định tại chỗ và định giá thì diện tích đất hiện gia đình ông L đang quản lý gồm có:

Về đất ở: có diện tích thực đo là 793,3m2 đất thổ cư và đất vườn ( cả 02 thửa). Trong đó: Giá trị quyền sử dụng đất ở 702m2 x 915.000đ/m2 = 642.330.000đ. Giá trị quyền sử dụng đất vườn 45m2 x 630.000đ/m2 = 28.350.000đ.

Nhà ngói 5 gian ( xây dựng khoảng 130 năm) có diện tích 100m2 có giá trị là: 100m2 x 2.509.000d/m2 x 35% = 87.815.000đ.

Ngoài ra trên đất còn có các công trình khác do các con ông L xây dựng và trồng một số cây cối:

Nhà 1 tầng ( đang xây dở) có diện tích 100.2m2 có giá trị là: 100.2m2 x 4.397.000đ/m2 x 65% = 286.376.610đ

Nhà 1 tầng ( xây dựng năm 1969) có diện tích 47.2m2 có giá trị là: 47.2m2 x 1.405.709đ/m2 x 30% = 19.904.839đ.

Nhà 5 gian ( khu chăn nuôi) có diện tích 25.7m2 có giá trị là: 25.7m2 x 1.365.203đ/m2 x 32%= 11.227.429đ.

Sân gạch đỏ có diện tích 117.3m2 có giá trị là: 117.3m2 x 279.000đ/m2 x 25%= 8.181.675đ.

Nhà tắm có diện tích 4.4m2 có giá trị: 4.4m2 x 276.267đ/m2 x 32%= 388.983đ.

Bể nước diện tích 2.4m3 có giá trị: 2.4m3 x 2.921.807đ/m2 x 30%= 2.103.701đ.

Lò bóc nhựa diện tích 1.6m2 có giá trị: 1.6m2 x 276.267đ/m2 x 25%= 110.506đ.

Sân láng xi măng diện tích 38.8m2 có giá trị: 38.8m2 x 139.000đ/m2 x 45% = 2.426.940đ.

Mái vẩy và mái cổng diện tích (34.8 + 7.3) có giá trị: 42.1 m2 x 440.569đ/m2 x 65%= 12.056.170đ.

Tường rào có diện tích [(5.16 x 0.93 + 10.24 x 1.72 + 17.40 x 1.72)] có giá trị là: 52.3396m2 x 671.733đ/m2 x 32%= 11.250.635đ.

Cửa hoa sắt có diện tích 0.58 x 0.61 x 2.40 x 6.2 giá trị là: 5.264m2 x 521.000đ/m2 x 60%= 1.645.526đ.

Và các cây cối lâm lộc trên đất có giá trị: 6.560.000đ.

Tổng= 1.120.728.014đ

Tại phiên tòa, ông P yêu cầu chia thừa kế đất thổ cư 702m2 + 45m2 đất vườn = 747m2 đất và nhà 5 gian. So sánh với diện tích đất thực đo còn thừa 46,3m2; ông P công nhận do thửa đất có các cạnh giáp với đường ( gồm cạnh Bắc, cạnh Đông và cạnh Nam) nên diện tích đất thừa ông không có tài liệu nào để chứng minh và ông cũng không yêu cầu chia thừa kế diện tích đất thừa này.

[6]. Xác định giá trị di sản: Trên cơ sở các tài liệu chứng minh:

Đất ở 702m2 (theo GCNQSD đất) trị giá: 702m2: 702m2 X 915.000đ/m2 = 642.330.000d.

Đất vườn 45m2 ( theo GCNQSD đất) trị giá 45m2 X 630.000đ/m2 = 28.350.000đ.

Nhà 5 gian (130 năm) trị giá : 100m2 x 2.509.000đ/m2 x 35%= 87.815.000đ.

Cộng = 758.495.000đ.

[7]. Cụ T và cụ B chết không để lại di chúc, nên di sản thừa kế được chia theo pháp luật; Xét hàng thừa kế thứ I đều là con của 2 cụ nên mở thừa kế của 2 cụ một lần như sau:

Gia đình ông L có công chăm sóc các cụ; lo ma cùng các đồng thừa kế khác; Công quản lý duy trì di sản nên được thanh toán tương đương với 2 kỷ phần thừa kế.

Như vậy di sản thừa kế của 2 cụ để lại trị giá 758.495.000đ được chia 6 phần; trong đó 2/6 kỷ phần di sản để thanh toán công sức là 252.831.000đ. Mỗi kỷ phần thừa kế là 1/6= 126.416.000đ.

Sau khi mở thừa kế chia theo pháp luật: ông P, ông L, bà L và ông T mỗi ông được chia kỷ phần là 126.416.000đ.

Gia đình ông L được thanh toán công sức là 252.831.000đ.

Ghi nhận sự tự nguyện của ông T để lại kỷ phần thừa kế cho ông L.

Trên cơ sở thực trạng thửa đất và các công trình đã bố trí trên đất, cần giữ T ổn định của các công trình tránh phá dỡ gây thiệt hại về kinh tế, nên hướng chia bằng hiện vật cho ông P vào phần đất nơi có nhà 01 tầng xây năm 1969 và mở lối đi về phía Bắc thửa đất, phần nhà đất còn lại giao cho ông L tiếp tục sử dụng, có chênh lệch thì thanh toán bằng tiền; chia kỷ phần thừa kế cho bà L bằng giá trị.

[8]. Xét yêu cầu của ông P về việc hủy các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến diện tích đất 747m2 thì thấy: như hướng phân tích trên về việc giao kỷ phần thừa kế cho ông P bằng hiện vật và phần giao nhà đất này chỉ chiếm 1/6 di sản. Nên không cần thiết phải hủy các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có liên quan trên toàn bộ tổng diện tích đất 747m2 mà gia đình ông L đang đứng tên. Cần giao trách nhiệm cho các bên đương sự được chia kỷ phần thừa kế bằng hiện vật ( đất nhà) đến cơ quan cấp có thẩm quyền để điều chỉnh lại GCBNQSD đất theo phần nhà đất được chia.

[9]. Các tài sản khác còn lại trên đất + cây cối lâm lộc thuộc tài sản riêng của gia đình ông L.

[10]. Về án phí dân sự sơ thẩm: theo quy định thì các thừa kế được chia kỷ phần là ông P, ông L, bà L, ông T phải nộp án phí có giá ngạch là 126.416.000đ x 5%= 6.3201.000đ.

Xét các ông bà đã hơn 60 tuổi là người cao tuổi, theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội nên miễn toàn bộ án phí cho các ông bà.

Lệ phí chi xem xét và định giá tài sản: ghi nhận sự tự nguyện của ông P chịu cả và đã được thanh toán bằng chứng từ.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 5 Điều 26; Khoản 3 Điều 34; Điểm a Khoản 1 Điều 37; Điều 271, 273 của BLTTDS.

Căn cứ các Điều 609; 610; 611; 612; 613; 614; 618; 623; 649; 650; 651 của BLDS 2015.

Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận đơn khởi kiện của ông N.N.P về việc chia thừa kế di sản của cụ N.H.T và cụ N.T.B đối với ông N.H.L.

2. Xác định di sản thừa kế cụ T và cụ B để lại là :

Đất ở 702m2 ( đã được cấp GCNQSD đất) trị giá: 642.330.000đ.

Đất vườn 45m2 ( đã được cấp GCNQSD đất) trị giá: 28.350.000đ.

Nhà 5 gian (130 năm) trị giá: 87.815.000đ.

Cộng = 758.495.000đ.

Thanh toán công sức chăm sóc các cụ, lo ma và quản lý duy trì di sản cho gia đình ông L tương đương với 2 kỷ phần thừa kế.

Ghi nhận sự tự nguyện của các đương sự không yêu cầu xem xét 03 cái ao, và 1 thửa đất cụ B được cấp dãn dân.

3. Xác định hàng thừa kế thứ I của cụ T và cụ B là: ông N.H.L, bà N.T.L và ông N.N.P, ông N.H.T.

4. Cụ T và cụ B chết không để lại di chúc, nên di sản thừa kế được chia theo pháp luật và chia một lần như sau: Di sản thừa kế của 2 cụ để lại trị giá 758.495.000đ được chia 6 phần; trong đó 2/6 kỷ phần di sản để thanh toán công sức cho gia đình ông L là 252.831.000đ, còn lại mỗi kỷ phần thừa kế là ông Phầm, ông L, bà L và ông T được hưởng 1/6= 126.416.000đ.

Ghi nhận sự tự nguyện của ông T, để lại kỷ phần thừa kế cho ông L.

5. Hiện vật chia cho các bên:

5.1. Chia cho ông P: 85,8m2 đất thổ cư trị giá 78.507.000đ + và các công trình trên diện tích đất được chia là 9,6 m2 sân trị giá 669.600đ; nhà 1 tầng xây năm 1969 trị giá 19.905.000đ; 12,82m2 nhà 5 gian trị giá 11.257.800đ; 3,96m2 tường bao trị giá 851.000đ. Cộng = 111.190.400đ. So với kỷ phần thừa kế của ông P được chia là 126.416.000d, còn thiếu 15.225.600đ. Phần chênh lệch còn thiếu này do ông L có trách nhiệm thanh toán trả ông P. Ông P tự mở lối đi ra đường làng ( phía Bắc thửa đất).

Ranh giới của diện tích 85,8m2 đất thổ cư chia cho ông P được thể hiện trên bản vẽ kèm bản án là các điểm: A,B,C,D,H,11,12,13,14,15,16,17,18,19,A.

5.2. Chia cho ông L phần đất thổ cư và đất vườn còn lại là 661,2m2 trị giá: 592.173.000đ + phần còn lại của nhà 5 gian trị giá: 76.557.200đ = 668.730.200d.

So với kỷ phần thừa kế ông L được chia là 126.416.000đ + kỷ phần thừa kế của ông T tự nguyện cho là 126.416.000d = 252.832.000d, còn thừa là (668.730.200d - 252.832.000d) = 415.898.200d. Ông L có trách nhiệm thanh toán chênh lệch ( còn thiếu) cho ông P là 15.225.600đ (Mười lăm triệu, hai trăm hai mươi lăm nghìn, sáu trăm đồng); thanh toán kỷ phần thừa kế cho bà L là 126.416.000d (Một trăm hai mươi sáu triệu, bốn trăm mười sáu nghìn đồng), số tiền còn lại 274.256.600d trong đó có tiền thanh toán công sức của gia đình ông L là 252.831.000d + tiền của các công trình là tài sản của gia đình ông L đã giao cho ông P là: 9,6m2 sân 669.600đ + nhà 1 tầng xây năm 1969 trị giá 19.905.000đ+ 3,96m2 tường bao trị giá 851.000đ.

5.3. Trường hợp ông P sử dụng phần nhà được giao trong công trình nhà 5 gian được chia thì phải có kế hoạch chống đỡ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho phần nhà còn lại gia đình ông L đang sử dụng. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.

5.4. Gia đình ông L tiếp tục sở hữu, sử dụng các công trình xây dựng khác có trên đất, cây lâm lộc.

6. Các đương sự có quyền đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh lại GCNQSD đất số CG 596362 do Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cấp cho ông N.M.T ngày 04/5/2017 ( có sổ vào sổ cấp GCN: CS-SS 04232) để được quyền sử dụng đất đã chia trong bản án.

7. Án phí DSST: Miễn toàn bộ án phí DSST cho ông N.N.P, ông N.H.L, bà N.T.L và ông N.H.T.

Lệ phí chi xem xét và định giá tài sản: ghi nhận sự tự nguyện của ông P chịu cả.

8. Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quyđịnh tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Các đương sự có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án; Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chỉ được quyền kháng cáo về phần có liên quan.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

619
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 34/2019/DS-ST ngày 19/06/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:34/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 19/06/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về