TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN GD, TỈNH TN
BẢN ÁN 30/2019/DS-ST NGÀY 12/06/2019 VỀ TRANH CHẤP DÂN SỰ HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN
Ngày 12 tháng 6 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện GD, xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 70/2019/TLST-DS ngày 25 tháng 02 năm 2019 về “Tranh chấp dân sự về hợp đồng vay tài sản”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 19/2019/QĐXX-ST ngày 12 tháng 4 năm 2019, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Chị Lâm Thị H (B), sinh năm 1979, (vắng mặt).
Địa chỉ: Tổ 18, ấp CB, xã CG, huyện GD, tỉnh TN;
- Bị đơn: Chị Trần Thị K L, sinh năm: 1968, (vắng mặt).
Địa chỉ: Tổ 33, ấp CB, xã CG, huyện GD, tỉnh TN.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện ngày 21-3-2019 và quá trình xét xử tại tòa nguyên đơn chị Lâm Thị H trình bày:
Chị yêu cầu 01 mình chị L trả cho chị số tiền vay là 40.000.000 đồng và yêu cầu tính lãi từ ngày 11-3-2018 (al) đến khi xét xử xong vụ án với mức lãi suất 1,125%/tháng.
Do chị và chị L là quen biết chòm xóm, cũng quen biết nhau qua mua bán. Vào cuối năm 2017 đến trước ngày 10-3-2018 (al) chị có cho chị L vay nhiều lần tiền, mỗi lần vay là 5.000.000 đồng, lần 10.000.000 đồng, mà vay 05 lần số tiền là 40.000.000 đồng, mỗi lần cho vay tiền chị không làm giấy tờ, chị L cũng không ký giấy nợ cho chị, chị tự mở sổ theo dõi việc cho vay tiền của chị L, lãi 5%/tháng, là 1.000.000 đồng là 50.000 đồng/tháng, trong đó có lần vay 5.000.000 đồng, trả góp mỗi ngày 50.000 đồng, góp 04 tháng là 6.000.000 đồng, mà 02 lần 5.000.000 đồng là 10.000.000 đồng, nhưng chị L không góp ngày nào cả. Còn lại số tiền 30.000.000 đồng là vay tháng, trong số này chị có lấy lãi của chị L cho khoản vay 10.00.000 đồng là 01 tháng 500.000 đồng, còn lại chưa lấy lãi tháng nào. Đến ngày 10-3-2018 (al) thì chị và chị L có cộng sổ gút nợ thì chị L nhận có nợ chị số tiền là 40.000.000 đồng, tự chị L viết và ký giấy nợ trong sổ của chị, thỏa thuận miệng lãi suất 5%/tháng. Từ khi chị L ký giấy nợ và sang năm mới thì chị bỏ sổ cũ ghi theo dõi số nợ cho chị L vay, chỉ giữ giấy nợ. Chị L vay để buôn bán tạp hóa trong gia đình. Từ ngày gút nợ thì chị L không đóng lãi cho chị và cũng không trả được khoản tiền gốc nào. Nay chị vẫn giữ yêu cầu đòi nợ đối với chị L. Chị không yêu cầu những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của anh T cùng có trách nhiệm trả nợ. Ngày 02-4-2018 chị H có đơn xin giải quyết vắng mặt.
Bị đơn chị Trần Thị K L trình bày: Chị và chị H là quen biết chòm xóm, qua mua bán với nhau. Chị vay tiền của chị H từ năm 2015, vay mỗi lần thấp nhất là 3.000.000 đồng, cao nhất là 7.500.000 đồng, vay trả góp 100 ngày như: vay 5.000.000 đồng góp ngày 60.000 đồng, mà góp 100 ngày là 6.000.000 đồng; vay 7.500.000 đồng, góp ngày 90.000 đồng, góp 100 ngày là 9.000.000 đồng, mà chị vay nhiều khoản tiền góp, tất cả các lần vay chị không ký tên giấy tờ, chị không ghi vào sổ của chị, mà thường là góp nữa chừng thì chị vay khoản tiền khác thì phải trả hết số tiền góp còn lại, ví dụ như chị vay 5.000.000 đồng, góp ngày 60.000, góp 100 ngày, nhưng chị góp 50 ngày thì vay 5.000.000 đồng khác, chị H trừ tiền thiếu 50 ngày còn lại là 3.000.000 đồng, chị H đưa thêm chị 2.000.000 đồng, là chị nợ 5.000.000 đồng mới, từ đó thì chị góp cho khoản tiền vay mới, mà cùng lúc chị vay ba khoản tiền. Cứ như vậy chị vay suốt đến ngày 10-3-2017 (al) chị đến nhà chị H lấy sổ ra hai chị em cộng hết số tiền chị vay lại là 40.000.000 đồng, chị có viết trong sổ của chị H thiếu nợ và ký tên, trong đó có tiền lãi luôn chứ không phải tiền vốn không, nhưng chị không có gì để chứng minh là tiền vốn vay, tiền lãi bao nhiêu. Chị xác định giấy nợ là năm 2017 chứ không phải năm 2018 như chị H khai. Từ ngày ký giấy nợ thì hai bên thỏa thuận trả lãi hàng tháng là 06%, nên mỗi tháng chị trả 2.400.000 đồng, chị trả đến tháng 5-2018. Từ tháng 6-2018 trở đi là vợ chồng chị xin trả góp tiền vốn là 120.000 đồng/ngày, do chồng chị là anh Phạm Văn T trả góp từ ngày 12-6-2018 đến ngày 26-11-2018 ngưng (có ngày không góp). Anh T đã mất ngày 07-12-2018 (al) do uống thuốc trừ sâu tự tử. Vậy số tiền chồng chị trả góp tất cả được 12.480.000 đồng, trừ 40.000.000 đồng, còn lại 27.520.000 đồng, chị đồng ý trả số nợ này. Việc chị trả lãi và trả góp mỗi ngày thì chị tự mở sổ theo dõi chị H không ký tên. Số tiền lãi chị đã trả hàng tháng chị không yêu cầu điều chỉnh lại. Nay chị không đồng ý trả lãi cho chị H.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án : Việc tuân theo pháp luật tố tụng tư khi thu ly vụ án cho đên trươc thơi điêm Hội đồng xét xử nghi an , Thâm phan, Hội đồng xét xử, Thư ký đã thực hiện đúng theo quy định pháp luật tố tụng dân sự. Còn những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng theo quy định pháp luật tố tụng dân sự.
Về nội dung vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị H, buộc chị L trả 27.520.000 đồng và tiền lãi theo lãi theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng: Chị H có đơn xin giải quyết vắng mặt, chị L Tòa án đã triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt nên căn cứ vào Điều 227 và 228 Bộ luật Tố tụng dân sự tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự là phù hợp.
[2] Về thời hiệu khởi kiện: Đối với số tiền vay theo giấy nợ ngày 10-3 (al) nguyên đơn cho rằng năm 2018 để làm chứng cứ khởi kiện; bị đơn cho rằng năm 2017 tính đến ngày khởi kiện là còn trong thời hiệu ba năm; và giấy mượn nợ không thể hiện thời gian trả nợ, nên thời hiệu khởi kiện còn theo quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[3] Về nội dung: Chị H yêu cầu chị L trả số tiền vay là 40.000.000 đồng và yêu cầu tính lãi từ ngày 11-3-2018 (al) đến khi xét xử xong vụ án với mức lãi suất 1,125%/tháng. Chị L cho rằng từ tháng 6-2018 trở đi là vợ chồng chị xin trả góp tiền vốn là 120.000 đồng/ngày, do chồng chị là anh T trả góp từ ngày 12-6-2018 đến ngày 26-11-2018 ngưng, do mua bán ế không tiền đóng. Vậy số tiền chồng chị trả góp tất cả được 12.480.000 đồng, trừ 40.000.000 đồng, còn lại 27.520.000 đồng, chị đồng ý trả số nợ này.
[4] Xét yêu cầu của các đương sự thấy rằng: Các đương sự thống nhất chị L có vay tiền của chị H nhiều lần, có lần trả góp, có lần trả lãi hàng tháng, các lần vay đều không ghi giấy nợ. Đến ngày 10-3 (al) thì chị L có viết giấy mượn tiền cho chị H. Tuy nhiên giấy nợ không ghi năm nào, chị H cho rằng năm 2018, nhưng chị không có chứng cứ gì để chứng minh; chị L thừa nhận năm 2017, nên cần chấp nhận năm 2017. Theo giấy mượn tiền ngày 10-3-2017 (al) chị L có mượn của chị H số tiền 40.000.000 đồng. Qua làm việc chị H và chị L thống nhất vợ chồng chị L có trả góp cho chị H mỗi ngày 120.000 đồng, từ ngày 12-6-2018 đến ngày 26-11- 2018 (có ngày không trả) số tiền là 12.480.000 đồng, chị L cho rằng trả vốn cho số tiền 40.000.000 đồng mà chị đã ký giấy ngày 10-3-2017 (al); chị H cho rằng góp cho khoản tiền 10.000.000 đồng vay ngày 10-3-2018 (al) nhưng không ghi trong giấy nợ, mà để ngoài trả góp, nhưng chị không có chứng cứ gì để chứng minh cho việc cho vay thêm 10.000.000 đồng vào ngày 10-3-2018 (al), nên số tiền chị L, anh T trả góp được 12.480.000 đồng được khấu trừ vào tiền vốn vay 40.000.000 đồng, còn lại số tiền 27.520.000 đồng. Do đó cần chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị H, buộc chị L trả cho chị H số tiền 27.520.000 đồng là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 463, 466 Bộ luật Dân sự. Ghi nhận chị H không yêu cầu những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của anh T cùng có trách nhiệm trả nợ.
[5] Xét yêu cầu tính lãi của chị H thấy rằng: Tại giấy nợ ngày 10-3 (al), hai bên không thỏa thuận thời gian trả nợ và lãi suất. Chị H cho rằng từ ngày viết giấy nợ chị L không trả lãi; chị L cho rằng có trả lãi đầy đủ 6%/tháng nên mỗi tháng chị trả 2.400.000 đồng, trả đến tháng 5-2018, nhưng chị không có chứng cứ gì để chứng minh. Đồng thời chị cũng không yêu cầu điều chỉnh lại, nên không xem xét. Do các bên không thỏa thuận thời gian trả nợ, các đương sự thống nhất cho vay có lãi, nhưng có tranh chấp về lãi suất, thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này là 10%/năm là phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự. Do tiền lãi chị H yêu cầu từ ngày 11-3-2018 (al) là có lợi cho chị L nên chấp nhận.
Vậy số nợ 40.000.000 đồng từ ngày 11-3-2018 (al), tức ngày 26-4-2018 đến ngày 11-6-2018 (al), tức ngày 23-7-2018 là 02 tháng 27 ngày x 0,83% = 962.800 đồng;
Từ ngày 12-6-2018 (al) đến ngày 26-11-2018 (al) chị L đã trả góp cho chị H được số tiền 12.480.000 đồng, nên tính lãi từ ngày 27-11-2018 (al) tức ngày 02-01-2019 (dl) đến ngày nay 12-6-2019 là 05 tháng 10 ngày đối với số tiền còn lại là 27.520.000 đồng x 0,83%/tháng = 1.218.200 đồng, cộng hai khoản lãi là 2.181.000 đồng. Cộng vốn lãi là 29.701.000 đồng, chị L có trách nhiệm trả cho chị H số nợ này.
[6] Chị H phải chịu án phí đối với yêu cầu không được chấp nhận là 44.950.000 đồng trừ 29.701.000 đồng là 15.249.000 đồng x 5% = 762.500 đồng; chị L phải chịu án phí đối với số tiền 29.701.000 đồng x 5% = 1.485.000 đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH ngày 30-12-2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào các Điều 463, 466 và khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 227, 228, 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH ngày 30-12-2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1/ Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện “Tranh chấp hợp đồng dân sự về vay tài sản” của chị Lâm Thị H ( B) đối với chị Trần Thị K L.
2/ Buộc chị L có trách nhiệm trả cho chị H số tiền vay là 27.520.000 đồng và tiền lãi là 2.181.000 đồng, cộng hai khoản là 29.701.000 (Hai mươi chín triệu bảy trăm lẽ một nghìn) đồng.
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị H đối với số tiền 15.249.000 (Mười lăm triệu hai trăm bốn mươi chín nghìn) đồng.
3/ Án phí: Chị L phải chịu 1.485.000 đồng (Một triệu bốn trăm tám mươi lăm nghìn) đồng án phí Dân sự sơ thẩm;
Chị H phải chịu 762.500 (Bảy trăm sáu mươi haii nghìn năm trăm) đồng án phí Dân sự sơ thẩm. Ghi nhận chị H đã nộp 1.000.000 đồng theo Biên lai thu số 0008787 ngày 25-02-2019 và 300.000 đồng theo Biên lai thu số 0008928 ngày 21-3-2019, cộng hai khoản là 1.300.000 đồng. Hoàn trả cho chị H 537.500 (Năm trăm ba mươi bảy nghìn năm trăm) đồng từ tiền tạm ứng án phí đã nộp.
Kể từ ngày chị H có đơn yêu cầu thi hành án, cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng chị L còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
5/ Các đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết./.
Bản án 30/2019/DS-ST ngày 12/06/2019 về tranh chấp dân sự hợp đồng vay tài sản
Số hiệu: | 30/2019/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Gò Dầu - Tây Ninh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 12/06/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về