TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 04/2019/LĐ-PT NGÀY 25/03/2019 VỀ TRANH CHẤP BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP VÀ TRỢ CẤP THÔI VIỆC KHI CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Ngày 25 tháng 3 năm 2019 tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 04/2019/TLPT-LĐ ngày 24 tháng 01 năm 2019 tranh chấp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động. Do Bản án lao động sơ thẩm số 01/2018/LĐ-ST ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 693/2019/QĐ-PT ngày 26 tháng 02 năm 2019, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Anh Nguyễn Văn Ch, nơi cư trú: Thôn Đại Trà, xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng.
Người đại diện hợp pháp của anh Nguyễn Văn Ch: Ông Phạm Văn H; nơi cư trú: Tổ 18, cụm 3, phường N, quận K, thành phố Hải Phòng là người đại diện theo ủy quyền (văn bản ủy quyền ngày 12 tháng 6 năm 2018); có mặt.
- Bị đơn: Công ty TNHH ĐV, có trụ sở tại: Số 1166 Ng, phường ĐI, quận H, Hải Phòng.
Người đại diện hợp pháp của Công ty TNHH ĐV: Ông Trần Văn Đ, chức vụ: Giám đốc phụ trách Nhà máy Giầy LD - Công ty TNHH ĐV là người đại diện theo ủy quyền (văn bản ủy quyền ngày 02 tháng 8 năm 2018); có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: BHXH thành phố Hải Phòng.
Người đại diện hợp pháp của BHXH thành phố Hải Phòng: Bà Đinh Thị Lan H, ông Phạm Văn M và bà Nguyễn Thị Quỳnh Tr là người đại diện theo ủy quyền (theo văn bản ủy quyền số 2179/UQ-BHXH ngày 09/11/2018); đều vắng mặt.
- Người kháng cáo: Anh Nguyễn Văn Ch là nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là anh Nguyễn Văn Ch trình bày:
Ngày 15 tháng 6 năm 2015, anh được nhận vào làm việc tại Xưởng 2, Liên Thuấn, Nhà máy giầy LD thuộc Công ty TNHH ĐV, giữa anh và công ty có ký kết hợp đồng lao động với mức lương được hưởng năm 2015 là 4.500.000 đồng/tháng, năm 2016 được hưởng 5.300.000 đồng/tháng năm 2017 được hưởng 6.200.000 đồng/tháng. Đến đầu tháng 9 năm 2017, anh nhận được quyết định về việc chấm dứt hợp đồng lao động số 89 ngày 30/8/2017. Sau khi nhận được quyết định số 89, anh được công ty trả lại sổ bảo hiểm xã hội. Trong sổ BHXH thể hiện anh tham gia BHXH từ tháng 6 năm 2017 đến tháng 8 năm 2017 (tổng thời gian tham gia bảo hiểm là 03 tháng). Khi nghỉ việc, anh không được nhận bất kỳ chế độ trợ cấp nào khác. Nay thấy công ty không đóng bảo hiểm cho anh là không đúng quy định pháp luật nên anh yêu cầu:
1. Công ty TNHH ĐV truy đóng cho anh số tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 6 năm 2015 đến hết tháng 5 năm 2017 là 41.001.750 đồng (bốn mươi mốt triệu không trăm lẻ một nghìn bảy trăm năm mươi đồng).
2. Truy đóng cho anh số tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn thiếu trong các tháng 6, tháng 7 và tháng 8 năm 2017 là 2.132.812 đồng (hai triệu một trăm ba mươi hai nghìn tám trăm mười hai đồng).
3. Trả lãi suất lũy kế đối với số tiền trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với lãi suất 1,0284% tháng (lãi suất chậm đóng bảo hiểm theo quy định của luật bảo hiểm xã hội) là: 14.739.888 đồng (mười bốn triệu bảy trăm ba mươi chín ngàn tám trăm tám mươi tám đồng).
4. Trợ cấp thôi việc và lãi suất chậm trả theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 là 6.944.000 đồng (sáu triệu chín trăm bốn bốn ngàn đồng).
Số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp đều tính trên mức lương thực tế người lao động được trả.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:
Công ty xác nhận anh Ch vào làm việc, được ký Hợp đồng lao động như anh Ch nêu là đúng. Đến tháng 8 năm 2017, anh Ch có đơn xin nghỉ việc nên công ty có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh Ch và trả sổ BHXH cho anh Ch. Nay anh Ch có đơn khởi kiện, công ty có quan điểm như sau: Công ty đã kiểm tra và phát hiện do sơ sót không đóng bảo hiểm cho anh Ch trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 2015 cho đến tháng 5 năm 2017 tổng cộng là 23 tháng với tổng số tiền là 18.676.350 đồng. Công ty sẽ có trách nhiệm đóng cho người lao động số tiền trên cho BHXH thành phố Hải Phòng để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Bên cạnh đó, công ty cũng yêu cầu người lao động phải đóng cho BHXH thành phố Hải Phòng số tiền là 8.913.713 đồng (tương đương với 10,5% tiền lương người lao động phải nộp cho 23 tháng trên) do anh Ch chưa đóng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Đối với yêu cầu trợ cấp thôi việc, Công ty TNHH ĐV đã đóng bù khoản tiền bảo hiểm thất nghiệp 23 tháng mà công ty chưa đóng cho anh Ch thì các yêu cầu về trợ cấp thôi việc như đề nghị của của nguyên đơn là không có cơ sở.
Người đại diện hợp pháp của BHXH thành phố Hải Phòng có ý kiến: Người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên (trước thời điểm 01 tháng 01 năm 2018), có đi làm, có hưởng lương thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Căn cứ vào hợp đồng lao động số 1506093/HĐLĐ ngày 16 tháng 7 năm 2015 (do Tòa án nhân dân quận D cung cấp) giữa anh Ch và công ty ĐV thì trường hợp ông Chiến thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được tính trên mức lương theo hợp đồng lao động, cụ thể là lương và các khoản phụ cấp lương. Nếu có căn cứ xác định người sử dụng lao động và người lao động thuộc trường hợp phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì yêu cầu Tòa án buộc họ phải đóng bảo hiểm theo đúng quy định.
Tại Bản án lao động sơ thẩm số 01/2018/LĐ-ST ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng đã quyết định:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu Công ty TNHH ĐV phải truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng cho người lao động là anh Nguyễn Văn Ch tương ứng với thời gian chưa đóng.
- Buộc Công ty TNHH ĐV phải đóng khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động là anh Nguyễn Văn Ch cho BHXH thành phố Hải Phòng cụ thể như sau:
+ Tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của năm 2015: 06 tháng x 3.482.850 đồng x 22% = 4.597.362 đồng.
+ Tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của năm 2016: 12 tháng x 3.932.250 đồng x 22% = 10.381.140 đồng.
+ Tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của năm 2017: 05 tháng x 4.012.000 đồng x 22% = 4.413.200 đồng.
Tổng cộng = 19.391.702 đồng (làm tròn 19.392.000 đồng).
Ngoài số tiền trên, Công ty TNHH ĐV còn phải chịu tiền lãi do chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với lãi suất theo quy định của pháp luật BHXH tương ứng với thời gian chậm đóng. Khoản tiền này được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị.
- Buộc người lao động là anh Nguyễn Văn Ch phải đóng khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho BHXH thành phố Hải Phòng cụ thể như sau:
+ Tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp của năm 2015: 06 tháng x 3.482.850 đồng x 10,5% = 2.194.195 đồng.
+ Tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của năm 2016: 12 tháng x 3.932.250 đồng x 10,5% = 4.954.635 đồng.
+ Tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của năm 2017: 05 tháng x 4.012.000 đồng x 10,5% = 2.106.300 đồng.
Tổng cộng = 9.255.130 đồng, làm tròn 9.255.000 đồng (chín triệu hai trăm hai mươi năm nghìn đồng). Ngoài số tiền trên, anh Nguyễn Văn Ch còn phải chịu tiền lãi do chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với lãi suất theo quy định của pháp luật BHXH tương ứng với thời gian chậm đóng. Khoản tiền này được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị.
Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo cho các đương sự.
Ngày 12 tháng 12 năm 2018, anh Ch kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh.
Tại phiên toà phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của anh Ch giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, giữ nguyên nội dung kháng cáo, các đương sự không thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Người đại diện hợp pháp của anh Ch trình bày quan điểm bảo vệ: Bản án sơ thẩm sai lầm trong việc đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật. Vi phạm nghiêm trọng trong việc xác định quyền lợi và nghĩa vụ của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là BHXH thành phố Hải phòng. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm vì các lý do sau:
Công ty đang giữ bản Hợp đồng lao động số S022549/PLHĐLĐ nhưng chỉ giao nộp bản Hợp động lao động số 150093 vô hiệu vì chính bản phụ lục hợp đồng số S022549/PLHĐLĐ mà công ty giao nộp đã ghi: “Căn cứ hợp đồng lao động số S022549” đã chứng minh công ty đang giữ bản hợp đồng này. Tại bản hợp đồng này Công ty ghi mức tiền lương của anh Ch vào năm 2016 là 4.500.000 đồng/tháng. Anh Ch không có bản hợp đồng này và không nhớ ngày kí hợp đồng này vào ngày tháng năm nào nhưng thừa nhận chữ ký tại bản Hợp đồng lao động số 150093 ngày 15 tháng 6 năm 2015 là của anh. Năm 2016, anh được nhận lương theo phụ lục hợp đồng ngày 01 tháng 3 năm 2016.
Bản án sơ thẩm nhận định các bên đã không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó bao gồm cả phần của người sử dụng lao động và phần của người lao động cũng như không xác định lỗi của anh Ch nhưng vẫn buộc anh Ch phải truy đóng là không đúng. Và bản án sơ thẩm xác định số tiền trốn đóng bảo hiểm xã hộikhông đúng. Cơ quan BHXH thành phố Hải Phòng tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng BHXH thành phố Hải Phòng không thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điểu 73 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Bản án sơ thẩm không xác định được quyền và nghĩa vụ của BHXH thành phố Hải phòng về việc xử lý vi phạm và truy thu theo quy định của pháp luật.
Bản án bác yêu cầu trợ cấp thôi việc của anh Ch là không đúng vì anh Ch thuộc đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người diện hợp pháp của bị đơn trình bày quan điểm bảo vệ: Công ty chỉ ký một Hợp đồng lao động đồng lao động số 150093 ngày 15 tháng 6 năm 2015 với anh Ch. Người đại diện hợp pháp của anh Ch căn cứ vào phụ lục hợp đồng ngày 01 tháng 3 năm 2016 do có sai sót về lỗi đánh máy để khẳng định Công ty ký hai hợp đồng với anh Ch là vu khống cho Công ty. Công ty đồng ý với nội dung bản án sơ thẩm và yêu cầu Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu quan điểm:
Quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký đã chấp hành đúng quy định của pháp luật. Đương sự chấp hành đúng quy định của pháp luật.
Về yêu cầu trả trợ cấp thôi việc: Công ty đã tự nguyện đóng Bảo hiểm thất nghiệp cho anh Ch từ tháng 07/2015 do đó thời gian người lao động làm việc không được đóng Bảo hiểm thất nghiệp là 15 ngày (từ ngày 15/6/2015 đến ngày 30/6/2015 - chưa đủ 01 tháng) nên chưa đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thôi việc. Do đó, Tòa án không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn là đúng quy định của pháp luật.
Về yêu cầu trả cho nguyên đơn tiền trốn đóng bảo hiểm y tế: Tại phiên tòa hôm nay, đại diện nguyên đơn không cung cấp được tài liệu chứng cứ về các chi phí khám chữa bệnh và điều trị để chứng minh cho khoản yêu cầu bồi thường này nên không có căn cứ để chấp nhận.
Về mức lương đóng bảo hiểm xã hội: Theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH bắt buộc: “2. Người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hộilà mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động”.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 89 của Luật Bảo hiểm xã hội: “Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hộilà mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật lao động”.
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về BHXH bắt buộc: “Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại khoản 2 Điều 89 của Luật BHXH được quy định như sau: Từ ngày 01/1/2016 đến 31/12/2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động”.
Do đó, Tòa án sơ thẩm căn cứ vào mức tiền lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động để tính mức đóng BHXH là phù hợp với quy định của pháp luật.
Về nghĩa vụ truy đóng bảo hiểm của người lao động: Các tài liệu có trong hồ sơ cho thấy trong bảng lương chi trả cho người lao động có mục trích tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động song không trừ tiền ở mục này. Người lao động là anh Ch có ký nhận nhưng không có ý kiến gì mặc dù đây là quyền lợi cũng là nghĩa vụ của người lao động. Vì vậy, việc Tòa án sơ thẩm buộc cả người lao động là ông Chiến phải đóng phần của mình là phù hợp.
Từ những phân tích nêu trên đề nghị, đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 01/2018/LĐ-ST ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về thẩm quyền giải quyết vụ án và quan hệ pháp luật tranh chấp: Anh Nguyễn Văn Ch có ký kết hợp đồng lao động với Công ty TNHH ĐV và làm việc tại nhà máy Liên Dinh thuộc công ty tại địa bàn quận Dương Kinh, nay anh Ch khởi kiện yêu cầu đòi các khoản liên quan đến BHXH và trợ cấp thôi việc đối với Công ty TNHH ĐV. Do đó, Tòa án nhân dân quận Dương Kinh thụ lý giải quyết là đúng quy định tại Điều 32, Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Xét yêu cầu kháng cáo:
[2] Anh Ch xác nhận giữa anh và Công ty TNHH ĐV có ký hợp đồng lao động số 150093/HĐLĐ-LĐ ngày 16 tháng 7 năm 2015, loại hợp đồng xác định thời hạn 36 tháng từ ngày 16 tháng 7 năm 2015 đến ngày 15 tháng 7 năm 2018, với mức lương theo hợp đồng là 3.317.000 đồng/tháng. Ngoài ra, anh Ch khai hai bên còn ký hợp đồng lao động số S022549/HĐLĐ nhưng anh Ch không có hợp đồng lao động số S022549/HĐLĐ để giao nộp cho Toà án cũng như không xác định được ngày ký hợp đồng số S022549/HĐLĐ là ngày nào. Anh Ch căn cứ vào phụ lục hợp đồng ngày 01 tháng 3 năm 2016 để xác định Công ty có ký hợp đồng số S022549/HĐLĐ với anh Ch làm căn cứ xác định mức lương năm 2016 theo hợp đồng số S022549/HĐLĐ của anh Ch là 4.500.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, Công ty TNHH ĐV xác định ngoài hợp đồng lao động số 150093/HĐLĐ-LĐ ngày 16 tháng 7 năm 2015, Công ty không ký hợp đồng lao động nào khác với anh Ch. Về phụ lục hợp đồng ngày 01 tháng 3 năm 2016 có ghi căn cứ hợp đồng lao động số S022549/HĐLĐ nhưng không ghi ngày hợp đồng đã được Công ty giải thích là do sơ suất khi đánh máy văn bản và trên thực tế thì năm 2016 anh Ch đã nhận được tiền lương theo phụ lục hợp đồng này. Mặt khác, tại phụ lục hợp đồng năm 2016 ghi mức lương của anh Ch là 3.745.000 đồng/tháng không phải mức lương 4.500.000 đồng/tháng như lời trình bày của người đại diện theo ủy quyền của anh Ch nên anh Ch kháng cáo cho rằng căn cứ vào phụ lục hợp đồng ngày 01 tháng 3 năm 2016 để kết luận Công ty có hợp đồng S022549/HĐLĐ và xác định hợp đồng số 150093/HĐLĐ-LĐ ngày 16 tháng 7 năm 2015 vô hiệu nhưng anh Ch lại thừa nhận giữa anh và Công ty có ký hợp đồng này và hai bên đang thực hiện công việc theo hợp đồng đã ký. Do vậy, kháng cáo này của anh Ch không có căn cứ chấp nhận.
[3] Về nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp: Khoản 1 Điều 186 của Bộ luật Lao động quy định: “Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ theo quy định của pháp luật về BHXH và pháp luật về bảo hiểm y tế”. Hội đồng xét xử thấy trong hợp đồng lao động, hai bên có thoả thuận về việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đối chiếu với quy định trên thì anh Ch và Công ty TNHH ĐV có trách nhiệm đóng bảo hiểm theo quy định. Việc truy đóng bảo hiểm bắt buộc là phù hợp tại điểm 1.1 khoản 1 Điều 38 Quyết định 595/QĐ-BHXH về các trường hợp truy thu: “Trường hợp đơn vị trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi là trốn đóng) do cơ quan BHXH kết luận thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền kết luận từ ngày 01/01/2016 thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, còn phải truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng ...”. Công ty TNHH ĐV xác nhận anh Ch được tham gia bảo hiểm từ ngày 15 tháng 7 năm 2015 nhưng do đơn vị chưa lập danh sách tham gia bảo hiểm cho anh Ch nên yêu cầu đóng bổ sung cho anh Ch trong thời gian từ tháng 7 năm 2015 đến tháng 5 năm 2017 là 23 tháng. Theo quy định của pháp luật về BHXH thì nghĩa vụ đóng bảo hiểm bắt buộc được xác định như sau: Người sử dụng lao động phải đóng 22%, người lao động phải đóng 10,5%. Trong bảng lương chi trả cho anh Ch vào tháng 5 năm 2017 có mục trích tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của anh Ch. Anh Ch có ký nhận nhưng không có ý kiến gì mặc dù đây là quyền lợi cũng là nghĩa vụ của người lao động. Căn cứ các quy định trên, Tòa án sơ thẩm buộc nguyên đơn và bị đơn phải truy đóng số tiền bảo hiểm còn thiếu là đúng quy định. Do bị truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nên các bên phải chịu lãi suất chậm đóng theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội.
[4] Về xác định số tiền đóng bảo hiểm xã hội: Khoản 2 Điều 45 Nghị định 152/2006/NĐ-Cp ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định: “Người lao động đóng bảo hiểm xã hộit heo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động”. Khoản 2 Điều 89 của Luật BHXH năm 2014 quy định: “Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật lao động”. Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH năm 2014 về bảo hiểm bắt buộc: “Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại khoản 2 Điều 89 của Luật BHXH được quy định như sau: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến 31 tháng 12 năm 2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động”. Đối chiếu với các quy định trên, mức tiền lương tháng đóng BHXH đối với anh Ch căn cứ vào mức tiền lương ghi trong hợp đồng lao động. Tại phiên toà, người đại diện hợp pháp của anh Ch trình bày ngoài việc nhớ, anh Ch còn tham khảo người cùng làm việc để khẳng định mức tiền lương ghi trong hợp đồng lao động năm 2015 là 4.500.000 đồng/tháng; năm 2016 là 5.300.000 đồng/tháng và năm 2017 là 6.200.000 đồng/tháng và yêu cầu Hội đồng xét xử chấp nhận mức tiền lương làm cơ sở đóng bảo hiểm như trình bày của anh Ch nhưng không có tài liệu, chứng cứ chứng minh. Do đó, Tòa án sơ thẩm căn cứ vào mức tiền lương ghi trong hợp đồng số 150093/HĐLĐ-LĐ ngày 16 tháng 7 năm 2015 và các phụ lục hợp đồng năm 2016 và năm 2017 để tính mức đóng BHXH đối với anh Ch là đúng quy định của pháp luật.
[5] Về yêu cầu trả trợ cấp thôi việc cho nguyên đơn trong thời gian học nghề từ ngày 16 tháng 6 năm 2015 đến ngày 15 tháng 7 năm 2015: Ngày 16 tháng 6 năm 2015, anh Ch vào học nghề. Tháng 7 năm 2015, Công ty đã tự nguyện đóng bảo hiểm thất nghiệp cho anh Ch từ tháng 7 năm 2015 đến tháng 5 năm 2017. Như vậy, thời gian anh Ch làm thử việc còn lại mới có 15 ngày (chưa đủ 01 tháng) nên chưa đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thôi việc. Do đó, Tòa án không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn là đúng quy định của pháp luật.
[6] Về yêu cầu bị đơn phải bồi thường cho anh Ch tiền trốn đóng bảo hiểm y tế và tiền lãi của 23 tháng do anh Ch không được quyền lợi bảo hiểm y tế trong thời gian này: Người đại diện theo uỷ quyền của anh Ch trình bày thực tế anh Ch không bị bệnh nặng phải nằm điều trị tại bệnh viện nhưng việc khám, mua thuốc điều trị các bệnh thông thường như cảm cúm, sốt, đau bụng … đều phải tự túc mà không được bảo hiểm y tế thanh toán nhưng không còn lưu giữ hoá đơn và cũng chưa có lần nào anh Ch yêu cầu Công ty thực hiện việc chi trả tiền bảo hiểm y tế cho anh nên không có căn cứ để giải quyết yêu cầu của anh Ch.
[7] Về yêu cầu kháng cáo cơ quan BHXH thành phố Hải Phòng không thực hiện đúng các quy định tại Điều 73 của Bộ luật Tố tụng dân sự: BHXH thành phố Hải Phòng được Toà án cấp sơ thẩm xác định tư cách tham gia tố tụng là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Quá trình giải quyết vụ án, BHXH thành phố Hải phòng có quan điểm về nghĩa vụ đóng bảo hiểm bắt buộc của người sử dụng lao động, người lao động tại văn bản số 2123/BHXH -QLT ngày 02 tháng 01 năm 2018 và đơn yêu cầu xét xử vắng mặt là đã thực hiện đúng quy định tại Điều 73 và Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[8] Về các nội dung kháng cáo khác đối với BHXH thành phố Hai Phòng nhưng chưa được toà án cấp sơ thẩm giải quyết nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét.
[9] Từ những phân tích nêu trên, căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 01/2018/LĐ-ST ngày 30/11/2018 của Tòa án nhân dân quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng.
[10] Về án phí lao động sơ thẩm: Anh Nguyễn Văn Ch được miễn án phí lao động sơ thẩm.
[11] Về án phí lao động phúc thẩm: Anh Nguyễn Văn Ch được miễn án phí lao động phúc thẩm; trả lại khoản tiền tạm ứng án phí lao động phúc thẩm anh Nguyễn Văn Ch đã nộp.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào các Điều 32, Điều 35, Điều 39, khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ vào các Điều 123, Điều 124, Điều 125 và Điều 126 của Bộ luật Lao động;
Căn cứ vào Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án,
1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh Nguyễn Văn Ch; giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 01/2018/LĐ-ST ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân quận D, thành phố Hải Phòng:
1.1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Nguyễn Văn Ch về yêu cầu Công ty TNHH ĐV phải truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng cho người lao động là anh Nguyễn Văn Ch tương ứng với thời gian chưa đóng. Buộc Công ty TNHH ĐV phải đóng khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của người lao động là anh Nguyễn Văn Ch cho BHXH thành phố Hải Phòng, cụ thể như sau:
+ Tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của năm 2015: 06 tháng x 3.482.850 đồng x 22% = 4.597.362 đồng.
+ Tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của năm 2016: 12 tháng x 3.932.250 đồng x 22% = 10.381.140 đồng.
+ Tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của năm 2017: 05 tháng x 4.012.000 đồng x 22% = 4.413.200 đồng.
Tổng cộng = 19.391.702 đồng (làm tròn 19.392.000 đồng).
Ngoài số tiền trên, Công ty TNHH ĐV còn phải chịu tiền lãi do chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với lãi suất theo quy định của pháp luật BHXH tương ứng với thời gian chậm đóng. Khoản tiền này được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị.
1.2. Anh Nguyễn Văn Ch phải đóng khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho BHXH thành phố Hải Phòng, cụ thể như sau:
+ Tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp của năm 2015: 06 tháng x 3.482.850 đồng x 10,5% = 2.194.195 đồng.
+ Tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của năm 2016: 12 tháng x 3.932.250 đồng x 10,5% = 4.954.635 đồng.
+ Tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của năm 2017: 05 tháng x 4.012.000 đồng x 10,5% = 2.106.300 đồng.
Tổng cộng = 9.255.130 đồng, làm tròn 9.255.000 đồng (chín triệu, hai trăm hai mươi năm nghìn đồng).
Ngoài số tiền trên, anh Nguyễn Văn Ch còn phải chịu tiền lãi do chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp với lãi suất theo quy định của pháp luật BHXH tương ứng với thời gian chậm đóng. Khoản tiền này được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị.
2. Về án phí lao động sơ thẩm: Anh Nguyễn Văn Ch được miễn nộp án phí lao động sơ thẩm.
3. Về án phí lao động phúc thẩm: Anh Nguyễn Văn Ch được miễn nộp án phí lao động sơ thẩm và phúc thẩm. Trả lại anh Nguyễn Văn Ch 300.000 đồng tạm ứng án phí lao động phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí lệ phí tòa án số AA/2014/0014126 ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chi Cục Thi hành án dân sự quận D, thành phố Hải Phòng.
4. Quyền yêu cầu thi hành án dân sự: Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014, người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014. Thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 04/2019/LĐ-PT ngày 25/03/2019 về tranh chấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động
Số hiệu: | 04/2019/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 25/03/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về