Đại biểu Quốc hội lo đất nước tụt hậu

22/10/2014 09:38 AM

Tại phiên thảo luận tại tổ ngày 21-10, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ nỗi lo lắng đất nước bị tụt hậu và mất cân đối vĩ mô.

Đai biểu Trần Du Lịch, đoàn TPHCM nói: “Việt Nam được xếp dẫn đầu nhóm ASEAN 4 là Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, nhưng trong ba năm gần đây cấp độ phát triển của Việt Nam kém hơn ASEAN 4 rất nhiều.”

Trích báo cáo của Ủy ban Kinh tế, ông Lịch cho biết, trong năm nay Myanmar tăng trưởng 7,6%, Campuchia 7,1%, Lào khoảng 8,2-8,5%. “Trong ba năm gần đây chúng ta đã thua nhóm ASEAN 4”, ông nói.

“Mức tăng trưởng 5,8% năm nay chúng ta hoàn toàn có thể đạt được. Chỉ cần tăng sản lượng khai thác dầu thô là có tăng trưởng thôi. Quí 4 năm nay tăng trưởng có thể vượt ngưỡng 6%, tuy nhiên vượt ngưỡng này thôi chưa thể giúp chúng ta đẩy nhanh công nghiệp hóa, chưa nói chất lượng tăng trưởng rất thấp”, ông Lịch nói thêm.

Tăng trưởng kinh tế cũng là vấn đề đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) hoài nghi: “Tình hình như vậy mà Chính phủ dự báo là vẫn hoàn thành chỉ tiêu GDP thì tôi thấy còn băn khoăn”.

Trích dẫn số liệu của Chính phủ có 53,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, và 51.244 doanh nghiệp phá sản trong 9 tháng năm 2014, ông Vinh nói: “Lấy số mới và giải thể trừ đi thì chỉ còn được 1.281 doanh nghiệp mới thành lập. Con số này là không đáng kể.”

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) lo lắng, năm 2015 Việt Nam dự kiến gia nhập Cộng đồng ASEAN và tham gia TPP song các doanh nghiệp Việt Nam đang vật lộn khó khăn mà chưa để ý đến cơ hội hay thử thách.

“Trong khi các doanh nghiệp của nước ngoài đã tranh thủ sang Việt Nam đầu tư để sắp tới được hưởng lợi từ việc Việt Nam cắt giảm thuế. Một số doanh nghiệp FDI đang dần chiếm lĩnh thị trường bán lẻ”, bà Hường lo lắng.

Bà Hường nói, thu nhập của người dân giảm sút, tâm lý tiết kiệm ngày càng tăng làm sức cầu của nền kinh tế ngày càng thấp. Bên cạnh đó, tâm lý, niềm tin của doanh nghiệp vào thị trường rất thấp.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) lo ngại nợ công liên tục tăng và đã chạm ngưỡng an toàn, và nợ xấu tăng trở lại.

“Chính phủ muốn làm thế nào thì làm, dứt khoát phải giảm nợ công… Nếu nợ công tăng thế này thì an ninh tài chính là nghiêm trọng”, ông Đương nói.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2014, tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ đạt 5,8%, cao hơn 5,42% của năm 2013; và 5,25% của năm 2012.

Tư Hoàng

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,785

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn