Xả rác bừa bãi: Ai phạt?

19/04/2013 08:55 AM

Những hành vi nhan nhản ngoài xã hội hiện nay như vứt rác, đi vệ sinh nơi công cộng... đều nằm trong phạm vi phạt nặng. Tuy nhiên, ai sẽ là người phát hiện và xử phạt thì vẫn đang bỏ lửng.

Bộ Tài nguyên - Môi trường đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị định xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, điểm mới là sẽ tăng gấp nhiều lần mức xử phạt đối với hành vi xả rác thải ra môi trường.

 

Vứt mẩu thuốc lá: Phạt 200.000 đồng

Theo dự thảo, các hành vi xả rác như bỏ mẩu thuốc lá, rác… hoặc vệ sinh cá nhân không đúng quy định tại khu đô thị, khu chung cư, trung tâm thương mại, nơi công cộng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 50.000 - 200.000 đồng. Bỏ rác sinh hoạt không đúng nơi quy định tại các khu vực trên sẽ bị phạt 200.000 - 500.000 đồng, bỏ rác sinh hoạt trên đường phố hoặc hệ thống thoát nước đô thị sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

 

Hành vi chôn hoặc thải vào đất các chất gây ô nhiễm ở thể rắn, chất thải vệ sinh hầm cầu không đúng quy định sẽ bị xử phạt 40 - 60 triệu đồng. Mức phạt từ 60 - 100 triệu đồng sẽ được áp dụng đối với hành vi xả, thải dầu mỡ, hóa chất độc hại, chất thải nguy hại, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại và gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác vào môi trường nước.

 

Hành vi xả rác bừa bãi ven kênh Bến Nghé (quận 1-TPHCM) hiện vẫn chưa bị xử phạt. Ảnh: Tấn Thạnh

 

Hành vi thải mùi hôi thối, khó chịu vào môi trường, làm phát tán hóa chất, hơi dung môi hữu cơ vào khu dân cư có thể bị phạt từ 5-10 triệu đồng. Hành vi xả khí, bụi vượt tiêu chuẩn cho phép có thể bị phạt tới 950 triệu đồng, tùy mức độ và số lần tái phạm. Mức phạt đối với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn có thể 50 - 500 triệu đồng, tùy mức độ vi phạm.

 

Đặc biệt, dự thảo quy định mức xử phạt cao ngất ngưởng đối với hành vi xả khí thải, bụi có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ vượt tiêu chuẩn ra môi trường: 1 tỉ đồng đối với cá nhân, 2 tỉ đồng đối với tổ chức. Riêng ở các TP trực thuộc Trung ương, mức phạt sẽ tăng gấp đôi.

 

Bỏ ngỏ thẩm quyền xử phạt

Trao đổi với báo chí, ông Lương Duy Hanh, Chánh Thanh tra Tổng cục Môi trường, cho biết công chức và lực lượng công an ở cấp xã, phường sẽ xử phạt các hành vi vi phạm nêu trên.

 

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Cừ, Phó Khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật Hà Nội, Nhà nước phải quy định rõ hơn đối tượng nào có thẩm quyền xử phạt vi phạm về môi trường để bảo đảm luật đi vào cuộc sống. “Xử phạt về môi trường thì phải có những cán bộ hiểu biết và có nghiệp vụ sâu về vấn đề môi trường cũng như pháp luật thì mới có lý, có tình được. Nếu đối tượng xử phạt không hiểu hoặc không có bằng cấp về lĩnh vực này thì nhất định chưa thể trao quyền” - TS Cừ nêu quan điểm.

 

Hành vi vứt rác bừa bãi nơi công cộng dự kiến bị phạt đến 1 triệu đồng Ảnh: Tấn Thạnh

 

Ông Cừ cho rằng cán bộ cấp phường, xã không đủ chuyên môn, không biết thế nào ô nhiễm hay không ô nhiễm, độ độc hại của chất thải... nên việc xử phạt sẽ mơ hồ, không thuyết phục và không khả thi.

 

Theo một vị thanh tra của Tổng cục Môi trường, việc quy định đội ngũ có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực môi trường phải phụ thuộc vào Luật Xử phạt vi phạm hành chính và Luật Cán bộ công chức. Ông phân tích: “Chỉ có những cán bộ công chức có thẩm quyền và đang thi hành công vụ mới được lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính. Trong khi đó, hiện nay, thường chỉ có cán bộ địa chính kiêm nhiệm vụ này vì không có đội ngũ chuyên môn về lĩnh vực môi trường ở cấp xã. Chưa kể việc đội ngũ này hiện nay vừa thiếu về biên chế vừa yếu về chuyên môn”.

 

Đại diện Thanh tra Tổng cục Môi trường thừa nhận hiện nay, do đang có khoảng trống trong quy định về cán bộ công chức cấp phường, xã nên dự thảo nghị định chưa thể hoàn thiện về quy định đối tượng được phép xử phạt hành vi vi phạm môi trường. “Hiện không có cán bộ tương ứng cấp phường, xã để xử phạt nên dự thảo luật đang bỏ ngỏ nội dung này. Sau này, bộ sẽ tính đến phương án kiến nghị sửa đổi để thống nhất giữa Luật Xử phạt vi phạm hành chính và Luật Cán bộ công chức” - vị này nói.

 

Phạt trên giấy!

 

Theo ông Hoàng Văn Vy, Phó Chánh Thanh tra Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường, việc nâng mức xử phạt lên gấp nhiều lần so với Nghị định 117 trước đây là nhằm bảo đảm tính răn đe. Tuy nhiên, không có lực lượng, công cụ xử phạt các hành vi xả thải gây ô nhiễm ra môi trường thì mức phạt có thể rất cao song vẫn chỉ nằm trên giấy bởi không biết ai vi phạm và cũng chẳng có người phát hiện để xử phạt

 

Phương Nhung

Theo Người lao động 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,457

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn