Các quyết định giảm lãi suất được công bố tại cuộc họp báo diễn ra ở trụ sở Ngân hàng Nhà nước sáng nay. Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cùng lãnh đạo các ngân hàng lớn nhất trên thị trường đều có mặt.
Theo quyết định được công bố, các loại lãi suất cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu và cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng đều giảm 1%, lần lượt về 7%, 5% và 8% một năm.
Đồng thời, trần lãi suất cho vay ngắn hạn với khách hàng vay ở một số lĩnh vực ưu tiên giảm từ 11% về 10%. Ngân hàng Nhà nước cho biết đây chỉ là mức tối đa, bản thân các ngân hàng thương mại có thể tự cân nhắc điều chỉnh xuống thấp hơn tùy theo giá vốn, khả năng thanh khoản, chiến lược kinh doanh của từng ngân hàng.
Các quyết định có hiệu lực từ thứ hai 13/5.
Ngay tại buổi họp, Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến truyền đạt lời hiệu triệu của Thống đốc Nguyễn Văn Bình về việc đưa lãi suất các khoản vay cũ về dưới 13%.
Có mặt tại họp báo, lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết sẽ quyết định giảm lãi suất xuống 13% cho tất cả các kỳ hạn, ngay từ 13/5.
Riêng về trần lãi suất tiết kiệm, Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết chưa hạ.
Theo Vụ trưởng Chính sách Tiền tệ Nguyễn Thị Hồng, lạm phát năm nay dự kiến khoảng 6,5-7%, do đó trần lãi suất 7,5% hiện nay là phù hợp và đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền.
"Các ngân hàng thương mại cũng nói rằng mức trần lãi suất đã trở về năm 2004, 2007. 7,5% là phù hợp", bà Hồng nói thêm.
Trước đó, đầu tuần, Vietcombank đã "mở hàng" cho đợt giảm lãi suất khi công bố mức lãi suất huy động kỳ hạn một tháng còn 6%. Ngay sau đó, 3 "ông lớn" quốc doanh là BIDV, Vietinbank và Agribank cũng tiếp bước giảm lãi suất. Làn sóng đón đầu hạ lãi suất cũng lan đến các ngân hàng cổ phần từ 9/5 khi Ngân hàng Quân đội cũng công bố mức lãi suất mới 7% thay vì 7,5%.
Thanh Thanh Lan
Theo Ebank - VnExpress