Công văn 1042: sai từ hình thức đến nội dung

22/08/2013 14:25 PM

(TVPL) - Việc công văn số 1042/C67-P3 chỉ đạo các chiến sỹ CSGT "tăng cường cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ" với hành vi quay phim chụp ảnh đang là một đề tài gây bức xúc trong dư luận.

Tuy nhiên chỉ cần một vài phân tích sơ qua cũng đủ thấy công văn này mắc nhiều sai sót nghiêm trọng, từ hình thức cho đến nội dung

Về hình thức, công văn sử dụng những câu chữ không rõ nghĩa, chẳng hạn như "tư thế, lễ tiết, tác phong theo quy định tại Thông tư 65, Thông tư 66, Thông tư 45 của Bộ Công an”; “Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản”, “chưa được phép đồng ý”,…

Việc nêu tên các thông tư như trên mà không nói rõ năm bàn hành thì chưa đủ cơ sở để xác định đó là văn bản nào, vì số hiệu thông tư phải thể hiện đầy đủ số thứ tự, năm ban hành, cơ quan ban hành, VD: 65/2012/TT-BCA.

Đối với câu “tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản” thì không rõ chỉ đạo này muốn các chiến sỹ tập hợp cái gì? Tập hợp người vi phạm, tập hợp các hành vi vi phạm (?) để gửi cho cơ quan chủ quản?

Tương tự, cụm từ “chưa được phép đồng ý” cũng là một cụm từ rất tối nghĩa về ngữ pháp.

Về nội dung, việc quy định “quay phim chụp ảnh hoạt động TTKS, XLVP khi chưa được phép đồng ý của Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ”  thì phải “kiên quyết đấu tranh làm rõ” thì hóa ra Bộ đang cho rằng việc quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm thì phải xin phép và được sự đồng ý của CSGT?

Đây chính là điểm sai sót nghiêm trọng nhất của công văn này. Nó vừa đi ngược lại với các quy định tại Luật báo chí, vừa ngược với chỉ đạo của Bộ công an về việc nâng cao hiệu lực công tác, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Đối với người dân bình thường, việc quay phim chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ là điều hợp pháp, vì đây là việc đại diện cho cơ quan nhà nước thi hành quyền lực của mình chứ không phải bí mật đời tư nên không cần phải xin phép trước khi quay phim, chụp ảnh.

Mặt khác, đối với việc “Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản”, thì liệu đây có phải là chức năng nhiệm vụ của lực lượng CSGT đang tuần tra kiểm soát?

Bên cạnh đó, Cục Kiểm tra văn bản – Bộ tư pháp cũng đã có báo cáo nhanh cho rằng các nội dung trong công văn này thậm chí còn không thuộc thẩm quyền quy định của lãnh đạo C67.

Như vậy, dù công văn 1042 chỉ mang tính chỉ đạo cho lực lượng trong ngành, không có giá trị áp dụng với các đối tượng khác, nhưng với những lỗi sai nghiêm trọng như vậy thì có cần được bãi bỏ hay không, hay chỉ cần giải thích rằng “dư luận đang hiểu sai” là xong chuyện?

Đình Phước

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 18,772

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn