Hiệp định TPP 05/10/2015 09:17 AM

Những bất lợi ở thị trường nội địa khi Việt Nam thực hiện TPP

05/10/2015 09:17 AM

Sau đây là những bất lợi ở thị trường nội địa khi Việt Nam thực hiện Hiệp định TTP:

1. Bất lợi từ việc giảm thuế quan đối với hàng hóa từ các nước đối tác TPP

Việc phải cam kết giảm thuế đối với phần lớn các nhóm mặt hàng từ các nước đối tác TPP dự kiến sẽ gây ra 02 bất lợi trực tiếp, bao gồm:

- Việc giảm thu ngân sách từ thuế nhập khẩu sau khi thực hiện TPP là hệ quả chắc chắn và trực tiếp. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng lượng thất thu từ thuế nhập khẩu của Việt Nam từ các đối tác TPP không thật sự lớn so với hiện trạng (do phần lớn các đối tác trong TPP đã có FTA với Việt Nam và do đó chúng ta đã và sẽ phải cắt giảm thuế theo các FTA này mà không phải chờ đến TPP). Và do đó tác động bất lợi này không phải là quá nghiêm trọng.

- Giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn. Hệ quả tất yếu là thị phần hàng hóa liên quan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Đây là thực tế đã từng xảy ra khi chúng ta thực hiện các FTA đã ký mà đặc biệt là ACFTA với Trung Quốc. Nguy cơ này đặc biệt nguy hiểm đối với nhóm hàng nông sản, vốn gắn liền với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong hội nhập là nông dân và nông thôn. Tuy vậy, các ý kiến lạc quan lại cho rằng trong trường hợp cụ thể của TPP, cái “mất” này có thể không phải là quá nghiêm trọng, ví dụ với đối tác Hoa Kỳ, hàng hóa của Hoa Kỳ có phân khúc và khách hàng khác với hàng hóa tương tự của Việt Nam, vì vậy đối với một số ngành, cạnh tranh đến từ hàng hóa Hoa Kỳ sẽ không quá nguy hiểm. Theo cách hiểu này, thị phần nội địa có thể sẽ bị phân chia lại sau TPP, nhưng là giữa các đối thủ Hoa Kỳ với những đối thủ nước ngoài khác trên thị trường Việt Nam chứ không phải là với các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, cạnh tranh trong thị trường hàng hóa nội địa cũng là sức ép tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tự thích nghi, điều chỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. 

TPP

2. Bất lợi từ việc mở cửa các thị trường dịch vụ

Dịch vụ là mảng hoạt động thương mại mà mức độ mở cửa thị trường của Việt Nam là hạn chế và dè dặt nhất. So với cách thức đàm phán chọn-cho của WTO, phương pháp chọn-bỏ dự kiến trong đàm phán TPP sẽ khiến cho bức tranh mở cửa dịch vụ của Việt Nam đối với các đối tác TPP thay đổi mạnh mẽ. 
Đây cũng chính là điểm được suy đoán là sẽ tạo ra bất lợi lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia TPP. Với TPP, sự tham gia mạnh mẽ và tự do hơn của các nhà cung cấp có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm lâu năm, có ưu thế về dịch vụ trên thế giới (đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ) có thể khiến cho các đơn vị cung cấp dịch vụ của Việt Nam gặp khó khăn nghiêm trọng.

Tuy nhiên, kịch bản thực tế có thể không toàn bất lợi như vậy. Cụ thể cạnh tranh có thể là động lực để các doanh nghiệp tự đổi mới và nâng cao năng lực để phát triển tốt hơn. Cạnh tranh cũng giúp xóa những đơn vị sản xuất yếu kém, không thích hợp với tình hình mới (đây cũng là điều nên xảy ra, dù rằng Việt Nam chưa quen với tình trạng phá sản của các doanh nghiệp yếu kém). Ngoài ra, không thể không nhắc tới những khả năng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác từ TPP để cùng phát triển. Mở cửa thị trường cũng là cơ hội để thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ, đặc biệt các ngành cần vốn và công nghệ quản lý cao. Đây có thể là cơ sở để phát triển nhiều ngành dịch vụ ở Việt Nam trong tương lai.

3. Bất lợi từ việc thực thi các yêu cầu cao liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Hoa Kỳ là đối tác có tiếng là cứng rắn trong những vấn đề liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cả trong WTO lẫn trong các FTA của nước này. Đối với TPP, vấn đề này cũng đã được Hoa Kỳ thể hiện tương đối rõ ràng (với mong muốn đạt được TRIPS + trong lĩnh vực này).

Tuy nhiên, đây lại là vấn đề lớn đối với Việt Nam trong hoàn cảnh thực tế vi phạm còn lớn và các thiết chế bảo hộ còn thiếu hiệu quả. Việc bảo hộ chặt chẽ các quyền sở hữu trí tuệ cũng sẽ dẫn tới những khó khăn trước mắt cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam (khi phải bỏ vốn nhiều hơn cho những sản phẩm thuộc loại này) và người tiêu dùng (khi phải trả giá đắt hơn cho dản phẩm).

Tuy nhiên, về vấn đề này, cũng cần nhận thức đầy đủ rằng tình trạng hiện tại cần thay đổi dần dần để chấm dứt trong tương lai nếu Việt Nam muốn có một nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa (bởi bảo hộ tốt quyền sở hữu trí tuệ là động lực để phát triển sáng tạo ở Việt Nam và thu hút đầu tư công nghệ cao làm cơ sở cho hiện đại hóa). Do vậy thực hiện TRIPS và TRIPS + trong tương lai là có lợi cho Việt Nam, và vì thế cần xem đây như là một cơ hội tốt để thúc đẩy công việc khó khăn này ở Việt Nam.

Tuy nhiên, việc thực hiện ngay và toàn bộ các yêu cầu ở mức TRIPS + là không khả thi đối với chúng ta. Vì vậy sẽ rất tốt nếu Cơ quan đàm phán có thể chấp nhận những yêu cầu tương đối cao về sở hữu trí tuệ trong TPP nhưng với các điều kiện tiên quyết như:

+ Lộ trình thực hiện dài;

+ Có sự hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để thực thi (Việt Nam cũng đang phải nhận sự hỗ trợ kỹ thuật từ nhiều nguồn để thực hiện yêu cầu trong lĩnh vực này theo TRIPS của WTO);

+ Có những ngoại lệ thích hợp (riêng đối với trường hợp này, Việt Nam có thể dựa vào những xu hướng đang lên hiện nay trên thế giới liên quan đến vấn đề tăng cường bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng liên quan đến dược phẩm, bảo vệ sức khỏe… trước những yêu cầu về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực này).

4. Bất lợi từ việc thực thi các yêu cầu cao về môi trường, lao động, cạnh tranh… và các ràng buộc mang tính thủ tục khi ban hành các quy định liên quan đến rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ...

Các kết quả đàm phán FTA của Hoa Kỳ trong giai đoạn gần đây cho thấy nước này nhấn mạnh việc tuân thủ các yêu cầu cao về môi trường (theo một danh mục tương đối dài các công ước quốc tế về môi trường), lao động (tiêu chuẩn ILO) hay các ràng buộc nhiều hơn về mặt thủ tục khi ban hành hay thực thi các quy định về cạnh tranh, phòng vệ thương mại, TBT, SPS (theo hướng tăng cường thủ tục tham vấn trao đổi trước khi ban hành quy định/biện pháp, quyền tiếp cận tư pháp để giải quyết vướng mắc…)…  Các đối tác phát triển như Úc, New Zealand khá quan tâm đến các vấn đề này. Hiệp định P4 (tiền thân của TPP) cũng bao gồm các quy định liên quan. Vì vậy khả năng TPP tương lai có thể bao trùm các lĩnh vực này là tương đối lớn.

Một mặt, việc tổ chức thực hiện các yêu cầu này sẽ là một gánh nặng lớn đối với Nhà nước (trong việc gia nhập các công ước liên quan, sửa đổi quy định pháp luật nội địa, xây dựng các cơ chế, thủ tục ban hành thực thi mới…). Việc thực thi cũng tao ra nhiều chi phí cho doanh nghiệp để thực thi (ví dụ như thay đổi công nghệ nuôi trồng – sản xuất, thay đổi nguồn cung nguyên vật liệu, bổ sung cơ chế kiểm soát…). Ngoài ra, có những vấn đề thuộc về thể chế không dễ thay đổi (như quyền lập hội, quyền đàm phán tập thể…).

Mặt khác, thực hiện các cam kết dạng này sẽ là cơ hội tốt để chúng ta cải thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là từ góc độ phát triển bền vững (môi trường), vì quyền con người (lao động), minh bạch hóa và cải cách hành chính (các vấn đề còn lại). Từ góc độ này, những lợi ích mà việc thực hiện những cam kết này mang lại có thể là rất lớn và có giá trị lâu dài (vượt xa những chi phí bỏ ra để tổ chức thực hiện các yêu cầu này).

Vì vậy không phải tất cả các vấn đề này đều sẽ là khó khăn cho phía Việt Nam. Với việc tính đến những lợi ích mà các cam kết này có thể mang lại cho chúng ta, cần cân nhắc phương án đàm phán thích hợp sao cho đối tác có thể chấp nhận những “mức độ cam kết” mà Việt Nam có thể chịu đựng được. Theo nhiều chuyên gia thì để có được kết quả đàm phán có lợi về những vấn đề này cần lưu ý:

- Thứ nhất, Việt Nam cần thuyết phục được các đối tác rằng chúng ta đã có rất nhiều tiến bộ trong các lĩnh vực về môi trường và lao động. Và vì vậy việc chưa thể đạt được các yêu cầu/tiêu chuẩn cao về môi trường không phải do Việt Nam không mong muốn như vậy mà là do khả năng hiện tại chưa thể đáp ứng. Với những thuyết phục như vậy, việc yêu cầu tiêu chuẩn thấp hơn hoặc lộ trình áp dụng dài hơn và/hoặc những hỗ trợ kỹ thuật để triển khai là khả thi hơn nhiều.

+ Thứ hai, Việt Nam cần chủ động chấp nhận trước những yêu cầu về môi trường và lao động mà Việt Nam hiện có thể đáp ứng được (không giữ quan điểm bảo thủ trong toàn bộ vấn đề). Ví dụ, theo nhiều doanh nghiệp, hiện nay họ đã đang đáp ứng nhiều tiêu chuẩn về lao động liên quan đến loại bỏ lao động cưỡng bức, cấm lao động trẻ em, cấm phân biệt đối xử trong tuyển dụng và sử dụng lao động, đảm bảo quyền tiếp cận công lý trong thực thi pháp luật lao động…. theo yêu cầu của khách hàng, và vì vậy việc các tiêu chuẩn này được áp dụng chung cũng sẽ không gây ra khó khăn hay bất cập lớn cho những doanh nghiệp này và cả những doanh nghiệp khác (nếu họ làm được thì suy đoán là các doanh nghiệp khác cũng có thể cố gắng để thực hiện được).

5. Bất lợi từ việc mở cửa thị trường mua sắm công

Mua sắm công là một vấn đề phức tạp và hiện vẫn đang là lĩnh vực tương đối đóng đối với tự do thương mại. Trong WTO, Hiệp định về mua sắm công có sự tham gia của một số lượng rất hạn chế các nước và mặc dù bị Hoa Kỳ kêu gọi hoặc thúc ép, nhiều nước vẫn giữ quan điểm thận trọng đối với lĩnh vực này . Trong TPP, có nhiều ý kiến cho rằng Hoa Kỳ sẽ lại đưa ra yêu cầu này cho các đối tác tham gia đàm phán (ví dụ bằng việc yêu cầu các đối tác TPP tham gia Hiệp định về mua sắm công của WTO hoặc đưa các quy định của Hiệp định này vào TPP).

Đối với Việt Nam, việc mở cửa thị trường mua sắm công theo cách này có được suy đoán là sẽ gây ra những tác động bất lợi (với những lo ngại tương tự như lo ngại của nhiều nước về sự “tấn công” của các nhà cung cấp nước ngoài khiến doanh nghiệp nội địa không cạnh tranh nổi trong các vụ đấu thầu lớn) trong khi khả năng Việt Nam tiếp cận được với thị trường mua sắm công của các đối tác TPP là hầu như không có (do hạn chế về năng lực cạnh tranh).

Tuy nhiên, cũng cần có nhìn nhận tích cực hơn về vấn đề này. Cụ thể, việc mở cửa thị trường mua sắm công có thể mang lại những lợi ích nhất định trong hoàn cảnh riêng của Việt Nam:

- Có thể là cơ hội để minh bạch hóa thị trường này (hiện nay mặc dù đã có Luật đấu thầu cùng các văn bản liên quan nhưng mua sắm công vẫn là lĩnh vực còn rất nhiều bất cập phát sinh từ việc thiếu minh bạch trong các quy trình liên quan – vì vậy các yêu cầu minh bạch hóa về mua sắm công có thể giúp giải quyết một phần những bất cập này);

- Có thể là biện pháp tốt để cải thiện các điều kiện mua sắm công từ đó có thể lựa chọn được các nhà cung cấp (dịch vụ, hàng hóa) tốt hơn (điều này có thể có lợi trong hoàn cảnh hầu hết các công trình lớn của Việt Nam hiện nay được thực hiện bởi nhà thầu Trung Quốc với chất lượng hạn chế).
Vì vậy có lẽ đối với vấn đề này, Việt Nam cũng nên có quan điểm tích cực trong việc chấp nhận mở cửa thị trường mua sắm công ở mức độ thích hợp và với lộ trình thích hợp.

Theo Ủy ban tư vấn về CSTMQT

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 34,483

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]