Tổng hợp những điều cần biết về tiền lương

26/05/2015 11:35 AM

Mức lương thấp nhất Doanh nghiệp phải trả cho người lao động là bao nhiêu? Nếu làm thêm ban đêm, ngày lễ thì lương tính sao? Trả lương trễ có được không?...Đó là những vướng mắc thường gặp của người lao động và bài viết này sẽ trả lời những câu hỏi đó:

Căn cứ pháp lý:

>> Bộ Luật Lao động 2012

>> Nghị định 05/2015/NĐ-CP

>> Nghị định 103/2014/NĐ-CP

1. Lương tối thiểu vùng

Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:

- Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động chưa qua đào tạo làm công việc giản đơn nhất;

- Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề. 

Mức lương tối thiểu vùng từ 2015 như sau:

- 3.100.000 đồng/tháng đối với vùng I.

- 2.750.000 đồng/tháng đối với vùng  II.

- 2.400.000 đồng/tháng đối với vùng III.

- 2.150.000 đồng/tháng đối với vùng IV.

Dự kiến sang năm 2016 sẽ tăng mức lương tối thiểu vùng này.

2.Lương thử việc & Lương chính thức

Tiền lương chính thức là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận tuy nhiên không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng trên.

Tiền lương thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó (ít nhất bằng 85% lương tối thiểu vùng).

VD: Lương tối thiểu vùng tại các Thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đồng Nai, một số quận huyện của Hà Nội, Hải Phòng là 3.100.000 đồng. Như vậy, lương chính của người lao động tại các vùng này ít nhất bằng 3.100.000 đồng và lương thử việc tối thiểu là 2.635.000 đồng.

4. Trả lương chậm từ 15 ngày trở lên phải trả thêm tiền

Số tiền này bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

 Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.

5. Lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm, làm thêm ngày lễ

Tiền lương làm thêm căn cứ theo đơn giá tiền lương hay tiền lương theo công việc đang làm như sau:

- Ngày thường: ít nhất 150%.

- Ngày nghỉ hàng tuần: ít nhất 200%.

- Ngày lễ, tết: hưởng ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

- Làm việc ban đêm: ít nhất 30%, nếu làm thêm vào ban đêm vào những ngày trên thì ngoài khoản này được trả thêm 20%.

6. Thanh toán tiền lương phép năm chưa nghỉ

Người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ.

Lưu ý: Cách tính bằng bình quân tiền lương theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người sử dụng lao động tính trả tiền chưa nghỉ phép hàng năm chia cho số ngày làm việc bình thường của tháng trước liền kề trước thời điểm tính, nhân với số ngày chưa nghỉ.

Trang Nguyễn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 81,751

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn